Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Tổng thống Joe Biden đề xuất luật mới cho phép Mỹ bán tài sản của các nhà tài phiệt Nga đã bị họ tịch thu. Ông nói số tiền thu được sẽ được dùng để giúp Ukraine. Chưa rõ tính pháp lý của đề xuất này, nhưng khả năng cao sẽ được Quốc hội thông qua. Các tòa án Mỹ có thể thách thức và chặn nó.
Ông Biden cũng sẽ yêu cầu Quốc hội chi 33 tỷ USD viện trợ cho Ukraine, trong đó có 20 tỷ USD cho vũ khí và các hỗ trợ quân sự khác. Đức cho biết sẽ huấn luyện binh sĩ Ukraine sử dụng lựu pháo do Mỹ cung cấp. Trước đó nước này đã thông báo chuyển giao xe tăng phòng không cho Ukraine. Còn ngoại trưởng Anh cam kết “đẩy Nga ra khỏi Ukraine.”
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã đến thăm Bucha, nơi xảy ra các hành vi tàn bạo của quân Nga. Ông sẽ gặp tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ở Kyiv vào thứ Năm, sau khi đã gặp Putin ở Moscow hôm thứ Tư. Trong cuộc họp với ông Putin, ông đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dựng hành lang nhân đạo ra khỏi thành phố Mariupol.
Kinh tế Mỹ bất ngờ suy thoái trong quý đầu năm 2022, với GDP giảm 1,4% so với quý trước đó nếu tính theo năm. Dự báo trước đây của các nhà kinh tế là tăng trưởng 1,1%. Nguyên nhân suy thoái có thể phần lớn là do thâm hụt thương mại kỷ lục. Tuy nhiên, trong một dấu hiện cho thấy triển vọng kinh tế sẽ cải thiện, chi tiêu của người tiêu dùng đã tăng 2,7%. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu giảm trong khi số đơn tiếp tục xin trợ cấp xuống mức thấp nhất kể từ năm 1970.
Đồng yên của Nhật giảm xuống mức thấp nhất hai thập niên qua so với đồng đô la sau khi ngân hàng trung ương của nước này nhắc lại cam kết giữ lãi suất thấp và tiếp tục chương trình kích thích lớn. Tại cuộc họp mới nhất vào thứ Năm, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cho biết lãi suất chính sách vẫn sẽ ở “mức hiện tại hoặc thấp hơn” mặc dù lạm phát đã cao hơn mức mục tiêu 2%.
Một số khu vực ở Bắc Kinh, bao gồm các khu dân cư, trường học và văn phòng, đã bị phong tỏa nhằm kiềm chế dịch covid-19. Trong ngày thứ Năm có 50 ca nhiễm mới được ghi nhận tại đây, sau khi thành phố tổ chức vòng xét nghiệm đầu tiên cho 20 triệu dân. Bằng cách xét nghiệm gần như toàn bộ thành phố, nhà chức trách kỳ vọng sẽ không để dịch tràn lan như ở Thượng Hải.
Gã khổng lồ hàng tiêu dùng Unilever cho biết đã tăng giá hơn 8% trong quý đầu năm 2022, khiến cho nhu cầu đối với hàng hóa của họ xuống thấp. Hãng cũng cảnh báo là lạm phát sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm nay. Trong khi đó, siêu thị Sainsbury’s ở Anh cho biết lạm phát làm lợi nhuận của họ bị thu hẹp. Tin này làm cổ phiếu của họ mất giá, bất chấp lợi nhuận quý đầu năm tốt.
Con số trong ngày: 85%, là phần trăm trong tổng nguồn năng lượng của Hawaii đến từ dầu mỏ.
TIÊU ĐIỂM
Kinh tế Nga ổn định một cách đáng ngạc nhiên
Chiến tranh? Chiến tranh nào? Vào thời điểm Nga xâm lược Ukraine hồi cuối tháng Hai, ai cũng nghĩ nền kinh tế nước này sẽ sụp đổ dưới tác động của lệnh trừng phạt. Đồng rúp mất giá trong khi lạm phát tăng vọt. Nhưng kể từ đó kinh tế Nga đã tăng trưởng tốt một cách đáng ngạc nhiên. Ngân hàng trung ương Nga thậm chí có thể sẽ cắt giảm lãi suất lần thứ hai trong vòng một tháng vào thứ Sáu, một điều không thể tưởng tượng nổi chỉ vài tuần trước đây.
Hiện đồng rúp hầu như đã về lại mức trước chiến tranh, và cũng không còn hiện tượng hoảng loạn rút tiền. Do đó không còn cần tăng lãi suất để thu hút vốn. Nền kinh tế thực cũng đang rất ổn: GDP theo giá thực cao hơn khoảng 4% so với thời điểm trước covid. Với việc dầu và khí tiếp tục mang về hàng tỷ ngoại tệ mỗi tháng, kinh tế Nga vẫn sẽ sống tốt.
Đức giảm dự báo tăng trưởng GDP
Đức sẽ công bố số liệu GDP quý một vào thứ Sáu. Các nhà phân tích dự báo tăng trưởng chỉ đạt 0,2%, trong khi triển vọng cho phần còn lại của năm là ảm đạm. Tuần này, chính phủ đã giảm dự báo cho năm 2022 từ 3,6% trong tháng 1 xuống còn 2,2%, chủ yếu vì cuộc chiến ở Ukraine. Họ dự báo tỷ lệ lạm phát trung bình là 6,1% trong năm nay, cao hơn nhiều so với con số đưa ra vài tháng trước.
Triển vọng cho năm tới có vẻ tươi sáng hơn một chút, với mức tăng trưởng dự kiến lên tới 2,5%. Tuy nhiên mọi chuyện còn phụ thuộc vào diễn biến của cuộc chiến ở Ukraine. Ngân hàng Trung ương Đức Bundesbank gần đây đã cảnh báo rằng nền kinh tế Đức có thể suy thoái 2% trong năm nay nếu chiến tranh leo thang và EU cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga.
AstraZeneca chuẩn bị công bố thu nhập quý
Mặc dù cung cấp hơn 2 tỷ liều vắc-xin covid-19, AstraZeneca đã kết thúc năm 2021 không được trọn vẹn. Cổ phiếu của Moderna và Pfizer tăng vọt, trái ngược hoàn toàn với đà giảm của AstraZeneca.
Nhưng hãng sẽ có tin tốt khi công bố thu nhập quý một vào thứ Sáu này. Hồi tháng 2 AstraZeneca đã báo cáo doanh thu quý cao kỷ lục, tăng 62% so với năm trước. Kể từ đó, họ nhận được một loạt phê duyệt cho các sản phẩm của mình, từ thuốc ngừa covid-19 Evusheld cho đến Lynparza, một loại thuốc điều trị ung thư vú. Các nhà phân tích kỳ vọng giá cổ phiếu của AstraZeneca, vốn đã tăng 25% kể từ đầu năm, sẽ còn tăng hơn nữa. Bản thân công ty cho biết vào tháng 2 là họ dự báo doanh thu tăng “gần hai mươi phần trăm” trong năm 2022. Các dữ liệu công bố vào thứ Sáu sẽ kiểm chứng cho tuyên bố của họ.
Bạo lực không hồi kết ở Nigeria
Kể từ khi các chiến binh thánh chiến bắt cóc 276 nữ sinh ở Chibok, miền bắc Nigeria, vào năm 2014, thế giới đã chứng kiến nỗi kinh hoàng gây ra bởi Boko Haram và tổ chức kế nhiệm của nó, Nhà nước Hồi giáo khu vực Tây Phi. Song đối với nhiều người Nigeria, các phần tử thánh chiến thật ra ít đáng sợ hơn là các băng nhóm bắt cóc giết người trên khắp đất nước – cũng như các lực lượng an ninh kém cỏi.
Theo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations), có tổng cộng 4.310 người đã thiệt mạng trong các vụ bạo lực liên quan đến chính trị và băng đảng ở Nigeria trong 12 tháng tính đến tháng 3. Trong đó có một nửa là do cơ quan nhà nước (2.329). Ngược lại, Boko Haram sát hại 328 thường dân. Để khôi phục hòa bình ở quốc gia đông dân nhất châu Phi, nhà nước cần cảnh sát và binh lính, những người phải được đào tạo để tôn trọng nhân quyền và chịu trách nhiệm cho hành vi giết người của mình.