Tập đưa ra ‘Sáng kiến An ninh Toàn cầu’ tập trung vào Thái Bình Dương

Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Xi floats ‘global security initiative’ with eye on Pacific,” Nikkei Asia, 28/04/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Trong lúc các dự án cơ sở hạ tầng trong sáng kiến Vành đai và Con đường bị đình trệ do vấn đề Ukraine, Chủ tịch Trung Quốc quyết định nhìn về phía đông.

Nhiều quốc gia hiện đang để những nhà quan sát Trung Quốc hàng đầu của mình sinh sống tại Tokyo. Một phần nguyên nhân là do Bắc Kinh giám sát các nhà ngoại giao rất chặt chẽ, và gần đây hơn, Trung Quốc còn áp đặt các biện pháp hạn chế nhập cảnh khó khăn nhất thế giới vì COVID-19.

Và các chuyên gia về Trung Quốc ở thủ đô của Nhật Bản hiện đang bối rối trước một đề xuất mà Tập đưa ra vào tuần trước.

Trong bài phát biểu quan trọng được trình bày qua video tại Diễn đàn Bát Ngao hôm 21/04, Chủ tịch Trung Quốc đã đề xuất một sáng kiến an ninh toàn cầu, bác bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh và thay vào đó kêu gọi một nền an ninh “chung, toàn diện, hợp tác, và bền vững.”

Ý tưởng về một cơ chế an ninh bao trùm thế giới nghe như thể điều mà các hoàng đế cổ đại của Trung Quốc đề xuất. Các nhà ngoại giao phải chịu áp lực từ trong nước để tìm ra ý nghĩa thực sự của đề nghị này, nhưng họ đang gặp phải khó khăn: bài phát biểu của Tập chỉ sử dụng từ vựng và thành ngữ trừu tượng của Trung Quốc.

Theo một nguồn tin từ Đông Âu, đề xuất của Tập đang được xem xét kỹ càng ở Ukraine. Mối quan hệ thân thiết của Tập với Tổng thống Nga Vladimir Putin không được lòng Kyiv, nhưng các quan chức tại đây vẫn hiểu rằng Bắc Kinh có ảnh hưởng nhất định đối với Nga, và do đó, Trung Quốc có thể ủng hộ một lệnh ngừng bắn tiềm năng.

Sau bài phát biểu của Tập, trong một cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Vương Văn Bân đã nói nhiều hơn về sáng kiến an ninh toàn cầu mà nước mình đề xuất, nhưng phát biểu của ông cũng không làm rõ chính xác những gì người Trung Quốc muốn làm.

“Với các mối đe dọa ngày càng tăng từ chủ nghĩa đơn phương, bá quyền và chính trị cường quyền, cùng với sự suy giảm ngày càng lớn về hòa bình, an ninh, lòng tin và quản trị, nhân loại đang phải đối mặt với ngày càng nhiều vấn đề nan giải và nhiều đe dọa an ninh,” Vương nói. “Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề xuất sáng kiến an ninh toàn cầu vì tương lai của cả nhân loại. Sáng kiến này là một hàng hóa công toàn cầu khác do Trung Quốc đề xuất, và là một minh họa sống động cho tầm nhìn về một cộng đồng với một tương lai chung cho nhân loại trong lĩnh vực an ninh.”

Một nhà ngoại giao châu Á cho biết đây chính là lối nói điển hình của Trung Quốc. “Họ luôn đưa ra một khuôn khổ quá lớn mà không ai có thể phản đối. Ý tưởng ở đây là ngay cả khi các quốc gia không nhiệt tình đồng ý, thì ít nhất họ cũng không thể phản đối nó hoàn toàn. Sau đó, từng chút một, họ sử dụng khuôn khổ đó để làm người Mỹ suy yếu.”

Nhà ngoại giao lưu ý thêm rằng chiến lược này xuất phát từ trò chơi mà người Trung Quốc cực kỳ yêu thích: cờ vây.

Quả thật, những lời chỉ trích của Trung Quốc về chủ nghĩa đơn phương, bá quyền, và tiêu chuẩn kép thường nhắm vào Mỹ.

Trong hình dung của Tập, một nước Mỹ đang dần suy yếu sẽ được thay thế bằng một thế giới đa cực, mà trong đó Trung Quốc là một người chơi chính.

Đề xuất mới nhất của vị chủ tịch cũng là dành cho khán giả nội địa, vì Tập cảm thấy cần phải đánh bóng uy tín cá nhân ở trong nước trước thềm đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào mùa thu này, khi ông cố gắng tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước.

Tập Cận Bình đã là một fan hâm mộ môn cờ vây từ khi còn học cấp hai. Ngay sau khi trở thành Chủ tịch nước, ông đã đến xem một cuộc thi cờ tại Đại học Bắc Kinh. Ấn tượng với lối đánh cờ quyết liệt của một sinh viên, Tập đã nói rằng ông hy vọng các nhà ngoại giao Trung Quốc cũng sẽ tiếp cận các vấn đề đối ngoại theo cách tương tự.

Các quan chức Bộ Ngoại giao chắc chắn đã tiếp thu lời chỉ trích gián tiếp này. Chính sách ngoại giao “chiến lang” sau đó được cho là có nguồn gốc từ những tuyên bố như thế này của Tập.

Một manh mối để hiểu được suy nghĩ của Tập là hiệp ước an ninh gần đây giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon ở Nam Thái Bình Dương. Thỏa thuận được ký ngay trước bài phát biểu của Tập vào ngày 21/4.

Nội dung cụ thể của hiệp ước chưa được công bố. Nhưng người ta tin rằng nó cho phép quân đội Trung Quốc được điều động đến, hoặc tàu hải quân Trung Quốc được ghé thăm, đảo quốc này. Thỏa thuận đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ Mỹ, nước tuyên bố rằng nó có thể dẫn đến việc Trung Quốc tiến quân vào Nam Thái Bình Dương.

Đảo Guadalcanal, nơi có thủ đô của Quần đảo Solomon, từng là chiến trường của một trận chiến ác liệt giữa Nhật và Mỹ, vốn đã trở thành bước ngoặt trong Thế chiến II.

Những bước tiến mới của Trung Quốc ở Thái Bình Dương có thể có liên quan đến sự đình trệ của Sáng kiến Vành đai và Con đường, vì lý do cuộc chiến Ukraine. Nỗ lực tạo ra một khu kinh tế lớn từ Lục địa Á-Âu trải dài về phía tây đã bị đình trệ sau cuộc xâm lược của Nga. Trung Quốc hiện đang nhìn về phía đông.

Trong bài phát biểu của mình vào tuần trước, Tập đã đề cập đến Hiệp định Đối tác Kinh tế Số (Digital Economy Partnership Agreement, DEPA). Dù hiệp định này không thu hút được nhiều sự chú ý, nhưng Trung Quốc đã nộp đơn xin tham gia hiệp định này hồi tháng 11. Thỏa thuận đã được Singapore, New Zealand, và Chile ký vào năm 2020. Ba thành viên DEPA, cùng với Brunei, là những thành viên cốt lõi ban đầu của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hồi tháng 9, Trung Quốc cũng đã nộp đơn xin gia nhập TPP, nay được gọi là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Bằng cách tham gia vào quá trình thiết lập tiêu chuẩn cho các lĩnh vực tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, Trung Quốc muốn tăng cường sự hiện diện của mình trong thương mại khu vực.

Sáng kiến an ninh toàn cầu, TPP, và DEPA có mối liên hệ với nhau.

Điều quan trọng là Mỹ không có sự hiện diện mạnh mẽ trong cả hai khuôn khổ. Nếu Trung Quốc tham gia TPP và DEPA, nước này có thể thống trị hai khối hiệp định.

Một nhà ngoại giao từ một quốc gia Đông Á có ảnh hưởng, người theo dõi Trung Quốc suốt nhiều năm, đã so sánh đề xuất kỳ lạ của Tập với việc mua sắm qua ti vi.

“Mức giá hời ban đầu nghe thật hấp dẫn,” nhà ngoại giao nói. “Và thế là bạn đăng ký mua, không muốn để mất cơ hội, rồi nhận ra rằng cái giá sau cùng là rất đắt.”

Một nguồn tin Trung Quốc quen thuộc với các vấn đề đối ngoại và an ninh đã phân tích diễn biến này một cách tỉnh táo.

Nguồn tin cho biết: “Nhìn bề ngoài, đây là một đề xuất đầy hy vọng, bởi nó là vì an ninh toàn cầu. Nhưng ẩn đằng sau đó là tình trạng tâm lý hiện tại của Tập Cận Bình, người đang cảm thấy vô cùng sợ hãi.”

Tập phải đối mặt với những rắc rối trong và ngoài nước. Cuộc chiến kéo dài ở Ukraine đang khiến quyết định gắn bó với Putin của ông trở nên khó hiểu. Trong khi đó, đợt phong tỏa Thượng Hải kéo dài hơn dự kiến đã bắt đầu tác động đáng kể đến nền kinh tế. Hôm thứ Hai, chứng khoán Thượng Hải đã có mức giảm lịch sử hơn 5%.

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.