Điều gì sẽ xảy ra nếu Chiến tranh Ukraine vượt khỏi tầm kiểm soát?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Liana Fix và Michael Kimmage, “What If the War in Ukraine Spins Out of Control?,” Foreign Affairs, 19/07/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Nên chuẩn bị thế nào cho kịch bản leo thang ngoài ý muốn?

Cuộc chiến ở Ukraine sẽ sớm bước sang tháng thứ sáu. Dù đã có nhiều cuộc thảo luận về việc Nga vượt qua lằn ranh đỏ của phương Tây bằng cách tiến hành chiến tranh, và phương Tây vượt qua lằn ranh đỏ của Nga bằng việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine, các lằn ranh đỏ thực sự vẫn chưa bị phá vỡ. Trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, cả hai bên đã đặt ra một loạt các quy tắc vô hình – dù bất thành văn nhưng vẫn rất thật. Chúng bao gồm việc Nga chấp nhận việc đồng minh chuyển giao vũ khí hạng nặng và thông tin tình báo cho Ukraine, nhưng quân đội phương Tây không trực tiếp tham chiến. Đổi lại các quốc gia phương Tây miễn cưỡng chấp nhận việc Nga tiến hành chiến tranh thông thường trong phạm vi biên giới Ukraine (các nước này háo hức chứng kiến Moscow bị đánh bại), miễn là xung đột không dẫn đến việc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt. Cho đến nay, những quy tắc vô hình này vẫn tiếp tục được áp dụng, bằng chứng là cả Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin đều không muốn chiến tranh lan rộng hơn.

Tuy nhiên, một cuộc chiến rộng lớn hơn là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Suy cho cùng, hiện không có cơ chế quốc tế nào kiểm soát cuộc xung đột. Liên Hiệp Quốc chỉ hoạt động trong các lĩnh vực ngoại vi, còn Liên minh châu Âu thì đứng hẳn về một phía. Mỹ không có khả năng kết thúc chiến tranh theo các điều kiện của mình, và Nga hay Ukraine cũng vậy. Đàm phán giữa Kyiv và Moscow đã đổ vỡ, và bất chấp những nỗ lực không ngừng để tránh xung đột, đã chẳng có liên hệ ngoại giao Mỹ-Nga nào kể từ ngày 24/02, thời điểm cuộc chiến bắt đầu. Thêm vào đó là quy mô và mức độ phức tạp của cuộc xung đột, số lượng quốc gia tham gia cũng như các công nghệ mới đang được sử dụng, và tổng hợp những điều này có thể trở thành một thảm họa.

Do đó, mong muốn chung của Putin và Biden – tránh một cuộc chiến rộng lớn hơn – không thể đảm bảo rằng cuộc chiến sẽ tự bị giới hạn. Xung đột có thể vượt ngoài tầm kiểm soát ngay cả khi không bên nào chủ động leo thang hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân. Dù nguy cơ là thấp, nhưng một cuộc tấn công hạt nhân vẫn là kịch bản có thể xảy ra, nếu xét đến khả năng của Nga và sự mơ hồ trong học thuyết hạt nhân thực tế của Moscow. Thật ra, leo thang tình cờ có thể còn đáng sợ hơn leo thang có chủ ý, bởi vì leo thang có chủ ý cũng bao hàm khả năng xuống thang có chủ ý. Rốt cuộc thì một kế hoạch có chủ đích rõ ràng sẽ dễ đảo ngược hơn là một chuỗi hành động tùy hứng.

Chiến tranh Lạnh có thể là bài học hữu ích về những gì đang chờ đợi phía trước. Nếu xét thời gian kéo dài của Chiến tranh Lạnh, cùng với sự lúng túng của các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự ở cả hai bên, việc đối đầu Mỹ-Xô kết thúc trong hòa bình là điều đáng được chú ý. Tuy nhiên, đằng sau phép màu tươi sáng về sự sống sót của nhân loại trong kỷ nguyên hạt nhân là những góc tối của đối đầu cận kề và leo thang từng đợt, vốn đã trở thành đặc trưng của nửa sau thế kỷ 20. Cuộc chiến ở Ukraine có thể sẽ diễn ra theo mô hình này – bao gồm các giai đoạn mà đối đầu tổng thể được quản lý tốt, theo sau bởi các giai đoạn xung đột gia tăng một cách đột ngột và vô chính phủ. Các nhà hoạch định chính sách và nhà ngoại giao ở cả hai bờ Đại Tây Dương sẽ phải chuẩn bị cho kịch bản này thậm chí còn kỹ lưỡng hơn so với việc chuẩn bị cho viễn cảnh leo thang có chủ đích. Sương mù của chiến tranh – vốn đã trở nên dày đặc hơn vì tốc độ và sự thiếu tin cậy của mạng xã hội – là có thật. Nó có thể cản trở ngay cả những chiến lược được soạn thảo một cách tốt nhất.

Những lằn ranh đỏ

Biden vẫn luôn nói rõ về những điều mình sẽ không làm trong vấn đề Ukraine. Ông sẽ không can thiệp trực tiếp. Ông sẽ không trừng phạt NATO vì tham gia vào cuộc xung đột. Ông sẽ không tối đa hóa hoặc tối thiểu hóa các mục tiêu cho cuộc chiến so với những mục tiêu được đặt ra ở Kyiv. Và dù Mỹ đang cung cấp một lượng lớn thiết bị cho Ukraine, Biden vẫn nhấn mạnh sự khác biệt giữa quyền tự vệ của Ukraine – mà Washington ủng hộ một cách dứt khoát – với việc người Ukraine tấn công vào nước Nga. Hỗ trợ quân sự cho Ukraine được điều chỉnh dựa trên tiền đề này. Biden muốn Ukraine tự giành chiến thắng, trên lãnh thổ của mình. Ông rõ ràng không muốn xung đột trở thành chiến tranh khu vực, và thậm chí đã sử dụng tờ New York Times để truyền đạt những mục đích này tới Moscow.

Putin lại tỏ ra mơ hồ hơn – đe dọa về “những hậu quả” do viện trợ quân sự của đồng minh. Bộ máy tuyên truyền của Nga thường xuyên ủng hộ các cuộc tiến công vào Berlin hoặc các cuộc tấn công hạt nhân vào London. Dù có bị thổi phồng đến mức nào, những thông điệp như vậy sẽ tạo ra sự đồng thuận dễ dàng trong Điện Kremlin và xã hội Nga. Hồi tháng 6, trong lúc diễn ra tranh chấp về việc vận chuyển hàng hóa đến Kaliningrad, một vùng lãnh thổ thuộc Nga nhưng nằm tách biệt với lục địa Nga, Putin đã đe dọa Litva bằng các biện pháp trừng phạt không cụ thể. Litva là một thành viên NATO, và một cuộc tấn công của Nga sẽ châm ngòi cho xung đột quân sự trực tiếp. Ngoài ra, Putin có thể tạo ra hoặc tận dụng các cuộc khủng hoảng ở Balkan để nâng cao vị thế của Nga – chẳng hạn như dàn dựng các cuộc đảo chính, tham gia vào hoạt động bán quân sự, hoặc phát động một cuộc xâm lược trực tiếp. Các cuộc tấn công lớn trên mạng nhắm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng ở châu Âu và Mỹ cũng là một nguy cơ khác. Nếu chúng xảy ra, Mỹ và các nước khác có thể sẽ trả đũa, bắt đầu một chương mới trong cuộc chiến.

Một số luận điệu mơ hồ của Putin thực chất chỉ là dọa suông. Ông không thể để xảy ra một cuộc chiến rộng lớn hơn. Dù Nga vẫn có thể có đủ tiền để tiếp tục mục tiêu thay đổi chế độ ở Ukraine, nhưng quân đội Nga đang thiếu hụt nhân lực rất lớn – vốn là một trụ cột trong kế hoạch chiến tranh ban đầu của Putin. Bất kỳ cuộc xung đột bổ sung nào, đặc biệt nếu là để chống lại các lực lượng NATO được trang bị kỹ càng, cũng làm trầm trọng thêm những vấn đề này. Về lý thuyết, Putin và Biden có thể thương lượng với nhau. Vì có cùng quan điểm không muốn xung đột lan rộng, họ có động cơ để tuân theo các quy tắc vô hình của chiến tranh.

Sự trở lại của Chiến tranh Lạnh?

Bằng việc tuân thủ các quy tắc vô hình, Putin và Biden đã tái hiện một động lực quan trọng trong Chiến tranh Lạnh. Trong suốt nửa sau của thế kỷ 20, Mỹ và Liên Xô chưa bao giờ chính thức đồng ý về cách thức tiến hành chiến tranh ủy nhiệm. Chẳng hạn, không bên nào thiết lập các quy tắc cơ bản cho Chiến tranh Triều Tiên – xung đột nóng đầu tiên trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Thay vào đó, suốt gần bốn thập niên, cả hai bên đã ứng biến để đạt được một phương thức tiến hành quan hệ một cách bền vững. Nó bao gồm những hành động có thể chấp nhận được, như tố cáo lẫn nhau, cạnh tranh văn hóa và ý thức hệ, gián điệp, các biện pháp tích cực như các chiến dịch tuyên truyền và sử dụng thông tin sai lệch, xây dựng phạm vi ảnh hưởng, can thiệp vào chính trị trong nước của các quốc gia khác, và ủng hộ các đối thủ của bên kia cả khi hòa bình lẫn lúc chiến tranh (thường được che giấu bằng một mức độ phủ nhận hợp lý). Và cũng có những điều không thể chấp nhận được: đụng độ quân sự trực tiếp và sử dụng vũ khí hạt nhân.

Người ta chỉ có thể phỏng đoán về những quy tắc vô hình ngày nay. Đối với các nước phương Tây, điều quan trọng nhất có lẽ là đảm bảo các đơn vị lính chính quy của họ không phải tham chiến. Đi ngược lại truyền thống thời Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã từ bỏ khả năng phủ nhận hợp lý mà họ đã gầy dựng khi hỗ trợ phiến quân thánh chiến Afghanistan trong cuộc chiến chống lại lực lượng Liên Xô vào những năm 1980. Tại Ukraine, Washington và các đồng minh đã công khai cung cấp vũ khí hạng nặng cho quân đội Ukraine, huấn luyện quân sự bên ngoài Ukraine, và chia sẻ thông tin tình báo để xác định mục tiêu. Về phần mình, Nga đã không nhắm mục tiêu vào các đoàn xe chở vũ khí tiến vào Ukraine khi chúng vẫn đang ở trên lãnh thổ NATO. Nga cũng không làm gián đoạn những chuyến thăm viếng của các nhà lãnh đạo chính trị Mỹ và đồng minh đến Kyiv, tất cả đều phải đi qua một đất nước đang có chiến tranh. Loại kiềm chế này không thể tưởng tượng được trong Thế chiến II, nhưng lại là điển hình của thời Chiến tranh Lạnh.

Đi dây

Điều gì có thể đe dọa các quy tắc vô hình mà Mỹ và Nga đã thiết lập? Một trong số đó có thể là tai nạn vô tình. Nhưng cũng có thể là một chu kỳ các sự kiện “đòi hỏi” sự leo thang. Chắc chắn, những khả năng này có thể hội tụ, và chỉ một tai nạn duy nhất cũng có thể trở thành lý do cho một vòng xoáy leo thang – điều đôi khi xảy ra trong Chiến tranh Lạnh.

Lấy ví dụ khủng hoảng tên lửa Cuba. Thường được ca tụng như một ví dụ về ‘cái đầu lạnh’ của Tổng thống Mỹ John F. Kennedy, cuộc đối đầu năm 1962 giữa Moscow và Washington xoay quanh dàn tên lửa hạt nhân của Liên Xô đặt ở Cuba thiếu chút nữa đã trở thành thảm họa. Thủ tướng Liên Xô Nikita Khrushchev hành động quá đà, Chủ tịch Cuba Fidel Castro nhiệt tình quá mức; riêng Kennedy đã may mắn tìm được một giải pháp khả thi – chấp nhận loại bỏ các tên lửa của Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lấy việc loại bỏ các tên lửa của Liên Xô ở Cuba. Cơ chế duy nhất giúp khủng hoảng có thể xuống thang là khả năng giao tiếp và tìm ra điểm chung của Khrushchev và Kennedy, một cơ chế thực sự khiêm tốn. Sau đó, vào năm 1983, trong bầu không khí căng thẳng của Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã hiểu nhầm cuộc tập trận “Able Archer” của NATO – mô phỏng xung đột leo thang – là một cuộc tấn công hạt nhân ngoài đời thực và suýt phát động một cuộc tấn công trả đũa thảm khốc. Một lần nữa, các quy tắc vô hình của Chiến tranh Lạnh lại rơi vào trục trặc. Có lẽ, việc ngăn chặn được hai ‘trận đại hồng thủy’ không phải là điều quá tệ đối với một cuộc xung đột kéo dài 40 năm. Có lẽ, hai đã là quá nhiều rồi.

Tương tự, cuộc chiến ở Ukraine cũng dễ mắc phải tai nạn. Ngày nay, quan ngại chủ yếu là đối với người Nga. Các quy tắc vô hình của cuộc chiến có thể rõ ràng đối với bản thân Putin, nhưng ít rõ ràng hơn đối với các sĩ quan chỉ huy của ông, nhiều người trong số họ đang phải đối mặt với sự thất vọng do thất bại trên chiến trường, rắc rối với trang thiết bị, nhân lực không đủ, và một quân đội Ukraine chiến đấu với kỹ năng và lòng quyết tâm. Chủ nghĩa phiêu lưu quân sự của họ có thể dẫn đến một cuộc không kích hoặc tấn công tên lửa bên ngoài Ukraine – ví dụ, để ngăn chặn việc vận chuyển vũ khí vào Ukraine. Tất nhiên, đó sẽ là một cuộc tấn công của Nga vào một quốc gia thành viên NATO, nhưng không phải vì Điện Kremlin đã trực tiếp đưa ra lựa chọn mạo hiểm này. Tất nhiên, rủi ro là Washington sẽ coi một cuộc tấn công như vậy là hành động leo thang do Điện Kremlin chỉ đạo. Vì toàn bộ cuộc chiến của Putin đều dựa trên sự mơ hồ khó đoán, ông có thể không có phương tiện đáng tin cậy nào để thay đổi cách giải thích này, cũng không có khả năng hoặc sự sẵn lòng đưa ra thông báo về một sai lầm. Chiến tranh Nga-NATO có thể đã kề cận.

Một nghiên cứu giúp hiểu về cách diễn giải và phản ứng trong xung đột là trường hợp năm 2014. Tháng 7 năm đó, quân ly khai do Nga kiểm soát ở miền đông Ukraine đã bắn rơi một máy bay dân dụng, chuyến bay MH17 của Hãng hàng không Malaysia, bằng tên lửa đất đối không Buk, khiến 298 người thiệt mạng – chủ yếu là công dân Hà Lan. Thay vì thừa nhận sai lầm thông qua một người đại diện, hoặc giữ im lặng hoàn toàn, Moscow đã chọn những cáo buộc vô lý và nhiều thông tin sai lệch – đưa ra hàng tá lời giải thích trái ngược nhau. Sự kiện đã không dẫn đến leo thang, ngoại trừ một cuộc khẩu chiến, vì khi đó xung đột ở Ukraine vẫn mang tính cục bộ và có quy mô hạn chế. Hà Lan dù phẫn nộ nhưng chưa bao giờ có ý định hành động quân sự. Tuy nhiên, ngày hôm nay, một tình huống tương tự có thể dẫn đến kết quả khác. Không giống như năm 2014, NATO mang một áp lực lớn về việc phải làm gì đó, và nhiều quốc gia vốn đã lo lắng sẽ coi cuộc tấn công là dấu hiệu cho thấy Nga đang mở rộng chiến tranh.

Như ví dụ này nhấn mạnh, chiến dịch tuyên truyền của Moscow sẽ làm tăng thêm sự rối rắm của cuộc chiến. Dưới ảnh hưởng của Điện Kremlin, truyền thông Nga luôn mô tả chiến tranh năm 2022 là cuộc xung đột giữa Nga và phương Tây, một lối nói có thể đẩy tình hình đến bờ vực của một cuộc chiến lớn hơn. Chẳng hạn, khi Litva đe dọa sẽ chặn hàng hóa đến Kaliningrad, luận điệu chính thức của Nga là rất mạnh mẽ, như thể Putin đang đưa ra một tối hậu thư. Rất có thể, ông chỉ đang biểu diễn cho khán giả trong nước. Dù cả hai bên cuối cùng đã xoa dịu được khủng hoảng, nhưng nỗ lực của Nga nhằm giữ cho xung đột luôn âm ỉ sục sôi thông qua tuyên truyền trong nước là một cái bẫy cuối cùng có thể khiến Điện Kremlin sẩy chân.

Tai nạn cũng có thể xảy ra do Ukraine. Khi tấn công các mục tiêu quân sự ở Nga, quân đội Ukraine có thể tính sai và đánh vào một cơ sở dân sự chính bên trong nước Nga. Đây rõ ràng là điều mà Moscow đã thực hiện mà không hề e ngại ở Ukraine, nơi mỗi ngày, các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga đang giết hại rất nhiều dân thường – bao gồm cả trẻ em và người già. Tuy nhiên, Điện Kremlin vẫn có thể sử dụng một cuộc tấn công của Ukraine, đặc biệt là với vũ khí được cung cấp từ bên ngoài, như một cái cớ để trả đũa các nguồn cung cấp quân sự của đồng minh ở rất gần hoặc thậm chí trên lãnh thổ NATO. Putin có thể sẽ cho rằng các quốc gia phương Tây ủng hộ cuộc tấn công của Ukraine, cũng giống như việc ông nói rằng cuộc nổi dậy Maidan năm 2014 – dẫn đến việc lật đổ Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych do Nga hậu thuẫn – là một âm mưu của CIA. Nếu chỉ cố gắng tránh xảy ra xung đột, mà thiếu đi thông tin liên lạc cấp cao giữa Moscow và Washington, thì có thể không đủ để giải quyết khủng hoảng.

Cuối cùng, một chu kỳ leo thang ngoài ý muốn giống như khủng hoảng tên lửa Cuba có thể mở rộng thành chiến tranh khu vực hoặc thế giới. Dù đã được giải quyết một cách hòa bình, cuộc khủng hoảng năm 1962 là một câu chuyện cảnh giác. Khrushchev không lường trước được phản ứng mạnh mẽ của Kennedy, một phần vì ông không mong đợi Washington sẽ phát hiện ra tên lửa trước khi chúng được đưa vào vị trí. Ông đã nhầm tưởng rằng mình có thể đánh bại Kennedy nhờ sự bí mật, may mắn, và dọa nạt. Putin có thể ít thất thường hơn Khrushchev, nhưng ông đã chứng tỏ mình không có khả năng đọc hiểu nền chính trị, năng lực quân sự, và tinh thần của người Ukraine. Vì kiêu ngạo hoặc vì giận dữ, ông ta có thể kết luận rằng giải pháp duy nhất là gia tăng rủi ro, leo thang chiến tranh một cách đáng kể để đẩy lùi các nước phương Tây, khiến họ khiếp sợ một lần và mãi mãi. Nhưng ông có thể không lường trước được phản ứng của Mỹ và các đồng minh trước hành động này. Nếu vậy, giống như Khrushchev, Putin sẽ phải đối mặt với một quyết định nghiêm trọng. Leo thang hơn nữa hay xuống thang.

Không có câu trả lời dễ dàng

Bất chấp những rủi ro này, sự kiên nhẫn và bình tĩnh có thể giữ cho xung đột ở Ukraine không bùng nổ ngoài tầm kiểm soát. Thành công nơi chiến trường là cơ sở để hành động quyết đoán và nhanh chóng, nhưng sự phức tạp của chiến tranh lại ủng hộ chúng ta nên đi chậm lại. Trong trường hợp xảy ra tai nạn – một hành động chiến tranh của Nga chống lại một quốc gia bên ngoài Ukraine, dù không phải là do Putin ra lệnh – điều quan trọng là Washington và các đồng minh phải xem xét tình hình một cách kỹ lưỡng. Có thể khó có bằng chứng, nhưng phản ứng của Mỹ nên được điều chỉnh bằng sự điềm đạm, chứ không nhất thiết theo kiểu ăn miếng trả miếng. Nếu không, hai bên sẽ không thể đảo ngược một chu kỳ leo thang không cần thiết.

Các nước phương Tây không thể kéo Putin khỏi những cám dỗ mở rộng xung đột. Chỉ có bản thân ông ấy mới có thể làm được điều đó, và cho đến nay, Mỹ đã hành động một cách thận trọng. Ở Syria, Washington đã thiết lập các kênh để dàn xếp xung đột theo hướng có lợi cho cả hai bên. Hy vọng họ sẽ tiếp tục làm vậy ở Ukraine. Mỹ nên nhắc đi nhắc lại cho mình và các đồng minh về hậu quả của leo thang ngoài ý muốn và sự cần thiết của việc nhìn nhận những lời khiêu khích của Nga theo đúng bản chất của chúng. Phản ứng tốt nhất để đối phó với sự khiêu khích, điều mà Putin rất thích làm, là phớt lờ nó. Điều này cũng đúng với lời đe dọa hạt nhân của Putin. Không phải lúc nào chúng ta cũng cần phản bác những câu nói vì mục đích xấu. Chúng cũng có thể bị bỏ qua vì mục đích chiến lược.

Chẳng có giải pháp nào để hoàn toàn tránh được một cuộc chiến lớn hơn. Trò chuyện, đàm phán, và ngoại giao sẽ không thành công. Putin chỉ có thể bị kiềm chế bằng cách sử dụng vũ lực, nhưng việc sử dụng vũ lực chưa bao giờ không đi kèm rủi ro. Bước đầu tiên nhằm hướng tới một chính sách dài hạn khôn ngoan là nhận ra sự khác biệt của thời điểm này: một cuộc chiến lớn có khả năng kéo dài nhiều năm, đang diễn ra ở vùng trung tâm của một hệ thống quốc tế đang tiến gần đến tình trạng vô chính phủ. Được đào tạo để tuân theo các quy tắc của một trật tự quốc tế tự do, các nhà hoạch định chính sách và nhà ngoại giao của các nước đồng minh giờ đây phải học cách điều hướng khi trật tự không còn.

Quan điểm của Washington và các đồng minh càng ít bi quan càng tốt. Mỹ và Nga không hề đứng bên bờ vực Thế chiến III. Không phải động thái nào cũng mang tính sống còn. Quân đội Nga đang phải chịu đựng vô số ràng buộc và ngày càng gia tăng hơn nữa, trong lúc chiến sự ở Ukraine sẽ liên tục làm nảy sinh những tình huống mới, không chắc chắn, đáng lo ngại và đáng sợ. Thế giới sẽ phải học cách sống chung với nó. Khủng hoảng tên lửa Cuba kéo dài trong 13 ngày. Nhưng khủng hoảng do chiến tranh ở Ukraine gây ra sẽ còn kéo dài lâu hơn thế.

Liana Fix là Giám đốc Các vấn đề Quốc tế tại Quỹ Körber và là cựu nghiên cứu viên thường trú của Quỹ German Marshall, ở Washington, D.C.

Michael Kimmage là Giáo sư Lịch sử tại Đại học Công giáo Mỹ và là Nghiên cứu viên khách mời của Quỹ German Marshall. Từ năm 2014 đến năm 2016, ông phục vụ trong Nhóm Hoạch định Chính sách tại Bộ Ngoại giao Mỹ, nơi ông phụ trách khu vực Nga/Ukraine.