Nguồn: Finland declares war on Germany, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1945, Phần Lan, dưới sức ép ngày càng tăng từ cả Mỹ và Liên Xô, cuối cùng đã chính thức tuyên chiến với Đức, một đối tác cũ của nước này.
Sau khi Đức xâm lược Ba Lan, vì muốn bảo vệ Leningrad khỏi sự xâm lấn của phương Tây, cũng như của đối tác đáng ngờ trong Hiệp ước Bất tương xâm là Đức, Liên Xô đã bắt đầu yêu cầu được trao quyền kiểm soát các khu vực tranh chấp khác nhau từ Phần Lan, bao gồm một phần Eo đất Karelia (vùng đất dẫn đến Leningrad). Phần Lan đã cố gắng chống lại sức ép của Liên Xô. Thủ tướng Liên Xô Joseph Stalin liền đáp lại bằng cách công bố “phụ chú” (small print) của Hiệp ước Bất tương xâm Molotov-Ribbentrop mà Liên Xô đã ký với Đức hồi tháng 8, theo đó cho phép Liên Xô tự do cai trị trong “phạm vi ảnh hưởng” của mình. Liên Xô xâm lược Phần Lan vào ngày 30/11/1939. (Stalin tuyên bố rằng lính Phần Lan đã nổ súng trước vào quân đội Liên Xô.)
Người Phần Lan đã khiến mọi người phải choáng váng khi dũng cảm đánh trả đợt tấn công ban đầu của Liên Xô. Mặc dù lực lượng kháng cự chỉ bao gồm một số ít binh lính được huấn luyện (trên ván trượt và xe đạp), nhưng việc họ từ chối phục tùng đã trở thành tiêu đề trang nhất của báo chí thế giới. Tổng thống Roosevelt đã nhanh chóng gia hạn khoản tín dụng 10 triệu đô la cho Phần Lan, đồng thời lưu ý rằng người Phần Lan là những người duy nhất trả được đầy đủ khoản nợ trong Thế chiến I cho Mỹ. Nhưng khi phía Liên Xô có cơ hội tập hợp lại và gửi quân tiếp viện khổng lồ đến nơi, cuộc kháng chiến của Phần Lan đã không thể trụ nổi nữa. Sang tháng 03/1940, các cuộc đàm phán với Liên Xô bắt đầu và Phần Lan buộc phải ký Hiệp ước Moscow, trao lại quyền kiểm soát Eo đất Karelia.
Khi căng thẳng gia tăng giữa Đức và Liên Xô, Phần Lan nhìn thấy ở Hitler một đồng minh khả dĩ trong việc giành lại lãnh thổ đã mất của mình. Quân đội Đức được phép vào đất Phần Lan khi họ chuẩn bị cho cuộc xâm lược Liên Xô – một cuộc chiến mà người Phần Lan cũng tham gia. Dù quân đội Phần Lan đã giành lại được các khu vực rộng lớn ở Đông Karelia từ tay Liên Xô, nhưng họ vẫn miễn cưỡng khi xâm phạm biên giới cũ năm 1939 và giúp Đức trong cuộc bao vây Leningrad.
Tuy nhiên, những thất bại liên tục của Đức đã giúp Liên Xô giành được thế thượng phong một lần nữa. Ngay sau khi Hồng Quân đánh vào Eo đất Karelia trong tháng 06/1944, Tổng thống Phần Lan, Risto Ryti, đã từ chức. (Cũng trong khoảng thời gian này, Mỹ cắt đứt quan hệ với Phần Lan, sau nhiều lần bị Ryti từ chối yêu cầu từ bỏ liên minh với Đức.) Người kế nhiệm Ryti, Gustaf Mannerheim, ngay lập tức tìm kiếm một thỏa thuận đình chiến với Liên Xô. Văn bản này được ký vào ngày 19/09/1944, trong đó Phần Lan đồng ý với các điều khoản của Hiệp ước Moscow năm 1940 và đưa toàn bộ quân Đức ra khỏi đất Phần Lan. Hành động đầu hàng cuối cùng diễn ra vào ngày 03/03/1945, đi kèm với một lời tuyên chiến chính thức chống lại nước Đức đang hấp hối.