Thế giới hôm nay: 12/09/2022

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Valery Zaluzhny tuyên bố lực lượng của ông đã chiếm lại hơn 3.000 km vuông lãnh thổ Ukraine trong 11 ngày — nhiều hơn tổng số đất bị Nga chiếm kể từ tháng 4. Trong đó, việc tái chiếm hai trung tâm hậu cần quan trọng, Izyum và Kupyansk, đã làm phá sản kế hoạch kiểm soát toàn bộ vùng Donbas của Nga.

Trong bài phát biểu sau buổi lễ kỷ niệm 21 năm vụ tấn công 11/9, trong đó 19 kẻ khủng bố al-Qaeda giết gần 3.000 người ngay trên đất Mỹ, tổng thống Joe Biden thề sẽ “không bao giờ bỏ cuộc” trước các mối đe dọa khủng bố. Ông cũng kêu gọi người Mỹ nhớ lại cách họ “xích lại gần nhau” trong những ngày sau 11/9.

Quan tài của Nữ hoàng Elizabeth II đã di chuyển bằng đường bộ từ Lâu đài Balmoral ở Cao nguyên Scotland, nơi bà qua đời hôm thứ Năm, đến Edinburgh. Sau đó bà sẽ được đưa đến London vào thứ Ba. Linh cữu Nữ hoàng sẽ được quàn bốn ngày tại Westminster Hall cho dân chúng đến viếng. Lễ tang cấp nhà nước cho vị quốc vương trị vì lâu nhất và thọ nhất trong lịch sử nước Anh sẽ diễn ra vào ngày 19 tháng 9 tại Nhà thờ Westminster. Trong khi đó, Vua Charles III vừa được tuyên bố là nguyên thủ quốc gia của Úc và New Zealand.

Thăm dò hậu bầu cử ​​trong cuộc tổng tuyển cử ở Thụy Điển cho thấy khối trung tả do Đảng Dân chủ Xã hội dẫn đầu đang cầm quyền đã thắng sít sao. Các vấn đề tội phạm, nhập cư và bạo lực băng đảng đã khiến cử tri đổi ý và đưa đảng Dân chủ Thụy Điển cực hữu trở thành đảng lớn thứ hai trong quốc hội. Nhưng những lo ngại về khủng hoảng năng lượng châu Âu và nguy cơ suy thoái giúp đảng của thủ tướng Magdalena Andersson tiếp tục dẫn đầu.

Mỹ cam kết viện trợ cho Sri Lanka 60 triệu USD bao gồm phân bón và hỗ trợ nhân đạo. Năm nay, nước này trải qua khủng hoảng kinh tế trầm trọng dẫn đến thiếu lương thực, nhiên liệu và thuốc men, cũng như cuộc khủng hoảng hiến pháp mà đỉnh điểm là việc tổng thống Gotabaya Rajapaksa bị lật đổ hồi tháng Bảy. Tổng thống mới Ranil Wickremesinghe đã hứa ban hành cải cách sâu rộng.

Đảng Bảo thủ của Canada đã chọn Pierre Poilievre, một nghị sĩ kỳ cựu, làm lãnh đạo cho cuộc bầu cử tiếp theo ​​vào năm 2025. Đối với những người ủng hộ, ông Poilievre, người theo chủ nghĩa dân túy với phong cách bộc trực và gai góc, sẽ là “thuốc trị” nhiều chính trị gia Canada, bao gồm cả thủ tướng Justin Trudeau của Đảng Tự do. Ông Poilievre nói chính phủ ông sẽ vận hành với chi phí thấp hơn nhưng mang lại nhiều kết quả hơn.

Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đã gọi những bình luận của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan là “không thể chấp nhận được.” Trước đó, ông Erdogan ngụ ý có thể tiến hành hành động quân sự đối với vùng lãnh thổ tranh chấp ở Biển Aegean. Căng thẳng giữa hai đồng minh NATO đã gia tăng trong những ngày gần đây.

Con số trong ngày: 350, là trọng lượng tính bằng kg của một tên lửa HARM đang được Ukraine dùng trong cuộc phản công hiện tại.

TIÊU ĐIỂM

Dự đoán cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ

Vào ngày 8 tháng 11, Mỹ sẽ tổ chức bầu cử để xác định một phần ba số ghế Thượng viện và tất cả 435 ghế của Hạ viện. Để dự đoán kết quả, mỗi ngày mô hình bầu cử của The Economist chạy 10.000 cuộc bầu cử mô phỏng dựa trên kết quả thăm dò ý kiến, nhân khẩu học, kết quả gây quỹ và thành tích lịch sử. Nó hiện cho thấy đảng Dân chủ có 77% khả năng sẽ nắm Thượng viện, trong khi đảng Cộng hòa có 74% khả năng đoạt lại Hạ viện.

Chỉ mới vài tháng trước ai cũng nghĩ đảng Dân chủ sẽ mất cả hai viện. Nhưng rồi tòa án đảo ngược luật phá thai dựa trên phán quyến vụ Roe kiện Wade và Đảng Cộng hòa lựa chọn các ứng viên Thượng viện không quá ấn tượng. Còn đối với phe Dân chủ, họ đã thông qua một vài đạo luật và có thể sẽ hưởng lợi khi đà tăng lạm phát chậm lại.

Dự đoán của The Economist có thể thay đổi. Đảng Cộng hòa có thời gian để bắt kịp. Và đừng quên trong cuộc bầu cử 2020, các cuộc thăm dò đều đánh giá quá cao số phiếu của đảng Dân chủ. Nhưng có một yếu tố mà phe Dân chủ áp đảo: gây quỹ. Trong gần như mọi cuộc đua Thượng viện đáng lưu ý, các ứng viên Dân chủ đều nhận được nhiều khoản quyên góp hơn đối thủ.

Cựu thủ tướng Pakistan Imran Khan ra tòa

Kể từ khi bị cách chức vào tháng 4, Imran Khan đã trở thành người chỉ trích gay gắt chính phủ mới của Pakistan. Cựu thủ tướng đã tổ chức các cuộc biểu tình khổng lồ, kêu gọi bầu cử và đưa ra các thông điệp mạnh mẽ. Sự thẳng thắn đó khiến những người đang tại chức khó chịu và đem đến cho ông một loạt các cáo buộc hình sự. Vào thứ Hai các tranh luận cuối cùng trong một phiên tòa quan trọng về ông sẽ được tiếp tục.

Trong phiên toà này, lãnh đạo đảng Pakistan Tehreek-e-Insaf đối mặt với cáo buộc khinh miệt và khủng bố liên quan đến bài phát biểu hôm 20 tháng 8 của ông, trong đó ông đổ lỗi cho cảnh sát và thẩm phán về việc một trong những phụ tá của ông bị tra tấn.

Bất chấp lũ lụt thảm khốc, vốn đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.000 người và gây thiệt hại 30 tỷ đô la, nhiều người ở Pakistan vẫn say mê với vở kịch chính trị hiện tại. Nếu ông Khan bị kết án về bất kỳ tội danh nào, ông sẽ bị truất quyền ứng cử trong 5 năm. Dù luật lệ và quy trình có thể hạ gục ông, nhưng sự ủng hộ rộng rãi của người dân sẽ không hề bị suy giảm.

Somalia trên bờ vực nạn đói

Somalia đang ở giữa một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Tới nay đã có 1 triệu người Somalia phải bỏ nhà đi trong khi một số trẻ em chết đói. Trên lý thuyết, nạn đói được định nghĩa là khi ít nhất 20% hộ gia đình phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực cùng cực, 30% trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính và cứ 10.000 người thì có hai người chết mỗi ngày vì đói hoặc suy dinh dưỡng và bệnh tật. Tuần trước, một hội đồng độc lập bao gồm các chuyên gia của Liên Hợp Quốc, thành viên các tổ chức phi chính phủ và học giả, đã quyết định rằng Somalia vẫn chưa chạm các ngưỡng này. Song tình hình vẫn rất thảm khốc.

Tuần trước, cao ủy nhân đạo của LHQ nói để ngăn chặn nạn đói cần có 1 tỷ đô la các khoản quyên góp mới, ngoài 1,5 tỷ đô la kêu gọi từ trước. Phần lớn lời kêu gọi 1,5 tỷ đã được đáp ứng. Hồi tháng 7, Mỹ cam kết giúp 476 triệu đô la. Nhưng cuộc nổi dậy của các nhóm Hồi giáo làm phức tạp các nỗ lực cứu trợ trong khi mưa sẽ giảm đi trong tháng tới. Do đó, nguồn hỗ trợ có thể sẽ không thể đến kịp.

Chương trình nghiên cứu phòng chống ung thư của tổng thống Mỹ Biden

Đã 60 năm kể từ khi tổng thống John F. Kennedy có bài phát biểu về tham vọng đưa người Mỹ lên mặt trăng. Để đánh dấu ngày kỷ niệm, vào thứ Hai tổng thống Joe Biden sẽ nêu ra tham vọng của ông cho một nỗ lực khác cũng đầy thử thách – chiến đấu với bệnh ung thư.

Ông lần đầu tiên khởi động Sáng kiến P​hát hiện Ung thư (tên tiếng Anh là Moonshot) vào năm 2016 với tư cách là phó tổng thống, một năm sau khi người con trai của ông, Beau, qua đời vì ung thư não. Chương trình cam kết gói ngân sách 1,8 tỷ đô la trong bảy năm để hỗ trợ nhiều nỗ lực khác nhau, chẳng hạn như cải thiện phương pháp điều trị, phát hiện và chăm sóc dựa theo hồ sơ từng bệnh nhân. Chính quyền Donald Trump đã cho tiếp tục chương trình này.

Vào tháng 2, tổng thống Biden đã khởi động lại sáng kiến, đặt mục tiêu cắt giảm một nửa tỷ lệ tử vong vì ung thư vào năm 2047. Cải thiện khả năng sàng lọc bệnh nhân nguy cơ cao là rất cần thiết vì có tới khoảng 9,4 triệu xét nghiệm bị bỏ lỡ trong năm 2020 do đại dịch. Cuộc chiến chống ung thư là một chủ đề hiếm hoi cả hai đảng của Mỹ cùng đạt đồng thuận. Nhưng mặc dù quỹ công này mang tên của chiến dịch lên mặt trăng, quy mô của nó vẫn bé hơn rất nhiều so với chương trình mặt trăng của những năm 1960.