Thế giới hôm nay: 16/06/2022

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Ngân hàng Trung ương châu Âu cho biết sẽ đẩy nhanh nghiên cứu một công cụ mới để giải quyết tình trạng phân mảnh trong khu vực đồng euro, tức hiện tượng lợi suất trái phiếu của một số nước tăng cao hơn nhiều so với các nước khác. Thông báo này được đưa ra tại một cuộc họp đột xuất hôm thứ Tư để “thảo luận về các điều kiện thị trường hiện tại,” sau khi lợi suất trái phiếu của Ý và Tây Ban Nha đạt mức cao nhất nhiều năm qua. Tin này đã giúp xoa dịu thị trường.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất lên 0,75 điểm phần trăm, bước tăng cao nhất kể từ năm 1994. Lãi suất mục tiêu hiện tại của họ nằm trong phạm vi từ 1,50% đến 1,75%. Động thái này đến ngay sau đợt công bố dữ liệu lạm phát đáng báo động vừa qua, mà Fed nói xuất phát từ cuộc chiến ở Ukraine và việc Trung Quốc phong tỏa. Chủ tịch Jerome Powell cho biết Fed có thể sẽ tăng lãi suất thêm một lần nữa vào cuộc họp tiếp theo vào tháng 7.

Ukraine phớt lờ lời kêu gọi đầu hàng tại thành phố Severodonetsk thuộc vùng Donbas, bất chấp việc Nga đã kiểm soát tới 80% thành phố. Hơn 500 thường dân được cho là đang bị mắc kẹt cùng với các binh sĩ trong nhà máy hóa chất Azot, trong khi sơ tán chỉ diễn ra ngắt quãng. Còn tại Brussel, các bộ trưởng quốc phòng NATO đã họp để thảo luận về các yêu cầu vũ khí hạng nặng của Ukraine.

Một giáo đường Do Thái ở Florida đang kiện tiểu bang về luật cấm phá thai sau 15 tuần mới đây, vì nó vi phạm các quyền tự do tôn giáo được hiến pháp Florida đảm bảo. Được biết luật Do Thái yêu cầu phá thai nếu xét thấy cần thiết cho sức khỏe thể chất hoặc tinh thần của người mẹ. Luật của Florida, có hiệu lực từ tháng 7, thậm chí không miễn trừ cho cả trường hợp có thai vì hiếp dâm và loạn luân.

Liên minh châu Âu nối lại các thủ tục pháp lý chống lại Anh, sau khi nước này lên kế hoạch sửa nghị định thư Bắc Ireland, một phần của thỏa thuận Brexit 2020. Trước đó chính phủ Anh đã công bố các bước trao quyền cho các bộ trưởng viết lại nghị định thư, vốn quy định Bắc Ireland thuộc thị trường chung châu Âu và tạo ra biên giới với Vương quốc Anh; EU cho rằng đơn phương vi phạm một hiệp ước quốc tế là bất hợp pháp.

Giá bitcoin giảm xuống còn 20.000 đô la, trong bối cảnh thị trường tiền điện tử ngày càng suy thoái. Trước đó Coinbase, sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất của Mỹ, cho biết đã phải sa thải 18% lực lượng lao động của mình. Giám đốc điều hành Brian Armstrong cho rằng “mùa đông tiền điện tử” có thể sẽ tồn tại “một khoảng thời gian dài” và làm giảm doanh thu từ giao dịch, nguồn thu lớn nhất của công ty.

Các nhân viên chính phủ Sri Lanka sẽ được nghỉ một ngày trong tuần để trồng cây tại nhà, trong nỗ lực ngăn chặn thảm họa lương thực đang bùng phát. Một số mặt hàng lương thực, cùng với nhiên liệu và thuốc men, đang bị thiếu hụt. Lạm phát năm cũng lên tới 39% trong tháng 5, khiến ngân sách của các hộ gia đình eo hẹp đi. Tuyên bố của nội các cũng cho biết việc nghỉ thêm một ngày trong tuần sẽ giúp giảm tiêu thụ nhiên liệu.

TIÊU ĐIỂM

Kinh tế Nga tiếp tục ổn định

Hầu hết giới quan sát đều dự đoán nền kinh tế Nga sẽ sụp đổ khi đối mặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có của phương Tây. Trong những ngày đầu Nga xâm lược Ukraine, đồng rúp cũng giảm mạnh và các ngân hàng trông như gần sụp đổ. Song kể từ đó, kinh tế Nga đã phục hồi một cách đáng kinh ngạc. Số liệu GDP công bố vào thứ Năm dự kiến sẽ cho thấy tăng trưởng trong quý đầu năm.

Công đầu phải thuộc về các biện pháp can thiệp thông minh của ngân hàng trung ương Nga. Ngân hàng đã tăng lãi suất ngay sau khi chiến tranh bùng nổ, và rồi nhanh chóng cắt giảm chúng, giúp ổn định tiền tệ và giữ lạm phát trong tầm kiểm soát. Nhiều nước, bao gồm cả các nước phương Tây, vẫn đang mua một lượng lớn dầu khí của Nga, giúp đem về cho họ nguồn cung ngoại tệ ổn định. Và người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp Nga ổn định một cách lạ kỳ bất chấp tình trạng cô lập của đất nước. Tỉ lệ thất nghiệp hầu như không nhúc nhích. Có lẽ không thể kỳ vọng khó khăn kinh tế sẽ làm cho Vladimir Putin lùi bước.

Anh có thể sẽ không tăng lãi suất quá sớm

Ngân hàng Trung ương Anh sẽ họp vào thứ Năm trong bối cảnh lạm phát cao hơn nhiều mức mục tiêu 2%. Cụ thể, giá cả đã tăng 9% theo năm trong tháng 4. Nhưng điều đó không có nghĩa một đợt tăng lãi suất lớn sắp xảy ra. Ủy ban chính sách tiền tệ của ngân hàng được cho là phải nhìn xa hơn các cú sốc tạm thời và xem xét toàn cảnh môi trường kinh tế.

Dữ liệu gần đây cho thấy không có gì phải hoảng sợ. Thu nhập của người lao động cho thấy chưa có vòng xoáy giá-lương. Trong ba tháng tính đến tháng 4, tiền lương không bao gồm tiền thưởng giảm 2,2% sau khi điều chỉnh theo lạm phát. Điều đáng lo ngại hơn sẽ là nền kinh tế chậm chạp của Anh. Trong tháng 4, GDP đã giảm 0,3% so với tháng trước, trong đó ngành chế tạo bị thiệt hại bởi chi phí tăng cao và đứt gãy chuỗi cung ứng. Nhìn chung, vội vàng tăng lãi suất sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng và lạm phát trung hạn quá mức. Do đó, mặc dù một số người có thể thúc đẩy tăng lãi suất chính thức thêm 0,5 điểm phần trăm, hầu hết đều dự đoán ngân hàng chỉ tăng một nửa số đó.

Số người di cư vì chiến tranh cao kỷ lục

Hiện có hơn 100 triệu người đã bị buộc phải rời khỏi nhà cửa vì chiến tranh và ngược đãi, cao nhất từ trước đến nay. Nhưng đây chỉ là một trong nhiều số liệu đáng buồn được công bố vào thứ Năm trong báo cáo Xu hướng Toàn cầu của cơ quan tị nạn Liên hợp quốc.

Tại thời điểm cuối năm 2021 con số này là 90 triệu người. Cuộc chiến của Nga với Ukraine đã đẩy nó lên cao. Ngoài ra còn có xung đột ở Afghanistan, Ethiopia và Myanmar.

Song phần lớn họ không chạy ra nước ngoài, với khoảng 53 triệu người di cư trong nước. Điều đó dường như đúng với Ukraine: khoảng 4,9 triệu người Ukraine đã đăng ký tị nạn ở các quốc gia châu Âu, trong khi 8 triệu người nữa di cư trong nội địa. Liên Hợp Quốc cho biết cách duy nhất để khắc phục thực trạng này là giải quyết nguyên nhân cơ bản — ngăn chặn xung đột ngay từ đầu.

Người Tunisia đình công

Công đoàn chính của Tunisia, gọi tắt là UGTT, đã kêu gọi đình công kéo dài một ngày vào thứ Năm. Với 1 triệu thành viên, tổ chức này đủ sức dừng cả đất nước lại. Được biết công đoàn không hài lòng với lạm phát cao, 7,5% trong tháng 4, cũng như các cuộc đàm phán của chính phủ với IMF về khoản vay 4 tỷ đô la mà có thể đi kèm điều kiện giảm trợ cấp, đóng băng tiền lương và nhiều biện pháp đau đớn khác.

Vì luôn chia rẽ trong nội bộ, UGTT chưa bao giờ có được một kế hoạch cải cách kinh tế như ý. Nhưng mặc dù tỷ lệ nợ trên GDP lên tới 88% khiến Tunisia cần giúp đỡ từ bên ngoài, công đoàn cũng có lý khi lo lắng về những tác động của thỏa thuận lên người lao động. Kais Saied, tổng thống ngày càng độc tài của đất nước, đã dành rất ít thời gian cho chính sách kinh tế kể từ cuộc bầu cử 2019. Thay vào đó, ông bận rộn viết hiến pháp mới trước cuộc trưng cầu dân ý mà ít người Tunisia quan tâm.