Thế giới hôm nay: 14/07/2022

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Lạm phát ở Mỹ đã đạt 9,1% vào tháng 6, mức cao nhất trong vòng 41 năm, vì chi phí nhiên liệu và thực phẩm cao ngất ngưởng đã làm tăng giá các mặt hàng khác. Hôm thứ Tư, Cục Thống kê Lao động nước này báo cáo rằng chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 1,3% trong tháng 6, sau khi tăng 1% trong tháng 5. Để giải quyết vấn đề, Cục Dự trữ Liên bang dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 3/4 điểm phần trăm vào cuối tháng này.

Ranil Wickremesinghe, chính trị gia kỳ cựu, người giữ chức thủ tướng Sri Lanka từ tháng 5, và bất ngờ trở thành tổng thống lâm thời của nước này, đã chính thức ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc. Trong bối cảnh kinh tế suy sụp, tổng thống sắp mãn nhiệm, Gotabaya Rajapaksa, đã chạy trốn đến Maldives trên một chiếc máy bay quân sự trước rạng sáng ngày thứ Tư, vài giờ trước thời điểm ông phải từ chức. Người biểu tình tiếp tục xuống đường trong cơn giận dữ; cảnh sát phải bắn hơi cay; còn ông Wickremesinghe tuyên bố lệnh giới nghiêm trên toàn quốc cho đến sáng thứ Năm.

Rishi Sunak, cựu bộ trưởng tài chính Anh Quốc, đã dẫn đầu trong cuộc thăm dò ý kiến của các nghị sĩ Đảng Bảo thủ trong vòng bỏ phiếu đầu tiên của giới lãnh đạo đảng này, nhằm tìm ra người sẽ kế nhiệm thủ tướng Boris Johnson. Người về nhì là Penny Mordaunt, nhân vật đang rất được yêu thích trong các đảng viên Bảo thủ nói chung, những người sẽ bỏ phiếu trong vòng cuối cùng, vào cuối mùa hè. Hai ứng viên khác đã bị loại khỏi cuộc đua, trong đó có bộ trưởng tài chính đương nhiệm, Nadhim Zahawi.

Bộ trưởng quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố một thỏa thuận sơ bộ đã được ký kết để điều phối việc xuất khẩu ngũ cốc thiết yếu từ Ukraine. Nhưng Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres nhấn mạnh rằng họ vẫn chưa đạt được một thỏa thuận chính thức. Tổng cộng, Nga và Ukraine cung cấp 28% lượng lúa mì giao dịch trên toàn cầu. Giá cả đã tăng vọt kể từ khi chiến tranh bắt đầu.

Đồng euro lần đầu tiên chạm mức ngang giá với đồng đô la trong suốt 20 năm, giảm đến 11% trong năm nay do lạm phát cao, nguồn cung năng lượng không ổn định, và nguy cơ suy thoái ngày càng gia tăng. Đồng đô la vẫn duy trì được sức mạnh của mình; một euro chỉ còn mua được 99 xu Mỹ vào thứ Tư. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Canada đã tăng lãi suất chuẩn lên 2,5% – mức tăng lớn nhất trong hơn hai thập niên.

Lufthansa thông báo rằng họ sẽ hủy thêm 2.000 chuyến bay từ Munich và Frankfurt vào mùa hè này, bên cạnh 700 chuyến bay đã bị hủy trong tuần qua. Hãng hàng không quốc gia Đức đổ lỗi cho sự kết hợp giữa tình trạng thiếu nhân viên, hậu quả của đại dịch và các cuộc đình công. Một số hãng hàng không khác, chẳng hạn như British Airways, cũng đã buộc phải hủy nhiều chuyến bay, dẫn đến lo ngại về một kỳ nghỉ lễ với số lượng chuyến bay ít ỏi và đầy hỗn loạn.

Trung Quốc cho biết họ đã sử dụng lực lượng hải quân và không quân để “xua đuổi” một tàu khu trục của Mỹ đi sát quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp ở Biển Đông vào thứ Tư. Hải quân Mỹ tuyên bố rằng USS Benfold chỉ đơn giản là đang khẳng định quyền tự do hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế. Nhưng chính phủ Trung Quốc cáo buộc Mỹ kích động căng thẳng khi xâm phạm lãnh hải của họ, và đã cho theo dõi con tàu Mỹ. Việt Nam và Đài Loan cũng đang có yêu sách tại các vùng biển xung quanh Hoàng Sa.

TIÊU ĐIỂM

Hồi kết của tăng trưởng sản xuất chip bán dẫn

Công ty Sản xuất Chế tạo Chất bán dẫn Đài Loan (Taiwan Semiconductor Manufacturing Company, TSMC), đơn vị sản xuất 90% chip điện tử nhỏ nhất, hiệu quả nhất trên thế giới, sẽ báo cáo kết quả hàng quý vào thứ Năm. Giới đầu tư kỳ vọng một kết quả mạnh mẽ. Tuy nhiên, các nhà sản xuất chip sẽ phải đối mặt với thời gian khó khăn hơn đang chờ phía trước.

Một vấn đề là nguồn cung. Doanh số bán máy tính xách tay và điện thoại thông minh, các thiết bị sử dụng một nửa số chip sản xuất ra, đã tăng vọt trong thời gian phong tỏa vì covid-19. Để đáp ứng nhu cầu, đầu tư vào sản xuất đã bùng nổ. Tuy nhiên, phần lớn sản lượng mới này sẽ chỉ sẵn sàng vào cuối năm nay, khi nhu cầu dự kiến sẽ giảm.

Một nỗi lo khác là địa chính trị. Các nhà hoạch định chính sách đang muốn đưa chuỗi cung ứng sản xuất chip trở về đằng sau biên giới đất nước của họ. Sự phân mảnh như vậy sẽ làm tăng chi phí và khiến các công ty chip phải nghe theo những ý tưởng bất chợt của chính trị đảng phái. Một gã khổng lồ về chip khác, Intel, đã đe dọa trì hoãn việc khai trương hai nhà máy ở Mỹ do Quốc hội nước này vẫn chưa thông qua dự luật trợ cấp trị giá 52 tỷ USD trong 5 năm cho các nhà sản xuất chip Mỹ. TSMC đang lên cũng có thể sẽ sớm rơi xuống đất.

Bước vào mùa báo cáo thu nhập của các ngân hàng Mỹ

Người ta vẫn tin rằng chính sách tiền tệ cần thời gian để phát huy tác dụng. Nhưng quyết định thay đổi đột ngột của các ngân hàng trung ương nhằm chống lại lạm phát nghiêm trọng đã khiến các điều kiện tài chính ở Mỹ bị thắt chặt hơn trong năm 2022. Sự thay đổi này có hậu quả tồi tệ đến mức nào – tất cả sẽ được tiết lộ trong tuần này, khi bốn ngân hàng lớn nhất của Mỹ báo cáo thu nhập quý 2 của họ. JPMorgan Chase, ngân hàng lớn nhất của đất nước, và Morgan Stanley sẽ bắt đầu vào thứ Năm. Wells Fargo và Citi sẽ theo sau vào thứ Sáu.

Các nhân viên ngân hàng đầu tư, những người hỗ trợ chốt các thương vụ đầu tư và phát hành trái phiếu, sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong giai đoạn cổ phiếu sụt giảm và lãi suất tăng, các công ty đã ngừng sáp nhập, phát hành trái phiếu, hoặc niêm yết trên sàn chứng khoán. Các nhân viên trên sàn giao dịch chứng khoán có lẽ sẽ khá khẩm hơn: biến động thị trường có xu hướng làm gia tăng hoạt động giao dịch và doanh thu. Và lãi suất cao hơn có thể làm tăng thu nhập lãi từ các khoản vay của ngân hàng bán lẻ. Tuy nhiên, các nhà đầu tư đang phải chuẩn bị tinh thần cho điều tồi tệ nhất: cổ phiếu JPMorgan đã giảm 30% trong năm nay, so với khoảng 20% của S&P 500 nói chung.

Chính phủ Ý trên bờ vực khủng hoảng

Tháng 7 luôn là một tháng tồi tệ đối với các chính phủ Ý, khi sự khác biệt giữa các đối tác trong liên minh đạt đến điểm sôi trong cái nóng ngột ngạt của Rome. Hôm thứ Năm, liên minh cầm quyền của nước này đứng trước nguy cơ tan rã khi đảng lớn thứ hai của họ, Phong trào Năm sao (Five Stars Movement, M5S) chủ trương dân túy, đe dọa rút lại sự ủng hộ của mình trong cuộc bỏ phiếu của nghị viện về các biện pháp nhằm xoa dịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng năng lượng.

Sự ổn định của liên minh là rất quan trọng. Các nhà đầu tư đang lo lắng về khoản nợ công của Ý, vốn đã lên tới hơn 150% GDP. Nhưng Giuseppe Conte, thủ lĩnh của M5S, cũng đang phải chịu áp lực. Hơn một phần tư các nhà lập pháp của ông đã rời đảng vào cuối tháng 6, trong một cuộc tranh cãi về chiến tranh Ukraine. Giữa tình hình lạm phát gia tăng, Conte đã kêu gọi tăng lương và giảm thuế để giúp đỡ người nghèo. Ông đe dọa sẽ rút khỏi liên minh nếu thủ tướng Mario Draghi không đáp ứng yêu cầu của ông. Draghi đã chấp nhận nhượng bộ, nhưng đồng thời cảnh báo rằng nếu M5S rút lại sự hỗ trợ của mình, ông cũng sẽ rút lui.

Bất ổn ẩn sau Ngày Bastille yên bình ở Pháp 

Thứ Năm này, người Pháp sẽ kỷ niệm Ngày Bastille, một ngày lễ quốc gia nhằm tưởng nhớ sự kiện chiếm nhà tù Bastille ở Paris vào năm 1789. Đây là một dịp lễ thường niên để thể hiện niềm tự hào dân tộc và tổ chức các lễ hội địa phương, trong đó có một cuộc diễu hành quân sự và trình diễn của máy bay ở Paris. Năm nay, trong bối cảnh chiến tranh ở Ukraine, quân đội từ Đông Âu cũng đã được mời tham gia.

Tuy nhiên, đằng sau những lá cờ yêu nước ấy, tâm trạng dân tộc đang bấp bênh. Tổng thống Emmanuel Macron tái đắc cử vào tháng 4, nhưng đã để mất đa số trong quốc hội vào tháng 6. Giờ đây, ông điều hành một chính phủ thiểu số, cùng với thủ tướng Elisabeth Borne, và phải đối mặt với một phe đối lập thù địch và hay chỉ trích. Trong ngắn hạn, tình hình có thể sẽ vẫn bình yên, vì người Pháp vừa bắt đầu kỳ nghỉ hè dài ngày. Nhưng với lạm phát gia tăng và những lo lắng về chi phí năng lượng, thì vào tháng 9 này, người dân có thể sẽ trở về nhà cùng với sự bất bình, trong quốc hội và trên đường phố.