Thế giới hôm nay: 18/05/2022

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho biết chính phủ nước này sẽ đệ trình một dự luật cho phép chỉnh sửa quy chế Bắc Ireland, tức thỏa thuận thương mại hậu Brexit vốn tạo ra biên giới trên biển giữa Vương quốc Anh và Bắc Ireland. Luật này sẽ đề xuất làn đường “xanh” và “đỏ” cho hàng hóa đi lại giữa hai khu vực. Dù bà Truss khẳng định dự luật mới tuân thủ luật pháp quốc tế, nhà đàm phán Brexit của EU, Maros Sefcovic, lại nói hành động này tạo ra “những lo ngại đáng kể.”

Thủ tướng Thụy Điển và tổng thống Phần Lan sẽ đến thăm tổng thống Mỹ Joe Biden vào thứ Năm để hoàn thiện đơn xin gia nhập NATO. Trước đó vào thứ Ba, quốc hội Phần Lan đã bỏ phiếu ủng hộ mạnh mẽ việc nộp đơn. Hai nước này, vốn có truyền thống trung lập, đang muốn gia nhập nhanh để giảm thiểu nguy cơ bị Nga trả đũa, dù bị Thổ Nhĩ Kỳ phản đối.

Hơn 260 người vừa được sơ tán khỏi nhà máy thép Azovstal ở Mariupol sẽ tham gia một “thủ tục trao đổi,” theo lời thứ trưởng quốc phòng Ukraine Hanna Maliar. Được biết có khoảng 50 binh sĩ đang điều trị tại bệnh viện ở thị trấn Novoazovsk do Nga kiểm soát, với một số có thể được đổi bằng tù binh chiến tranh Nga. Hơn 200 người khác đã được đưa đi Olenivka, một thị trấn do phe ly khai thân Nga kiểm soát, trong khi hàng trăm người có thể vẫn còn kẹt bên trong Azovstal. Giao tranh tại Mariupol khép lại sau gần ba tháng bị Nga tấn công liên hồi.

Twitter tuyên bố “cam kết” bán cho Elon Musk với “giá thỏa thuận” 44 tỷ đô la, sau khi tỷ phú gợi ý là ông sẽ giảm giá đề nghị mua. Trước đó vào thứ Ba, Musk đã tweet rằng ông không thể tiếp tục nếu không có bằng chứng cho thấy số tài khoản giả chỉ chiếm ít hơn 5% người dùng, như tuyên bố của công ty. Ông Musk nói con số thật phải cao hơn bốn lần.

Walmart cắt giảm dự báo thu nhập năm, phản ánh tác động của lạm phát gia tăng tại Mỹ. Nhà bán lẻ lớn nhất thế giới cho biết giá thực phẩm và nhiên liệu tăng đã khiến họ bị giảm lợi nhuận, với thu nhập ba tháng đầu năm chỉ đạt 2,05 tỷ đô la so với 2,73 tỷ đô la của cùng kỳ năm ngoái.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm FDA Hoa Kỳ thông báo sẽ nới lỏng các hạn chế nhập khẩu sữa công thức cho trẻ em để giải quyết tình trạng thiếu hụt trên cả nước. Thông thường, 98% nguồn cung của Mỹ được sản xuất trong nước, song đã bị đứt gãy khi FDA cho đóng cửa một nhà máy của Abbott Laboratories ở Michigan. Cơ quan này cho biết sẽ đẩy nhanh tiến trình mở cửa lại của cơ sở.

Thủ tướng mới của Sri Lanka Ranil Wickremesinghe cho biết đất nước ông chỉ còn đủ nguồn cung nhiên liệu cho một ngày. Hòn đảo này đang trải qua cuộc khủng hoàng tài chính chưa từng thấy. Ông Wickremesinghe đã bác bỏ khả năng bán hãng hàng không quốc gia và cho biết “vài tháng tới sẽ là giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời chúng ta.”

Con số trong ngày: 700.000, là số lượt tải xuống hàng ngày cho các phần mềm VPN tại Nga, có thể là để truy cập các trang web cấm, trong tháng đầu tiên của cuộc chiến – tăng từ 16.000 giai đoạn trước chiến tranh.

TIÊU ĐIỂM

Tencent vẫn chưa hết khó khăn

Mối quan hệ giữa các công ty công nghệ Trung Quốc với chính phủ đã bớt căng thẳng hơn một chút trong những tháng gần đây. Cuộc đàn áp vốn xóa sổ 1,5 nghìn tỷ đô la khỏi giá trị vốn hóa của năm công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc từ tháng 2 năm 2021 đến tháng 5 năm 2022 hiện đã hạ nhiệt. Nhưng nó không có nghĩa là mọi thứ đã trở lại bình thường.

Tencent, công ty internet tiêu dùng lớn nhất Trung Quốc, sẽ báo cáo thu nhập vào thứ Tư. Giới phân tích dự đoán nó sẽ chỉ tăng trưởng doanh thu 4,3% trong ba tháng đầu năm, thấp đáng kinh ngạc đối với một công ty lâu nay vẫn quen với mức tăng trưởng hai con số.

Căng thẳng chính trị và thị trường trong nước bão hòa đã làm hạ thấp triển vọng của một loạt các ngành, từ quảng cáo cho đến phát trực tuyến. Song mảng trò chơi điện tử của Tencent, đơn vị tạo ra doanh thu lớn nhất, đang đặc biệt lo lắng vì chính phủ Trung Quốc đặt ra các hạn chế nghiêm ngặt để giải quyết tình trạng trẻ em chơi game. Với kết quả tồi tệ này, các nhà đầu tư sẽ muốn thấy Tencent tích cực đi tìm lĩnh vực tăng trưởng mới.

EU chuyển sang năng lượng tái tạo

Việc Nga xâm lược Ukraine đã buộc EU phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Vào thứ Tư, các bộ trưởng EU sẽ công bố các mục tiêu năng lượng xanh đầy tham vọng nhằm tính đường thay thế 22 tỷ euro (23 tỷ USD) dầu và khí đốt mà EU nhập mỗi tháng từ Nga. Được biết Nga chiếm tới 62% năng lượng nhập khẩu năm ngoái của liên minh.

EU sẽ nâng mục tiêu tỉ trọng năng lượng tái tạo cho năm 2030 từ 40% lên 45%. Muốn vậy họ sẽ phải buộc nhiều tòa nhà lắp đặt pin mặt trời hơn, đồng nghĩa với việc các chính phủ phải sửa đổi quy định về quy hoạch. Kế hoạch cũng sẽ kêu gọi đầu tư nhiều hơn vào năng lượng gió và hydrogen.

Nhưng nói dễ hơn làm. Các lãnh đạo châu Âu vẫn đang vật lộn tìm cách tách khỏi các đường ống của Nga, ít nhất là trong ngắn hạn. Vào ngày 13 tháng 5, Ủy ban châu Âu cho biết họ sẽ cho phép các công ty năng lượng tiếp tục mua khí đốt của Nga mà không vi phạm lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, việc chuyển hướng sang năng lượng tái tạo sẽ khiến EU bị lệ thuộc vào một đối tác thương mại khó nhằn khác: hầu hết các tấm pin mặt trời đều được sản xuất ở Trung Quốc.

Kinh tế Nhật vẫn lận đận

Thiệt hại kinh tế của làn sóng covid-19 trong mùa đông vừa qua ở Nhật Bản sẽ trở nên rõ ràng khi ước tính GDP quý đầu năm được công bố vào thứ Tư. Các nhà kinh tế cho rằng tiêu dùng giảm sẽ đẩy nền kinh tế trở lại suy thoái. Điều này đảo ngược con số tăng trưởng 4,6%, tính theo năm, của ba tháng cuối năm 2021.

Kể từ tháng 3 số ca nhiễm giảm và hoạt động kinh tế hồi phục. Thế nhưng lại có những khó khăn khác. Chi phí thực phẩm và năng lượng tăng đã đẩy giá cả lên cao, dù Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) kiên quyết cho rằng lạm phát vẫn chưa lên tới mức mục tiêu 2%. Vì vậy, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất, BoJ vẫn duy trì lập trường nới lỏng. Do đó đồng yên xuống mức thấp nhất hai mươi năm qua so với đồng đô la. Kết quả là người tiêu dùng phải thắt lưng buộc bụng.

Việc mở cửa lại cho khách du lịch có thể là một tin tốt. Kế hoạch của chính phủ là thử nghiệm các nhóm khách nhỏ trong tháng này, trước khi mở cửa rộng rãi từ tháng 6.

Brazil có thể có ứng viên tổng thống trung dung

Cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 10 của Brazil sắp trở thành một cuộc đua song mã, giữa Luiz Inácio Lula da Silva, cựu tổng thống cánh tả giai đoạn 2003 đến 2010, và người đương nhiệm cánh hữu, Jair Bolsonaro. Các cuộc thăm dò cho thấy 41% cử tri ủng hộ Lula trong khi 23% ủng hộ Bolsonaro. Nhưng hơn một phần ba số cử tri cho biết sẽ không bao giờ ủng hộ Lula, trong khi hơn một nửa nhận xét như vậy đối với ông Bolsanaro. Đây là cơ hội cho phe trung dung vốn không thích cả hai nhân vật này.

Brazil có hơn 30 đảng phái chính trị. Một số đảng vốn không ủng hộ liên minh nay lại thúc đẩy ý tưởng về một ứng viên “phe thứ ba.” Vào thứ Tư, bốn đảng trung dung lớn — PSDB, MDB, União Brasil và Cidadania — sẽ công bố một ứng cử viên chung. Những cái tên tiềm năng bao gồm João Doria, cựu thống đốc bang São Paulo, và Simone Tebet, thượng nghị sĩ từ bang Mato Grosso do Sul ở phía tây nam. Nhưng các ứng viên của phe thứ ba khó có thể dẫn đầu, khi người được ủng hộ nhất trong số họ, thẩm phán Sergio Moro, có tỉ lệ ủng hộ chỉ 7%.