Nhìn lại những sáng tạo kỹ thuật xuất sắc của Đại Việt

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Trần Gia Ninh

Cha ông chúng ta đã có nhiều lần chiến thắng quân xâm lược, như Ngô Quyền chiến thắng quân Nam Hán, Nhà Trần ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông, Quang Trung chiến thắng quân Thanh…, nhưng giải phóng thành công đất nước khỏi ách đô hộ của nước ngoài thì chỉ có hai: Cuộc giải phóng khỏi ách đô hộ của Nhà Minh Trung Hoa đầu thế kỷ 15 và cuộc giải phóng khỏi ách đô hộ của Thực dân Pháp thế kỷ 20.[1] Chúng ta biết khá ít về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ của nhà Minh, đặc biệt là nghĩa quân đã đánh nhau với quân địch hùng mạnh ra sao, sử dụng vũ khí và cách đánh như thế nào? Bài khảo cứu này là một cố gắng tìm câu trả lời cho câu hỏi đó.

KỸ THUẬT CHẾ TẠO SÚNG

Trận Điện Biên Phủ 1954 đã đặt dấu chấm quyết định đến cuộc chiến giải phóng dân tộc, trận chiến Xương Giang – Chi Lăng 1427 cũng có ý nghĩa tương tự trong cuộc đánh đuổi quân Minh ra khỏi đất nước. Theo ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ (ĐVSKTT), trận này kéo dài hơn 6 tháng, còn theo MINH THỰC LỤC 明实录 (của Trung Hoa) thì kéo dài 9 tháng.

Thành Xương Giang cũ ở đất xã Thọ Vương, nay thuộc thị xã Bắc Giang. Đầu năm Đinh Mùi (1427), “Vua [Lê Lợi] sai các tướng chia quân đi đánh các thành: Quốc Hưng đánh hai thành Điêu Diêu, và Thị Cầu; Lê Khả và Lê Khuyển đánh thành Tam Giang; Lê Sát, Lê Thụ, Lê Lý, Lê Lãnh và Lê Triện đánh thành Xương Giang; Lê Lựu và Lê Bôi đánh thành Khâu Ôn (ĐVSKTT)”. Tất cả các thành đều lấy được, chỉ còn thành Xương Giang do bọn Lê Sát vây đánh hơn 6 tháng trời mà không hạ được. Sau đó phải điều danh tướng Nguyễn Chích, Trần Nguyên Hãn đến chỉ huy, dùng cách đánh và vũ khí đặc biệt mới hạ được thành này, như ĐVSKTT đã viết: “Tháng 9, ngày mồng 8, Đinh Mùi (28/9/1427) bọn Thái úy Trần Hãn, Tư mã Lê Sát, thiếu úy Lê Triện, Lê Lý đánh lấy được thành Xương Giang” và …” Được hơn 10 ngày thì viện binh giặc tới nơi, nhưng thành đã bị hạ.” (ĐVSKTT Bản kỷ, q.10 trang 349). Viện binh đây chính là đội quân 10 vạn do Tổng binh Chinh Lỗ tướng quân Thái tử Thái phó An Viễn hầu Liễu Thăng chỉ huy. Nhờ đã hạ xong Xương Giang, Trần Nguyên Hãn cùng các chiến tướng, binh sĩ Lam Sơn đã dàn trận phục binh, ngày 20 tháng 9 Đinh Mùi (10/10/1427) giết Liễu Thăng ở núi Mã Yên Chi Lăng. Chiến dịch Xương Giang-Chi Lăng kết thúc thắng lợi. Vương Thông ở Đông Quan đường cùng, ngày 22/11 Đinh Mùi (10/12/1427) buộc phải đến Hội Thề Đông Quan xin Lê Lợi ngừng chiến, và ngày 12 tháng Chạp, Đinh Mùi (29/12/1427) rút quân Minh khỏi nước ta mà không chờ lệnh của Hoàng Đế Trung Hoa. Từ đó nước Đại Việt ta sạch bóng quân xâm lược Trung Hoa.

Trận đánh lịch sử hạ thành Xương Giang và Ải Chi Lăng là hai trận đánh hiếm hoi được cả chính sử Nhà Minh Trung Hoa lẫn chính sử của Đại Việt ta mô tả tỷ mỷ.

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép về Trận Xương Giang:

Tháng 9, ngày mồng 8, bọn Thái úy Trần Hãn, Tư mã Lê Sát, thiếu úy Lê Triện, Lê Lý đánh lấy được thành Xương Giang.

Khi ấy, viên chỉ huy nhà Minh là Kim Dận cho là thành này nằm ngay trên đường về của quân Minh, nên cùng với tên quan mới bổ đến là Lý Nhậm liều chết cố thủ. Trải qua hơn 6 tháng trời cầm cự với các quân Khoái Châu, Lạng Giang, chúng vừa đánh vừa giữ, khiến quan quân không thể lên được thành. Vua sai bọn Hãn đắp đất, mở đường đánh nhau với giặc, dùng câu liêm, giáo dài, nỏ cứng, TÊN LỬA火箭SÚNG LỬA火砲, bốn mặt đánh vào, thành cuối cùng bị hạ. Bọn Dân, Nhậm đều tự sát. Đem ngọc lụa và con gái bắt được của giặc ban hết cho quân sĩ. Tổng binh Vương Thông được tin, làm hai bài văn tế. Qua 10 ngày, viện binh kéo đế thì thành đã mất.”[2]

MINH THỰC LỤC chép: Ngày hôm nay, giặc Giao Chỉ Lê Lợi công hãm thành Xương Giang. Lợi cho rằng Xương Giang là nơi quan trọng (trên đường) đại quân ra vô; bèn dùng hơn 8 vạn quân đánh. Quan giữ thành Đô chỉ huy Lý Nhiệm, Chỉ huy Cố Phúc ra lệnh già, trẻ, phụ nữ đều lên mặt thành dương cờ hò hét, ngày đêm chống cự; Bọn Nhiệm bất ngờ mang quân tinh nhuệ ra công kích, đốt phá dụng cụ đánh thành. Bốn phía giặc đều xây núi đất, dùng PHI MINH 飛銘 bắn vào thành; Nhiệm sai quân cảm tử ban đêm ngầm mở cửa thành ra đánh, giết giặc giữ núi đất. Mưu tập kích doanh trại. Giặc đào địa đạo vào thành, Nhiệm sai đào hào ngang chặn địa đạo rồi ném đá xuống, khiển giặc chết nhiều.

Giặc [tức quân Lê Lợi] nghe tin đại binh của Chinh Di Tướng quân sắp tới, sợ sẽ dùng thành này làm chỗ dựa, bèn tăng cường thêm quân và voi tấn công. Tên đá bắn vào như mưa. Nhiệm dùng trăm kế để chống cự, trải qua chín tháng trời, giao tranh hơn 30 trận; khởi đầu trong thành có hơn 2.000 tướng sĩ, lúc này chết và tật bệnh đến một nửa, giặc lại vây đánh rất quyết liệt, dùng thang mây leo lên thành rồi đoạt cửa. Nhiệm điều lính quyết tử ba lần đánh ba lần bại, rồi giặc xua voi và lính xông vào. Bọn Nhiệm kiệt sức đánh không xuể, Nhiệm và Phúc đều đâm cổ mà chết. Quan trong thành là Phùng Trí khóc ròng rồi huớng về phía bắc bái tạ thề không theo giặc rồi cùng chỉ huy Lưu Thuận, Tri phủ Lưu Tử Phụ thắt cổ chết. Trong thành các quan quân cùng trai gái chết rất đông; giặc phóng hỏa đốt, cướp phá đến sạch không.”[3]

Hai quyển Đại chính sử của hai nước ghi chép về một trận đại chiến then chốt về cơ bản là tương đồng, quả là một sự trùng hợp hiếm có và cho ta căn cứ chắc chắn để so sánh tìm hiểu các thông tin trong đoạn sử liệu hiếm hoi này.

Về cách đánh thành: Cả hai quyển sử đều chép gống nhau là quân Lê Lợi đắp núi đất lên bốn phía để đánh thành. Ngày xưa thành trì nào cũng xây tường cao, dưới chân thành thì có hào nước rộng, sâu để ngăn quân vào sát chân thành bắc thang leo lên dùng gươm giáo cận chiến. Ở trận đánh này quân Lê Lợi dùng cách đắp núi đất cao ngang thành (tất nhiên là bờ ngoài của hào nước) và cho quân lên đó để bắn vào.

Vũ khí đánh thành: Núi đất cách mép thành ít nhất là một khoảng rộng hơn hào nước, không thể dùng gươm giáo cận chiến. Vì vậy chắc chắn phải dùng vũ khí tầm xa. Ngoài cung tên, nỏ cứng… thông thường ít hiệu quả thì bên đánh thành phải có vũ khí khác mạnh hơn. ĐVSKTT chép vũ khí đó là TÊN LỬA火箭SÚNG LỬA火砲,, không có mô tả chi tiết về hai loại vũ khí này

Trong Minh Thực lục, mô tả chi tiết hơn. Hãy chú ý đoạn chép một vũ khí đặc biệt mà quân Lê Lợi sử dụng đánh thành Xương Giang:

Bốn phía giặc [tức quân Lê Lợi] đều xây núi đất, dùng PHI MINH bắn​ vào trong thành;-賊四面築土山以飛銘射城中

Cái vũ khí lợi hại đó của quân Lê Lợi được quân Minh đặt cho một cái tên lạ là Phi Minh 飛銘, lịch sử xưa nay chưa từng ghi tên vũ khí này. Phi nghĩa là bay, còn Minh có nghĩa là cái vật đặc nhọn rất cứng thường dùng để khắc bia đá. Nó không phải là mũi tên bọc sắt ở đầu nhọn, vì loại này không đủ cứng để khắc đá được, hơn nữa nó đã có tên thông dụng là Thiết鐵 Tiễn箭 rồi. Như vậy có thể phỏng đoán Phi Minh飛銘 mà quân Minh hứng chịu là một loại đạn nhỏ bằng thép nhọn được bắn đi thẳng với một lực bắn rất mạnh.

Lực bắn thì do thuốc nổ tạo ra. Thuốc nổ thì người Việt đã nắm vững kỹ thuật do người Tống du nhập vào từ thời Lý-Trần. Muốn cho viên đạn đi thẳng, mạnh thì phải được đẩy trong một đường ống nhỏ, đủ cứng, đủ dài cỡ từ 0,5m trở lên. Khó có thể sử dụng ống đồng, vì không đủ cứng khỏi bị đạn thép bào mòn và để không biến dạng do sức nổ với nhiệt độ tăng cao, và đủ độ vững thì thành ống đồng phải rất dày, trọng lượng vũ khí vì vậy tăng lên nhiều, không thể mang vác linh hoạt được. Theo suy luận đó thì vũ khí phải làm bắng ống kim loại sắt và đạn phi minh飛銘 phải là thép chứ không phải là chì, đồng, hay đá được.

Vậy ai là người đầu tiên sáng chế ra súng thần mà Trung Hoa gọi là Thần Cơ Thương Pháo神机枪炮?

Chữ Hán枪 Thương ban đầu có nghĩa là cái giáo có cán dài cầm tay. 枪炮Thương Pháo có nghĩa là cái pháo (hay súng) cầm tay có nòng dài như cán giáo, về sau gọi tắt khẩu súng nòng dài là ”枪 Thương” luôn. Vậy Thần Cơ Thương 神机枪 là cái súng thần nòng dài cầm tay

Thực ra từ cuối đời Trần thì người Việt đã chế ra được một loại vũ khí mà sử sách còn ghi tên gọi là Hỏa Súng 火銃. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư tả trận đánh năm Canh Ngọ 1390 đời Trần: “Canh Ngọ, [Quang Thái] năm thứ 3 [1390], (Minh Hồng Vũ năm thứ 23). Mùa xuân, tháng Giêng, ngày 23, đô tướng Trần Khát Chân đại thắng quân Chiêm Thành ở Hải Triều, giết được chúa nó là Chế Bồng Nga. Khi ấy, Bồng Nga cùng với Nguyên Diệu dẫn hơn một trăm thuyền chiến đến quan sát tình thế của quan quân. Các thuyền giặc chưa tập họp lại, thì có tên tiểu thần của Bồng Nga là Ba Lậu Kê nhân bị Bồng Nga trách phạt, sợ bị giết, chạy sang doanh trại quân ta, trỏ vào chiến thuyền sơn xanh bảo rằng đó là thuyền của quốc vương hắn. Khát Chân liền ra lệnh các hoả súng 火銃nhất tề nhả đạn, bắn trúng thuyền Bồng Nga, xuyên suốt ván thuyền, Bồng Nga chết渴真令火銃齊發,着蓬莪貫於船板而死, người trong thuyền ồn ào kêu khóc. Nguyên Diệu cắt lấy đầu Bồng Nga chạy về với quan quân. Đại đội phó Thượng đô quân Long Tiệp là Phạm Nhũ Lặc và đầu ngũ là Dương Ngang liền giết luôn Nguyên Diệu, lấy cả đầu Bồng Nga. Quân giặc tan vỡ

Khát Chân sai quân giám Lê Khát Khiêm bỏ đầu giặc vào hòm, đi thuyền về báo tin thắng trận ở hành tại Bình Than. Bấy giờ chuông đã điểm canh ba, Thượng hoàng đang ngủ say, giật mình tỉnh dậy, tưởng là giặc đánh vào ngự doanh. Đến khi nghe tin thắng trận, nói là đã lấy được đầu Bồng Nga thì mừng lắm, cho gọi các quan tới xem cho kỹ. Các quan mặc triều phục, hô “vạn tuế”. Thượng hoàng nói:

“Ta với Bồng Nga cầm cự nhau đã lâu, ngày nay mới được gặp nhau, có khác gì Hán Cao Tổ thấy đầu Hạng Vũ, thiên hạ yên rồi!”[4]

Cái mà ĐVSKTT gọi là Hoả Súng đó là cái súng gì mà có thể bắn được đạn mạnh đến mức xuyên thủng ván thuyền sát thương kẻ địch? Tất nhiên đó không thể là loại pháo bắn đạn đá như các đại bác của Trung Hoa đúc bằng đồng nặng hàng tấn. Chúng ta có thể phỏng đoán cái gọi là Hỏa Súng 火銃 của người Việt sáng tạo ra lúc này là một dạng sơ khai của Súng Hỏa Mai (Matchlock). Nó là một cái ống bằng sắt dài ít nhất 0,5m, một đầu bịt chặt. Thuốc súng và đạn thép được nhồi cùng dây dẫn lửa từ đầu nòng vào, châm lửa vào dây mồi cháy đến cuối nòng thì cả khối thuốc và đạn sẽ nổ và đẩy viên đạn đi theo nòng súng.

Nhà Hồ soán ngôi nhà Trần và cải tiến cây súng Hỏa Mai này, có lẽ Hồ Nguyên Trừng đã chế tạo ra bộ mồi lửa ở phía sau, thuận tiện hơn.

Dù rằng có vũ khí tốt, nhưng như Hồ Nguyên Trừng đã tâu với thượng hoàng Hồ quý Ly : “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo”. Quả thật lòng dân không theo vì rằng họ Hồ thoán ngôi nhà Trần và chính trị phiền hà, nên thất bại.

Năm 1407 Quân xâm lược nhà Minh Trung Hoa đã đánh bại Nhà Hồ, bắt cha con Hồ Quý Ly và hàng vạn danh nhân, thợ giỏi, gái đẹp người Việt đem về Trung Hoa, đặt An Nam làm quận huyện của Trung Hoa. Người Việt bị mất nước từ đây.

Mất nước cũng mất luôn công nghệ chế súng về tay nhà Minh Trung Hoa, như bộ Chính sử Trung Hoa, có tên Minh Sử 明史(Lịch sử Triều Minh), quyển 92, Binh Chí Tứ chép: Minh Thành Tổ đánh Giao Chỉ, lấy được phép Thần Cơ Thương Pháo, đặt riêng Thần Cơ Doanh luyện tập. Chế tạo cần dùng đồng đỏ nguyên chất, cần nhất sắt dẻo, thứ cần nữa là sắt Tây Vực. To nhỏ các loại, loại to dùng xe, nhỏ dùng giá, dùng cọc, tay nâng. Lợi lớn khi giữ, lợi nhỏ khi đánh, tùy mà dùng như vũ khí quan trọng khi cầm quân”[5]

Chuyện Nhà Minh cướp công nghệ làm vũ khí của nước ta còn được ghi chép rõ ràng hơn trong Minh Thực Lục, lúc cha con Hồ Quý Ly bị điều về Yên Kinh thì Hoàng Đế Vĩnh Lạc đã lệnh tống giam ngay cha con Quý Ly- Hán Thương nhưng lại ra lệnh thả ngay tại chỗ Tả tướng Hồ Nguyên Trừng, chứng tỏ nhà Minh đã do thám biết Trừng là nhà kỹ thuật đại tài của nước Việt. Sách này chép: Vào năm Vĩnh Lạc năm thứ 5, ngày 5 tháng 9 (tức 5 tháng 10/1407): “Hoàng đế cùng bá quan văn võ nhận lễ hiến tù tại cửa Phụng Thiên. Binh bộ thị lang Phương Tân tuyên đọc bản hạch tội […]. Sau khi Tân đọc xong […] Hoàng đế ra lệnh đem Quí Ly, con y là Hồ Hán Thương, tướng giặc Hồ Đỗ cùng tất cả đồng bọn tống giam vào đại lao. Lệnh thả ngay cho con trai của y là Trừng cùng bọn cháu là Nhuế và ban cho họ lương thực và y phục”. Minh Thực Lục, Minh Thái Tông, Quyển 71,mục 5.[6] Ngay sau đó thì Trừng được bổ nhiệm chủ sự Binh Trượng Cục, chuyên chế tác Thần cơ thương pháo và các loại súng. Về sau Trừng làm đến Thượng thư Bộ Công (Hàm như Bộ trưởng ngày nay). Sách Dã Ký 野記 chép: “今凡祭兵器並祭澄也 [Quân Minh] nay phàm khi tế súng thì phải tế Trừng”. Như đã nói ở trên, những tuyệt kỹ chế hỏa súng nòng dài (về sau nhà Minh gọi là Thần cơ thương pháo 神机枪炮 -có nghĩa là súng cầm tay nòng dài) đã có từ đời Trần, Hồ Nguyên Trừng thời Hồ Quý Ly-Hồ Hán Thương là phát triển tiếp mà thôi.[7]

Việc cướp công nghệ chế súng của Đại Việt không những được chép rõ trong nhiều thư tịch cổ (trên đây chỉ là mấy thí dụ) Trung Hoa, mà sách báo Lịch sử quân sự hiện đại của Trung quốc hiện nay cũng vẫn viết về chuyện này như vậy.Ví dụ dưới đây lấy trên mạng về Lịch sử Vũ khí Trung Hoa:[8]

Vua Minh Thành Tổ bình định xứ Giao Chỉ, lấy được phép súng thần cơ, bèn lập riêng doanh trại thần cơ để luyện tập. Thần khí làm bằng đồng, sắt, kích thước to nhỏ khác nhau, loại to dùng xe chở, loại nhỏ dùng giá khênh, vác; loại to có lợi cho phòng thủ, loại nhỏ có lợi khi giao chiến. Thời Minh sơ, thần cơ còn rất quý giá, không được tùy tiện sử dụng. Năm Tuyên Đức thứ 5, (nhà vua) có sắc lệnh cho quan Tổng binh Tuyên Phủ là Đàm Quảng rằng “Súng thần là vật quan trọng của quốc gia, cần cân nhắc cấp cho các đồn biên ải để làm tăng uy lực quân đội, không được tùy tiện cấp”. Không những quý giá mà việc chế tạo phải giữ bí mật. Năm Chính Thống thứ 6, tướng biên ải là Hoàng Chân, Dương Hồng lập Cục Súng thần tại Độc Thạch, Tuyên Phủ. Nhà vua cho rằng việc chế tạo hỏa khí ở bên ngoài (ở biên ải, xa Trung nguyên), việc dạy và học (cách chế tạo súng) có thể lộ ra ngoài, bèn ban sắc lệnh cấm chỉ. Đến thời kỳ giữa và cuối triều Minh, việc sử dụng thần khí đã tương đối mở rộng, đặc biệt là các cửa ải Trường thành phần lớn đều dùng hỏa khí để phòng thủ. Hiện nay tại Cư Dung Quan, Nam Bắc Quan thành có trưng bày 10 cỗ pháo cổ, đều là vũ khí dùng trong phòng ngự dọc tuyến Trường thành đời Minh, có Đại tướng quân pháo, Trúc tiết thiết pháo. Chuyện này có ghi chép tường tận trong “Minh sử”.

Tờ北青報 -Bắc thanh báo (Thanh niên Bắc Kinh), ngày 17/7/2003 viết:[9] Khi Minh Thành Tổ bình định Giao Chỉ, thu được phép chế thần cơ thương pháo, đã đặc biệt lập ra Thần cơ doanh để luyện tập. “Thần cơ doanh” này trong doanh thứ ba của quân đội ở kinh đô trở thành một chi “Dương thương đội”. Uy lực của hỏa khí làm cho Triều đình vừa mừng vừa lo, mừng đương nhiên là vì hỏa khí này có sức sát thương lớn, lo là một khi nó được phổ cập rộng rãi thì sẽ gây nguy hiểm cho chính mình. 

Với tư duy truyền thống của vương quyền là phòng dân như phòng lũ, thì không thể để người khác biết về vũ khí lợi hại của mình. Cho nên “ Súng thần là thứ quan trọng của quốc gia, tại các đồn lũy biên ải, số lượng chỉ cấp đủ để tăng cường quân uy, không được cấp phát một cách dễ dàng.” Ngược lại, điều đó sẽ làm cho hỏa khí không thể thực sự phát huy uy lực trên chiến trường, không thể căn cứ vào tình hình chiến đấu thực tế mà tiến hành cải tiến, không thể nâng cao trình độ chế tạo. Hơn nữa cơ hội chiến đấu thực tế là không nhiều, việc sử dụng hỏa khí bị hạn chế, quân đội vẫn tuân theo quy chế cũ, cũng không thể dựa vào ưu thế của hỏa khí để xây dựng tư duy tác chiến mới và cách đánh mới, vì thế mà tuy có vũ khí tiên tiến nhưng không thể chuyển hóa nó thành sức chiến đấu.”

Giáo Sư Lý Bá Trọng, nguyên chủ nhiệm khoa sử Đại Học Thanh Hoa Bắc Kinh đã viết trong quyển sách 火槍與帳簿:早期經濟全球化時代的中國與東亞世界 (Súng Đạn và Trương mục ngân khố: Trung Quốc và các nước Á Đông thời kỳ đầu của kinh tế toàn cầu hóa):

Vào thời Minh mạt, người An Nam đã phát triển một loại Hỏa Thằng Thương 火繩槍 [súng hỏa mai] với tính năng tuyệt vời, mà người Trung Quốc gọi là “交銃Giao Súng” (nghĩa là súng của Giao Chỉ). Một số người cho rằng loại súng này vượt trội hơn so với “Điểu súng ( , “Bird gun”) và “Lỗ Mật súng , súng Rumi, tức súng Thổ Nhĩ Kỳ) của phương Tây và Nhật Bản về sức mạnh và hiệu quả. 劉獻廷 Lưu Hiến Đình, nhân vật sống vào cuối triều đại nhà Minh, đã nhận xét: ” Súng Giao chỉ là loại tốt nhất của thế giới[10]

Súng Giao Chỉ không chỉ được người Trung Quốc đánh giá cao mà còn được giới quan sát phương Tây đặc biệt ca ngợi vì độ chính xác cao của những gì họ thấy trong các cuộc chiến Lê-Mạc và Trịnh-Nguyễn, thậm chí vượt qua súng của quân Ottoman, súng Nhật và súng châu Âu. Phương Tây nhận xét Súng Đại Việt có thể xuyên thủng nhiều lớp áo giáp sắt, có thể giết từ 2 đến 5 người bằng một viên đạn nhưng không phát ra âm thanh lớn khi bắn.[11]

Súng cầm tay nòng dài Thần cơ thương là phát minh của người Việt. Dù nhà Minh có cướp công nghệ và bắt những người thiết kế chế tạo về bắc để phục vụ nhà Minh, nhưng nhân tài đất Việt vẫn còn một số trốn thoát được, nên dù phải lẩn trốn nhưng họ vì để giải phóng dân tộc, nên họ tiếp tục sáng tạo phát triển, chất lượng vượt trội thì cũng dễ hiểu. Ngay như thuốc súng là phát minh của người Trung Hoa, khi vào tay mình thì người Việt đã có nhiều đóng góp lớn. Một người Bồ Đào Nha, Tome Pires (1468-1540) đã đến phương Đông và đã viết quyển sách “A Suma Oriental de Tomé Pires”-(Phương Đông Kỳ Diệu) là văn bản tỉ mỷ nhất đầu tiên của phương Tây mô tả về phương Đông từ Biển Đỏ đến Nhật Bản. Quyển sách được cho là được viết trong khoảng 1512-1515, lúc đó ở nước Đại Việt ta là thời vua Lê Tương Dực. Ông viết:

Vùng đất CAUCHY CHINA {tức là Đại Việt-TGN} có rất nhiều ngựa. Vua nước này dồn nhiều sức cho chiến tranh, và ngài có vô số ngự lâm quân và bom đạn nhỏ…. Rất nhiều bột thuốc súng được sử dụng ở nước của ngài, cả trong chiến tranh và trong các lễ lạt của vua quan và các trò vui chơi giải trí suốt ngày đêm. Tất cả các lãnh chúa, quý tộc trong vương quốc cũng như vậy. Thuốc súng được sử dụng hàng ngày trong tên lửa {có lẽ là pháo thăng thiên -TGN} và tất cả các trò chơi thú vị khác, như chúng ta sẽ thấy, đó là một trong những mặt hàng buôn bán có giá trị ở xứ này.“[12]

Cũng có những trường phái, dù không bác bỏ được sự thật lịch sử như sử sách đã chép, nhưng cũng cố tìm cách biện luận theo hướng giảm bớt mức độ sáng chế của người Việt về chế súng thần cơ, thuốc súng. Tuy nhiên, cuối cùng cũng phải thừa nhận là người Việt có công trong sáng tạo ra công nghệ súng đạn. Ví dụ một học giả phương tây gốc Hoa cũng đã phải thừa nhận:[13] Một mặt nhấn mạnh nguồn gốc thuốc súng là của Trung Hoa, nhưng mặt khác phải công nhận những sáng tạo công nghệ của Việt Nam trong một số lãnh vực.”

Không còn nghi ngờ gì nữa, người Giao Chỉ đã sáng tạo ra súng cầm tay nòng dài từ cuối TK14 đầu TK15. Nhà Minh Trung Hoa cướp được vũ khí và phép chế tạo (công nghệ) ra nó sau cuộc xâm lược đô hộ Giao Chỉ năm 1407 và đặt tên là Thần cơ thương pháo. Ngay trên đất Trung hoa thi việc chế tạo và huấn luyện sừ dụng Thần cơ thương là do tù binh (Hồ Nguyên Trừng và cộng sự) cùng thợ Giao Chỉ thực hiện. Dù các Hoàng đế nhà Minh lệnh giữ tuyệt mật bí quyết vũ khí này nhưng qua nhiều trận chiến với quân dòng dõi Hung nô Tây vực (như Liêu, Kim, Tarta, Nữ Chân…) làm mất bí quyết sang phía Tây vực, rồi truyền qua các nước phướng Tây. Năm chục năm sau, người Bồ Đào Nha mới chế ra được súng hoả mai (Matchlock) và súng phương tây dần phát triển mạnh hơn.

KỸ THUẬT LUYỆN SẮT THÉP CỦA TỔ TIÊN NGƯỜI VIỆT

Muốn chế được súng như súng hỏa mai, phải luyện được sắt đúc và nắm được kỹ thuật chế tác sắt thép. Việc chế ra súng thần cơ không nghi ngờ gì nữa đó là một sáng tạo tuyệt vời của người Việt, ít nhất là đã từ 600 năm có lẻ. Nhưng nhiều người còn nghi ngờ là người Việt có nắm được công nghệ luyện kim sắt và kỹ thuật chế tác sắt hay không. Hiện nay nhiều nhà sử học Việt cho rằng tổ tiên nước ta không biết nghề luyện sắt và sản phẩm này là do văn minh Trung Hoa trong quá trình ngàn năm Bắc thuộc truyền sang. Họ lấy bằng cớ là trong Sử ký của Tư Mã Thiên đoạn viết về nhà nước Nam Việt của Triệu Đà, Nam Việt liệt truyện 南越列傳, có chép “… 與長沙接境, 高后時, 有司請禁南越關市鐵器, [Nam Việt] giáp giới với quận Trường Sa, Thời Cao Hậu [Lã Hậu 241 TCN – 180 TCN], quan đương sự xin cấm không cho người Nam Việt vào mua đồ sắt.” để nói rằng Nam Việt không tự chế được sắt.[14] Thời Cao Hậu Nam Việt vương Triệu Đà mới chỉ chiếm được Phiên Ngung (vùng Quảng Đông). Sau khi Cao Hậu chết (180 TCN) mới chiếm được Mân Việt và Tây Âu Lạc nên không có sắt là tất nhiên, điều đó không chứng minh là Âu Lạc không luyện được sắt.

Theo truyền thuyết Thánh Gióng thì tổ tiên ta đã biết dùng sắt rèn ngựa cho Thánh Gióng đánh giặc Ân, (khoảng 1000 năm TCN). Truyền thuyết thì khó tin. Lịch sử thành văn của nước ta thì lúc đó chưa có. Nhưng có thể là nghề luyện sắt của ta có từ trước thời Bắc thuộc. Thời đó dân ta chưa biết dùng chữ Hán. Trong chữ Hán sắt gọi là thiết , thép gọi là cương , nếu sắt thép là do người Trung Hoa truyền vào sau thời Bắc thuộc thì tất nhiên dân ta phải gọi như là chữ Hán là Thiết, Cương 鐵鋼. Nhưng người Việt lại gọi là sắt thép. Sắt là một chữ thuần Việt, ? đọc là sắt theo chữ Nôm, chữ này ngay từ điển Khang Hy cũng không có, mặc dù chữ Hán cũng có chữ đọc là sắt 瑟 nhưng để chỉ cây đàn sắt có 50 dây (Mang tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ – Truyện Kiều Nguyễn Du). Thép cũng là một từ thuần Việt, chữ nôm viết ? đọc là thép, chữ này hoàn toàn không có âm và chữ tương tự trong Hán ngữ. Như vậy, người Việt phải biết đến kỹ thuật sắt thép (và có thể các kỹ thuật luyện kim khác, như vàng, bạc, chì kẽm) trước thời Bắc thuộc và vẫn tiếp nối phát triển, nên mới có tên gọi riêng của mình như vậy. Có người lấy lý do không tìm thấy di tích khảo cổ về sắt trên đất nước ta để kết luận rằng cha ông ta không biết chế tạo sắt thép. Nên nhớ rằng, khác với đồ đá và đồ đồng, đồ sắt để lại rất ít trong các di tích khảo cổ trên thế giới. May chăng còn có cột sắt ngàn năm ở gần Dehli Ấn Độ là còn tồn tại đến ngày nay, mà các nhà khoa học hiện đại cũng chưa giải mã được bí mật. Bởi kim loại sắt bị oxy hóa mạnh, dù có bị chôn vùi dưới bao lớp đất cũng bị hủy hoại. Ngay cả ở nước ta, Đại Việt sử ký toàn thư chép Ngô Quyền (và Trần Hưng Đạo sau đó) đóng cọc gỗ nhọn bịt sắt cắm xuống sông Bạch Đằng thì các cọc đó ngày nay phát hiện được cũng không thấy có sắt nữa. Tuy khó như vậy, nhưng những năm gần đây các phát hiện khảo cổ học cũng cho thấy dấu hiệu của nghề luyện sắt từ thế kỷ 2-3 trước Công nguyên với những vết tích lò luyện sắt, hòn quặng sắt, xỉ sắt hình giọt nước tại di chỉ Đồng Mỏm, xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Các hiện vật sắt, gỉ sắt không rõ hình dạng, chức năng cũng được phát hiện tại di chỉ Đường Mây, Cổ Loa, Hà Nội, tây Thanh Hóa-Nghệ An.[15] Đặc biệt trong các di chỉ Sa Huỳnh có rất nhiều hiện vật dụng cụ bằng sắt chế tác rất tinh xảo. Người Chăm có liên hệ mật thiết với Ấn Độ, là nơi nghề luyện sắt rất phát triển. Với việc giao lưu gần gũi giữa người Chăm và người Việt cổ vùng Nghệ Tĩnh thì việc ảnh hưởng lẫn nhau giữa Việt-Chăm-Ấn Độ là tất nhiên, và không khó để lý giải vì sao nghề luyện sắt của người Việt phát triển sớm và tiến bộ hơn của Trung Hoa. Các nhà khảo cổ học, sử học vẫn đang tiếp tục tìm kiếm những minh chứng mới về nghề luyện sắt của người Việt cổ. Người ta cũng phát hiện những thanh kiếm sắt chuôi đồng tại các vùng tây Thanh hóa-Nghệ An.[16] Đặc biệt trong các di chỉ Sa Huỳnh có rất nhiều hiện vật dụng cụ bằng sắt chế tác rất tinh xảo.[17] Thực ra nước ta nằm ở vị trí giao lưu văn hóa từ phía tây sang, từ phía nam lên chứ không chỉ tư phía bắc xuống, nên hấp thụ được nền văn minh rất đa dạng, trong đó kỹ thuật luyện kim từ Tây vực (Ấn Độ, Ba Tư, Lưỡng Hà…) là khu vực phát triển sớm và cao hơn Trung hoa nhiều. Đó là điều mà các nhà sử học nước ta xưa này thường không quan tâm tìm hiểu đầy đủ. Sử sách của nước ta bị quân Minh cướp và đốt hết từ năm 1407 nên không có cơ sở nào biết được trước đó có chép gì không. Nhưng sau khi quân Minh chiếm nước ta, lập thành quận huyện của Trung Hoa thì người Minh đã có ghi chép nhiều chi tiết về tổ chức kinh tế, xã hội, địa chí, sản vật của Giao Chỉ. Trong quyển An Nam Chí Nguyên 安南志原 của Cao Hùng Trưng 高熊徵 đời Minh[18] (có ý kiến cho là đầu đời Thanh) đã ghi chép khá tỉ mỉ như Nhà Minh đã lập ra 6 Cục Kim Trường 金場局 để lo về việc luyện kim ở Giao chỉ. Về sắt sách này chép “Ph Ngh An, ti huyn Th Hoàng [Huyện Hương Khê tnh Hà Tĩnh ngày nay] có núi Qung (Khoáng Sơn) là nơi sn xut st… ti huyn Đông Thành [có l là vùng Núi Thiên Nhn-Hng Lĩnh ven sông Lam ngày nay] có núi St (thiết sơn) cũng là nơi sn xut sắt”.

Những địa điểm luyện sắt như trong Nam Việt Chí Nguyên đã chép ở trên tập trung chủ yếu ở vùng Hà Tĩnh. Đặc biệt là vùng thung lũng sông Ngàn Sâu thuộc Huyện Thổ Hoàng ngày xưa vốn nổi tiếng với nghề luyện sắt ít nhất từ đời Trần và cho đến trước khi có kỹ thuật phương Tây, như sách “同 慶 地 輿 志 Đồng Khánh địa dư chí” (1886 – 1887) đã viết rõ, rằng sản vật đặc sắc của Hương Khê là Sắt:[19]Ở sơn phận các xã Chu Lễ, Xuân Lũng tổng Chu Lễ, Đô Khê, Phúc Trạch, Hà Đông tổng Phúc Lộc nhiều nơi có sắt luyện (sinh thiết). Nhưng chất sắt giòn cứng. Riêng sắt ở núi Lũng xã Hà Đông là thứ sắt cứng mà dẻo (nhuyễn)”. Như vậy là hai quyển sách cách nhau hơn bốn trăm năm, một của Trung Hoa, một của Đại Việt, đều chép giống nhau về cùng một địa danh chuyên về luyện sắt (và là sắt chất lượng cao, cứng mà dẻo) là vùng Hương Khê, Hà Tĩnh. Chẳng những vậy mà thực sự lịch sử cận đại của nước Việt có sự kiện trong cuộc khởi nghĩa Cần Vương của Phan Đình Phùng, tại cứ điểm trong vùng rừng núi Hương Khê bị quân Pháp bao vây tứ bề mà Tướng Cao Thắng năm 1895 vẫn tự luyện được sắt, đúc súng trường tinh xảo không thua kém gì súng của Pháp khiến các kỹ sư Pháp kinh ngạc. Một viên võ quan Pháp, Đại úy Ch. Gosselin, từng tham gia đánh dẹp tại Nghệ Tĩnh, viết cuốn sách có giá trị tựa đề là Nước Nam [Empire d’Annam], có đoạn nói về súng của Cao Thắng như sau: “Tôi có đem nhiều khẩu súng đó về tận bên Pháp; xem nó giống đủ mọi vẻ như súng của các xưởng binh khí nước ta chế tạo, đến nỗi tôi đưa cho các quan binh pháo thủ ta xem, các ông phải sửng sốt lạ lùng, […] những súng đó đã từng bắn chết ít nhiều lính Khố Xanh, Cai đội Pháp, lính tập…”[20]

THAY LỜI KẾT

Từ xưa đến nay, cách chép và truyền bá lịch sử nước ta chỉ chủ yếu là lịch sử cung đình triều đại, nặng về các cuộc thoán đoạt, chinh chiến mà rất ít ghi chép và truyền bá về dân sinh, đời sống, các phát kiến, sáng tạo… làm nên sức sống của dân tộc. Lịch sử nước nhà đáng tiếc chỉ đọng lại trong trí não của hậu duệ phần nhiều là các cuộc chinh chiến, các vị vua chúa quan lại… mà không biết được vì sao mà dân tộc trường tồn.

Lòng yêu nước và hy sinh bảo vệ tổ quốc không nghi ngờ gì nữa là yếu tố quan trọng bậc nhất để dân tộc ta giữ vững độc lập. Nhưng tài năng và sự sáng tạo của dân tộc ta, sức sống của dân tộc ta là điều đáng tự hào, là yếu tố đóng góp không nhỏ trong chiến thắng chống ngoại xâm, thì thường bị quên lãng. Và khi không có chiến tranh thì nếu thiếu nó làm sao mà dân tộc ta phát triển được. Sông có khúc người có lúc, trong thăng trầm của lịch sử, trí tuệ của dân tộc ta từ ngàn năm trước có những khoảng phát triển huy hoàng, cũng có lúc lụn bại vì nhiều lý do. Vì vậy, cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng người xưa để nay hay thì học, dở thì tránh. Bài viết này, chắc chắn là còn nhiều thiếu sót, mong là một đóng góp nhỏ nhoi để hiểu người xưa, không chỉ có hiểu chuyện vua chúa quan lại, anh hùng hào kiệt mà thôi!

Một phiên bản rút gọn của bài viết đã được đăng trên tạp chí TIA SÁNG số 14, 15 – ngày 20/7 và 5/8/2022. Đây là toàn văn bản điện tử của tác giả gửi Nghiên cứu quốc tế.

————————————-

[1] http://www.vanhoanghean.com.vn/van-hoa-va-doi-song27/cuoc-song-quanh-ta46/thu-hoang-xuan-han-gui-vo-nguyen-giap

Tết Nguyên đán 1996 Học giả Hoàng Xuân Hãn đã đến ĐSQ VN tại Paris để nhờ trao tận tay bức thư gửi Đại Tướng Võ Nguyên Giáp. Đây là bức thư cuối cùng trước khi ông mất ngay sau đó. Bức thư tâm huyết của một trí thức yêu nước, có đoạn viết:

“Nước ta chỉ có hai cuộc giải-phóng mà thôi: thời 1416-1427 với Lê Lợi cùng Nguyễn Trãi, và thời 1945-1975 với Bác Hồ cùng các Anh. Tự nhiên cả hai mặt phải nhờ gắn-bó giữa mưu-lược lãnh-đạo và kiên-cường nhân-dân. Khi ngoại-xâm thì nhân-dân ai cũng căm-tức và lo-sợ cho tương-lai; còn trong cuộc giải-phóng thì địch đã ở chung với nhân-dân lâu trong nước, rồi có thể dùng quyền-lợi để chia rẽ và giảm tinh-thần nhân-dân.”

[2] 九月八日,太尉陳捍,司馬黎察,少尉黎篆、黎理等攻昌江城,拔之。時明指揮金胤以城當㱕路,與新授官李任死守。閲六月餘,與快州、諒江等軍相拒,隨擊隨禦,官軍不能登。帝命扞等築地設道,與敵相戰,鈎戟勁弩,火箭火砲,四面合攻,城遂陷。胤、任皆自殺。所獲玉帛女子,盡以賜士卒。明總兵王通聞之,爲文致祭。經十日,援兵果至,而城已陷。(Viện KHXH dịch theo bản Nội Các Quan Bản khắc năm Chính Hòa 18 1697)

[3] 《大明宣宗章皇帝實錄卷之二十七》

宣德二年夏四月己未朔饗太廟

是日交趾賊黎利陷昌江城利以昌江大軍出入要地以賊八萬餘攻之守城都指揮李任與指揮顧福等令城中老穉及婦女登城揚旗鼓噪日夜拒守任等自將精銳不時出城掩擊焚其攻具賊四面築土山以飛銘射城中任率敢死士夜潛開門殺其守土山者襲破其營賊掘地洞入城任開橫溝與洞相應從溝中發將軍石子擊之賊多死者賊聞征夷將軍大兵將至恐恃此城為保障乃益兵象來攻矢石交下如雨任百計備御相拒九閱月大小三十餘戰初城中將士二千餘人至是死傷疾病者半而賊並力攻圍以雲梯登城奪其門任複 率死士三戰三敗之賊擁象益兵而入任等竭力與鬥不支任福皆自刎死守城中官馮智大哭北向再拜誓不從賊與指揮劉順知府劉子輔等俱自縊死城中軍校及男女同時死者甚眾賊縱火焚民居劫掠一空 (bản dịch của Hồ Bạch Thảo tr. 701-702; Tuyên Tông 27)

[4] 庚午三年明洪武二十三年春正月二十三日,都將陳渴真大敗占城于海潮。獲其主制蓬莪。時蓬莪與元耀領戰船百餘艘來觀官軍形勢。眾船未會,蓬莪小臣波漏稽為蓬莪所責,惧誅,來奔軍营,指綠漆船告曰:「此國王船也。」渴真令火銃齊發,着蓬莪貫於船板而死。船中人喧閙號泣,元耀反取蓬莪馘奔還官軍,龍捷軍上都大隊副范汝勒、頭伍楊昂遂殺元耀,倂取蓬莪馘。賊眾大潰。渴真令軍監黎克謙函其首馘,乘船奏捷于平灘行在。時漏下三皷,上皇睡熟驚起,以為賊犯御营。及聞捷奏云已獲蓬莪馘,乃大喜,召群臣諦視。百官朝服呼萬歲。上皇曰:「我與蓬莪相持久矣,今日始得相見,何異漢髙祖見項羽首,天下定矣。」

[5] “明史·兵志四):明成祖平交趾,得神机枪炮法. 特置神机营肄习。制用生熟赤铜相间。建铁柔为最, 西铁次之。大小不等。 大者发用车。 次及小者用架,用桩, 用托。 大利于守, 小利于战。 随宜而用为行军 要器 ,

[6] 明实录太宗实录 -> 太宗文皇帝实录卷七十一 :上御奉天门受之文武群臣皆侍兵部侍郎方宾读露布至弑王؟y国僭号纪元等语 上使问季牦父子曰此为人臣之道乎季牦父子不能对宾读毕诏以季牦父子苍及其伪将相胡柱等悉付狱而赦其子孙澄芮等命有司给衣食

[7] Trong quyển 2, Dã ký tác giả Chúc Duẩn Minh野記 祝允明 (1460-1526) chép về cha con Hồ Quí Ly , Hồ Nguyên Trừng như sau: 永樂中,征安南,黎季氂降,有三子,皆隨入朝。其孟曰澄,賜姓陳,官為戶部尚書。澄善製槍,為朝廷創造神槍。後貶其官,而命其子世襲錦衣指揮,澄願從文,乃許令世以一人為國子生。今凡祭兵器並祭澄也。其仲曰某,賜姓鄧,亦官尚書。後貶江陰縣佐,未審丞、簿。有三子,亦令一人襲錦衣指揮,並賜江陰田甚厚,永蠲其傜,今猶守世業。其季曰某,官為指揮。久之,乞歸祭墓,既往,即自立為王。季氂死葬京師,其子後遷葬於鍾山之旁。

“Thời Vĩnh Lạc đánh An Nam, Lê Quí Ly (tức Hồ Quý Ly) hàng, có ba con cùng theo vào triều.

Người con trưởng là Trừng được ban họ Trần, làm quan đến Thượng thư bộ Hộ. Trừng giỏi chế súng, đã chế súng thần công cho triều đình. Sau đó bị giáng chức , nhưng cho con làm chỉ huy Cấm vệ. Trừng xin theo nghiệp văn, hứa cho mỗi đời có con vào học Quốc tử giám. Ngày nay phàm tế binh khí, đều tế Trừng.

Người con giữa không rõ tên, được ban họ Đặng, cũng làm quan đến Thượng thư, sau bị giáng làm phụ tá huyện Giang Âm. Có ba người con, cho một người làm chỉ huy Cấm vệ, ban cho ruộng tại Giang Âm rất hậu, được miễn trừ sưu dịch, nay vẫn giữ nghiệp nhà.

Người con út không rõ tên, làm quan đến chức Chỉ huy. Sau đó lâu, xin về quê tế mộ, rồi tự xưng Vương. Quí Ly chết chôn tại kinh sư, sau đó con cháu dời chôn tại bên cạnh núi Chung Sơn.”(TGN dịch)

[8] 东亚火器转来史一:中国火器和中国的火器传来

http://military.china.com/zh_cn/history2/06/11027560/20050406/12222143.html

明成祖平交趾,“得神机枪炮法,特置神机营肄习。神器制作以铜、铁为之、大小不等,大者用车、小者用架、用托,大利于守,小利于战。”神器,在明初时还很珍贵,不是随便所使用的。宣德五年敕宣府总兵官谭广“神铳,国家所重,在边墩堡,量给以壮军威,勿轻给”。不仅珍贵,而且制造保密。正统六年,边将黄真、杨洪立神铳局于宣府独石。帝以火器外造,恐传习漏泄,敕止之。到明朝中后期使用比较广泛,特别是长城隘口,多用火器防守。目前在居庸关南北关城 陈列古炮十门,均为明代长城沿线防御用的武器,有大将军炮、竹节铁炮等。这在《明史》中也都有详细记载 (Bản dịch của TGN)

[9] “至明成祖平交阯,得神机枪砲法,特置神机营肄习”。而京军三营中的这个“神机营”就成了一支“洋枪队”。火器的威力让朝廷且喜且惧,喜的当然是其强大杀伤力,惧的则是一旦广泛普及恐危及自身安全。以传统防民如防川的皇权思维,利器不可示人。所以,“神铳,国家所重,在边墩堡,量给以壮军威,勿轻给。”反过来,这又造成了火器不能在战场上真正发挥其威力,不能根据实战进行改良,制造水平无法提高。而实战机会不多,使用被限制,军队仍循旧制,也不能围绕火器的优势构筑新的作战思维和战法,故而虽有先进武器,却不能转换为战斗力 “(Bản dịch của TGN)

[10] Li Bozhong 李伯重 (2019). 火槍與帳簿:早期經濟全球化時代的中國與東亞世界 (in Chinese (Taiwan)). 聯經出版事業公司. p. 142. ISBN 978-957-08-5393-3. Retrieved 2020-07-12: 在明末,安南人開發出了一種性能優良的火繩槍,中國人稱之為「交銃」(意即交趾火銃)。有人認為這種交銃在威力及性能等方面都優越於西方和日本的「鳥銃」及「魯密銃」。

[11] https://wp-en.wikideck.com/Jiaozhi_arquebus

[12] https://nghiencuuquocte.org/2018/02/12/tu-mot-ban-hang-hai-co-luan-ban-ve-danh-tinh-nuoc-viet/

[13] On the one hand, it stresses the Chinese origins of gunpowder technology; on the other hand, it also acknowledges the Vietnamese innovations in some aspects of the technology. Asia Research Institute, Working Paper Series, No. 11:Chinese Military Technology and Dai Viet: c. 1390-1497; Sun Laichen, Asia Research Institute, National University of Singapore, (September 2003).

[14] https://ctext.org/shiji/nan-yue-lie-zhuan/zh

[15] https://dangnho.com/kien-thuc/phan-tich-nhan-dinh/bach-viet-va-qua-trinh-nam-tien.html

[16] https://dangnho.com/kien-thuc/phan-tich-nhan-dinh/bach-viet-va-qua-trinh-nam-tien.html

[17] Nguyễn thị Hậu . https://baogialai.com.vn/channel/12382/201807/vai-net-ve-van-hoa-sa-huynh-o-mien-trung-viet-nam-5589217/).; https://www.researchgate.net/publication/276919113_Sa_Huynh_Culture

[18]An Nam Chí Nguyên 安南志原, An Nam Chí Nguyên安南志原;Hoa Bằng dịch chú, in Roneo 1961 lưu hành nội bô. NXB Đại Học Sư phạm xuất bản 2017, trang 470-471: 义安府 : 礦山在土黃縣產鐵… 鐵山在東城縣產鐵

[19]Đồng Khánh Đa Dư Chí, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, 2003 (trang 1304). Bản dịch này dịch nhầm chữ 生 鐵 sinh thiết nghĩa là st luyn thành ra “qung st”.周禮總 之周禮,春 隴, 福 祿總之都 溪, 福 澤, 河 東 Đng等 社 山 分 多 有 生 鐵, 但 鐵 質 剛 脆, 惟河 東社隴山鐵 質 堅軟 爲勝

[20] Capitaine Ch. GOSSELIN -L’EMPIRE D’ANNAM ,PARIS ,LIBRAIRIE ACADÉMIQUE DIDIER ,PERRIN ET Cie, LIBRAIRES-ÉDITEURS ,35, QUAI DES GRANDS-AUGUSTINS, 35 ,1904. trang 313