21/08/1980: PETA được thành lập

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: People for the Ethical Treatment of Animals (PETA) is founded, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1980, những người ủng hộ quyền động vật Ingrid Newkirk và Alex Pacheco đã thành lập tổ chức People for the Ethical Treatment of Animals (tạm dịch: Chống đối xử vô đạo đức với động vật), viết tắt là PETA. Vươn lên từ những khởi đầu khiêm tốn, PETA sẽ sớm trở thành tổ chức vì quyền động vật hoạt động mạnh mẽ nhất và cũng gây tranh cãi nhất trên thế giới.

Sở thích bảo vệ động vật của Newkirk bắt đầu từ 11 năm trước đó, khi cô tìm thấy một số chú mèo con bị bỏ rơi và kinh hoàng trước những gì chờ đợi chúng tại một trại động vật ở Thành phố New York. Cô gác lại kế hoạch trở thành một nhà môi giới chứng khoán, và thay vào đó tập trung vào động vật, cuối cùng trở thành nữ nhân viên chăm sóc động vật hoang đầu tiên trong lịch sử của Quận Columbia. Năm 1980, cô bắt đầu hẹn hò với Pacheco, một nghiên cứu sinh sau đại học và là nhà hoạt động từng tham gia chuyến tàu bảo vệ cá voi. Hai người đồng sáng lập PETA một thời gian ngắn sau đó.

Chiến dịch lớn đầu tiên của PETA diễn ra một năm sau, khi Pacheco vào làm việc tại một cơ sở nghiên cứu ở Silver Spring, Maryland, nhằm vạch trần các thí nghiệm đang được tiến hành trên loài khỉ ở đó. PETA đã phát tán những bức ảnh cho thấy đàn khỉ bị nuôi nhốt trong điều kiện khủng khiếp, mở đường cho một cuộc truy quét của cảnh sát, và cuối cùng dẫn đến bản án đầu tiên dành cho một nhà nghiên cứu vì tội ngược đãi động vật.

Sau khi tạo nên tên tuổi ở tầm quốc gia, PETA tiếp tục vạch trần nhiều vụ đối xử tàn ác đối với động vật. Tổ chức này đã tiến hành nhiều hoạt động bí mật và nộp đơn kiện nhân danh động vật, nhưng có lẽ, họ được biết đến nhiều nhất với các chiến dịch quảng bá và các trò đóng vai của mình. Một chiến dịch vào đầu những năm 1990 mô tả những cảnh máu me trong lò mổ với chú thích kiểu “Bạn có muốn ăn khoai tây chiên với thứ này không?”, trong khi một loạt quảng cáo khác có hình ảnh một số người nổi tiếng khỏa thân nhằm phản đối ngành công nghiệp lông thú. Các nhà hoạt động PETA thường được biết đến trong trang phục cầu kỳ, phủ sơn toàn bộ cơ thể, hoặc chẳng mặc gì, để thu hút sự chú ý vào mục đích đấu tranh của họ; nhóm này cũng tạt sơn màu đỏ tượng trưng cho máu lên những người mặc đồ lông thú.

PETA đã bị chỉ trích từ mọi phía – nhiều người tin rằng họ là những kẻ cực đoan và cho rằng phương pháp kêu gọi của tổ chức này gây khó chịu, trong khi các nhà hoạt động khác chỉ trích việc PETA sẵn sàng hợp tác với các tập đoàn thuộc các ngành như thức ăn nhanh hoặc thời trang để cải thiện gia tăng quyền lợi động vật. Ngoài ra, còn có những thành viên của phong trào bảo vệ quyền động vật cho rằng PETA đang khoác ‘tấm áo quá rộng,’ chỉ hướng sự chú ý vào các cuộc tranh cãi trên phương tiện truyền thông thay vì tạo ra thay đổi thực chất.

Tuy nhiên, PETA đã giúp đạt được nhiều cải cách về quyền động vật: thuyết phục một số thương hiệu thời trang lớn nhất thế giới không sử dụng lông thú, khiến hàng nghìn công ty ngành mỹ phẩm / chăm sóc sức khỏe ra lệnh cấm thử nghiệm trên động vật, chấm dứt việc sử dụng động vật trong các cuộc thử nghiệm va chạm xe hơi, đóng cửa rạp xiếc thú Ringling Brothers and Barnum & Bailey’s Circus, phơi bày hàng nghìn trường hợp đối xử tàn ác với động vật trên khắp thế giới,… cùng rất nhiều thành tựu khác.