Thế giới hôm nay: 05/09/2022

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA cho biết nhà máy điện hạt nhân do Nga chiếm đóng ở Zaporizhia đã bị ngắt kết nối khỏi lưới điện của Ukraine. Cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc nói nhà máy hiện đang phải dựa vào một đường dây dự phòng. Nga và Ukraine đổ lỗi cho nhau về các vụ pháo kích gần nhà máy, vốn làm dấy lên lo ngại thảm họa hạt nhân. Hôm thứ Bảy, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đề nghị được làm trung gian hòa giải.

Đức công bố gói cứu trợ trị giá 65 tỷ euro (64,7 tỷ USD) để giúp các hộ gia đình và công ty đối phó với giá cả tăng. Gói này bao gồm giảm giá phương tiện giao thông công cộng và giảm thuế cho các công ty sử dụng nhiều năng lượng. Thủ tướng Olaf Scholz cho biết chính phủ ông đã đưa ra “quyết định kịp thời” để ngăn thiếu hụt năng lượng trong mùa đông. Lạm phát của Đức lên gần 8% trong tháng 8, với giá hàng tạp hóa và năng lượng đặc biệt cao.

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal đã đến thăm Berlin để kêu gọi Đức tăng hỗ trợ cho nỗ lực chiến tranh, bao gồm cung cấp vũ khí hạng nặng và hệ thống phòng không. Ông Shmyhal nói Ukraine cũng đang mong đợi khoản viện trợ 5 tỷ euro (4,98 tỷ USD) từ EU trong tuần này, một phần để giúp người dân nước ông vượt qua mùa đông.

Hôm Chủ nhật người Chile đã đi bỏ phiếu trưng cầu dân ý về hiến pháp mới. Nếu họ chấp nhận thay đổi, hiến pháp mới sẽ thay thế phiên bản 1980 có từ thời chế độ độc tài quân sự Augusto Pinochet. Văn kiện mới là một trong những hiến pháp dài nhất và tiến bộ nhất trên thế giới. Song kết quả thăm dò cho thấy tỉ lệ ủng hộ thay đổi hiến pháp đã giảm xuống.

Hamas, nhóm chiến binh quản lý Dải Gaza, đã hành quyết 5 người Palestine vào Chủ nhật. Hai trong số họ đã cung cấp tin tình báo để Israel không kích các mục tiêu Palestine, chính quyền Hamas cho biết. (Ba người còn lại bị kết tội giết người.) Đây là các vụ hành quyết đầu tiên trên lãnh thổ Palestine kể từ năm 2017. Các nhóm nhân quyền đã chỉ trích thủ tục tố tụng của Hamas, cũng như việc giữ nguyên án tử hình.

Donald Trump đã gọi Tổng thống Joe Biden là “kẻ thù quốc gia” trong một cuộc mít tinh ở Pennsylvania. Cựu tổng thống chỉ trích ông Biden vì FBI khám xét nhà riêng của ông ở Florida, đồng thời gọi đây là “một trong những vụ lạm dụng quyền lực gây sốc nhất của bất kỳ chính quyền nào trong lịch sử Mỹ.” Ông Trump đến Pennsylvania để kêu gọi ủng hộ cho hai ứng viên Cộng hòa trước cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11.

Thụy Điển cho biết sẽ đảm bảo cung cấp thanh khoản cho các công ty năng lượng Bắc Âu và Baltic trước “mùa đông chiến tranh.” Các khoản bảo lãnh sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu về tài sản thế chấp cần thiết để kinh doanh điện, vốn đã tăng vì giá năng lượng cao. Thông báo này được đưa ra sau khi Nga thông báo đóng vô thời hạn đường ống khí đốt dưới biển Nord Stream 1, thay vì thời hạn 3 ngày như ban đầu.

TIÊU ĐIỂM

Tân thủ tướng Anh: Liz Truss hay Rishi Sunak?

Anh sẽ có thủ tướng mới vào thứ Hai sau khi 160.000 đảng viên Đảng Bảo thủ chọn ra lãnh đạo mới của đảng. Tất cả các cuộc thăm dò cho thấy Liz Truss, ngoại trưởng đương nhiệm, sẽ đánh bại Rishi Sunak để trở thành thủ tướng tiếp theo vào thứ Ba.

Bà Truss hứa hẹn các thay đổi lớn trong chính sách kinh tế, với một gói cắt giảm thuế và tăng chi tiêu quốc phòng. Bà không lo ngại các đề xuất của mình chỉ có lợi cho những người giàu nhất. Lập luận của bà là việc quá tập trung vào phân phối công bằng thay vì tăng trưởng đã khiến Anh bị tăng trưởng thấp. Đây là một canh bạc chính trị: mùa đông này, người Anh sẽ chứng kiến ​​hóa đơn năng lượng tăng vọt vì khủng hoảng năng lượng. Và mặc dù không thích các chính sách phát tiền, vào Chủ nhật bà Truss lại hứa công bố một gói trợ giúp cho những người gặp khó khăn với hóa đơn năng lượng, trong vòng một tuần sau khi nhậm chức. Đảng viên Bảo thủ thích quan điểm nhà nước nhỏ của bà, dù hầu hết người Anh đều mong đợi một cái gì đó to lớn và nhanh chóng.

Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ tăng trưởng cao trong bối cảnh lạm phát

Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ tăng trưởng 7,6% trong ba tháng tính đến tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, trong khi nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu có doanh thu ngoại tệ, làm giàu nhờ lãi suất thấp đến mức phi lý, người dân làm công ăn lương gặp rất nhiều khó khăn. Đồng lira đã mất 27% giá trị so với đồng USD kể từ đầu năm, và gần 70% kể từ năm 2020. Tỷ lệ lạm phát năm lên tới 76,9%, và có thể sẽ vượt 80% khi Thổ Nhĩ Kỳ công bố dữ liệu kinh tế mới vào thứ Hai.

Lạm phát phi mã là một trong những lý do khiến chỉ số tăng trưởng cao bất thường. Để đối phó lạm phát, tầng lớp trung lưu Thổ Nhĩ Kỳ đã chi tiêu thu nhập và tiền tiết kiệm vào hàng tiêu dùng trước khi giá cả tăng cao hơn về sau. Dĩ nhiên đây không phải một mô hình tăng trưởng bền vững, báo hiệu chu kỳ giảm tốc sắp đến.

Kết quả bầu cử tổng thống nhiều tranh cãi của Kenya

Cuộc bầu cử tổng thống hôm 9 tháng 8 của Kenya được coi là một trong những cuộc bầu cử minh bạch nhất trong lịch sử đất nước. Nhưng Raila Odinga, ứng viên thua cuộc, tuyên bố có một âm mưu tước chiến thắng khỏi tay ông. Vào thứ Hai, tòa án tối cao Kenya sẽ ra phán quyết về các cáo buộc của ông.

Các thẩm phán Kenya là một trong những thẩm phán độc lập nhất châu Phi. Năm 2017, giữa những tuyên bố về gian lận phiếu bầu, họ đã ra lệnh tổ chức lại bầu cử tổng thống. Lần này, các luật sư của ông Odinga đã phải vật lộn để chứng minh các máy chủ của ủy ban bầu cử bị tấn công mạng dẫn đến thay đổi kết quả có lợi cho đối thủ William Ruto của ông. Nhưng vẫn có khả năng các thẩm phán sẽ yêu cầu tổ chức bầu cử lại vì có sơ suất trong quy trình, đặc biệt khi ông Ruto, người cũng là phó tổng thống nhiệm kỳ hiện tại, thắng chỉ vừa đủ phiếu để tránh phải đi đến vòng hai.

Bầu cử lại là một bài kiểm tra đối với Kenya. Theo luật, nó phải được tổ chức trong vòng 60 ngày. Nhưng rạn nứt trong ủy ban bầu cử, vốn xuất phát từ tranh cãi xoay quanh cuộc bỏ phiếu tháng 8, sẽ khiến họ khó có thể đáp ứng thời hạn, từ đó đẩy đất nước vào một cuộc khủng hoảng hiến pháp — thậm chí là bạo lực.

Thoát ám sát, phó tổng thống Argentina ra hầu tòa

Thứ Năm tuần trước, một người đàn ông đã tìm cách ám sát Cristina Fernández de Kirchner khi bà đang trở về căn hộ của mình (rất may súng bị kẹt đạn). Người này xuất hiện từ trong đám đông những người ủng hộ đã dành nhiều ngày tụ tập trên vỉa hè để ủng hộ bà, người là cựu tổng thống và là phó tổng thống đương nhiệm, khi bà phải đối mặt với các cáo buộc tham nhũng.

Vào thứ Hai, phiên tòa xét xử bà sẽ bắt đầu. Tòa sẽ nghe lời bào chữa của 13 người bị cáo buộc tham nhũng, bao gồm Fernández. Bà bị cáo buộc cầm đầu một hoạt động tội phạm từ năm 2003 đến năm 2015, trong đó bà đã ưu ái các công trình công cộng cho một người bạn, khiến nhà nước thiệt hại 1 tỷ đô la. Âm mưu tham nhũng này được cho là bắt đầu từ nhiệm kỳ tổng thống của Néstor Kirchner, người chồng đã qua đời của bà Fernández, và tiếp tục trong hai nhiệm kỳ của bà. Một công tố viên đã đề nghị bản án tù 12 năm và bị cấm giữ chức vụ chính trị (bà Fernández phủ nhận tất cả các cáo buộc). Nếu bà thua kiện và kháng cáo, vụ việc có thể sẽ kéo dài suốt nhiều năm.