Từ Chiến tranh Nga-Ukraine nhìn về thẩm quyền của Tòa án Hình sự Quốc tế

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Hồ Nhân Ái

I. TỔNG QUAN

Tòa án hình sự quốc tế (International Criminal Court – ICC) được thành lập trên cơ sở Quy chế Rome năm 1998, nhằm hướng đến truy cứu trách nhiệm hình sự đối với 4 nhóm tội phạm: tội xâm lược, tội phạm chiến tranh, tội ác chống loài người và tội phạm diệt chủng. Về mặt nguyên tắc, các hành vi phạm tội do các cá nhân (hoặc tổ chức) tiến hành trên phạm vi một lãnh thổ quốc gia nhất định, do đó nó thuộc thẩm quyền truy cứu của quốc gia đó. Tuy nhiên, do những đặc điểm đặc trưng của 4 nhóm tội phạm này (có liên quan mật thiết với chính quyền và những người đứng đầu trong bộ máy nhà nước) cho nên trong nhiều trường hợp việc truy cứu trách nhiệm hình sự gặp phải những rào cản và khó khăn nhất định. Do đó, việc thành lập ICC nhằm mục đích bổ trợ cho hệ thống tư pháp quốc gia trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm và tránh bỏ lọt người phạm tội. Hay nói cách khác, hoạt động của ICC không nhằm ‘tranh giành’ thẩm quyền xét xử các tội phạm hình sự của các tòa án quốc gia, mà nó chỉ tham gia khi các quốc gia ‘không thể’ hoặc ‘không muốn’ xét xử các tội thuộc 4 nhóm tội phạm nói trên. Trên cơ sở các hoạt động quân sự hiện tại mà Nga tiến hành nhằm chống lại Ukraine, một quốc gia có độc lập và chủ quyền, và dựa vào các quy định của pháp luật quốc tế, bài viết này hướng tới làm rõ các hành vi cấu thành tội phạm xâm lược và tội phạm chiến tranh chứa đựng trong chiến dịch quân sự này.

II. TỘI PHẠM XÂM LƯỢC

 Theo điều 1, Nghị quyết số 3314 ngày 14/12/1974 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, thì xâm lược là vic mt quc gia s dng lc lượng vũ trang nhm chng li ch quyn, toàn vn lãnh th hay s độc lp v chính tr ca mt quc gia hoc mt liên minh các quc gia khác, hoặc theo những cách khác trái với Hiến chương Liên Hợp Quốc”.

Trên cơ sở đó, pháp luật của các nước cũng cụ thể hóa hành vi xâm lược trong quan hệ quốc tế. Chẳng hạn, theo khoản 7 Điều 2 Luật Quốc phòng Việt Nam 2018, “Xâm lược là hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc bằng cách sử dụng lực lượng vũ trang hoặc cách thức khác trái với pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế”

Theo khoản 1, Điều 8bis, Quy chế Rome 1998 về Tòa án hình sự quốc tế (ICC), …”Tội phạm xâm lược có nghĩa là lập kế hoạch, chuẩn bị, bắt đầu hoặc thực hiện, bởi một người ở một vị trí có thẩm quyền để thực hiện quyền kiểm soát hoặc chỉ đạo các hành động chính trị hoặc quân sự của một Quốc gia, hành động xâm lược mà xét theo đặc tính, mức độ nghiêm trọng và quy mô của nó, tạo thành một sự vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc”.

Tiếp đó, khoản 2, Điều 8bis của Quy chế Rome 1998 về Tòa án hình sự quốc tế có định nghĩa lại hành vi xâm lược trên cơ sở định nghĩa của Nghị quyết 3314 nói trên. Đồng thời, khoản 2 Điều 8bis cũng xác định cụ thể các hành vi bị coi là xâm lược, bao gồm nhưng không giới hạn trong các hành vi sau:

    1. Sử dụng lực lượng vũ trang chiếm đóng hoặc tấn công lãnh thổ của Quốc gia khác, hoặc bất kỳ hành vi chiếm đóng quân sự nào, dù là tạm thời, xuất phát từ sự xâm lược hoặc tấn công đó, hoặc bất kỳ sự sáp nhập lãnh thổ hoặc một phần lãnh thổ của Quốc gia khác bằng cách sử dụng vũ lực;
    2. Sử dụng lực lượng vũ trang bắn phá vào lãnh thổ quốc gia khác, hoặc sử dụng bất kỳ vũ khí nào chống lại lãnh thổ quốc gia khác;
    3. Phong tỏa hải cảng hay bờ biển của quốc gia khác bằng lực lượng vũ trang;
    4. Sử dụng lực lượng vũ trang tấn công các lực lượng hải lục không quân, hoặc tầu ngầm hay hạm đội của quốc gia khác;
    5. Sử dụng lực lượng vũ trang trong lãnh thổ quốc gia khác theo thỏa thuận, mà không tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận hoặc mở rộng sự hiện diện trong vùng lãnh thổ đó vượt quá thỏa thuận;
    6. Cho phép quốc gia khác sử dụng lãnh thổ của mình để xâm lược nước thứ ba;
    7. Dưới danh nghĩa quốc gia, gửi hoặc cùng gửi các băng nhóm vũ trang, không chính quy hoặc đánh thuê, để thực hiện các hành động của lực lượng vũ trang chống lại quốc gia khác ở mức độ đủ nghiêm trọng như những hành động đã nêu trên, hoặc sự can dự của họ ở đó được coi là đáng kể.

Nếu đối chiếu định nghĩa và các đặc điểm cấu thành của tội xâm lược theo quy định của pháp luật quốc tế với hành động quân sự của Nga ở Ukraine trong gần hai tháng qua, rõ ràng các hành động của quân đội Nga đã cấu thành tội xâm lược. Trong trường hợp này, ông Putin, các quan chức và tướng lĩnh trực tiếp tổ chức và chỉ huy cuộc chiến là những cá nhân phạm tội xâm lược, tức là có thể thuộc phạm vi thẩm quyền xét xử của ICC.

III. TỘI PHẠM CHIẾN TRANH

Khoản 2, Điều 8 Quy chế Rome 1998 đã liệt kê một loạt các hành vi cấu thành tội phạm chiến tranh, bao gồm:

(1) Những vi phạm nghiêm trọng các Công ước Geneva 12/8/1949, cụ thể là bất kỳ hành vi nào chống lại người hay tài sản được bảo hộ theo các quy định của Công ước Geneva liên quan sau đây:

(i) Cố ý giết người;

(ii) Tra tấn hoặc đối xử vô nhân đạo, kể cả những thí nghiệm sinh học;

(iii) Cố ý gây đau đớn hoặc tổn thương nghiêm trọng cho thân thể hoặc sức khỏe;

(iv) Hủy hoại và chiếm đoạt nhiều tài sản không vì yêu cầu quân sự và được thực hiện một cách bất hợp pháp và bừa bãi;

(v) Buộc tù binh chiến tranh hoặc những người được bảo hộ khác phải phục dịch trong quân đội của bên đối địch;

(vi) Cố ý tước đoạt quyền được xét xử công bằng và hợp thức của tù binh hoặc những người được bảo hộ khác;

(vii) Trục xuất, chuyển giao hoặc giam giữ bất hợp pháp;

(viii) Bắt giữ con tin.

(2) Những hành vi khác vi phạm nghiêm trọng luật pháp và tập quán được áp dụng trong xung đột vũ trang có tính quốc tế trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, cụ thể là:

(i) Cố ý tấn công vào cộng đồng dân cư hoặc những thường dân không trực tiếp tham gia chiến sự;

(ii) Cố ý tấn công vào các mục tiêu dân sự, nghĩa là các mục tiêu phi quân sự;

(iii) Cố ý tấn công vào nhân viên, kho thiết bị, vật tư, các đơn vị, phương tiện giao thông tham gia trợ giúp nhân đạo hoặc sứ mệnh gìn giữ hòa bình theo Hiến chương Liên Hợp Quốc miễn là những đối tượng này được hưởng bảo hộ như thường dân và các mục tiêu dân sự theo luật quốc tế về xung đột vũ trang;

(iv) Cố ý mở cuộc tấn công mặc dù biết rằng cuộc tấn công đó có khả năng gây thương vong cho thường dân hoặc gây hư hại cho các mục tiêu dân sự hoặc làm tổn hại trên diện rộng, lâu dài và nghiêm trọng cho môi trường tự nhiên mà rõ ràng vượt quá mức cần thiết để đạt được ưu thế quân sự dự kiến;

(v) Tấn công hoặc bắn phá, bằng bất kỳ phương tiện nào, các thành phố, làng mạc, nhà cửa hoặc công trình xây dựng không được bảo vệ và không phải là mục tiêu quân sự;

(vi) Giết hoặc làm bị thương binh sỹ đã hạ vũ khí hoặc không còn phương tiện tự vệ và đã tự nguyện đầu hàng;

(vii) Sử dụng sai cờ ngừng bắn, cờ hoặc phù hiệu và đồng phục của quân địch hoặc của Liên Hợp Quốc, cũng như các biểu tượng phân biệt của các Công ước Geneva, gây chết người hoặc thương tích nghiêm trọng;

(viii) Lực lượng chiếm đóng trực tiếp hay gián tiếp di dời các bộ phận dân cư của mình đến vùng lãnh thổ đang chiếm đóng, hoặc trục xuất hay di dời toàn bộ hay các bộ phận dân cư của lãnh thổ bị chiếm đóng trong phạm vi hoặc ra ngoài phạm vi lãnh thổ đó;

(ix) Cố ý tấn công vào các tòa nhà được sử dụng cho mục đích tôn giáo, giáo dục, nghệ thuật, khoa học, từ thiện, các tượng đài lịch sử, bệnh viện, và những nơi tiếp nhận người ốm, người bị thương, với điều kiện đó không phải là các mục tiêu quân sự.

(x) Đưa người của bên đối địch ra để cắt xẻo cơ thể hoặc để tiến hành thí nghiệm y học hay khoa học dưới bất kỳ hình thức nào mà không thể coi là điều trị y tế, nha khoa hay bệnh viện cho người đó cũng như không phải vì lợi ích của người đó, và gây chết người hoặc nguy hiểm nghiêm trọng cho sức khỏe của họ;

(xi) Lừa dối giết hoặc gây thương tích cho những người thuộc quốc gia hay quân đội đối địch;

(xii) Tuyên bố tuyệt diệt;

(xiii) Hủy hoại hoặc chiếm giữ tài sản của kẻ thù, trừ phi việc đó là do yêu cầu cấp bách của chiến tranh;

(xiv) Tuyên bố hủy bỏ, đình chỉ hoặc không chấp nhận tại tòa án các quyền và hành vi của công dân bên đối địch;

(xv) Buộc công dân bên đối địch tham gia các hoạt động chiến tranh chống lại chính đất nước họ cho dù họ đã phục vụ quân đội của nước tham chiến trước khi bắt đầu chiến tranh;

(xvi) Cướp bóc một thành phố hoặc địa điểm kể cả khi chiếm được nơi đó bằng tấn công;

(xvii) Sử dụng chất độc hoặc vũ khí có chất độc;

(xviii) Sử dụng hơi ngạt, hơi độc hoặc các loại khí khác, cũng như các loại chất láng, chất liệu hoặc phương tiện tương tự khác;

(xix) Sử dụng đầu đạn có khả năng giãn nở hay dàn máng trong cơ thể con người, như đầu đạn có vỏ bọc cứng không phủ kín lõi hoặc được khía thủng thành các rạch;

(xx) Sử dụng vũ khí, đạn phóng, vật liệu và các phương pháp chiến tranh có thể gây tổn thương vô ích hoặc đau đớn không cần thiết hoặc vốn là sự vi phạm bừa bãi pháp luật quốc tế về xung đột vũ trang, miễn là những vũ khí, đạn phóng, vật liệu và phương pháp chiến tranh đó bị cấm hoàn toàn và được ghi trong phụ lục của Quy chế này bằng một văn bản sửa đổi phù hợp với các quy định liên quan tại các Điều 121 và 123;

(xxi) Xúc phạm nhân phẩm, cụ thể là sự đối xử mang tính làm nhục và hạ thấp nhân cách;

(xxii) Hiếp dâm, bắt làm nô lệ tình dục, cưỡng ép mại dâm, ép buộc mang thai như quy định tại Điều 7 khoản 2 (f), cưỡng ép triệt sản hoặc bất kỳ hình thức bạo lực tình dục nào khác cấu thành hành vi vi phạm nghiêm trọng các Công ước Geneva;

(xxiii) Sử dụng sự có mặt của thường dân hoặc những người được bảo hộ khác để tránh các hoạt động quân sự cho các vị trí, khu vực hoặc lực lượng quân đội nhất định;

(xxiv) Cố ý tấn công vào các tòa nhà, vật tư, đơn vị y tế, phương tiện vận chuyển và nhân viên mang biểu tượng phân biệt của các Công ước Geneva phù hợp với luật pháp quốc tế;

(xxv) Cố ý sử dụng nạn đói của dân thường như một phương pháp tiến hành chiến tranh bằng cách tước đi của họ những thứ thiết yếu nhất cho sự sống, kể cả việc cố ý ngăn chặn hàng cứu trợ như được quy định trong các Công ước Geneva.

(xxvi) Cưỡng ép hoặc tuyển mộ trẻ em dưới 15 tuổi vào lực lượng vũ trang quốc gia hoặc dùng những trẻ em đó tích cực tham gia chiến sự.

(3) Những vi phạm nghiêm trọng Điều 3 chung của các Công ước Geneva ngày 12/8/1949 trong trường hợp xung đột vũ trang không mang tính quốc tế, cụ thể là bất kỳ hành vi nào được thực hiện nhằm vào những người không tham gia tích cực vào chiến sự, kể cả các binh sĩ đã hạ vũ khí và những người bị loại khỏi vòng chiến đấu do bị ốm, bị thương, bị giam giữ hay vì bất kỳ lý do nào khác sau đây:

(i) Xâm phạm đến tính mạng và thân thể, cụ thể là giết người dưới mọi hình thức, gây thương tật, đối xử tàn ác và tra tấn;

(ii) Xúc phạm nhân phẩm, cụ thể là sự đối xử mang tính làm nhục và hạ thấp nhân phẩm;

(iii) Bắt giữ con tin;

(iv) Thông qua bản án và thi hành hình phạt mà không có phán quyết trước đó của một tòa án được thành lập hợp thức có đủ những bảo đảm tư pháp được thừa nhận là không thể thiếu.

 (4) Những hành vi khác vi phạm nghiêm trọng luật và tập quán áp dụng trong xung đột vũ trang không mang tính quốc tế, trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, cụ thể là bất kỳ hành vi nào sau đây:

(i) Cố ý tấn công vào cộng đồng dân cư hoặc những thường dân không trực tiếp tham gia chiến sự;

(ii) Cố ý tấn công vào các tòa nhà, vật tư, đơn vị y tế, phương tiện vận chuyển và nhân viên mang biểu tượng phân biệt của các Công ước Geneva phù hợp với luật pháp quốc tế;

(iii) Cố ý tấn công vào nhân viên, kho thiết bị, vật tư, các đơn vị, phương tiện giao thông tham gia trợ giúp nhân đạo hoặc sứ mệnh gìn giữ hòa bình theo Hiến chương Liên Hợp Quốc miễn là những đối tượng này được hưởng sự bảo hộ như thường dân và các mục tiêu dân sự theo luật quốc tế về xung đột vũ trang;

(iv) Cố ý tấn công vào các tòa nhà được sử dụng cho mục đích tôn giáo, giáo dục, nghệ thuật, khoa học, từ thiện, các tượng đài lịch sử, bệnh viện, và những nơi tiếp nhận người bị ốm, người bị thương, với điều kiện đó không phải là các mục tiêu quân sự;

(v) Cướp bóc một thành phố hoặc địa điểm, kể cả khi chiếm được nơi đó bằng tấn công;

(vi) Hiếp dâm, bắt làm nô lệ tình dục, cưỡng ép mại dâm, ép buộc mang thai như quy định tại Điều 7 khoản 2 (f), cưỡng ép triệt sản hoặc bất kỳ hình thức bạo lực tình dục nào khác cấu thành hành vi vi phạm nghiêm trọng Điều 3 chung của bốn Công ước Geneva;

(vii) Cưỡng ép hoặc tuyển mộ trẻ em dưới 15 tuổi vào lực lượng vũ trang quốc gia hoặc dùng các trẻ em đó tích cực tham gia chiến sự;

(viii) Ra lệnh di dân vì các lý do liên quan đến cuộc xung đột, trừ phi để bảo đảm an toàn cho dân thường hoặc vì yêu cầu quân sự cấp bách.

(ix) Lừa dối giết hoặc gây thương tích cho binh sĩ của bên đối địch;

(x) Tuyên bố tuyệt diệt;

(xi) Đưa người của bên đối địch ra để cắt xẻo cơ thể hoặc để tiến hành thí nghiệm y học hay khoa học dưới bất kỳ hình thức nào mà không thể coi là điều trị y tế, nha khoa hay bệnh viện cho người đó cũng như không phải vì lợi ích của người đó và gây chết người hoặc nguy hiểm nghiêm trọng cho sức khỏe của họ;

(xii) Hủy hoại hoặc chiếm giữ tài sản của bên đối địch, trừ phi việc đó là do yêu cầu cấp bách của cuộc xung đột;

Căn cứ vào cơ sở những quy định này, có thể thấy rằng nhiều hành vi của quân đội Nga thực hiện ở Ukraine có thể cấu thành tội phạm chiến tranh. Theo như điều tra của nhiều tổ chức quốc tế, truyền thông, và các tố cáo của người dân Ukraine, quân đội Nga đã nhiều lần tấn công vào các mục tiêu phi quân sự như khu dân cư, chung cư cao tầng, bệnh viện, bệnh viện phụ sản, trường học, các khu chợ, nhà hát, viện bảo tàng, … Đặc biệt, việc tìm thấy những hố chôn tập thể ở một số vùng trước đây bị quân Nga chiếm đóng mà nay đã rút đi như Bucha, hay Mariupol càng làm tăng thêm sự nghi ngờ về những hành vi phạm tội phạm chiến tranh mà Nga tiến hành ở Ukraine. Hiện tại, theo truyền thông của các nước, Cơ quan Công tố của Tòa án Hình sự quốc tế, các quốc gia liên quan và một số tổ chức quốc tế độc lập cũng đang tiến hành điều tra hiện trường, thu thập chứng cứ, phỏng vấn người dân địa phương ở Ukraine để làm rõ liệu các hành vi của quân đội Nga có cấu thành tội phạm chiến tranh hay không.

IV. THẨM QUYỀN TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM PHÁP LÝ ĐỐI VỚI NHỮNG LOẠI TỘI PHẠM NÀY?

 1) Thẩm quyền của Tòa án hình sự quốc tế – ICC

Trong các hệ thống pháp luật quốc gia, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm được thực hiện tương đối thuận lợi bởi Nhà nước có đầy đủ quyền lực cũng như các công cụ và phương tiện hỗ trợ hiệu quả. Tuy nhiên, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm thuộc thẩm quyền của ICC không hề là một điều đơn giản, nếu không muốn nói là rất khó khăn. Điều này xuất phát từ nguyên nhân đầu tiên là các tội phạm này liên quan trực tiếp đến các quan chức lãnh đạo cấp cao của một quốc gia, những người phát động và lãnh đạo các hành động quân sự là khởi đầu của các hành vi phạm tội thuộc 4 nhóm tội thuộc thẩm quyền của ICC. Do đó, trong nhiều trường hợp chính quyền của các quốc gia vi phạm cố ý bao che, né tránh hoặc từ chối truy cứu trách nhiệm của những cá nhân vi phạm này. Đây chính là trường hợp các quốc gia ‘KHÔNG MUỐN’ xét xử như đề cập ở phần mở đầu của bài viết. Chẳng hạn, nhiều hành động của quân đội Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam đã cấu thành tội xâm lược và tội phạm chiến tranh. Từ đó, các cá nhân phát động, chỉ đạo và điều hành cuộc chiến cũng như những người lính trực tiếp chiến đấu trên chiến trường có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, bản thân chính quyền và hệ thống pháp tư pháp Hoa Kỳ chắc chắn là không muốn thực hiện việc truy cứu này. Tương tự, các hành vi quân sự của Trung Quốc chống lại Việt Nam trong cuộc hải chiến Hoàng Sa 1974, chiến tranh biên giới 1979, cuộc đụng độ quân sự ở bãi Gạc Ma 1988, … cũng có bản chất như vậy. Và giờ đây, khi Nga tấn công Ukraine, nhiều hành vi của lãnh đạo cấp cao, tướng lĩnh và lính Nga trong ‘chiến dịch quân sự đặc biệt’ đã cấu thành tội xâm lược và tội phạm chiến tranh, nhưng chắc chắn chính quyền của ông Putin sẽ lãng tránh hoặc từ chối truy cứu trách nhiệm.

Không những thế, nhiều quốc gia còn ký kết các Hiệp định miễn trừ song phương (Bilateral Immunity Agreement – BIA) nhằm tránh cho công dân nước mình bị chuyển giao cho ICC xét xử. Hoa Kỳ là quốc gia điển hình cho vấn đề này khi họ đã vận động và ký được gần 110 BIA với các quốc gia và vùng lãnh thổ. Điều này đảm bảo rằng nếu công dân của họ (bao gồm cả binh lĩnh và tướng lĩnh) có các hành vi phạm tội thuộc 4 nhóm tội của ICC sẽ không bị quốc gia sở tại chuyển giao cho ICC xét xử. Điều này cũng dễ hiểu bởi vì Hoa Kỳ là quốc gia có lực lượng quân đội hiện diện ở nhiều nước nhất, và họ cũng là quốc gia can thiệp quân sự vào nhiều nơi nhất trên thế giới. Chính vì vậy, trong quá trình hình thành và phát triển của ICC, thế giới chứng kiến một cuộc chạy đua giữa EU – bên ủng hộ ICC và Hoa Kỳ – bên phản đối ICC. Trong khi EU làm việc không ngừng nghỉ, thậm chí sử dụng nhiều lợi ích kinh tế thương mại, để thuyết phục và vận động các quốc gia tham gia Quy chế Rome 1998, tức là ủng hộ sự tồn tại và phát triển của ICC, thì Hoa Kỳ cũng ra sức vận động các nước ký kết các BIA để miễn trừ cho công dân của họ trong những trường hợp cần thiết.

Măt khác, thẩm quyền của ICC cũng có thể phát sinh khi các quốc gia ‘KHÔNG THỂ’ xét xử các tội phạm. Về mặt nguyên tắc, một hành vi chỉ bị xem là tội phạm nếu nó được quy định trong luật hình sự của một quốc gia và từ đó phát sinh thẩm quyền xét xử của tòa án quốc gia đó. Tuy nhiên, việc nhìn nhận đánh giá một hành vi nguy hiểm cho xã hội có nên được quy định là tội phạm hay không sẽ tùy thuộc vào chính quyền của các nước. Do đó, có nhiều hành vi ở quốc gia này thì bị coi là tội phạm, nhưng ở quốc gia khác thì không. Trong số các hành vi cấu thành các tội phạm thuộc 4 nhóm tội theo Quy chế Rome, có nhiều hành vi không bị xem là tội phạm hình sự trong hệ thống pháp luật của nhiều quốc gia, do đó các tòa án ở các quốc gia đó sẽ ‘KHÔNG THỂ’ xét xử. Ngoài ra, trong một số trường hợp cá biệt, các quốc gia ‘KHÔNG THỂ’ xét xử do hệ thống tư pháp của họ không đáp ứng được tiêu chuẩn hoặc họ thiếu đội ngũ chuyên gia đủ kiến thức chuyên môn để xét xử. Cũng có thể có trường hợp quốc gia sở tại nơi xảy ra hành vi bị nghi phạm tội có đủ các điều kiện cơ sở vật chất, nhân sự và hệ thống pháp luật để truy cứu trách nhiệm nhưng gặp khó khăn trong việc bắt giữ nghi can và điều tra hành vi phạm tội do đối tượng nghi phạm không hiện diện ở quốc gia đó và thiếu sự hợp tác hiệu quả từ phía các quốc gia liên quan. Do đó, họ cũng ‘KHÔNG THỂ’ điều tra và xét xử trong trường hợp này.

Như vậy, trong hai trường hợp các quốc gia ‘KHÔNG MUỐN’ hoặc ‘KHÔNG THỂ’ xét xử thì thẩm quyền truy cứu trách nhiệm sẽ thuộc về ICC.

2) Có thể truy cứu trách nhiệm các hành vi phạm tội trong cuộc xung đột Nga-Ukraine hay không?

a) Thẩm quyền của ICC trong điều tra và truy cứu các hành vi phạm tội khi Nga và Ukraine chưa tham gia Quy chế Rome 1998

Như nói ở trên, các tòa án của Nga sẽ không bao giờ truy cứu trách nhiệm đối với các hành vi của binh lính, tướng lĩnh và quan chức của Nga thực hiện trên lãnh thổ của Ukraine. Trong trường hợp này, thẩm quyền truy cứu có thể sẽ thuộc về các tòa án của Ukraine nơi xảy ra hành vi bị nghi phạm tội hoặc ICC. Để xác định thẩm quyền của các tòa án Ukraine, trước hết phải xem xét liệu các hành vi của quân đội Nga có cấu thành một tội phạm gì hay không trong hệ thống pháp luật của Ukraine. Nếu các hành vi đó không được quy định trong hệ thống pháp luật của Ukraine thì các tòa án của quốc gia này đương nhiên không có thẩm quyền xét xử. Ngược lại, trường hợp các hành vi của quân đội Nga thực sự đã cấu thành tội phạm theo pháp luật của Ukraine, thì tiếp theo phải xem xét liệu Ukraine ‘CÓ MUỐN’ hoặc ‘CÓ THỂ’ xét xử hay không, tức là trở lại câu hỏi ở phần 1) nói trên. Nếu Ukraine ‘KHÔNG MUỐN’ hoặc ‘KHÔNG THỂ’ điều tra và xét xử, thì lúc này mới bàn tới thẩm quyền của ICC.

Theo quy định của Quy chế Rome, thẩm quyền của ICC trước hết giới hạn đối với các hành vi xảy ra trên lãnh thổ hoặc được tiến hành bởi công dân của quốc gia là thành viên của Quy chế Rome. Trên thực tế, hiện tại cơ quan công tố của ICC cũng đang tiến hành điều tra, thu thập chứng cứ để làm rõ cấu thành tội phạm đối với các hành vi của quân đội Nga ở Ukraine. Tuy vậy, ngay cả khi ICC có đầy đủ chứng cứ cấu thành tội xâm lược hoặc tội phạm chiến tranh của quân đội Nga thì việc truy cứu cũng sẽ khó thực hiện được. Lý do đầu tiên là Nga chưa phải là một thành viên của Quy chế Rome, do đó họ không bị ràng buộc bởi các quy định của Quy chế này. Chính quyền của ông Putin có thể tuyên bố họ không chấp nhận thẩm quyền của ICC đối với các vụ việc liên quan đến công dân họ, tương tự như việc họ vừa tuyên bố Tòa án Công lý quốc tế (International Court of Justice) không có thẩm quyền đối với vụ việc mà Ukraine đệ trình chống lại hành vi xâm lược của Nga. Mặt khác, bản thân Ukraine, là quốc gia nơi xảy ra các hành vi có dấu hiệu phạm tội, cũng chưa phải là thành viên của Quy chế Rome, do đó ICC không có thẩm quyền đương nhiên đối với các hành vi của quân đội Nga thực hiện trên lãnh thổ của Ukraine.

b) Vai trò của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc trong mối quan hệ với ICC

Được xem là cơ quan chính trị thường trực của Liên Hợp Quốc, Hội đồng bảo an (HĐBA) chịu trách nhiệm chính trong việc đảm bảo hòa bình và an ninh quốc tế. Tuy nhiên, trong trường hợp xung đột Nga – Ukraine, chủ thể chính gây ra mất an ninh và đe dọa hòa bình là Nga, một trong 5 thành viên thường trực của HĐBA và có quyền phủ quyết. Về lý thuyết, HĐBA có thể hỗ trợ cho ICC trong những trường hợp các tình huống có dấu hiệu phạm tội không xảy ra trên lãnh thổ hoặc không được thực hiện bởi công dân của quốc gia là thành viên của Quy chế Rome. Cụ thể, theo khoản b, điều 13 Quy chế Rome, HĐBA Liên Hợp Quốc có thể thông qua một nghị quyết để thực hiện việc đề xuất cho ICC tiến hành điều tra một tình huống và truy cứu những hành vi phạm tội xảy ra trên lãnh thổ của quốc gia chưa phải là thành viên hoặc những hành vi được tiến hành bởi công dân của quốc gia chưa phải là thành viên của Quy chế Rome. Tuy vậy, trên thực tế, rào cản ở đây là Nga có thế sử dụng quyền phủ quyết để ngăn chặn HĐBA thông qua một nghị quyết như vậy.

c) Có thể dựa vào các tòa án lâm thời?

Trong lịch sử đấu tranh phòng chống tội phạm quốc tế, đã có một số tòa án lâm thời (ad-hoc) được lập ra để giải quyết những vụ việc cụ thể, sau khi hoàn thành nhiệm vụ thì các tòa đó được giải thể. Chẳng hạn, sau Thế chiến thứ hai, một loạt các cá nhân của chế độ phát-xít Đức và Nhật bị đưa ra xét xử ở các tòa án quốc tế lâm thời là Tòa án Nuremberg 1946 và Tòa án Tokyo 1946 vì hành vi phạm tội phạm chiến tranh. Do Đức và Nhật là những nước bại trận sau cuộc chiến, buộc phải ký văn bản đầu hàng, cho nên việc truy tố và xét xử được tiến hành tương đối thuận lợi. Sau này, thế giới cũng chứng kiến các tòa án mang tính chất lâm thời khác như Tòa án Ruanda 1994 và Tòa án Nam Tư 1993 được lập ra để xét xử các tội phạm chiến tranh và tội diệt chủng, đều nằm trong 4 nhóm tội thuộc thẩm quyền của ICC. Thực chất, Ruanda và Nam Tư là những quốc gia không có vị thế lớn trên trường quốc tế, hơn nữa chính quyền có những sự thay đổi trong giai đoạn chuyển giao, do đó việc đưa các cựu quan chức của chính quyền ra xét xử cũng hầu như không gặp những cản trở gì.

Tuy vậy, sau khi ICC được thành lập vào năm 1998 và chính thức đi vào hoạt động vào năm 2002 với tư cách là một tòa án thường trực, thì không có một tòa án lâm thời nào được thành lập nữa. Về bản chất, các tòa án lâm thời trước đây được thành lập trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc và hoạt động mang nặng tính chính trị, thậm chí là thiên vị, khác với ICC là một cơ quan tư pháp mang tính độc lập. Sắp tới, việc Liên Hợp Quốc có quyết định thành lập một tòa án lâm thời để xét xử các hành vi bị xem là tội phạm trong cuộc xung đột Nga – Ukraine hay không vẫn còn là một câu hỏi phía trước.

Nhưng một điều có thể thấy trước là việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi do quan chức và lực lượng quân đội Nga sẽ rất khó khăn, nếu không muốn nói là không thể. Càng khó khăn hơn khi Nga là một cường quốc về quân sự, ông Putin thì luôn lăm le ‘nút bấm hạt nhân’ trong tay, và Nga lại là quốc gia có quyền phủ quyết trong HĐBA Liên Hợp Quốc. Sự khó khăn này cũng tương tự như việc đưa các quan chức, tướng lĩnh và binh lính của Hoa Kỳ ra truy cứu trách nhiệm trước ICC về các hành vi mà họ thực hiện trong các cuộc can thiệp quân sự ở Iraq, Nam Tư hay Afghanistan trước đây. Mặc dù có nhiều bằng chứng và tài liệu do các tổ chức quốc tế độc lập thu thập và công bố chứng minh hành vi phạm tội của quân đội Hoa Kỳ ở các nơi mà họ can thiệp quân sự (chẳng hạn việc ngược đãi tù binh, giết nhầm dân thường, không kích vào các cơ sở dân sự, … được trang WikiLeak của Julian Assange điều tra và tiết lộ), nhưng cho đến nay hầu như chưa một cá nhân công dân nào của Hoa Kỳ bị ICC đưa ra xét xử.

V. KẾT LUẬN

Việc hành động quân sự của Nga tiến hành ở Ukraine có cấu thành tội xâm lược và tội phạm chiến tranh hay không có lẽ phải chờ kết quả điều tra chính thức của các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan công tố của Tòa án Hình sự quốc tế. Tuy nhiên, với những gì đã và đang diễn ra ở chiến trường Ukraine đối chiếu với các quy định hiện hành của pháp luật quốc tế, việc kết luận Nga phạm tội xâm lược và tội phạm chiến tranh có lẽ không có gì phải bàn cãi. Vấn đề là làm sao để có một cơ chế truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với các cá nhân có liên quan, đảm bảo công lý được thực thi mới là điều đáng nói, đặc biệt khi chủ thể vi phạm là những quan chức đứng đầu nhà nước của những cường quốc. Đây vẫn đang là một khiếm khuyết của pháp luật quốc tế nói chung và luật hình sự quốc tế nói riêng.

© TS. Hồ Nhân Ái, Khoa Luật Quốc tế – Trường Đại học Luật – Đại học Huế.

——–

Tài liệu tham khảo

    1. Quy chế Rome 1998 về Tòa án hình sự quốc tế
    2. MacKennan Graziano and Lan Mei, The Crime of Aggression Under the Rome Statute and Implications for Corporate Accountability, https://harvardilj.org/2017/04/the-crime-of-aggression-under-the-rome-statute-and-implications-for-corporate-accountability/
    3. Anouk T. Boas, Định nghĩa tội phạm xâm lược và sự liên quan đến các cuộc xung đột vũ trang đương đại, International Crime Database, https://www.internationalcrimesdatabase.org/upload/documents/20141020T170547-ICD%20Brief%201%20-%20Boas.pdf
    4. Is Vladimir Putin a war criminal, and who decides? https://www.theguardian.com/world/2022/mar/17/vladimir-putin-war-criminal-ukraine-russia-president-justice
    5. War crimes and Russia’s invasion of Ukraine, https://www.aljazeera.com/news/2022/3/17/explainer-who-is-a-war-criminal
    6. The States Parties to the Rome Statute, https://asp.icc-cpi.int/en_menus/asp/states%20parties/pages/the%20states%20parties%20to%20the%20rome%20statute.aspx
    7. Louise Arbour, The Relationship Between the ICC and the UN Security Council, Global Governance, Vol. 20, No. 2, pp.195-201.