Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố “buộc phải thực hiện các bước trả đũa” để “ngăn chặn các mối đe dọa an ninh quốc gia” trước thông tin Phần Lan sẽ nộp đơn xin gia nhập NATO. Thụy Điển cũng đang xem xét tham gia. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã cho biết việc Phần Lan “nhanh chóng” gia nhập sẽ được “chào đón nồng nhiệt.”
Ranil Wickremesinghe tuyên thệ nhậm chức thủ tướng mới của Sri Lanka sau một vài tuần đầy biến động. Chính trị gia 73 tuổi này là người đứng đầu Đảng Quốc gia Thống nhất đối lập. Do đó, ông được chấp nhận bởi các đảng đối lập với gia tộc chính trị Rajapaksa. Trước đó, Mahinda Rajapaksa đã phải từ chức thủ tướng vào thứ Hai, mặc dù anh trai ông, Gotabaya, vẫn tiếp tục giữ chức tổng thống.
Một ủy ban Hạ viện Mỹ có nhiệm vụ điều tra vụ bạo động 6 tháng 1 năm 2021 tại toà nhà Quốc hội Hoa Kỳ vừa ra trát triệu tập năm nghị sĩ Cộng hòa, những người đã từ chối tự nguyện ra điều trần. Trong số những người này có Kevin McCarthy – lãnh đạo phe thiểu số Hạ viện, người luôn kiên quyết bảo vệ cựu tổng thống Donald Trump dù vừa lộ băng ghi âm cho thấy ông kêu gọi ông Trump từ chức. Sau nhiều tháng trì hoãn, phiên điều trần đầu tiên sẽ diễn ra vào ngày 9 tháng 6.
Trung Quốc cho biết sẽ “hạn chế nghiêm ngặt” việc công dân Trung Quốc đi nước ngoài, trong bối cảnh Bắc Kinh đẩy mạnh chiến lược “zero-covid.” Cơ quan Di trú Quốc gia cũng cảnh báo về việc những người nhập cảnh mang covid-19 vào Trung Quốc. Trong khi đó phong tỏa tiếp tục được thắt chặt ở Thượng Hải. Chính phủ không cho biết khi nào các hạn chế mới được dỡ bỏ.
Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu áp đảo để phê chuẩn Jerome Powell cho nhiệm kỳ thứ hai làm lãnh đạo Cục Dự trữ Liên bang. Các thượng nghị sĩ dường như đang đặt cược rằng việc duy trì ổn định cơ cấu lãnh đạo sẽ giúp Fed giải quyết tình trạng lạm phát tăng. Ông Powell được Tổng thống Donald Trump đề cử trước khi được Tổng thống Joe Biden tái đề cử vào cuối năm ngoái.
Triều Tiên đã bắn ba tên lửa đạn đạo vào vùng biển ngoài khơi của họ, theo Nhật Bản và Hàn Quốc. Bất thường hơn nữa, sau suốt hai năm không ghi nhận một ca nhiễm covid-19 nào, truyền thông nhà nước Triều Tiên vừa công bố những ca nhiễm đầu tiên của đất nước. Đảng cầm quyền đổ lỗi cho “sự bất cẩn, lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm và kém năng lực” của những người có trách nhiệm chống dịch.
Quân đội Israel thông báo đang điều tra việc binh sĩ của họ có thể đã bắn chết nhà báo người Palestine Shireen Abu Aqleh, phóng viên của kênh tin tức Al Jazeera. Nữ phóng viên này thiệt mạng trong một cuộc đột kích của Israel ở thành phố Jenin, Bờ Tây, hôm thứ Tư. Ban đầu Israel đổ lỗi cho phía Palestine, song bài báo của Washington Post đã đảo ngược dư luận.
Con số trong ngày: 200 tỷ đô la, là tổng số tiền được phân phối lại cho 950 triệu người ở Ấn Độ theo hệ thống phúc lợi kỹ thuật số mới tồn tại 36 tháng của đất nước.
TIÊU ĐIỂM
Liệu Thụy Điển có theo chân Phần Lan xin gia nhập NATO?
Kể từ khi bắt đầu Chiến tranh Lạnh, cứ nghĩ đến Phần Lan là người ta nghĩ đến trung lập. Nhưng vào ngày 12 tháng 5, tổng thống và thủ tướng của nước này đã đồng loạt tuyên bố Phần Lan “phải nộp đơn” gia nhập NATO. Cuộc xâm lược Ukraine, vốn nhằm mục đích đẩy NATO ra khỏi biên giới Nga, thay vào đó lại kéo liên minh đến sát Nga hơn bao giờ hết.
Phần Lan và Thụy Điển, một quốc gia trung lập khác, thường hay phối hợp về các chính sách quốc phòng. Khả năng cao đảng cầm quyền của Thụy Điển cũng sẽ đưa ra khuyến nghị tương tự về việc gia nhập NATO vào Chủ nhật tuần này. Việc Thụy Điển đi sau là có lý. Trong khi Phần Lan chọn trung lập vì sức mạnh quá lớn của Liên Xô, Thụy Điển lại trung lập vì khía cạnh đạo đức. Chính sách đối ngoại theo định hướng nhân quyền của Thụy Điển từ lâu đã không ưu ái cả Mỹ lẫn Liên Xô. Tuy nhiên, thủ tướng Magdalena Andersson đã khéo léo lèo lái để đảng của mình ủng hộ gia nhập NATO. Nếu muốn từ bỏ chính sách trung lập đã có từ nhiều thế kỷ trước, Thụy Điển sẽ cần một sự đồng thuận chính trị nội bộ rất cao.
Mỹ xem xét lại quy định từ chối xin tị nạn
Hai năm trước, khi covid-19 tăng đột biến, Mỹ bắt đầu quay lưng và không cho phép những người di cư ở biên giới của mình xin tị nạn. Chính sách này, gọi là Tiêu đề 42, tạo ra rất nhiều tranh cãi. Các chuyên gia pháp lý cho rằng điều này đi ngược nghĩa vụ của Mỹ đối với người tị nạn theo luật pháp quốc tế. Chính quyền Biden đã hứa sẽ kết thúc nó từ ngày 23 tháng 5. Nhưng một số bang Cộng hòa đã kiện để giữ quy định này, vì cho rằng chính họ mới là bên thiệt hại khi phải nhận nhiều người di cư hơn. Vụ kiện của họ sẽ được đưa lên tòa án liên bang vào thứ Sáu.
Tiêu đề 42 thật ra được chính quyền Trump viện dẫn. Nhưng việc giữ lại nó vô tình có lợi cho tổng thống Joe Biden, vì nó ngăn được những cảnh tượng xấu xí ở biên giới. Các quan chức cho rằng số người tị nạn có thể tăng gấp ba nếu chính sách được chấm dứt. Trong bối cảnh chỉ còn vài tháng nữa là đến bầu cử giữa kỳ, đây có thể là một vấn đề chính trị đau đầu. Do đó, thật mỉa mai là chính quyền Biden có thể lại muốn các bang yêu cầu giữ nguyên Tiêu đề 42 thắng kiện.
Lợi nhuận tăng của các công ty dầu mỏ châu Âu đi về đâu?
Các công ty dầu mỏ lớn nhất châu Âu đã báo cáo lợi nhuận kỷ lục trong quý đầu năm. Thông tin này làm hình ảnh của họ xấu đi trong mắt các chính trị gia, và nhiều người đã lên tiếng ủng hộ đánh thuế một phần lợi nhuận các hãng kiếm được nhờ thời điểm kinh tế khó khăn hiện tại. Song các công ty năng lượng phản đối vì cho rằng làm vậy gây hại cho hành tinh. Lập luận của họ là: chúng tôi đang đổ lợi nhuận của mình vào các dự án carbon thấp.
Không hẳn, dù đúng là các tập đoàn năng lượng của châu Âu đang hạn chế chi tiền vào nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, thay vì tham gia vào các dự án carbon thấp, phần lớn lợi nhuận khổng lồ của họ đang được chuyển cho các nhà đầu tư. Ví dụ, BP đã phân bổ 60% tiền mặt thặng dư của mình trong năm nay để mua lại cổ phiếu, trong khi số tiền được họ đầu tư vào các dự án xanh vẫn rất nhỏ. Shell đặt mục tiêu chi 3 tỷ đô la cho các khoản đầu tư vào carbon thấp vào năm 2022 – trong số tổng ngân sách chi tiêu lên đến 23-27 tỷ đô la. Còn đối với BP, năm ngoái họ chỉ chi chưa tới 10% ngân sách cho các dự án xanh.
Điều gì xảy ra nếu Trung Quốc từ bỏ chính sách “zero-covid”?
Chính sách “zero-covid” đang bị đặt dấu hỏi khi Trung Quốc chật vật chiến đấu với đợt bùng dịch hơn 500.000 ca nhiễm covid-19. Trong một bài báo được xuất bản tuần này trên tạp chí Nature Medicine, các nhà khoa học Trung Quốc và các đồng nghiệp nước ngoài của họ đã mô hình hóa các lựa chọn thay thế. Trước tiên, việc bỏ hết các hạn chế phong tỏa sẽ nhanh chóng dẫn đến 1,6 triệu ca tử vong, và tại đỉnh dịch Trung Quốc sẽ cần số giường chăm sóc đặc biệt gấp 16 lần so với hiện nay.
Một cách tiếp cận khả dĩ hơn là sự kết hợp giữa vắc-xin và phương pháp điều trị. Theo các nhà khoa học, chiến lược này có thể giúp ngăn dẫn đến quá tải bệnh viện. Điều trị tất cả các ca có triệu chứng bằng thuốc kháng virus hiệu quả cao sẽ tạo ra khác biệt lớn nhất, mặc dù có điểm yếu là phải sản xuất ra số lượng thuốc rất lớn. Tiêm phòng cho những người trên 60 tuổi cũng sẽ có ảnh hưởng quan trọng, mặc dù nhỏ hơn. Việc đóng cửa trường học và nơi làm việc cũng như các biện pháp hạn chế tụ tập đông người, tức “zero-covid,” không thực sự hiệu quả — vì chúng chỉ trì hoãn vấn đề.