Thế giới hôm nay: 01/08/2022

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Vladimir Putin ký ban hành học thuyết hải quân mới của Nga, trong đó bao gồm kế hoạch trở thành “cường quốc hàng hải” vươn ra thế giới. Học thuyết này nhận định Mỹ và NATO là những mối đe dọa chính đối với Nga. Trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm Ngày Hải quân, tổng thống Nga cho biết các hệ thống tên lửa hành trình siêu thanh mới sẽ được chuyển giao cho quân chủng này trong những tháng tới.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ra lệnh cho dân thường sơ tán khỏi Donetsk, trong bối cảnh giao tranh ác liệt. Hiện Nga đã kiểm soát phần lớn khu vực phía đông Ukraine. Trong khi đó, Ukraine thông báo đang thu thập chứng cứ cho thấy Nga đã gây ra vụ tấn công giết chết 53 tù nhân chiến tranh ở Donetsk vào hôm thứ Sáu. Đáp lại, Điện Kremlin nói hoan nghênh một “cuộc điều tra khách quan.”

Ít nhất 69 người thiệt mạng và nhiều người mất tích do lũ lụt và lở đất ở Iran. Được biết trận lũ gần đây đã ảnh hưởng đến 20 tỉnh, làm hàng chục nghìn ngôi nhà bị hư hại. Truyền thông địa phương thông tin một số sân bay và đường xá đã bị đóng trong khi hàng nghìn người sơ tán khỏi các khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất.

Dữ liệu cho thấy hoạt động nhà máy ở Trung Quốc giảm đột ngột trong tháng 7 khi dịch covid-19 bùng phát khiến sản lượng giảm. Cụ thể, chỉ số nhà quản lý mua hàng chính thức giảm xuống 49, từ mức 50,2 của tháng 6, và thấp hơn dự báo 50,3 của các nhà phân tích (dưới 50 nghĩa là sản lượng giảm). Bùng dịch covid tại các trung tâm công nghiệp, chẳng hạn như Thâm Quyến, cũng như nhu cầu toàn cầu yếu đã kéo chỉ số này đi xuống.

Thống đốc New York Kathy Hochul ban bố tình trạng khẩn cấp để đối phó bùng phát bệnh đậu mùa khỉ ở bang này. Bệnh đậu mùa khỉ – tương tự như bệnh đậu mùa, nhưng ít nguy hiểm đến tính mạng hơn – đang lan rộng trên khắp thế giới, bao gồm châu Mỹ và châu Âu. WHO gần đây đã tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Brazil và Tây Ban Nha vừa ghi nhận các ca tử vong đầu tiên bên ngoài châu Phi.

Các mảnh vỡ từ một tên lửa Trung Quốc đã rơi xuống Thái Bình Dương, theo cơ quan không gian nước này. Vào tuần trước, Bắc Kinh đã phóng tên lửa Trường Chinh 5 để đưa một mô-đun phòng thí nghiệm lên trạm vũ trụ đang xây của Trung Quốc. Cơ quan không gian NASA của Mỹ đã cho biết Trung Quốc không chia sẻ bất kỳ “thông tin quỹ đạo cụ thể” nào để “đảm bảo an toàn cho mọi người trên Trái đất.”

Một ủy ban gồm các chủ nợ chính thức của Zambia, do Trung Quốc và Pháp đứng đầu, tuyên bố đạt được thỏa thuận tái cơ cấu nợ cho quốc gia Nam Phi này. Zambia đã ngừng trả số nợ nước ngoài 17 tỷ đô la từ tháng 11 năm 2020, do kinh tế suy sụp vì giá đồng khai thác thấp và đại dịch covid-19. Thỏa thuận mới nhiều khả năng sẽ mở ra khoản vay 1,3 tỷ đô la từ IMF.

Con số trong ngày: 10%, là tỷ lệ dân số Nga từng bị các lực lượng hành pháp tra tấn.

TIÊU ĐIỂM

Hội nghị toàn cầu về hiệp ước không phổ biến hạt nhân

Khuôn khổ của các định chế về kiểm soát vũ khí hạt nhân, vốn được đặt ra sau cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba 1962, từ lâu đã trở nên cũ kĩ. Với việc Nga đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, cuộc chiến ở Ukraine có thể sẽ xé bỏ hoàn toàn hệ thống. Cơ hội chỉnh sửa nó đến vào thứ Hai, ngày khai mạc hội nghị kéo dài một tháng ở New York giữa 191 nước ký kết Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân.

Chương trình nghị sự sẽ vô cùng dày đặc: Iran đang ở ngưỡng hạt nhân; Triều Tiên đã vượt ngưỡng; Anh mở rộng kho vũ khí; trong khi Trung Quốc nhanh chóng tăng cường kho đầu đạn. Hậu quả là kho gồm 12.700 đầu đạn toàn cầu sẽ tăng lên. Những mâu thuẫn giữa các cường quốc cũng như giữa các nước có và không có vũ khí hạt nhân có thể sẽ làm cản trở thỏa thuận. Nhiều nước thậm chí đã ký một hiệp ước thay thế để cấm hoàn toàn vũ khí hạt nhân.

Có một tin tốt: Mỹ và Nga vẫn sẽ trao đổi thông tin về vũ khí tầm xa theo khuôn khổ New START. Song tin xấu là hiệp ước hết hạn vào năm 2026. Đàm phán đang bị đình trệ vì cuộc xâm lược Ukraine. Hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy đàm phán sẽ được nối lại.

EU tịch thu một cơ sở khí đốt của Gazprom

Ngày nay hiếm khi tài sản công nghiệp bị quốc hữu hóa ở châu Âu. Nhưng vì không bơm khí đốt, vào thứ Hai gã khổng lồ năng lượng Nga Gazprom sẽ bị trưng thu một phần của cơ sở lưu trữ khí đốt tự nhiên Haidach ở Áo, một trong những cơ sở lớn nhất Trung Âu. Một bên khác sẽ vào tiếp quản. Dù vậy, thay đổi quyền sở hữu không giúp giải quyết được tình trạng thiếu khí đốt của châu Âu, mà nhiều khả năng sẽ không còn đủ khí từ mùa xuân tới.

Nếu Gazprom tiếp tục duy trì mức 20% công suất qua Nord Stream 1, đường ống lớn nhất của khí đốt Nga, thì các cơ sở lưu trữ trên khắp EU sẽ không thể đạt mức mục tiêu 80% từ 67% hiện tại. Nếu công ty giảm lưu lượng hơn nửa hoặc mùa đông lạnh bất thường (hoặc cả hai), các cơ sở lưu trữ khí đốt ở nhiều nước, đặc biệt là Đức, sẽ hoàn toàn rỗng vào tháng Ba. Khi đó, câu hỏi lớn sẽ là liệu các nước EU có thể hiện đoàn kết và chia sẻ khí đốt cho nhau hay không.

Anh đẩy mạnh chống rửa tiền

Bất kỳ chính phủ nào muốn giải quyết rửa tiền đều cần phải bẻ khóa các công ty ẩn danh. Công cụ này giúp che chắn cho những người dùng tiền bẩn để mua tài sản, thường là các tài sản sang trọng ở những nơi như London hay Paris. Để giải quyết vấn đề này, vào thứ Hai Anh sẽ ban hành quy định sổ đăng ký chủ sở hữu thực sự của các công ty nước ngoài có nắm giữ tài sản Anh. Ý tưởng là buộc những người ẩn nấp sau các công ty vỏ bọc, thường là ở các thiên đường thuế như Quần đảo Virgin thuộc Anh, phải minh bạch hơn.

Động thái trên được đưa ra sáu năm sau khi Anh ban hành sổ đăng ký công khai chủ sở hữu của các công ty trong nước. Đây được coi là một bước ngoặt toàn cầu vào thời điểm đó trong cuộc chiến chống tội phạm tài chính. Nhưng nó có nhiều bài học nghiêm túc. Việc thực thi còn yếu kém, khi hầu như không có chế tài nào nếu gửi sai dữ liệu. Lần này cũng không khá hơn. Bất chấp các diễn ngôn chính trị, cơ quan thực thi pháp luật Anh vẫn thiếu kinh phí cần thiết để truy tìm thủ phạm rửa tiền.