Đằng sau việc Trung Quốc phóng tên lửa vào EEZ của Nhật Bản

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Xi ditched milder options in sending missiles toward Japan,” Nikkei Asia, 25/08/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Quân đội Trung Quốc đã chuẩn bị các phương án thay thế vào phút chót để tránh gây tranh cãi.

Khi Trung Quốc phóng 5 tên lửa đạn đạo vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, đã chẳng có nghi ngờ gì về người đưa ra mệnh lệnh đó.

Quân đội Trung Quốc, với tên gọi Quân Giải phóng Nhân dân (PLA), phục vụ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tất cả các hành động quân sự đều do Quân ủy Trung ương của đảng quyết định. Và chủ tịch Quân ủy hiện nay chính là Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ban lãnh đạo của Quân ủy Trung ương bao gồm bảy thành viên. Hai phó chủ tịch và 4 ủy viên đều là sĩ quan quân đội. Riêng Tập Cận Bình là thành viên dân sự duy nhất.

Đối với Trung Quốc, quy tắc sắt đá luôn luôn là “Đảng Cộng sản kiểm soát ngọn súng [tức nắm giữ quân đội].” Tập đã đưa quy tắc này lên hàng đầu.

Rõ ràng, người ra quyết định cuối cùng về phản ứng của PLA trước chuyến thăm của Pelosi phải là Tập Cận Bình. Nếu ông không gật đầu chấp nhận quyết định phóng tên lửa, điều đó có nghĩa là quy tắc sắt đá đã bị bỏ qua, và quân đội hiện đang mất kiểm soát. Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào xác nhận giả thuyết ấy.

Tập Cận Bình muốn chứng tỏ mình khác với những người tiền nhiệm như Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, và Hồ Cẩm Đào. © Reuters

Điều đáng chú ý là có thể Quân ủy Trung ương và PLA đã do dự về việc phóng tên lửa vào EEZ của Nhật Bản. Các thông báo liên tiếp về địa điểm diễn ra các cuộc tập trận quân sự chính là bằng chứng cho sự do dự đó.

Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã đưa tin vào khuya ngày 02/08 – ngay sau khi máy bay của Pelosi hạ cánh xuống sân bay Tùng Sơn, Đài Bắc – rằng PLA đã xác định tập trận ở sáu khu vực xung quanh Đài Loan, bắt đầu kể từ trưa ngày 4/8. Vùng nước phía đông Đài Loan, chồng lấn một phần với EEZ của Nhật Bản, được liệt kê là một trong những khu vực tập trận.

Nhưng điều kỳ lạ là các nhà chức trách Trung Quốc đã bổ sung thêm một khu vực khác vào rạng sáng ngày 04/08. Thông báo này được truyền đi qua các kênh như Mạng Thông tin Cố định Hàng không (Aeronautical Fixed Telecommunications Network, AFTN), một hệ thống thông tin liên lạc trên toàn thế giới được các chuyên gia hàng không sử dụng.

Các khu vực được chỉ định diễn ra tập trận quân sự của Trung Quốc ở phía đông Đài Loan (1. Khu vực ban đầu được xác nhận vào ngày 2/8; 2. Khu vực được bổ sung vào ngày 4/8). Nguồn: Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

Bộ Giao thông và Truyền thông Đài Loan, cơ quan giám sát những khu vực mà đại lục dự kiến tập trận, đã ban hành vị trí chính xác của địa điểm tập trận vào sáng ngày 04/08. Bộ cũng khuyến cáo các tàu thuyền nên tránh xa các khu vực này và điều hướng cẩn thận trong thời gian đó.

Việc chỉ định khu vực diễn tập quân sự thứ bảy cũng đã được một số hãng truyền thông Trung Quốc đưa tin.

Khu vực tập trận mới chồng lấn một phần với khu vực phía đông Đài Loan được công bố vào ngày 02/08. Tuy nhiên, nó dịch chuyển về gần đảo chính của Đài Loan – và quan trọng nhất – tránh xa EEZ của Nhật Bản.

Tóm lại, khu vực mới được thêm vào ít có tính khiêu khích hơn. Bất kỳ tên lửa nào phóng xuống đây sẽ không bị coi là mối đe dọa trực tiếp đến Nhật Bản.

Nhận thức được mức độ nghiêm trọng của vấn đề, Quân ủy Trung ương đã chuẩn bị nhiều phương án. Lựa chọn “nhẹ tay” – không nhắm vào EEZ của Nhật Bản – vẫn được duy trì cho đến phút cuối cùng.

Trung Quốc chính thức bắt đầu phóng tên lửa vào chiều ngày 04/08. Năm tên lửa của nước này đã rơi xuống EEZ của Nhật Bản ở phía tây nam đảo Hateruma, một phần của tỉnh Okinawa, khoảng 4 giờ chiều cùng ngày.

Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, bốn trong số năm tên lửa đã được phóng từ bờ biển tỉnh Phúc Kiến và bay qua vùng trời phía trên Đài Bắc trước khi rơi xuống EEZ của Nhật. Đường bay của chúng dài khoảng 500 đến 550 km, cùng lúc đe dọa cả Đài Loan và Okinawa.

Tên lửa còn lại được phóng từ bờ biển tỉnh Chiết Giang và đã di chuyển khoảng 650 km. Theo phía Nhật, nó đã rơi xuống EEZ của nước này mà không bay qua Đài Loan.

Tên lửa được phóng đi từ Chiết Giang có thể được hiểu là lời đe dọa trực tiếp nhắm vào quần đảo Nansei, nơi đóng quân của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, đồng thời là nơi lắp đặt hệ thống radar.

Nhật Bản sử dụng hệ thống radar lắp đặt trên đảo Yonaguni để theo dõi hành động của Trung Quốc gần Đài Loan.

Đã không có tên lửa nào đáp xuống khu vực tập trận thứ 7. Tất cả năm tên lửa đều rơi xuống khu vực được công bố ban đầu, vào ngày 02/08.

Thật ra, ngay cả trong kế hoạch ngày 02/08, vẫn có một lựa chọn để tránh EEZ của Nhật Bản. Nhưng Trung Quốc, hay cụ thể hơn là Tập Cận Bình, đã không chọn phương án này.

Nếu chỉ có một tên lửa rơi xuống EEZ của Nhật, Trung Quốc có thể nói rằng điều đó đã “vô tình” xảy ra. Nhưng việc cả 5 tên lửa đều rơi xuống EEZ của Nhật cho thấy Trung Quốc rõ ràng có ý định muốn gửi một thông điệp cứng rắn tới Nhật Bản.

Sau vụ phóng tên lửa, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: “Vì Trung Quốc và Nhật Bản vẫn chưa tiến hành phân định ranh giới trên biển ở các vùng biển liên quan [phía đông Đài Loan], nên Trung Quốc không chấp nhận khái niệm về cái gọi là EEZ của Nhật Bản.”

Về mặt kỹ thuật, tập trận quân sự trong EEZ của một quốc gia khác là việc không bị cấm. Nhưng chắc chắn hành động lần này của Trung Quốc là một sự khiêu khích trắng trợn.

Nó có thể trở thành một bước ngoặt trong quan hệ Trung-Nhật, 50 năm sau khi hai nước láng giềng bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1972. Trung Quốc không hề ngần ngại cố gắng xâm phạm EEZ của Nhật Bản ở Thái Bình Dương.

Các vấn đề liên quan đến biển giữa Nhật Bản và Trung Quốc cho đến nay chủ yếu xoay quanh Biển Hoa Đông, nhưng giờ đây, nhiều khả năng tranh chấp sẽ được mở rộng sang Thái Bình Dương.

Các động thái quyết liệt như vậy không thể được thực hiện nếu không có sự chấp thuận của Tập.

Những động thái này đã khiến nhiều người ngạc nhiên – không chỉ ở Nhật Bản mà còn ở Trung Quốc.

Vào ngày 04/08, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có mặt tại Campuchia để tham dự cuộc họp cùng với các ngoại trưởng ASEAN. Các nhân chứng cho biết Vương trông rất ngạc nhiên khi nghe tin tên lửa Trung Quốc rơi xuống EEZ của Nhật Bản.

Các nhân chứng cho biết Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị – trong lúc tham dự cuộc họp ngày 04/08 ở Phnom Penh, Campuchia – đã rất ngạc nhiên trước thông tin Trung Quốc phóng tên lửa vào EEZ của Nhật Bản. © Reuters

Ở Trung Quốc, ngay cả Bộ Ngoại giao cũng không nhất thiết nắm được thông tin về mọi quyết định của quân đội.

Sau khi nghe tin về vụ phóng tên lửa, và nhận ra trong muộn màng rằng phản ứng của mình có thể chưa đủ mạnh mẽ, Vương cùng các cấp phó đã nhanh chóng cứng rắn hơn trước người Nhật.

Cuộc họp dự kiến giữa ngoại trưởng Nhật Bản và Trung Quốc tại Campuchia đã bị hủy đột ngột, ngay cả khi phía Trung Quốc từng tỏ ra tích cực bất thường và đã tự nguyện tiết lộ rằng cuộc họp sẽ diễn ra.

Trung Quốc hủy cuộc họp với lý do tuyên bố của các ngoại trưởng G-7 có chứa “những cáo buộc vô căn cứ chống lại Trung Quốc.”

Hơn nữa, Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn triệu tập Hideo Tarumi, Đại sứ Nhật Bản tại Bắc Kinh, để phản đối tuyên bố của các ngoại trưởng G-7.

Tuy nhiên, Đức, nước đang giữ chức chủ tịch G-7, mới là nước soạn thảo tuyên bố cuối cùng của nhóm này. Nhật Bản có lẽ không phải là một động lực đằng sau tuyên bố.

Trên thực tế, Nhật Bản đã rất thận trọng trong quan hệ với Trung Quốc, trước lễ kỷ niệm 50 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào ngày 29/09.

Phản ứng trước vụ phóng tên lửa của Trung Quốc vào EEZ của Nhật Bản, Takeo Mori, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản, đã lên tiếng phản đối với Khổng Huyễn Hựu (Kong Xuanyou), Đại sứ Trung Quốc tại Tokyo, vào đêm 4/8.

Nhưng Mori đã phản đối qua điện thoại, với lý do khẩn cấp.

Trong khi Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngay lập tức công khai việc tên lửa Trung Quốc đã rơi xuống EEZ của Nhật Bản, thì Thủ tướng Fumio Kishida lại không ngay lập tức triệu tập Hội đồng An ninh Quốc gia.

Kishida đã kết luận rằng đó không phải là một vấn đề gây tổn hại đến an ninh của Nhật Bản. Điều này rõ ràng khác với phản ứng trước đây của Nhật, đối với các vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.

Mãi cho đến ngày 12/08, sau khi Kishida cải tổ nội các của mình, Hội đồng An ninh Quốc gia Nhật Bản mới tổ chức một cuộc họp gồm bốn bộ trưởng chủ chốt để thảo luận về vấn đề Đài Loan. Cuộc họp diễn ra 8 ngày sau khi tên lửa của Trung Quốc được phóng đi.

Một phần động lực khiến Tập quyết định phô trương sức mạnh của Trung Quốc là để chứng minh ông khác với các nhà lãnh đạo trước đây, là Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, và Hồ Cẩm Đào.

Ý thức cá nhân của ông đối với nhiệm vụ vượt qua các thành tích của Đặng sẽ có tác động to lớn đến Nhật Bản.

Takeo Akiba (trái), Cố vấn An ninh Quốc gia Nhật Bản, và Dương Khiết Trì, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, đã nói chuyện trong bảy giờ tại Thiên Tân, Trung Quốc, vào ngày 17/08.

Tình hình dần chuyển biến theo hướng khác vào cuối tháng. Ngày 17/08, Takeo Akiba, Cố vấn An ninh Quốc gia của Kishida, đã có một cuộc hội đàm kéo dài bảy giờ với nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Thiên Tân.

Akiba và Dương nhất trí rằng hai bên sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc đối thoại hướng tới thiết lập một mối quan hệ mang tính xây dựng và ổn định.

Lập trường của Trung Quốc được cho là phản ánh các cuộc thảo luận tại Mật nghị Bắc Đới Hà, vốn thường diễn ra vào mùa hè, giữa các nhà lãnh đạo đương nhiệm của đất nước và các nhân vật lão thành đã nghỉ hưu tại khu nghỉ mát ven biển Bắc Đới Hà, tỉnh Hà Bắc. Cuộc họp năm nay có lẽ đã diễn ra vào đầu tháng 8, trong bối cảnh tranh cãi về chuyến thăm của Pelosi.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy Nhật Bản và Trung Quốc đang sắp xếp một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Kishida và Tập.

Hôm thứ Hai (22/08/2022), cả Tập và Thủ tướng Lý Khắc Cường đã gửi những bức điện riêng để thăm hỏi Kishida, người vừa có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.

Liệu chúng ta sẽ chứng kiến một cuộc họp ngoại giao hay một cuộc khẩu chiến giữa các nước láng giềng sau khi Kishida hồi phục?

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cao cấp của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.