Điều gì sẽ xảy ra nếu Chiến tranh Ukraine kéo dài?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Liana Fix và Michael Kimmage, “What If the War in Ukraine Doesn’t End?,” Foreign Affairs, 20/04/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Hậu quả toàn cầu của một cuộc xung đột kéo dài sẽ như thế nào?

Chiến tranh rồi sẽ kết thúc, và những khoảnh khắc kết thúc ấy thường rất sống động và đáng nhớ. Ví dụ như quyết định đầu hàng của Tướng Hợp bang Robert E. Lee trước Tướng Liên minh Ulysses S. Grant vào tháng 04/1865 đã đưa Nội chiến Mỹ đến hồi kết. Hay hiệp định đình chiến chấm dứt Thế chiến 1, được Đức và Đồng minh Hiệp ước ký kết trên một toa tàu gần Paris vào tháng 11/1918. Hoặc sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh, với biểu tượng là sự sụp đổ của Bức tường Berlin vào tháng 11/1989 và sau đó là việc hạ lá cờ Liên Xô tại Điện Kremlin vào Lễ Giáng sinh năm 1991. Những sự kiện này xuất hiện trong văn hóa của chúng ta như những khoảnh khắc quyết định, mang lại cảm giác về một kết thúc rõ ràng.

Nhưng bối cảnh xung quanh kết thúc của một cuộc chiến có thể gây hiểu lầm. Việc Hợp bang miền Nam đầu hàng tại Tòa án Appomattox đã không giải quyết được căng thẳng chính trị hoặc căng thẳng văn hóa giữa hai miền Bắc và Nam, cũng không giải quyết được những định kiến về chủng tộc và khác biệt chính trị có liên quan, vốn đã tiếp tục tồn tại rất lâu sau khi chế độ nô lệ bị bãi bỏ. Giai đoạn giữa hai cuộc thế chiến, những năm 1920 và 1930, ở châu Âu ngập tràn lo lắng và căng thẳng, dần dồn nén thành một cuộc đại chiến khác. Hồi kết của Thế chiến 2 chính là bình minh của Chiến tranh Lạnh. Và, bất chấp sự sụp đổ của Liên Xô, Chiến tranh Lạnh có lẽ chưa kết thúc – nó có thể vẫn đang tiếp diễn, như nhà sử học Stephen Kotkin gần đây đã lập luận.

Trong cuộc chiến của Nga ở Ukraine, có thể sẽ không có một khoảnh khắc riêng rẽ nào đánh dấu sự kết thúc của chiến tranh – chí ít là trong một thời gian nữa. Cuộc chiến đã kéo dài được tám tuần – dài hơn nhiều so với dự đoán của hai bên – và thực sự có khả năng hai quốc gia sẽ không đạt được những gì họ mong muốn. Ukraine có lẽ sẽ không thể trục xuất được hoàn toàn lực lượng Nga ra khỏi lãnh thổ mà họ đã chiếm được kể từ khi Moscow tiến hành xâm lược vào tháng 2. Còn Nga có vẻ sẽ không thể đạt được mục tiêu chính trị chính của mình: kiểm soát Ukraine. Thay vì đi đến một giải pháp dứt điểm, cuộc chiến có thể mở ra một kỷ nguyên xung đột mới, đặc trưng bởi một chu kỳ chiến tranh của Nga ở Ukraine. Nếu chiến tranh không sớm kết thúc, thì câu hỏi quan trọng là: Thời gian sẽ đứng về phía ai?

Chuẩn bị cho giai đoạn khó khăn

Thời gian có thể nghiêng về phía Nga. Một cuộc chiến kéo dài nhiều tháng hoặc nhiều năm có thể là kết quả có thể chấp nhận được, thậm chí có lợi cho Moscow. Nó chắc chắn sẽ là một kết cục tồi tệ đối với Ukraine, quốc gia sẽ bị tàn phá nặng nề, và đối với phương Tây, nơi sẽ phải đối mặt với nhiều năm bất ổn ở châu Âu và thường xuyên bị đe dọa về chiến tranh lan rộng. Một cuộc chiến dài hạn cũng có thể được cảm nhận trên toàn cầu, với khả năng gây ra những làn sóng đói kém và bất ổn kinh tế. Một cuộc chiến vô tận ở Ukraine cũng có nguy cơ làm xói mòn sự ủng hộ đối với Kyiv tại các xã hội phương Tây, vốn không được chuẩn bị kỹ càng để chịu đựng các xung đột quân sự kéo dài, dù rằng xung đột xảy ra ở nơi khác. Các xã hội phương Tây theo định hướng thương mại, hậu hiện đại đã quen với những tiện nghi của một thế giới thời bình toàn cầu hóa có thể mất hứng thú với chiến tranh Ukraine – khác với dân thường Nga, mà bộ máy tuyên truyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kích động và huy động trở thành một xã hội thời chiến.

Dù Mỹ và các đồng minh có lý do chính đáng khi hy vọng và nỗ lực hướng tới một chiến thắng nhanh chóng cho Ukraine, các nhà hoạch định chính sách phương Tây vẫn phải sẵn sàng cho một cuộc chiến kéo dài. Các công cụ chính sách mà họ sử dụng – chẳng hạn như viện trợ quân sự và các biện pháp trừng phạt – sẽ không thay đổi nhiều trong suốt thời gian diễn ra chiến tranh. Hỗ trợ quân sự tối đa cho Ukraine là điều cần thiết, bất kể quỹ đạo của cuộc chiến có thế nào. Các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng, về mặt lý thuyết sẽ dẫn đến những thay đổi trong tính toán của Nga, và sẽ phù hợp với mục đích dài hạn là làm suy yếu cỗ máy chiến tranh Nga.

Thách thức chính không nằm ở việc hỗ trợ Ukraine. Nó nằm ở việc ủng hộ chiến tranh trong nội bộ các quốc gia đang hậu thuẫn cho Ukraine. Trong thời đại của mạng xã hội và của những cảm xúc được định hướng bằng hình ảnh, dư luận có thể thay đổi thất thường. Để Ukraine có thể thành công, dư luận toàn cầu phải rất kiên định, và điều đó phụ thuộc vào khả năng lãnh đạo chính trị lão luyện và kiên nhẫn hơn bất cứ thứ gì khác.

Cuộc chơi còn dài

Putin có nhiều lý do để không kết thúc cuộc chiến mà ông đã bắt đầu. Ông còn ở rất xa so với các mục tiêu chính của mình. Cho đến nay, quân đội của ông đã không đủ hiệu quả để có thể buộc người Ukraine đầu hàng, và Nga còn một chặng đường dài trước khi lật đổ được chính phủ Ukraine. Những thất bại của ông đã bị công khai một cách nhục nhã. Sau khi đột ngột rút lui khỏi các khu vực xung quanh Kyiv, quân đội Nga đã phải chứng kiến cảnh Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiếp đón những vị khách nước ngoài đến thăm thủ đô và các đại sứ quán mở cửa trở lại. Vụ chìm soái hạm Moskva của Nga, nhiều khả năng do tên lửa Ukraine, là một ví dụ rõ ràng khác cho thấy sự mất mặt của quân đội Nga trước lực lượng Ukraine. Putin đã phải trả một cái giá đắt cho cuộc xâm lược của mình. Theo quan điểm của Tổng thống Nga, bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào trong tương lai, nếu không giành được sự nhượng bộ lớn từ Ukraine, thì sẽ không tương xứng với thiệt hại về người, về của, và sự cô lập quốc tế mà nước Nga đã phải chịu đựng. Sau khi huy động người Nga tham gia chiến tranh – và trong quá trình đó, khơi gợi lại những xung đột mang tính biểu tượng, như Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của Liên Xô chống lại Đức Quốc xã – Putin có thể sẽ không chấp nhận một nền hòa bình nhục nhã.

Dù cuộc chiến này là một sai lầm chiến lược đối với Nga, nhưng Putin có thể sẽ tự gây thiệt hại về mặt chính trị cho bản thân, nếu ông thừa nhận sai lầm của mình. Trước khi xâm lược Ukraine, Nga vẫn duy trì quan hệ với châu Âu và Mỹ, và có một nền kinh tế vẫn hoạt động tốt. Ukraine, về mặt chính thức, là một quốc gia không liên kết với nhiều chia rẽ nội bộ và nhiều lỗ hổng. Cũng không có kế hoạch mở rộng NATO theo bất kỳ hướng nào trong tương lai gần. Vậy mà chỉ vài tuần sau, cuộc chiến ở Ukraine đã phá hủy mối quan hệ của Nga với châu Âu và Mỹ. Nó sẽ dần dần tàn phá nền kinh tế Nga, đồng thời đẩy Ukraine đi xa hơn về phía phương Tây. Phần Lan và Thụy Điển có thể sẽ gia nhập NATO vào mùa hè này. Tham chiến với mục đích ban đầu là ngăn chặn việc bị bao vây, thay vào đó, Nga lại giúp củng cố NATO và thắt chặt quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Điều đó sẽ khiến việc cắt giảm tổn thất của Putin ở Ukraine trở nên khó khăn hơn – chứ không phải dễ dàng hơn.

Putin có thể dùng đến phương án chiến tranh tiêu hao, vốn mang lại cho ông một số lợi thế. Nếu bị đánh bại, ông có thể trì hoãn thất bại đó bằng một cuộc chiến kéo dài, và thậm chí có thể trao lại cuộc xung đột cho người kế nhiệm. Một cuộc chiến dài hạn cũng sẽ tận dụng một số điểm mạnh bẩm sinh của Nga. Nó sẽ cho phép Nga có thời gian để huy động lính nhập ngũ và đào tạo hàng trăm nghìn lính mới, theo đó làm thay đổi chiến cục. Nếu chiến tranh kéo dài nhiều năm, quân đội Nga có thể xây dựng lại lực lượng đã bị suy kiệt, đặc biệt nếu ngân sách nhà nước của Nga vẫn ổn định – nghĩa là nếu các khoản thanh toán năng lượng từ châu Âu và các nơi khác vẫn được tiếp tục. Nga cũng không nhất thiết phải giành chiến thắng trên chiến trường để có thể gây áp lực lên Kyiv, đặc biệt nếu chiến tranh kéo dài thêm nữa. Ngân hàng Thế giới đánh giá thiệt hại GDP của Ukraine vào năm 2022 là 45%. Sự tàn phá kinh tế Ukraine là một trong những kết quả quan trọng, dù ít thấy hơn, của cuộc chiến.

Một cuộc chiến tiêu hao có thể giúp Putin gây áp lực lên liên minh xuyên Đại Tây Dương, đặc biệt nếu sự ủng hộ dành cho Ukraine bắt đầu suy yếu ở phương Tây. Putin coi các nền dân chủ phương Tây là không ổn định và kém hiệu quả, và có thể ông đang đặt cược vào các chuyển đổi chính trị ở châu Âu hoặc Mỹ trong lúc căng thẳng chiến tranh ngày một lớn. Nếu Donald Trump tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024, ông có thể cố gắng đạt được thỏa thuận với Nga một lần nữa, với cái giá phải trả là NATO. Chiến thắng dành cho Marine Le Pen trong vòng hai của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vào ngày 24/04 cũng sẽ mở ra cơ hội cho Putin. Ông là một nhà độc tài. Bị thuyết phục rằng quyền lực của họ là vĩnh cửu, các nhà độc tài thường có thể chấp nhận một cuộc chơi lâu dài. Hoặc ít nhất họ nghĩ rằng họ có thể làm như vậy.

Đừng nóng vội

Ukraine cũng có nhiều lý do để không kết thúc chiến tranh bằng một thỏa thuận ngừng bắn vội vã theo điều kiện của Nga. Quân đội của nước này đã hoạt động cực kỳ hiệu quả. Đối mặt với cuộc tấn công vô cớ từ một trong những cường quốc quân sự lớn trên thế giới, lực lượng Ukraine đã thành công trong việc đẩy lùi kẻ thù ở miền bắc và đông bắc đất nước. Người Nga đã thua trong trận chiến giành Kyiv, và họ đã không thể vượt qua thành phố miền nam Mykolaiv, về phía Odessa. Ukraine đã chứng minh rằng tính kiên cường và tinh thần chiến đấu, được hỗ trợ bởi máy bay không người lái và vũ khí chống tăng hiện đại, có thể củng cố năng lực phòng thủ của quân đội. Nga vẫn có khả năng sẽ thua trong cuộc chiến này, và vì vậy, Ukraine có lợi thế để kết thúc chiến tranh cùng những thỏa thuận tốt hơn so với những nhượng bộ lớn, không thể chấp nhận được mà Moscow hiện đang muốn từ Kyiv.

Chính phủ Kyiv sẽ muốn cố gắng đạt được những điều khoản tốt hơn, thông qua các bước tiến trên chiến trường, và việc đẩy lùi thành công cuộc tấn công của Nga ở miền đông Ukraine. Cách thức tiến hành chiến tranh tàn bạo của Nga đã làm phức tạp thêm cuộc đàm phán về một lệnh ngừng bắn có thể xảy ra trong tương lai. Lính Nga nhắm mục tiêu vào dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự trên khắp Ukraine. Họ đã phạm tội ác chiến tranh và đã có nhiều hành động tàn bạo, gồm cả bạo lực tình dục trên diện rộng và trục xuất công dân Ukraine sang Nga. Đây là một cuộc chiến nhắm vào người dân Ukraine. Người ta buộc phải giả định rằng bất kỳ lãnh thổ nào mà Nga giành được đều sẽ đối mặt với những hành động chiếm đóng xấu xa. Chính phủ Ukraine không thể chấp nhận những hành động tàn bạo như vậy chống lại chính người dân trong lãnh thổ của mình. Một lệnh ngừng bắn sớm, tuân theo các điều khoản của Nga sẽ yêu cầu Ukraine giao một số lãnh thổ mà Nga đã chiếm giữ kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu vào ngày 24/02. Nó sẽ liên quan đến việc Nga chiếm được một khu vực lớn hơn ở Donbas, lớn hơn so với những gì họ đã chiếm được vào năm 2014, và cũng có thể gồm các thành phố Kharkiv và Mariupol. Nga cũng sẽ tìm kiếm những nhượng bộ lớn hơn về tình trạng quân sự của Ukraine. Zelensky đã đồng ý không gia nhập NATO. Nhưng việc giải giáp và phi quân sự hóa lực lượng Ukraine sẽ hạn chế chủ quyền của Ukraine, cả về lý thuyết lẫn thực tế. Sau khi ‘bỏ túi’ những nhượng bộ này, Nga hoàn toàn có thể tái khởi động cuộc chiến chống lại quân đội Ukraine “phi quân sự hóa” để kết thúc những gì họ đã bắt đầu.

Bất kỳ nhượng bộ nào của Kyiv cũng cần được người dân Ukraine tán thành. Ukraine đang phải trả giá bằng máu cho cuộc chiến khủng khiếp này. Một thỏa thuận với quỷ có thể bị xem là tệ hơn cả khi không có thỏa thuận nào. Zelensky đã thành công trong việc thống nhất nhân dân Ukraine và thu hút sự ủng hộ trên toàn thế giới cho Ukraine – cờ Ukraine hiện đã xuất hiện khắp nơi bên ngoài nước này. Chính phủ và người dân đã xích lại gần nhau hơn, đất nước đã gắn kết hơn so với trước chiến tranh. Người duy nhất có thể thuyết phục dân chúng Ukraine chấp nhận một thỏa thuận chính là Zelensky lôi cuốn và nổi tiếng. Nhưng ông cần phải đưa ra một thỏa thuận với các điều khoản mà người dân có thể chấp nhận. Những điều khoản đó – cho phép Ukraine bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, và an ninh của mình càng nhiều càng tốt – có thể phụ thuộc vào những tiến bộ hơn nữa của binh sĩ Ukraine trên chiến trường. Cái giá để người Ukraine nhanh chóng kết thúc chiến tranh sẽ cao hơn nhiều so với cái giá của Nga. Đối với Nga, kết thúc cuộc chiến theo các điều khoản của Ukraine có thể làm tổn hại đến niềm tự hào của một nhà độc tài. Đối với Ukraine, việc vội vàng chấp nhận các điều khoản của Nga sẽ gây nguy hiểm cho đời sống của người dân và sự tồn tại của đất nước với tư cách một quốc gia độc lập.

Tuy nhiên, một cuộc chiến dài hạn cũng đặt ra những thách thức chính trị cho Ukraine. Nếu chiến tranh kéo dài nhiều năm, Ukraine sẽ phải tìm cách giữ cho hệ thống chính trị của mình được nguyên vẹn và nền dân chủ của mình tiếp tục tồn tại. Cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo ở Ukraine dự kiến sẽ diễn ra vào mùa xuân năm 2024 – chính vào thời điểm cuộc bầu cử tổng thống Nga tiếp theo sẽ được tổ chức. Nhưng cuộc bầu cử của Nga sẽ là giả, còn cuộc bầu cử của Ukraine sẽ là thật. Như nhà triết học chính trị Alexis de Tocqueville đã cảnh báo, “Không có cuộc chiến tranh kéo dài nào lại không gây nguy hiểm cho tự do của một quốc gia dân chủ.” Ukraine sẽ phải chứng minh ông đã sai.

Tác động đối với thế giới

Chiến tranh kéo dài ở Ukraine sẽ gây ra những hậu quả sâu sắc cho lục địa già. Châu Âu sẽ không còn toàn vẹn, tự do, và hòa bình. Nó sẽ mang trong mình một vùng chiến sự với nguy cơ leo thang. Quân đội Nga hiện chưa có lý do nào để tiến vào Ba Lan hoặc các nước cộng hòa Baltic, nhưng một ‘ranh giới hiểm nguy’ sẽ chạy dọc từ bắc xuống nam, và bất ổn hơn nhiều so với Bức màn Sắt của thời Chiến tranh Lạnh, đòi hỏi NATO phải có những phương pháp phòng thủ mới. Cuộc di cư của những người tị nạn Ukraine sẽ tiếp tục, và theo thời gian, nhóm người này có thể quyết định định cư lâu dài ở những vùng khác của châu Âu.

Một cuộc chiến kéo dài ở Ukraine cũng sẽ gây ra hậu quả trên quy mô toàn cầu. Nếu chiến sự rơi vào bế tắc, nó chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm nạn đói toàn cầu, vì Ukraine và Nga là nhà sản xuất lớn các loại lương thực như lúa mì. Nạn đói lại là nguyên nhân gây bất ổn toàn cầu. Ở châu Phi và Trung Đông, những nơi tưởng chừng ở rất xa Ukraine có thể rơi vào khủng hoảng chính trị do hậu quả của cuộc chiến ở Ukraine gây ra. Thực tế này sẽ phá hủy giấc mơ về một lối thoát nhẹ nhàng khỏi đại dịch COVID-19. Sự khác biệt trong phản ứng quốc tế đối với xung đột đã bắt đầu xuất hiện. Nhiều quốc gia đã nhận ra tiêu chuẩn kép, vì phương Tây nhiệt tình tiếp nhận người tị nạn Ukraine và mạnh mẽ trừng phạt Nga vì đã gây chiến, trong khi, như một số nhà quan sát đã cáo buộc, Mỹ cũng tham gia một số cuộc chiến như vậy trong những năm gần đây. Chỉ có 37 quốc gia áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, nhưng có tới 141 quốc gia lên án cuộc xâm lược tại Liên Hiệp Quốc, một sự khác biệt cho thấy không phải tất cả các thành viên của cộng đồng quốc tế đều để mắt đến cuộc chiến ở Ukraine.

Khi chiến tranh kéo dài và hồ sơ về sự tàn bạo của người Nga ngày một dày thêm, các lệnh trừng phạt sẽ chồng chất và giá các mặt hàng như dầu mỏ sẽ tiếp tục tăng cao. Các tác động kinh tế sẽ được cảm nhận trên toàn châu Âu và cái giá của nó chủ yếu cũng là người châu Âu phải trả. Do đó, sự ủng hộ dành cho Ukraine có thể suy yếu dần nếu cuộc chiến tiếp tục kéo dài. Những tiếng nói yêu cầu Ukraine phải chấp nhận ngừng bắn bằng bất cứ giá nào có thể trở nên lớn hơn. Các cuộc xung đột khác, chẳng hạn như cuộc chiến ở Syria từ lâu đã không còn được chú ý, chứng tỏ rằng một cuộc chiến không hồi kết có thể trở thành đơn giản là một sự phiền toái đối với các xã hội ưa thoải mái và dễ bị phân tâm, và dần dà mọi thứ sẽ lại trôi vào quên lãng. Các chính trị gia phương Tây nên chủ động đón nhận thách thức này và giải thích tại sao sự ủng hộ đối với Ukraine không chỉ là hành động nhân đạo, mà còn là điều thực sự cần thiết cho an ninh châu Âu và tương lai của các xã hội tự do. Chiến dịch ủng hộ Ukraine này không phải là miễn phí. Nhưng nếu Putin chiến thắng ở Ukraine, ông ta sẽ được khích lệ để mở rộng phạm vi xâm lược của Nga.

Mục tiêu cuối cùng của Ukraine rất rõ ràng. Đó là bảo tồn nền độc lập và chủ quyền của mình. Đó là những gì họ xứng đáng được nhận – và là những gì Châu Âu cần cho an ninh của chính mình. Nếu người Ukraine thắng thế, chủ quyền của nước này sẽ tạo tiền lệ quan trọng cho việc thúc đẩy một trật tự quốc tế tự do, ổn định. Mỹ và châu Âu không nên thúc ép Kyiv tiến tới một thỏa thuận thương lượng. Họ cũng không nên tìm cách ngăn chặn nếu Zelensky có thể tìm thấy một thỏa thuận mà cả ông và người dân Ukraine đều chấp nhận được. Tuy nhiên, điều này có lẽ sẽ chỉ xảy ra sau nhiều năm chiến đấu. Trước mắt, các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu phải giải thích cho công chúng của họ rằng điều gì đang bị đe dọa – đối với người Ukraine và đối với thế giới – trong cuộc chiến này.

Quan trọng nhất, họ cần phải nói rõ giá trị của một chiến thắng của Ukraine. Tám tuần đầu tiên của cuộc chiến đôi khi gợi nhớ đến những mô típ và khuôn mẫu của một bộ phim Hollywood. Có một nhân vật phản diện độc ác – Putin – xa cách và cô độc trên chiếc bàn dài ở Điện Kremlin. Có một nhân vật anh hùng – Zelensky – liều chết để giải cứu đất nước của mình. Và điều bất ngờ trong câu chuyện là sự kém cỏi của quân đội Nga và sự thành công trên chiến trường của lực lượng Ukraine. Câu chuyện đạo đức và tự sự này gợi ý rằng sẽ có một kết thúc có hậu . Nhưng nó sẽ không đến sớm. Hiểu được khả năng tập trung chú ý ngắn hạn của các cử tri, khi soạn thảo thông điệp của mình, các nhà lãnh đạo chính trị ở các quốc gia ủng hộ Ukraine nên ít dựa vào các kịch bản phim Hollywood, vốn hướng đến sự hài lòng ngay lập tức. Thay vào đó, họ nên dựa nhiều hơn vào các bài phát biểu thời chiến của Thủ tướng Anh Winston Churchill, trong đó khuyên chúng ta nên kiên trì và đừng bao giờ hứa hẹn về một chiến thắng nhanh chóng. Kyiv sẽ phải trải qua nhiều khó khăn trong một cuộc chiến vốn sẽ gây ra những hậu quả sâu rộng về mặt chiến lược, chính trị, và nhân đạo. Mỹ và các đồng minh phải chuẩn bị để hỗ trợ Ukraine trong suốt hành trình dài đó.

Liana Fix là Giám đốc tại Quỹ Körber và là cựu nghiên cứu viên thường trú của Quỹ German Marshall, ở Washington, D.C.

Michael Kimmage là Giáo sư Lịch sử tại Đại học Công giáo Mỹ và là Nghiên cứu viên khách mời của Quỹ German Marshall. Từ năm 2014 đến năm 2016, ông phục vụ trong Nhóm Hoạch định Chính sách tại Bộ Ngoại giao Mỹ, nơi ông phụ trách khu vực Nga/Ukraine.

Xem thêm: Các kịch bản khác nhau về Chiến tranh Nga – Ukraine: