16/06/1963: Người phụ nữ đầu tiên bay vào không gian

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Soviet cosmonaut Valentina Tereshkova becomes the first woman in space, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1963, trên tàu Vostok 6, phi hành gia Liên Xô Valentina Tereshkova trở thành người phụ nữ đầu tiên du hành vào vũ trụ. Sau 48 vòng bay và 71 giờ, bà quay trở lại Trái Đất, dành nhiều thời gian trong không gian hơn tất cả các phi hành gia Mỹ cộng lại cho đến thời điểm đó.

Valentina Vladimirovna Tereshkova sinh ra trong một gia đình nông dân ở Maslennikovo, Nga, vào năm 1937. Bà bắt đầu làm việc tại một nhà máy dệt khi 18 tuổi, và ở tuổi 22, bà có lần nhảy dù đầu tiên dưới sự giúp đỡ của một câu lạc bộ hàng không địa phương. Đam mê của Tereshkova với môn nhảy dù đã khiến bà giành được sự chú ý của chương trình không gian Liên Xô, vốn đang tìm cách đưa một phụ nữ lên vũ trụ vào đầu những năm 1960 như một cách để đạt thêm một danh hiệu “đầu tiên trong không gian” trước người Mỹ.

Là một vận động viên nhảy dù giỏi, Tereshkova có đủ khả năng để xử lý một trong những nhiệm vụ thử thách nhất của chuyến bay vũ trụ Vostok: đó là cú phóng bắt buộc từ con tàu vũ trụ ở độ cao gần 6100m trong quá trình quay trở về Trái Đất. Tháng 02/1962, bà cùng với ba nữ vận động viên nhảy dù khác và một nữ phi công đã được tuyển chọn tham gia khóa đào tạo chuyên sâu để trở thành một nhà du hành vũ trụ.

Năm 1963, Tereshkova được chọn tham gia chuyến bay kép thứ hai trong chương trình Vostok, với hai tàu vũ trụ Vostok 5 và Vostok 6. Ngày 14/05/1963, Vostok 5 được phóng lên vũ trụ cùng với phi hành gia Valeri Bykovsky trên tàu. Khi Bykovsky vẫn đang quay quanh Trái Đất, Tereshkova được phóng lên vũ trụ vào ngày 16/06 trên tàu Vostok 6. Hai con tàu tuy có quỹ đạo khác nhau, nhưng tại một thời điểm, chúng chỉ cách nhau ba dặm, cho phép hai phi hành gia trao đổi thông tin liên lạc ngắn gọn. Tàu của Tereshkova được dẫn đường bởi một hệ thống điều khiển tự động và bà chưa bao giờ điều khiển bằng tay. Ngày 19/06, chỉ sau chưa đầy ba ngày trong không gian, Vostok 6 quay trở lại bầu khí quyển, và Tereshkova đã nhảy dù xuống Trái Đất thành công sau khi phóng ra ở độ cao 6100m. Bykovsky và Vostok 5 cũng đã hạ cánh an toàn vài giờ sau đó.

Sau chuyến bay không gian lịch sử của mình, Valentina Tereshkova đã nhận được Huân chương Lenin và danh hiệu Anh hùng Liên bang Xô Viết. Tháng 11/1963, bà kết hôn với nhà du hành vũ trụ Andrian Nikolayev, được cho là dưới áp lực của nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev, người đã nhìn thấy lợi thế tuyên truyền nếu kết hợp hai nhà du hành vũ trụ còn đang độc thân. Cặp đôi đã có một số chuyến đi thiện chí ra nước ngoài, có chung một con gái và sau đó ly thân. Năm 1966, Tereshkova trở thành thành viên của Xô Viết Tối cao, cơ quan lập pháp quốc gia của Liên Xô; bà cũng đồng thời là đại diện của Liên Xô tại nhiều tổ chức và sự kiện quốc tế của phụ nữ. Bà không bao giờ bay vào không gian nữa, và các chuyến bay của bà cũng là các chuyến bay vào vũ trụ cuối cùng của một nữ phi hành gia, mãi cho đến những năm 1980.

Người Mỹ đã tuyển chọn một nhóm nữ phi công vào năm 1959 và 1960, với hy vọng đào tạo họ thành phi hành gia, nhưng sau đó quyết định chỉ giới hạn chương trình phi hành gia cho nam giới. Người phụ nữ Mỹ đầu tiên bay vào không gian là phi hành gia và nhà vật lý Sally Ride, người từng là chuyên gia trên sứ mệnh tàu con thoi Challenger vào năm 1983.