Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Ukraine sẽ bắt đầu truy tố 80 tội phạm chiến tranh người Nga trong số 600 người bị nước này liệt vào danh sách, theo tổng công tố viên Iryna Venediktova. Bà cũng cho biết Estonia, Latvia và Slovakia sẽ tham gia một cuộc điều tra quốc tế về tội ác chiến tranh vốn được Litva và Ba Lan khởi động từ tháng 3. Trong khi đó, quân Nga tiếp tục tấn công khu vực Donbas ở miền đông và đã chiếm được “khoảng một nửa” thành phố Severodonetsk, theo giới chức địa phương.
Giá dầu tăng sau khi Liên minh châu Âu đồng ý cấm vận một phần đối với dầu Nga. Thỏa thuận tạm thời cho phép dầu đi qua đường ống dẫn nhằm xoa dịu Hungary, quốc gia luôn phản đối lệnh cấm vì nó làm gián đoạn nguồn cung năng lượng của họ. Dù vậy, lệnh cấm vẫn tác động tới 2/3 lượng dầu nhập khẩu của khối từ Nga. Ngoài ra gói trừng phạt còn bao gồm cam kết cắt Sberbank, ngân hàng lớn nhất nước Nga, khỏi SWIFT, một hệ thống chuyển tiền liên ngân hàng. Cuối cùng, EU đồng ý viện trợ 9 tỷ euro (9,7 tỷ USD) cho nền kinh tế Ukraine.
Lạm phát năm trong khu vực đồng Euro tăng lên 8,1% trong tháng 5, chạm đỉnh cao nhất mọi thời đại, trong bối cảnh chiến tranh Ukraine đẩy giá năng lượng và hàng hóa lên cao. Pháp ghi nhận lạm phát 5,8% trong tháng này, làm dấy lên lo ngại về lạm phát đi kèm đình trệ khi tăng trưởng cũng chậm đi. Hôm thứ Hai, Đức và Tây Ban Nha đồng loạt báo cáo số liệu lạm phát tăng mạnh, gây áp lực hối thúc Ngân hàng Trung ương châu Âu tăng lãi suất lần đầu kể từ 2011.
Trung Quốc công bố một gói kích thích khổng lồ gồm 33 biện pháp nhằm thúc đẩy tiêu dùng và chống thất nghiệp. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chìm trong chính sách zero-covid suốt 28 tháng qua, đồng thời bị ảnh hưởng bởi việc thắt chặt quy định trong lĩnh vực công nghệ, khiến cho mục tiêu tăng trưởng chính thức 5,5% vào năm 2022 trở nên khó khăn hơn. Chính phủ cho biết sẽ giám sát quá trình thực hiện gói kích thích.
Ba mươi máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã được điều đến Vùng Nhận dạng Phòng không của Đài Loan, một vùng đệm mà mọi hành vi xâm phạm sẽ dẫn đến cảnh báo quân sự. Đài Loan không lạ gì với những diễn biến này, nhưng đây là lần xâm phạm lớn nhất kể từ tháng 1. Nó diễn ra chỉ hơn một tuần sau khi ông Biden tuyên bố Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc tấn công, phá vỡ quan điểm truyền thống của Washington.
Chính phủ Đảng Lao động mới của Úc dường như đã thắng đa số trong quốc hội. Trước đó, lãnh đạo đảng Anthony Albanese đã trở thành thủ tướng mới sau khi đánh bại người đương nhiệm Scott Morrison trong cuộc bầu cử ngày 21 tháng 5. Nhưng quá trình đếm phiếu ở các khu vực có kết quả sít sao đã làm trì hoãn kết quả, khiến cho đảng Lao động đến giờ mới thắng đủ 76 trên 151 ghế cần thiết tại hạ viện.
Các nhà khảo cổ học Ai Cập tìm thấy 250 quan tài cổ có xác ướp tại khu chôn cất Saqqara ở ngoại ô Cairo. Đi kèm với chúng là các cổ vật, trong đó có tượng đồng của các vị thần Ai Cập, với niên đại tới 2.500 năm. Các quách sẽ được chuyển đến Đại Bảo tàng Ai Cập ở gần đó, vốn được dự kiến mở cửa vào năm tới.
Con số trong ngày: 1/5 dân số Anh bị mắc bệnh cúm mỗi năm.
TIÊU ĐIỂM
Quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề NATO mở rộng thành viên
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đang ngăn cản Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. Dưới đây là trích dẫn từ bài viết của ông giải thích quan điểm cho tạp chí The Economist:
Vì tất cả các đồng minh NATO đều công nhận tầm quan trọng thiết yếu của Thổ Nhĩ Kỳ đối với liên minh, nên thật không may khi một vài trong số họ không nhìn thấy các mối đe dọa đối với đất nước chúng tôi. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng việc kết nạp Thụy Điển và Phần Lan sẽ dẫn đến rủi ro an ninh cho chính chúng tôi cũng như tương lai của tổ chức. Chúng tôi có quyền yêu cầu các quốc gia đó, những quốc gia [mà nếu được kết nạp] sẽ có quyền yêu cầu quân đội lớn thứ hai NATO [tức Thổ Nhĩ Kỳ] đưa quân đến bảo vệ họ theo Điều 5, ngăn chặn các hoạt động tuyển mộ, gây quỹ và tuyên truyền của PKK, một tổ chức đã bị Liên minh châu Âu và Mỹ coi là thực thể khủng bố.
Thổ Nhĩ Kỳ muốn các nước ứng viên kiềm chế hoạt động của tất cả các tổ chức khủng bố và dẫn độ thành viên của các tổ chức này. Chúng tôi đã cung cấp bằng chứng rõ ràng cho giới chức ở các nước này và chờ đợi họ hành động. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu họ hỗ trợ các hoạt động chống khủng bố của NATO. Chủ nghĩa khủng bố là mối đe dọa cho tất cả các thành viên và do đó các nước ứng viên nên nhận thức rõ trước khi gia nhập. Trừ khi họ thực hiện các bước cần thiết, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thay đổi quan điểm của mình.
Nhóm Hồng Kông 47 ra tòa
Phiên tòa xét xử 47 chính trị gia và nhà hoạt động đối lập Hồng Kông sẽ bắt đầu vào thứ Tư. Tội danh bị cáo buộc của họ – với mức án cao nhất là chung thân theo luật an ninh quốc gia – là tổ chức cuộc bầu cử sơ bộ không chính thức vào năm 2020. Mục tiêu của họ là chọn ra một nhóm ứng viên để đấu với các chính trị gia thân Bắc Kinh trong cuộc bầu cử cuối năm đó (nhưng đã bị hoãn lại).
Trong một cuộc bố ráp vào rang sạng một ngày tháng 1 năm 2021, cảnh sát đã vây bắt những người tổ chức, bao gồm các nhân vật nổi tiếng của phong trào ủng hộ dân chủ như Benny Tai hay Joshua Wong. John Lee, trưởng đặc khu sắp tới của Hồng Kông – khi đó là bộ trưởng an ninh – đã buộc tội họ “âm mưu thâm độc.” Ông dường như cho rằng tội của nhóm là âm mưu giành được một nửa số ghế trong hội đồng lập pháp. Sau 25 năm, Trung Quốc giờ đây đã ngửa bài là người Hồng Kông không được phép bày tỏ quan điểm của mình, nhất là tại thùng phiếu.
Đan Mạch trưng cầu dân ý về hợp tác quốc phòng với EU
Từ trước đến nay Đan Mạch luôn dè dặt về EU. Hồi năm 1992 chính họ đã bỏ phiếu cho một cuộc trưng cầu dân ý phản đối hiệp ước Maastricht, sự kiện vốn thành lập liên minh. Một năm sau đó, họ đổi ý khi chính phủ đàm phán được quyền rút khỏi bốn lĩnh vực hợp tác, bao gồm cả quốc phòng. Song giờ đây khi Nga xâm lược Ukraine, quốc hội Đan Mạch đang xem xét lại vấn đề. Vào thứ Tư, nước này sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về việc có nên tham gia các chính sách quốc phòng của châu Âu hay không.
Các nỗ lực quốc phòng có giới hạn của EU bao gồm chương trình phối hợp mua sắm vũ khí và một sứ mệnh chung ở Địa Trung Hải để thực thi các hạn chế đối với Libya. Đan Mạch là thành viên sáng lập của NATO, do đó một số người Đan Mạch tự hỏi [hợp tác quốc phòng của] EU sẽ mang lại thêm gì cho họ. Các đảng cực tả và cực hữu không muốn tham gia, trong khi những người ngờ vực (dù không đúng) cho rằng lính Đan Mạch có thể phải tham chiến mà không có sự chấp thuận của quốc hội. Dù vậy hầu hết các đảng đều muốn tham gia, vừa để răn đe Nga vừa để bớt phụ thuộc vào Mỹ. Thăm dò bước đầu cũng cho thấy cử tri đồng ý.
Hạn hán nghiêm trọng ở California
Bắt đầu từ thứ Tư, 6 triệu người ở trong và xung quanh Los Angeles được yêu cầu tưới nước bãi cỏ gia đình chỉ một lần một tuần. Quy định mới này sẽ giúp tiết kiệm nước trong bối cảnh hạn hán nghiêm trọng tại miền Tây nước Mỹ, đến mức các nhà khí hậu học định mức “cực đoan” trên 60% diện tích California. Năm ngoái là năm khô hạn thứ hai trong lịch sử của bang; với năm nay có khả năng còn tệ hơn.
Bấy nhiêu là không đủ, vì khu vực thành thị chỉ chiếm 1/5 lượng nước được sử dụng bởi các hộ gia đình và doanh nghiệp. Phần còn lại là nông nghiệp. Tình trạng thiếu nước sẽ buộc nông dân phải để đất trồng trọt bị hoang hóa. Nông dân có thể sẽ phải chuyển sang các loại cây trồng mang lại doanh thu cao hơn trên lượng nước dùng, chẳng hạn như rau và các loại hạt, thay vì gạo và bông. Trong khi đó, người thành thị sẽ bỏ những cây lâu năm tươi tốt và chuyển sang trồng các loại xương rồng có gai.