Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Đảng cầm quyền Nga đề xuất tổ chức trưng cầu dân ý sáp nhập các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Ukraine vào ngày 4 tháng 11, theo AFP. Còn nhớ cuộc bỏ phiếu ở Crimea hồi năm 2014 đã trở thành căn cứ để Nga sáp nhập bán đảo. Trong khi đó, chỉ huy các lực lượng vũ trang Ukraine, Valeriy Zaluzhnyi, xác nhận một loạt vụ nổ gần đây ở Crimea là do quân đội Ukraine tiến hành, đánh dấu lần đầu tiên nước này công khai thừa nhận vai trò trong các vụ tấn công.
Chính quyền Biden thông báo các công ty nhận tài trợ của liên bang theo Đạo luật CHIPS mới sẽ không được phép xây dựng bất kỳ cơ sở hoặc nhà máy “công nghệ tiên tiến” nào ở Trung Quốc trong mười năm. Quyết định này xuất phát từ an ninh quốc gia, vì Mỹ lo ngại Trung Quốc đánh cắp công nghệ. Ngoài ra Mỹ cũng muốn xây dựng lại thị phần của mình trên thị trường bán dẫn toàn cầu, mà hiện chỉ đạt 10%, so với gần 40% của năm 1990.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen thừa nhận người dân châu Âu phải đối mặt với “giai đoạn khó khăn” vì giá năng lượng cao ngất trời do Nga thao túng nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên. Bà von der Leyen đã công bố năm đề xuất để xoa dịu cuộc khủng hoảng năng lượng, bao gồm áp trần giá khí đốt Nga và đánh thuế các công ty năng lượng, mà bà gọi là “một đóng góp [thể hiện tình] đoàn kết”.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin vào tuần tới trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông kể từ đầu đại dịch Covid-19, theo đại sứ sắp mãn nhiệm của Nga tại Trung Quốc. Hai nhà lãnh đạo dự kiến gặp nhau tại Samarkand, Uzbekistan, nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, một diễn đàn kinh tế và an ninh châu Á do Trung Quốc dẫn dắt.
Cineworld Group, chuỗi rạp chiếu phim lớn thứ hai thế giới, đã nộp đơn xin phá sản ở Texas. Công ty này, vốn đặt trụ sở ở London, có kế hoạch tái cấu trúc 9 tỷ đô la nợ và tiền thuê rạp trong khi vẫn duy trì hoạt động. Đại dịch khiến rạp chiếu phim bị lép vế trước các dịch vụ phát trực tuyến: Cineworld lỗ 2,7 tỷ đô la trong năm 2020 và 566 triệu đô la vào năm ngoái.
Một thẩm phán đã từ chối yêu cầu của Elon Musk về việc hoãn phiên tòa xem xét đề nghị mua lại Twitter của ông, theo dự kiến sẽ bắt đầu vào ngày 17 tháng 10. Song bà cho phép ông đưa vào đơn kiện những cáo buộc gần đây về quyền riêng tư dữ liệu lỏng lẻo của cựu giám đốc bảo mật của Twitter. Ông Musk tuyên bố Twitter đánh lừa ông về số lượng người dùng cũng như các chỉ số khác, và muốn rút khỏi thỏa thuận.
Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc chậm lại khi nhu cầu toàn cầu suy yếu trong khi các đợt phong tỏa vì Covid-19 và thời tiết nắng nóng làm ảnh hưởng đến sản xuất. Xuất khẩu tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 8, giảm từ mức 18% của tháng 7. Tăng trưởng nhập khẩu cũng chậm đi do nhu cầu trong nước giảm. Tin này khiến thị trường chứng khoán châu Á lao dốc. Chỉ số MSCI của cổ phiếu châu Á – Thái Bình Dương giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm.
Con số trong ngày: 123, là số ngày trung bình các bệnh nhân ở Tây Ban Nha phải chờ để được phẫu thuật, cao nhất 18 năm qua.
TIÊU ĐIỂM
Tranh cãi ở Thái Lan về giới hạn nhiệm kỳ của thủ tướng
Khi Prayuth Chan-ocha, khi ấy là người đứng đầu quân đội Thái Lan, tiến hành đảo chính lật đổ chính phủ dân cử vào tháng 5 năm 2014, ít người nghĩ ông sẽ nắm quyền chính trị lâu dài. Nhưng vào thứ Năm, tòa án hiến pháp của đất nước sẽ xem giới hạn nhiệm kỳ thủ tướng 8 năm, được quy định trong hiến pháp 2017, áp dụng ra sao cho trường hợp của ông Prayuth.
Phe đối lập nói thời gian của thủ tướng đã hết từ tháng trước, khiến tòa đình chỉ ông khỏi chức vụ vào ngày 24 tháng 8. Nhưng “chú Tu” (biệt danh của ông) lập luận rằng luật chỉ tính những năm sau 2019, thời điểm liên minh bảo hoàng của ông thắng đa số trong cuộc tổng tuyển cử.
Tòa án có thể sẽ đồng ý, qua đó châm ngòi cho nhiều cuộc biểu tình chống chính phủ hơn nữa, đặc biệt là trong giới sinh viên. Hiện các vấn đề kinh tế đã làm bùng lên tâm lý bất mãn. Pheu Thai, đảng đối lập chính, đang nhắm đến một chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử vào năm tới, ngay cả khi đã có thay đổi trong hệ thống bỏ phiếu. Nhưng trong một chế độ chuyên quyền ngụy trang dưới tấm màn dân chủ, sẽ là một phép màu nếu người Thái sớm có được chính quyền mà họ mong muốn.
ECB bối rối giữa chống lạm phát và tránh suy thoái
Trong bối cảnh các hãng dự báo như Oxford Economics hạ triển vọng kinh tế của châu Âu xuống “suy thoái”, Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ họp vào thứ Năm để quyết định mức tăng lãi suất. Lạm phát giá tiêu dùng đang rất cao: lên 9,1% trong tháng 8 so với một năm trước đó – cao hơn nhiều mục tiêu 2% của ngân hàng. Quan điểm chung trước mùa hè là tăng 0,5 điểm phần trăm lãi suất, nhưng một số chuyên gia đang dự đoán bước tăng tới 0,75 điểm phần trăm.
Liệu có đúng khi tăng lãi suất ngay lúc nguy cơ suy thoái xuất hiện? Xét cho cùng, lạm phát ở châu Âu không phải do kinh tế bùng nổ, mà chủ yếu là vì giá năng lượng quá cao. Những thứ này ăn sâu vào túi tiền của người tiêu dùng và doanh nghiệp đến mức nền kinh tế đang suy yếu nhanh chóng, dù chưa có gánh nặng lãi suất từ ECB. Sau khi đánh giá thấp nguy cơ lạm phát trong năm qua, giờ đây ngân hàng có thể đang đánh giá thấp một cuộc suy thoái.
Sáng kiến đối thoại của tổng thống Pháp
Tổng thống Pháp sẽ ra mắt đứa con tinh thần mới nhất của ông vào thứ Năm. Ý tưởng đằng sau Conseil National de la Refondation (tạm dịch: Hội đồng tái thiết lập nền tảng quốc gia) của Emmanuel Macron là tập hợp các chính trị gia, công đoàn, tổ chức phi chính phủ, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, v.v., để thảo luận về các giải pháp cho những thách thức lớn bao gồm biến đổi khí hậu, năng lượng, việc làm, giáo dục và y tế. Hội đồng được thiết kế để phục hồi niềm tin của người dân vào tiến trình dân chủ, sau khi tỷ lệ cử tri đi bầu xuống thấp kỷ lục trong các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội năm nay. Nó cũng nhằm trả lời các cáo buộc rằng ông Macron không nghe tham vấn.
Các thành viên cao cấp của chính phủ sẽ dự ngày khai mạc hội đồng ở Marcoussis, một thị trấn gần Paris. Các phiên họp sẽ được tổ chức ở các cơ sở khác nhau trên khắp nước Pháp trong vài tháng. Song tất cả các đảng đối lập quốc gia, cũng như hầu hết các nghiệp đoàn, đã tẩy chay hội đồng, vì cho rằng nó không thực sự có ảnh hưởng. Khi từ chối trao cho ông Macron một thế đa số trong cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 6, cử tri Pháp đã gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng họ muốn ông hợp tác hơn với các lực lượng khác. Nhưng cho đến nay, các chính trị gia đối lập vẫn tiếp tục văn hóa đối đầu cũ.
Beirut xem xét xây lại cảng
Beirut không xa lạ gì với việc xây dựng lại từ đống đổ nát. Trong lịch sử 5.000 năm đầy biến động của mình, thành phố đã phải làm như vậy 7 lần, gần đây nhất là khi nội chiến kết thúc vào năm 1990 và xung đột năm 2006 với Israel. Hồi năm 2020, lỗi sơ suất của chính quyền đã dẫn đến một vụ nổ lớn tàn phá cảng Beirut và giết chết hơn 200 người. Sự việc khiến thủ đô của Lebanon phải tái thiết thêm một lần nữa. Nhưng lần này cộng đồng quốc tế có tham gia: vào thứ Năm, Inspireli Awards, một công ty kiến trúc của Séc, sẽ công bố người chiến thắng trong Cuộc thi Cải tạo Cảng Beirut.
Các giám khảo sẽ chọn trong 40 bản vẽ, từ 19 quốc gia, trong đó có các thiết kế nhà hát ngoài trời, bảo tàng, các liên kết giao thông rộng lớn, cho đến trang trại đô thị. Các kiến trúc sư chiến thắng sẽ hợp tác với ban quản lý cảng và chính phủ Lebanon để hoàn thiện công trình. Vấn đề tiếp theo là tìm đủ tiền để thực hiện dự án. Nhìn chung, đây là cơ hội để định hình lại tương lai thành phố, hy vọng sẽ tốt đẹp hơn.