Ảnh hưởng toàn cầu của Alexander Dugin

Nguồn: Gideon Rachman, “The global reach of Alexander Dugin,” Financial Times, 22/08/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Nhà dân tộc chủ nghĩa người Nga đã trở thành một phát ngôn viên quốc tế của phe cực hữu.

Với bộ râu nổi bật và những luận điệu khác thường, Alexander Dugin vẫn luôn dễ dàng thu hút sự chú ý. Một số người thậm chí còn gọi nhà triết học cực hữu là “bộ não của Putin” hoặc “Rasputin của Putin.” Tuy nhiên, các nhà bình luận khác lại bác bỏ ý kiến cho rằng Dugin rất được Điện Kremlin coi trọng, với dẫn chứng là việc ông đã bị mất việc ở Đại học Quốc gia Moscow hồi năm 2014.

Dù vậy, rõ ràng vẫn có người cho rằng Dugin quan trọng. Cuối tuần trước, con gái của ông, Daria Dugina, một nhà báo theo chủ nghĩa dân tộc, đã thiệt mạng trong một vụ đánh bom xe bên ngoài thủ đô Moscow. Nhiều người cho rằng chính Dugin mới là mục tiêu thực sự.

Bất kể quan hệ cá nhân giữa Putin và Dugin có là gì, thì quyết định xâm lược Ukraine của nhà lãnh đạo Nga cũng vẫn là sự hiện thực hóa những ý tưởng mà Dugin đã thúc đẩy từ đầu thập niên 1990. Trong cuốn sách Nền tảng của Địa chính trị (Foundations of Geopolitics) xuất bản năm 1997 – vốn là tài liệu đọc bắt buộc ở học viện tham mưu quân đội Nga – Dugin lập luận rằng “Ukraine với tư cách là một quốc gia không có ý nghĩa gì về địa chính trị.”

Trong một bài nói chuyện vào năm 2018 tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, khi được hỏi về ảnh hưởng của ông đối với Putin, Dugin tỏ ra dè dặt – nhưng ông có chỉ ra rằng mình đã kêu gọi Nga sáp nhập Crimea từ những năm 1990, “rất lâu trước Putin.”

Dugin có ảnh hưởng khá lớn ở Trung Quốc. Ông đã tận dụng việc được cho là thân cận với Putin – cùng kỹ năng ngôn ngữ (Dugin thông thạo tiếng Anh và tiếng Pháp) – để xây dựng cho mình một vai trò quốc tế đáng kể.

Tại Trung Quốc, Iran, và Thổ Nhĩ Kỳ, Dugin đã trở thành phát ngôn viên và điều phối viên cho những ai đang tìm cách tiêu diệt bá quyền toàn cầu của Mỹ. Trong khi đó, ở châu Âu và Mỹ, ông giữ liên lạc với lực lượng cực hữu, định vị mình như một đồng minh trong cuộc chiến chống lại “chủ nghĩa toàn cầu” (globalism).

Trong loạt bài giảng tại Đại học Phúc Đán, Dugin lập luận rằng Nga và Trung Quốc phải cùng nhau xây dựng một “trật tự thế giới đa cực,” chấm dứt sự thống trị của Mỹ. Tại một cuộc họp vào tháng 4, các ngoại trưởng Nga và Trung Quốc đã tán thành ý tưởng này, Sergei Lavrov đảm bảo với Vương Nghị rằng hai quốc gia sẽ “cùng nhau … tiến tới một trật tự thế giới dân chủ đa cực, công bằng.”

Theo thế giới quan của Dugin, các quốc gia trong đất liền của lục địa Á-Âu, với trung tâm là Nga, đối lập một cách tự nhiên với thế giới các nước ven biển do Mỹ, và trước đó là Anh, dẫn đầu. Dugin đã ca ngợi nhà triết học Đức Quốc Xã Carl Schmitt vì đã “hiểu rõ ‘kẻ thù’ mà châu Âu, Nga, và châu Á đang phải đối mặt, đó là Mỹ … cùng với đồng minh quốc đảo, Anh.”

Những ý tưởng chống phương Tây và phi tự do này cũng đã được đón nhận bởi một nhóm khán giả nhất định ở Iran. Dugin là khách mời thường xuyên và đặc biệt nổi tiếng với các phần tử cứng rắn trong chế độ. Năm 2015, ông đã khiến chủ nhà Iran hài lòng khi nói với họ rằng Iran là “căn cứ chính của cuộc chiến chống lại sự hiện đại” (rõ ràng đó là một điều tốt). Dugin cũng thường xuyên đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ, đôi khi với tư cách là khách mời của đảng cầm quyền AKP, và đã có những hoạt động chung với các lực lượng chống Mỹ trong chính phủ.

Còn tại châu Âu, Dugin và nhà bảo trợ của ông, chủ ngân hàng người Nga Konstantin Malofeev, đã vun đắp quan hệ với các đảng cực hữu như Đảng Tự do của Áo, Đảng Liên đoàn phương Bắc của Ý, và Đảng Đại hội Quốc gia của Pháp – duy trì sự liên kết thông qua các hội nghị, thuyết giảng, và họp mặt ở Nga và Tây Âu.

Ở Mỹ, những người ủng hộ tự nhiên của Dugin là thành viên phe cực hữu. Vào đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, Dugin đã có một cuộc phỏng vấn với nhà lý thuyết âm mưu Alex Jones, bày tỏ hy vọng của mình đối với “Ông Trump, người mà tôi ủng hộ hết lòng.” Ông nói với Jones rằng các lực lượng ủng hộ Trump và ủng hộ Putin nên đoàn kết chống lại “kẻ thù chung của chúng ta, những người theo chủ nghĩa toàn cầu.”

Richard Spencer, một nhân vật cực hữu của Mỹ – người mà ngay sau chiến thắng bầu cử của Trump đã bị ghi lại cảnh hét lên câu “Chào mừng Trump” (“Hail Trump” – cách chào Hitler trước đây – NBT) và giơ tay chào kiểu nhà binh – cũng có liên quan đến nhà dân tộc chủ nghĩa Nga. Vợ của Spencer chính là người đã dịch tác phẩm của Dugin sang tiếng Anh.

Trong lần xuất hiện gần đây, cùng các học giả Trung Quốc và Pakistan, Dugin đảm bảo với khán giả của mình rằng Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân chứ không chấp nhận thất bại ở Ukraine. Bây giờ, câu hỏi đặt ra là liệu vụ đánh bom xe vào cuối tuần trước có dẫn đến việc Điện Kremlin triển khai những chính sách quyết liệt hơn nữa trong chiến tranh và trong chính trị nội bộ hay không.

Cơ quan tình báo Nga, FSB, vừa tuyên bố đã giải quyết xong vụ việc. Họ cáo buộc phía Ukraine đã thực hiện vụ ám sát và khẳng định kẻ sát nhân đã trốn thoát khỏi Nga và vượt biên sang Estonia. Những cáo buộc này có thể được sử dụng để biện minh cho việc Nga tăng cường không kích Kyiv, bao gồm cả việc nhắm vào các tòa nhà chính phủ và các quan chức cấp cao. Nếu Điện Kremlin quyết định đối đầu với Estonia – bằng cách yêu cầu dẫn độ nghi phạm trong vụ việc, đi kèm với những lời đe dọa– thì Nga sẽ phải trực tiếp đối đầu với một quốc gia NATO.

Chính phủ Ukraine đã nhanh chóng phủ nhận mọi liên quan đến vụ đánh bom. Nhưng điều đó sẽ không làm thay đổi suy nghĩ ở Moscow. Những tiếng nói theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, điển hình là những người như Dugin, từ lâu đã kêu gọi Nga theo đuổi các chiến thuật tàn nhẫn hơn nữa.

Dugin là người chuyên sử dụng những luận điệu bạo lực và kích động – được truyền tải trong các giảng đường và trường quay truyền hình, ở một khoảng cách an toàn so với bất kỳ cuộc giao tranh thực tế nào. Nhưng vào cuối tuần trước, tiền tuyến đã đến tận Moscow. Sau khi chịu đựng quá nhiều đau khổ, ít có người Ukraine nào lại thấy cảm thông với Dugin, một người vào năm 2014 đã kêu gọi người Nga “giết, giết, giết” người Ukraine. Còn số khác, đang ở cách xa cuộc xung đột, có thể khó mà tin được rằng có những kẻ đáng phải nhìn thấy cảnh con mình bị nổ tung ngay trước mắt họ.

Alexander Dugin nói về ‘sự cáo chung của lịch sử’ và cuộc chiến của Putin với trật tự tự do