Thế giới hôm nay: 28/07/2022

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã nhất trí tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, tháng thứ hai liên tiếp trong một nỗ lực nhằm giảm lạm phát đang dâng cao. Động thái này nâng lãi suất chuẩn của Fed lên phạm vi 2,25% đến 2,5%. Các ngân hàng trung ương đang tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất kể từ những năm 1980. Jerome Powell, Chủ tịch Fed, cho biết ông không tin rằng nước Mỹ đã suy thoái, nhưng cánh cửa để tránh xảy ra suy thoái đang dần khép lại.

Ukraine đã tấn công thành phố Kherson do Nga chiếm đóng trong một đợt tấn công mới nhằm chiếm lại thành phố vốn đã rơi vào tay Nga hồi tháng 3. Sử dụng rocket do Mỹ cung cấp có tên HIMARS, Ukraine đã bắn phá cây cầu được người Nga sử dụng làm tuyến đường tiếp tế chính. Đáp lại, các nhà chức trách Nga cho biết dân thường không còn được đi qua cây cầu, nhưng nó vẫn đứng vững.

Trung tâm hợp tác điều phối xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine đã được mở tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Cơ quan này là một phần của thỏa thuận được Nga và Ukraine ký vào tuần trước nhằm cho phép Ukraine tiếp tục xuất khẩu ngũ cốc bằng đường biển, để xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Đội ngũ nhân viên bao gồm các đại diện từ Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc. Các chuyến hàng dự kiến sẽ bắt đầu trong vài ngày tới, bất chấp các cuộc tấn công gần đây của Nga vào cảng Odessa của Ukraine.

Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật chi 280 tỷ USD cho ngành công nghiệp bán dẫn của nước này, cũng như cho các nghiên cứu khoa học để cạnh tranh tốt hơn với Trung Quốc và củng cố chuỗi cung ứng chip. Đạo luật có sự ủng hộ của lưỡng đảng – 64 thượng nghị sĩ đã bỏ phiếu ủng hộ – và hiện còn phải được Hạ viện thông qua trước khi nó có thể đến bàn của Tổng thống Joe Biden. Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện, hứa sẽ thúc đẩy tiến trình.

Lượng khí đốt đi qua Nord Stream 1, đường ống dẫn khí đốt của Nga đến Đức, đã giảm xuống 20% công suất vào thứ Tư. Đáp lại, các nhà chức trách Đức đã tiếp tục kêu gọi các ngành công nghiệp và người tiêu dùng cắt giảm tiêu thụ khí đốt của họ trong một nỗ lực để tránh bị thiếu hụt khẩn cấp.

Một lệnh cấm của Liên minh châu Âu đối với Russia Today, một cơ quan truyền thông do nhà nước Nga kiểm soát, đã được tòa án cấp cao thứ hai của khối này chấp thuận – phía Nga đe dọa sẽ trả đũa các phương tiện truyền thông phương Tây. Lệnh cấm này ngăn các nhà khai thác EU phát nội dung của RT, với lý do trang web và kênh truyền hình của họ phát tán thông tin sai lệch.

Nhà khoa học người Anh James Lovelock, nổi tiếng với “giả thuyết Gaia” rằng Trái Đất là một hệ thống phức tạp, tự điều chỉnh, đã qua đời ở tuổi 103. Ông cũng là người phát minh ra một thiết bị phát hiện CFC trong khí quyển, công trình này đã dẫn đến lệnh cấm sử dụng loại hóa chất phá hủy tầng ozon.

Tiêu điểm

Kinh tế Mỹ ngấp nghé bờ vực suy thoái

Khi Mỹ báo cáo dữ liệu GDP mới nhất của mình vào thứ Năm, mọi con mắt sẽ đổ dồn vào việc liệu tăng trưởng có âm trong quý thứ hai liên tiếp hay không – nói cách khác, là có suy thoái hay không, theo định nghĩa thông thường. Nhìn tổng thể, Mỹ có thể tránh được điều đó: Nền kinh tế nước này đã suy thoái trong quý đầu tiên của năm 2022, nhưng dự kiến sẽ vượt qua trong quý thứ hai.

Tuy nhiên, Nhà Trắng đã nói trước rằng suy thoái nhẹ là khác với suy thoái. Lập luận này đúng về mặt kỹ thuật. Chính thức thì việc xác định liệu nước Mỹ có đang suy thoái hay không là nhiệm vụ của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia, cơ quan đặt tỷ trọng cao hơn cho thị trường việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp hiện tại của Mỹ là 3,6%, một trong những mức thấp nhất suốt 70 năm, không phù hợp với bất kỳ khái niệm suy thoái nào. Nhưng điều quan trọng nhất đối với cử tri là nhận thức của họ về tăng trưởng. Và tình hình có vẻ không được tốt: tâm lý người tiêu dùng đã giảm xuống. Nhiều người tin rằng nền kinh tế đang ở trong tình trạng tồi tệ, bất kể dữ liệu có thế nào.

Thái tử Ả Rập Saudi thăm Pháp

Vừa kết thúc chuyến thăm chính thức đến Hy Lạp, Muhammad bin Salman, thái tử Ả Rập Saudi và người cai trị nước này trên thực tế, sẽ đến Paris vào thứ Năm và được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chiêu đãi bữa tối tại Điện Elysée.

MBS, tên thường gọi của ông, đã tìm cách thu hút các nhà lãnh đạo phương Tây trong nỗ lực loại bỏ danh tiếng là một tên đồ tể chuyên chế và quảng bá ngành du lịch của Ả Rập Saudi. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông tới châu Âu kể từ sau vụ sát hại Jamal Khashoggi, một nhà báo Ả Rập Saudi, ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2018. Chuyến đi diễn ra chỉ hai tuần sau khi Tổng thống Joe Biden từ bỏ cam kết xem vương quốc này như một quốc gia bị bài xích khi đích thân đến thăm nó.

Kế hoạch của MBS đã được hỗ trợ nhờ cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Châu Âu đang phải vật lộn vì Nga siết chặt nguồn cung khí đốt và cần các giải pháp thay thế. Để đạt được mục tiêu này, Macron gần đây đã đồng ý một thỏa thuận về diesel với Sheikh Muhammad bin Zayed Al Nahyan, Tổng thống Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Tuy nhiên, với việc MBS xuất hiện ở Paris, các nhà hoạt động nhân quyền sẽ mất tinh thần khi chính trị thực dụng chiếm ưu thế.

Ukraine kỷ niệm sự ra đời nhà nước của mình

Hôm thứ Năm, Ukraine đã kỷ niệm sự kiện thành lập “nhà nước” (statehood) của mình, một ngày lễ được Tổng thống Volodymyr Zelensky công bố vào thời khắc vui vẻ hơn của mùa hè năm ngoái. Khi Nga xâm lược vào tháng 2, ý tưởng về nhà nước Ukraine đã bị nghi ngờ. Nhưng sau khi quân đội Ukraine đánh đuổi lính Nga khỏi Kyiv, đã chẳng còn sự nghi ngờ nào nữa.

Thật vậy, có lý do cho sự lạc quan thận trọng. Các lực lượng của Nga vẫn đang tiến hành chiến dịch ở Donetsk, một tỉnh ở miền đông Ukraine, tấn công dọc theo phòng tuyến Siversk-Bakhmut, một trục bắc-nam bảo vệ các thành phố Kramatorsk và Slovyansk. Nhưng họ “hầu như không có tiến triển gì trong ba tuần qua”, theo Rochan Consulting, một công ty theo dõi cuộc chiến. Ukraine cũng đã tăng cường phản công ở tỉnh Kherson, phía nam, cho nổ tung các cây cầu để cắt đứt khả năng tiếp cận của quân Nga ở phía tây sông Dnieper. Không rõ liệu điều này có đánh dấu sự khởi đầu của một cuộc phản công toàn diện của Ukraine – vốn đã được chờ đợi từ lâu – tại tỉnh này hay không. Nhưng dù bằng cách nào, nó cũng đặt ra một tình thế khó khăn cho Nga: nên xây dựng các phòng tuyến ở Kherson, hay tiếp tục tập trung binh lính vào ‘máy xay thịt’ Donetsk?

Tương lai bất định cho những gã khổng lồ công nghệ

Cổ phiếu công nghệ đã giảm mạnh trong năm qua. Chỉ số Nasdaq-100 giảm khoảng 25% kể từ tháng 1. Do đó, các nhà đầu tư cực kỳ chú ý đến báo cáo doanh thu của 5 gã khổng lồ công nghệ Mỹ trong tuần này.

Hôm thứ Ba, Alphabet, công ty mẹ của Google, đã công bố doanh thu quý II là 69,7 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này thấp hơn dự kiến, nhưng các nhà đầu tư không bận tâm: họ đã lo sợ về sự suy thoái trong ngành quảng cáo trực tuyến, sau khi Snap và Twitter công bố kết quả kém cỏi vào tuần trước. Báo cáo vào thứ Tư này, Meta cũng sẽ trở thành chỉ báo cho ngành quảng cáo trực tuyến.

Tình hình có vẻ cũng khả quan trong thị trường điện toán đám mây và doanh nghiệp. Dù doanh thu của Microsoft, được báo cáo vào thứ Ba, kém hơn một chút so với kỳ vọng, nhưng các ông chủ cho biết họ mong đợi tăng trưởng doanh thu “hai con số” trong năm tài chính này. Mọi thứ đang rất ổn với Amazon, công ty dẫn đầu thị trường đám mây, công bố thu nhập vào thứ Năm. Nhưng triển vọng đối với Apple, cũng sẽ báo cáo vào thứ Năm, kém tươi sáng hơn: lạm phát gia tăng sẽ làm giảm nhu cầu dành cho các thiết bị đắt tiền của công ty.