Tân tổng thống Marcos sẽ có chính sách đối ngoại khác với Duterte

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Derek Grossman, “New Philippine President Marcos Is No Duterte on Foreign Policy,” Foreign Policy, 10/05/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Người chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm thứ Hai vừa rồi có ý định bảo vệ chủ quyền trước Trung Quốc và ưu tiên liên minh với Mỹ.

Cuộc bầu cử đã đưa Ferdinand Marcos Jr. trở thành tổng thống tiếp theo của Philippines sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với chính sách đối ngoại của Manila. Thường được gọi với biệt danh “Bongbong”, Marcos nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng bởi các chính sách của cha ông, cựu độc tài Ferdinand Marcos, cũng như của người tiền nhiệm, Rodrigo Duterte, dẫn tới sự hình thành một chính phủ mới quan tâm đến việc hợp tác với Trung Quốc trong khi vẫn kề cận với Mỹ. Marcos đã liên tục ca ngợi những thành tựu của cha mình, một trong số đó là duy trì liên minh an ninh mạnh mẽ với Washington bất chấp mâu thuẫn song phương, nhưng đồng thời, ông cũng đồng tình về mặt chính trị với Duterte, người đã tìm cách xoay trục từ Mỹ sang Trung Quốc. Do đó, trong nhiệm kỳ 6 năm sắp tới, Washington nên mong đợi một nhà lãnh đạo thân thiện với Trung Quốc theo kiểu Duterte, nhưng sẽ không thể hiện ý định phá bỏ liên minh Philippines-Mỹ như Duterte đã làm. Marcos thậm chí còn có thể củng cố liên minh với Mỹ nếu Bắc Kinh tiếp tục gia tăng hành động gây hấn ở Biển Đông.

Vì Marcos đã từ chối tham gia hầu hết các cuộc tranh luận của ứng viên tổng thống trong chiến dịch tranh cử, và cũng không đưa ra bất kỳ tuyên bố chính thức nào về chính sách đối ngoại, nên giới phân tích đành cố gắng phỏng đoán quan điểm thực sự của ông. Dù vậy, ông có tham gia vào một buổi tranh luận chính, và có trả lời một vài phỏng vấn truyền thông trong năm nay về chính sách đối ngoại. Trong những dịp này, câu trả lời của Marcos đối với các câu hỏi về chính sách đối ngoại của Philippines thể hiện rõ nhất những gì ông mong muốn đạt được về mặt đối ngoại sau khi lên kế nhiệm Duterte vào ngày 30/6.

Ở cấp độ cao nhất, Marcos – giống như mọi nhà lãnh đạo Philippines – sẽ tìm cách duy trì lợi ích quốc gia bất chấp sự cạnh tranh ngày càng sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong cuộc tranh luận, ông nói: “Bất kể các siêu cường có đang cố gắng làm gì, chúng ta vẫn phải làm việc vì lợi ích của Philippines. Chúng ta không thể cho phép mình trở thành một phần trong chính sách đối ngoại của nước khác. Chúng ta phải có chính sách đối ngoại của riêng mình.” Tuyên bố này cho thấy Marcos hình dung Manila sẽ không gắn bó chặt chẽ trong liên minh với Washington, cũng không cố gắng xác lập quan hệ đối tác mới với Bắc Kinh. Thay vào đó, ông lựa chọn con đường trung dung, vượt qua cạnh tranh căng thẳng giữa các cường quốc. Ngược lại, Duterte, trong chuyến công du đầu tiên tới Trung Quốc không lâu sau khi đắc cử, đã có lời tuyên bố nổi tiếng rằng đã đến lúc “nói lời tạm biệt” với Washington. Bất chấp liên kết chính trị của ông với Duterte, Marcos có thể sẽ không chọn phe cho mình.

Về những gì ông hy vọng đạt được trong chính sách Trung Quốc, Marcos nhấn mạnh trong cuộc tranh luận rằng, khi nói đến địa chính trị, Philippines đang ở một “điểm nóng”. Tuy nhiên, ông cũng lập luận rằng Manila “sẽ không nhượng bất kỳ tấc đấc nào cho bất kỳ quốc gia nào, đặc biệt là Trung Quốc, mà sẽ tiếp tục hợp tác và làm việc vì lợi ích quốc gia của chúng ta.” Quyết tâm của Marcos trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Philippines trước Trung Quốc ở Biển Đông – nơi hai bên có nhiều tuyên bố chủ quyền chồng chéo, và ngày càng bất đồng sâu sắc trong những năm gần đây – đang tạo ấn tượng mạnh so với lập trường ủng hộ Trung Quốc không ngại ngần của Duterte trong giai đoạn đầu của nhiệm kỳ tổng thống. Chẳng hạn, chính phủ của Duterte phải mất 4 năm mới thừa nhận phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016, vốn có lợi cho Manila, chống lại các yêu sách bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông – một chiến thắng không chỉ cho Philippines, mà còn cho luật pháp và chuẩn mực quốc tế về ứng xử trên biển. Về phần mình, Marcos đã giữ thái độ trung lập đối với phán quyết, chỉ đơn giản nói rằng vì Trung Quốc đã từ chối tham gia vào phiên xử năm 2013, “nó [phán quyết] không còn khả dụng đối với chúng tôi.” Đây không nên được hiểu là sự bác bỏ phán quyết, nhưng là sự thừa nhận những khó khăn trong việc thực thi phán quyết mà không có sự hợp tác của Bắc Kinh.

Dù ai cũng biết về quan hệ chặt chẽ của Marcos và gia đình với Đảng Cộng sản Trung Quốc, tân tổng thống đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với Philippines ở Biển Đông. Trong cuộc tranh luận, ông lưu ý: “Không khó để chứng minh cho người Trung Quốc rằng tàu đánh cá của chúng ta không phải là mối đe dọa quân sự đối với họ, vậy tại sao họ phải triển khai tàu chiến ở đó? Nhưng chúng ta phải đáp lại. Nếu chuyện đó xảy ra một lần nữa, chúng ta có thể cử Hải quân, hoặc Lực lượng Tuần duyên, để có sự hiện diện quân sự… sự hiện diện của nhà nước trong khu vực đó.” Việc Marcos nhấn mạnh sự cần thiết phải có “sự hiện diện của nhà nước” ở các khu vực tranh chấp cho thấy ông đang tìm cách tận dụng liên minh Mỹ-Philippines để răn đe Trung Quốc, vì bất kỳ cuộc tấn công nào vào tài sản nhà nước của Philippines đều sẽ kích hoạt Hiệp ước Phòng thủ Tương trợ. Chính sách của Washington về điểm này đã nhất quán trong nhiều năm.

Trong cuộc tranh luận, Marcos cũng ủng hộ việc thể hiện quyết tâm ở Biển Đông. Ông cho biết mục tiêu “là để cho Trung Quốc thấy rằng chúng ta đang bảo vệ những gì chúng ta coi là lãnh hải của mình, và [mục tiêu] không phải là để bắn vào các tàu Trung Quốc.” Ông nói thêm, Manila cần “làm cho [người Trung Quốc] biết rằng chúng ta biết những gì họ đang làm, và chúng ta không đồng ý với những gì họ đang làm, và chúng ta sẽ tiếp tục sử dụng các kênh ngoại giao, cùng nhiều kênh khác, để khắc phục vấn đề và đảm bảo rằng nó sẽ không lặp lại.” Tuy nhiên, một lần nữa, những tuyên bố của Marcos về Trung Quốc có phần hiếu chiến hơn nhiều so với tuyên bố của Duterte, cả trong thời gian đầu và trong hầu hết nhiệm kỳ của ông.

Về liên minh với Mỹ, Marcos cũng đã tách biệt bản thân với Duterte. Khi trả lời một câu hỏi tại cuộc tranh luận, ông lưu ý, “Mối quan hệ của chúng ta với Mỹ không phải là điều đáng bị ngó lơ.” Ông cũng gọi đây là “một liên minh rất quan trọng.” Ông lập luận rằng liên minh này “đã giúp chúng ta trong hơn một trăm năm, và điều đó sẽ không bao giờ bị xóa nhòa trong tâm trí người Philippines, ý tưởng và ký ức về những gì người Mỹ đã làm cho chúng ta và chiến đấu với chúng ta trong cuộc chiến vừa qua.” Ý định của Marcos dường như hoàn toàn trái ngược với Duterte, người đã tìm cách loại bỏ liên minh một cách có hệ thống, từng thỏa thuận một – bao gồm Thỏa thuận Lực lượng Thăm viếng, Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường, và thậm chí cả Hiệp ước Phòng thủ Tương trợ. Đó là một điều tốt cho Washington và gần như chắc chắn là sự đồng thuận với chính sách ưu tiên liên minh mà cha ông đã từng thực hiện. Thật vậy, chuỗi ngày khơi lại di sản thuộc địa đen tối của Mỹ ở Philippines có thể sẽ kết thúc cùng với nhiệm kỳ của Duterte.

Chắc chắn, Marcos, giống như Duterte, có thể vẫn muốn đàm phán lại các khía cạnh nhất định của liên minh. Trong cuộc tranh luận, ông lưu ý: “Tôi nghĩ rằng, tất nhiên, chúng ta nên khuyến khích bất kỳ thỏa thuận nào trong số này, miễn là chúng ta có thể thấy rõ được: Lợi thế cho Philippines là gì?” Do đó, có khả năng Bộ trưởng Quốc phòng tương lai của Marcos, dù đó là ai, cũng sẽ tiếp bước Bộ trưởng Quốc phòng sắp mãn nhiệm Delfin Lorenzana, người liên tục kêu gọi “xem lại” Hiệp ước Phòng thủ Tương trợ. Nhưng nếu chính phủ Marcos thực sự khởi động quá trình xét lại, thì có lẽ điều họ hướng tới là cải thiện lợi ích của Manila trong liên minh, chứ không phải cố gắng tìm cách chấm dứt nó. Dù bằng cách nào, Marcos cũng sẽ không tìm kiếm sự hỗ trợ của Mỹ trong việc chống lại Trung Quốc, trừ phi đó thực sự là điều bắt buộc. Trong một cuộc phỏng vấn, ông nói, “Vấn đề là giữa Trung Quốc và chúng tôi. Nếu người Mỹ xuất hiện, chúng tôi chắc chắn sẽ thất bại, vì chúng ta đang đặt hai nhân vật đối đầu bên cạnh nhau.”

Sự do dự của Marcos đối với việc để quân đội Mỹ tham gia vào các cuộc xung đột tiềm tàng trong tương lai với Trung Quốc không nên là điều khiến Washington lo ngại. Không giống như Duterte, Marcos tỏ ra rất coi trọng liên minh. Trên thực tế, ông có thể đang cố gắng thuyết phục để Manila tự mình làm nhiều hơn – đây là một bước tiến, và nếu nó thành công, thì Washington nên ủng hộ. Nó sẽ phù hợp với chiến lược của chính quyền Biden về cái gọi là răn đe tích hợp (integrated deterrence), trong đó các đồng minh và đối tác của Mỹ cùng hợp tác để ngăn chặn Trung Quốc và các đối thủ khác, chẳng hạn như Nga.

Tất nhiên, tất cả những tuyên bố này đơn giản chỉ là tuyên bố. Marcos sẽ phải hiện thực hóa lời nói của mình thành hành động trong những năm tới, để chứng minh rằng ông thực sự có kế hoạch bảo vệ chủ quyền của Philippines trước Trung Quốc và ưu tiên liên minh với Mỹ. Có khả năng ông sẽ làm cả hai điều này, không chỉ vì người dân Philippines, giới lãnh đạo quân sự, và các khu vực bầu cử khác đang ủng hộ Mỹ một cách áp đảo. Những sự thật cơ bản này của chính trị Philippines – cùng với sự hung hăng ngày càng tăng của Bắc Kinh đối với các lợi ích của Manila ở Biển Đông, vốn không có dấu hiệu giảm bớt – đã khiến nước cờ quay sang Trung Quốc của Duterte thất bại. Do đó, Marcos có khả năng sẽ điều chỉnh chính sách đối ngoại của Duterte, chỉ vừa đủ để tránh những thất bại tương tự và tối đa hóa lợi ích chiến lược cho Philippines.

Derek Grossman là nhà phân tích quốc phòng cấp cao của Rand Corporation, và từng là cố vấn tình báo của Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về các vấn đề an ninh Châu Á và Thái Bình Dương.