Tác giả: Hồ Bạch Thảo
Đề phòng lực lượng quân Minh sắp sang cứu viện Vương Thông, vào tháng 4 năm Bình Định Vương thứ 10 [27/4-25/5/1427]; Bình Định Vương Lê Lợi ra lệnh tu sửa ải Lê Hoa, tại thượng nguồn sông Lô; cùng canh giữ và kiểm soát gắt vùng biên giới:
“Mùa hạ, tháng 4, sai phòng ngự sứ Trần Ban đôn đốc tu sửa ải Lê Hoa.”[1]
“Hạ lệnh cho những nơi trọng yếu phải canh giữ cho nghiêm, xét hỏi kỹ những người lạ mặt và thư từ về việc quân qua biên giới xem có thực hay là giả.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 35a.
Vương lại sai Nguyễn Trãi gửi thư chiêu dụ Vương Thông, phân tích tình hình và so sánh lực lượng giữa hai bên, nêu rõ sự trưởng thành và lớn mạnh về mọi mặt của quân ta, đến mức độ đủ sức hạ thành, diệt viện binh:
“Lại thư cho Vương Thông.
Tri phủ phủ Thanh Hóa Lê Mỗ [chỉ Lê Lợi] kính thư gửi quan tổng binh Thành sơn hầu biết: Tôi nghe cái điều đáng quý ở người tuấn kiệt là biết thời thế, hiểu sự biến mà thôi. Xem ta ngày xưa ở Khả Lam, đất chẳng qua một thành, quân chẳng qua một lữ, mà thường bị bọn Mã Kỳ, Chu Kiệt bức; sau lại phải trốn ở núi Chí Linh đất Lão Qua để đợi thời mà ra, cơm ăn chẳng nên hai bữa, áo mặc chẳng nề đông hè, quân lính chỉ độ vài nghìn, khí giới thì không trơn, thân thích con em thầy bạn thì tán tác quê người, không được sum họp. Thế mà bọn Phương Chính, Mã Kỳ, Vương Thành, Phùng Quý lại luôn năm tiến đánh, binh giáp của ta sớm hôm bố trí, không phút nghỉ ngơi. Song gặp khốn mà thông, càng đánh càng thắng, đến đâu cũng là bẻ gãy đập tan, há chẳng phải là lòng trời đấy sao! Ngày nay vận trời tuần hoàn, đi rồi lại lại. Trước kia ăn không nề hai bữa, mà nay thì lấy được lương thực của các ngươi tích trữ, ăn được ba chục năm; trước kia quân bất quá vài trăm người, mà nay thì binh phụ tử trung thành như cha con ở Thanh Hóa không dưới hai vạn, quân có tiếng tinh tráng dũng cảm ở Diễn Châu, Tân Bình, Thuận Hóa cũng không dưới vài vạn, cùng quân đồng tâm đồng lực ở các lộ Giao Châu, không dưới mười vạn người; trước thì thầy bạn thân tích tán tác, mà nay thì những kẻ sĩ trí mưu tài thức, không khác cây rừng rậm rạp, răng lược khít nhau; trước thì khí giới không trơn mà nay thì thuyền chiến ngất mây, áo giáp rực sáng, tên đạn chất đống, thuốc súng đầy kho. So với giờ, mạnh hay yếu thì biết rõ được. Huống chi ở nước người, quốc chúa liền năm tử táng [các Vua Thái Tông, Nhân Tông chết trong vòng một năm], cốt nhục tàn hại lẫn nhau, Bắc khấu xâm lăng, đại thần lấn át; gia dĩ mùa màng mất luôn, thổ mộc [xây dựng] làm mãi, chính lệnh hà khắc, giặc cướp như ong. Từ niên hiệu Hồng Vũ [Minh Thái Tổ] đến nay, cùng binh độc vũ trong nước tổn hao, nhân dân mệt nhọc. Trời làm táng vong, chính ở lúc này. Ngươi còn không biết thời biến, lại nghe lời bọn Phương, Mã [Phương Chính, Mã Kỳ] mà vẫn làm kế công thủ. Hắn nếu giỏi công thủ thì sao không đánh ta ngay thuở ở Khả Lam hãy còn nhỏ yếu, mà bây giờ lại dương vây khoác lác như thế ư? Sao không biết nghĩ lắm thế. Huống chi lại bưng bít tai mắt người ta, đặt điều lừa phỉnh nói phao là viện binh sắp đến, Trương Phụ lại sang. Ngươi sao không nghĩ, ngày nay dẫu có mười vạn viện binh, thì có dám vượt cửa quan không. Vì bằng dốc quân cả nước kéo sang, hoặc độ ba vốn mươi vạn, thì sao ngươi không liệu, nước ngươi ngày nay quả vô sự chăng? Hay ở trong vách tường hãy còn có việc chăng? Như loại Trương Phụ, bất quá nhất thời hú họa thành công thôi. Bấy giờ họ Hồ thoán đoạt, người cả nước xem tựa kẻ thù, dân chúng chống lại, thân thích phân ly, Trương Phụ chỉ may nhân chỗ hở ấy mà thành công thôi. Ngươi sao không nghĩ, ta binh tượng nhiều, tâm lực đều, dù có trăm bọn Trương Phụ thì làm gì ta! Huống chi nước ngươi tình thế nguy ngập như thế, mà lại sai Trương Phụ đem ba bốn mươi vạn quân ra ngoài, liệu triều đình ngươi có yên tâm chăng? Nay tính giùm các ông, chẳng gì bằng cùng Thái đô đốc đem quân về nước là hơn cả. Không thế thì một khi cờ ta trỏ, trống ta nổi, các ông ăn năn chẳng kịp đâu! Kinh Dịch có câu: “Cùng tắc biến, biến tắc thông” [Cùng thì biến, biến thì thông]. Các ông sao không nghĩ thế, cứ khư khư cái tiểu tiết Trương Tuần, Hứa Viễn,[2] ta e sĩ tốt của ngươi, ngày đêm thiết tha mong về, lại thêm cơm cháo chẳng no, tạp dịch liên tiếp, dẫu muốn đánh và giữ, đã dễ ai theo. Ngạn ngữ có câu: “Một buổi không có ăn, cha con hết tình nghĩa”. Vả bọn Phương Mã là tướng thua trận, không thể nói chuyện mạnh được các ông nên nghĩ kỹ đi.” (Quân Trung Từ Mệnh Tập, a 37)
Qua hai trận đánh phụ cận thành Đông Quan, các danh tướng Lê Lễ, Lê Triện tử trận; Bình Định Vương thương tiếc truy tặng và ban ân sủng cho thân nhân:
“Phong Đinh Liệt là em Lê Lễ làm Nhập nội thiếu úy Á hầu. Các vợ lẽ của Lễ là bọn Hà Ngọc Dung 5 người đều phong làm Tông cơ, để đền công Lễ chết vì nước.”
“Cho Lê Ba Lao làm Quan sát sứ, tước Thượng phẩm, cấp cho 100 mẫu ruộng vì con là Triện nhiều lần đánh bại giặc mạnh, lập chiến công lớn, chết vì việc nước. Cho con Triện là Lăng làm Phòng ngự sứ, tước Thượng trí tự Trước Phục hầu và cho 2 con ngựa.’’ Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 32a.
Chuẩn bị mọi mặt để dành thắng trận chiến cuối cùng; Bình Định Vương đem lời tâm huyết cầu người tài giỏi, để cùng mưu đồ việc lớn:
“Vua nói: ‘Ta không có tài dũng, trí tuệ, một mình gánh vác công việc nặng nề, sợ không làm nổi, cho nên phải nhún mình cầu hiền, dốc lòng trọng sĩ, cùng mưu việc lớn, để cứu vớt sinh dân. Ai tiến cử được người mưu trí dũng lược hơn người, hoặc người nào tự tiến cử mình thì đều làm quan cao, tước trọng“. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 32a.
Bình Định Vương ban dụ cho đạo quân tinh nhuệ Thiết đột, cùng quân nhân Nghệ Tĩnh, Quảng Bình, Thuận Hóa, ra sức chiến đấu đánh tan giặc; hứa ghi công đãi ngộ, không để sơ suất:
” Hạ lệnh dụ bảo các tướng hiệu và quân nhân thuộc 14 vệ Thiết đột rằng: ‘Có thể đồng lòng liều chết đánh tan quân giặc là sức của các ngươi, còn xếp đặt lo toan, áo cơm khen thưởng là do ở ta. Bọn các ngươi chớ ngại khó nhọc, chớ lo nghèo túng. Bao giờ thấy vợ con ta nghèo túng thì vợ con các ngươi mới nghèo túng. Mong các ngươi một lòng đánh giặc, chớ nảy lo phiền“. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 32b.
– “Hạ lệnh cho các tướng hiệu và quân nhân các xứ Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa rằng: ‘Ta khởi binh ở đất các ngươi, đã gần thành công. Mong các ngươi trước sau một lòng, vàng đá một tiết, để trọn nghĩa vua tôi, cha con. Ta biết các ngươi đều là hiền sĩ của đất nước. Trước kia, Hưng Khánh [Giản Định Đế], Trùng Quang [Trần Quí Khoáng] chỉ có tiếng hão, không nên công gì là bởi chính lệnh không thống nhất, đại thần không được biết gì. Bọn các ngươi chỉ uổng phí sức lực cho họ thôi. Nay thiên hạ về một mối, ta cùng các ngươi như nghĩa cha con, mong các ngươi dốc lòng khôi phục lãnh thổ nước nhà. Từ xưa các tướng văn tướng võ được phong hầu cũng chỉ như các ngươi thôi, có khác gì đâu. Các ngươi hãy chỉnh đốn đội ngũ của mình, luyện tập quân sĩ của mình, sau khi dẹp yên bọn giặc tàn bạo, sẽ chia một nửa số người về làm ruộng. Nay trời mượn tay ta diệt giặc, việc không đừng được. Kẻ nào theo lệnh ta thì phá được giặc, vẫn sống mà lại có công, kẻ nào không theo lệnh ta thì chết mà chẳng được việc gì! Mỗi đội đều phải chép lại một bản lệnh này, mỗi ngày đọc đi đọc lại nhiều lần cho quân lính được biết“. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 32b.
Lại hiệu triệu toàn quân, hứa khi thành công sẽ cho giải ngũ trên 2/3 và tha sưu dịch thuế má 3 năm. Ban 10 điều quân luật, 6 điều đầu liên quan đến thi hành quân lệnh, 4 điều sau chú ý đến tư cách tác phong của quân nhân; lại đặt 3 điều răn các quan văn võ:
– “Hạ lệnh cho các tướng và quân nhân rằng: Giặc Minh tàn hại dân ta đã hơn hai chục năm. Buổi đầu số quân của ta có mấy trăm người. Hiện nay có 35 vạn. Đợi khi phá được thành Đông Quan, sẽ cho 25 vạn người về nhà làm ruộng, chỉ để lại 10 vạn làm quân để đề phòng việc nước. Một nhà 3 người thì 1 người làm quân, mọi loại phú dịch đều tha cho 3 năm.
– Lại nêu 10 điều quân luật cho các tướng hiệu và quân nhân:
1-Làm huyên náo trong quân.
2-Gây kinh động hão, bịa điều họa phúc làm dao động lòng quân.
3-Khi ra trận, nghe tiếng trống, thấy cờ hiệu mà giả cách không nghe, không thấy, dùng dằng không tiến.
4-Khi ra trận, trông thấy cờ dừng quân, nghe thanh la dừng quân mà không đứng lại.
5-Nghe tiếng chiêng lui quân mà cưỡng lại không lui.
6-Canh phòng túc trực không siêng, hoặc ngủ say bỏ canh, bỏ hàng ngũ ngầm trốn về.
7-Đắm đuối nữ sắc, lén lút thả riêng cho người họ nhà vợ không làm quân dịch.
8-Thả quân lính để lấy tiền và che dấu không biên vào sổ quân.
9-Theo thói ưa ghét của riêng mình mà đảo lộn công tội của người.
10-Bất hoà với mọi người, gian ác, trộm cắp.
Mười điều trên đây, kẻ nào phạm phải đều bị chém.”
“Lấy 3 điều răn bảo các quan văn võ:
1-Chớ thờ ơ.
2-Chớ lừa dối.
3-Chớ tham lam” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 33a.;
Lại chiêu dụ các hào kiệt trong nước hãy cùng nhau dốc sức, cứu giúp muôn dân, chớ có mai danh ẩn tích, để thiên hạ phải lầm than mãi mãi. Đợi khi thành công, muốn thoả chí xưa ở ẩn, thì lại trở về rừng núi, hứa không hề cấm giữ:
“Dụ các hào kiệt trong nước rằng:
‘Các thành đã phá được rồi, chỉ còn thành Đông Quan chưa hạ được. Ta vì thế mà nằm không yên chiếu, ăn không ngon miệng, sớm khuya suy nghĩ, khô héo ruột gan. Thế mà bên cạnh ta, vẫn chưa có được người giúp đỡ. Ta tuy là chủ tướng, nhưng xét lại bản thân mình, một là già ốm, bất tài, hai là học thức nông cạn, ba là trách nhiệm nặng nề khó bề kham nổi, mà các đại thần như tả, hữu tướng quốc, thái phó, thái bảo vẫn chưa đặt, thái úy, đô nguyên soái vẫn còn khuyết, hành khiển và các quan, mười phần mới được một, hai phần. Cho nên, ta nhún mình thành thực khuyên bảo các hào kiệt cùng nhau dốc sức, cứu giúp muôn dân, chớ có mai danh ẩn tích, để thiên hạ phải lầm than mãi mãi. Nếu có ai khí tiết thanh cao như Tứ Hạo,[3] lánh đời ẩn tích như Tử Phòng[4] cũng hãy ra cứu nạn cho dân đã, đợi khi thành công, muốn thoả chí xưa thì lại trở về rừng núi, không hề cấm giữ“. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 34a
Sau đây là bản dịch Chiếu khuyên dụ hào kiệt, trong Quân Trung Từ Mệnh Tập:
“Chiếu khuyến dụ hào kiệt.
Hiện nay các thành đã phá, duy còn thành Đông Quan là chưa hạ. Vì thế ta nằm không yên chiếu, ăn không ngon miệng, sớm hôm lo lắng. Vả bên cạnh ta chưa có được người tài. Ta tuy làm chủ tướng, nhưng một thì già yếu bất tài, hai thì học ít biết cạn, ba thì nhiệm vụ nặng nề khó gánh vác nổi, mà tướng quốc, thái bảo, thái phó chưa đặt, thái úy, đô nguyên súy còn khuyết, hành khiển các quan khác mười phần mới đươc một hai. Vì thế ta nhún mình tỏ lòng thành thực, khuyên các bực hào kiệt đều nên cùng nhau gắng sức, cứu đỡ muôn dân, đừng có kín tiếng giấu tài, khiến thiên hạ phải hãm trong lầm than mãi mãi. Hoặc có người cao tiết như Tứ hạo gia độn[5] như Tử Phòng, cũng hãy nên vì dân cứu nạn, đợi khi thành công rồi có muốn được thỏa chí xưa, lại về rừng núi thì ta cũng không ngăn giữ.” (Quân Trung Từ Mệnh Tập, a 45)
Bình Định Vương ban cho Thiếu bảo Lê Văn An quyền lớn, coi vùng đất Sơn Tây, Vĩnh Phú ngày nay:
“Lấy Thiếu bảo Lê Văn An làm Tổng tri, coi các việc quân của Quốc Oai Thượng [Sơn Tây], Quốc Oai Trung, Tam Đái [Vĩnh Phú], Quảng Oai [Sơn Tây], và lệnh cho rằng:
‘Nếu có viên chấp lệnh hay giám quan nào không theo quyền tiết chế của ngươi thì chém trước tâu sau.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 34a.
Cùng hạ lệnh khi sai phái thuộc hạ phải kiểm soát kỹ. Quan chức phát hiện được kẻ địch móc nối với nhau, hoặc những kẻ khỏe mạnh trốn lính hoặc sai dịch, đều được thưởng:
“Hạ lệnh rằng:
‘Khi sai phái thuộc hạ dưới quyền, đều phải cấp giấy tờ có đóng dấu phải ký họ tên quan phụ trách và ghi rõ số người đi là bao nhiêu, đến chỗ nào, làm việc gì, hạn định ngày nào phải về dinh, không được đi lại tự do. Quan phụ trách và người dưới quyền nếu không tuân lệnh này thì tùy tội nặng nhẹ, mà xử giáng cấp, phạt trượng, chặt chân, hay chém đầu. Nếu xét được tình trạng bọn giặc móc nối với nhau thì có trọng thưởng.”
“Hạ lệnh rằng người nào bắt được bọn to lớn khỏe mạnh mà chưa vào sổ quân dân, bọn du thủ thực, không chịu sai dịch, đưa đến cửa quân, thì được thưởng trước 1 tư [1 cấp].” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 34b.
Lệnh ban vào tháng 4 [27/4-25/5/1427], cấm trao đổi mắm muối với Tù trưởng dân tộc thiểu số Cầm Lạn tại phủ Quì Châu, Nghệ An; đến tháng 6 [25/6-23/7/1427] thì Cầm Lạn qui thuận:
“Cấm không được trao đổi mắm muối với Cầm Lạn.”
“Tháng 6, Phụ đạo Quỳ Châu Cầm Lạn quy thuận.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 35a.
Lúc này quân Minh tại thành Đông Quan ở vào tình thế cấp bách, Vương Thông muốn cầu hòa với Vua Lê Lợi, bèn đem ra nghị bàn; Án sát Dương Thời Tập có lời can:
“Ngày 11 tháng 4 năm Tuyên Đức thứ 2 [7/5/1427]. Ngày hôm nay bọn quan Tổng binh Giao Chỉ Thành sơn hầu Vương Thông bị giặc đánh vây gấp, nhưng gom binh lại không dám ra đánh, giặc bèn gửi thư cho Thông xin hòa. Thông từ khi quân bại tại Ninh Kiều, tinh thần suy sụp rất nhiều; tuy thắng một trận dưới thành nhưng chí khí không vững, bèn hứa cho giặc những đất tại các châu Thanh Hóa. Ý của Thông cho rằng Liễu Thăng đã xuất sư nhưng chưa đến ngay được, đường sá có nhiều sự ngăn trở; nay Lê Lợi cầu hòa, thành tâm dâng biểu tạ tội; thuận theo lời xin của y còn có đường sống, để có thể thu xếp cách tiến thủ sau này; vả lại Thiên tử nhân từ không muốn giết, dùng binh nên thể theo ý của Thiên tử.
Tướng hiệu dưới quyền có kẻ cho là đúng, có kẻ im lặng không có ý kiến, có người phản đối nhưng chưa ra mặt ngăn cản; chỉ một mình Án sát sứ Dương Thời Tập can:
– “Phụng mệnh đánh giặc lại chịu hòa với giặc. Tự tiện bỏ đất mang quân về, làm sao tránh tội được; việc này không thể làm được!”
Thông to tiếng nạt rằng:
– “Việc phi thường, chỉ có con người phi thường mới làm được, ngươi làm sao hiểu nổi!”
Từ đó không có ai dám nói. Bèn sai thuộc hạ cùng đi với người của Lê Lợi để dâng biểu, cùng phương vật.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 166)
Nhân thời cơ lúc Vương Thông chần chừ giữa hòa và chiến, Bình Định Vương cho gửi thư thuyết phục:
“Thư gửi cho Vương Thông.
Ta thường nghe, người chuyên giữ công việc từ ngoài cửa thành trở ra được tùy tiện, đó là trách nhiệm của tướng soái; thờ nước lớn mà biết đạo sợ trời, là lòng thành của nước nhỏ. Nếu có thể đều làm được hết phận sự, thì lòng người lẽ trời cũng cùng thân với mình. Trước đây ta nhiều lần gửi thư đến ông, không ngại tần phiền, thực lòng cho là: đồ binh là thứ hung bạo, đánh nhau là việc nguy hiểm, việc hưng thịnh bại vong của một nước, nhân dân sống hay chết đều quan hệ ở điều đó. Thế mà ông vẫn lơ là không nghĩ, lại không có một lời nào nói đến, thế là không biết xử trí thế chăng? Hoặc không rõ sự thế mà thế chăng? Người trong cả nước tôi lâu ngày bị dãi dầu khổ vì đánh dẹp, bỏ nghề chăn tằm, làm ruộng, không được sinh đẻ, mọi người đều nghiến răng, giơ cánh tay, đều muốn liều chết, quyết đánh một trận, thế không thể nào hoãn được.
Nhưng, ta vẫn nghĩ đến nhân dân sinh sống trong một thành, không nỡ để cho người không có tội mà phải giết chết. Dù có muốn là cho hả cơn giận trong chốc lát, nhưng đối với lòng người, lẽ trời thực chưa yên tâm. Nay ông một mình giữ thành trơ trọi, đã trải bao năm tháng, mà quân cứu viện lại không đến được. Muốn đánh thì không đánh nổi, muốn giữ thì không giữ vững, lại câu nệ về ý riêng của mình, xua mạng người vào trong đám giáo mác, ta sợ rằng lòng hiếu sinh của thượng đế, tất không để cho làm thế đâu.
Nếu ông lại theo lời bàn trước, lấy việc giảng hòa làm quý, thì việc mà ông xử trí ở bên ngoài, ai dám bảo là không phải, mà người của Trung Quốc cũng được khỏi khổ về đánh dẹp, nhân dân của nước tôi cũng may mà thoát mình khỏi chỗ nước sôi lửa bỏng. Có thể Nam, Bắc từ đây không có việc gì, há chẳng hay lắm sao. Cớ gì hàng ngày lấy giáo mác cùng đánh nhau chuyên việc giết chết lẫn nhau. Nhẫn lòng làm cho con người ta phải bồ côi cha, vợ người ta phải góa chồng, lòng của người nhân đức, có ai chịu làm như thế không?
Thư này gửi đến, kính xin trả lời cho biết.” (Quân Trung Từ Mệnh Tập, b2)
Vào tháng 5 [26/5-24/6/1427] tiếp tục chỉnh đốn quân ngũ, bắt các tướng hiệu làm tờ khai, cam đoan không làm điều sai trái; chấp hành đúng các hiệu lệnh:
“Tháng 5, hạ lệnh cho các tướng hiệu lớn nhỏ phải làm tờ khai, cam kết không gian tham nhận của đút lót, không lấy vợ người bản lộ, không chiếm giữ người họ hàng của quân lính để sai khiến riêng.”
“Hạ lệnh cho các tướng hiệu rằng: Khi nào nghe thấy 1 tiếng súng lớn mà không có chiêng thì các tướng phải đến ngay để nghe lệnh. Nếu thấy 2 hoặc 3 phát súng lớn và 2 hoặc hoặc 3 tiếng chiêng, như vậy là có báo động khẩn cấp, các chấp lệnh và đốc tướng phải chỉnh đốn ngay đội ngũ, còn thiếu úy thì tới ngay quân doanh nghe lệnh.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 35b.
Đối với người từng hợp tác với địch, bắt nạp các giấy tờ do địch cấp; cùng tịch thu tài sản quan chức làm tay sai cho địch:
“Hạ lệnh tiếp tục nộp những văn bằng, giấy khám hợp[6] và ấn tín đã nhận trong thời giặc Ngô.”
“Hạ lệnh cho các thiếu úy, chấp lệnh, lộ quan bắt ngay những quân dân, vợ con, nô tỳ, tài vật, trâu bò của các thổ quan ngụy ở trong thành đem giải nộp cho hết, điều tra những kẻ có lòng khác, thu nhập văn bằng ẩn tin của ngụy quan, theo đúng hạn nộp lên.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 35b.
Ra lệnh cho các xứ phía nam thành Đông Quan nuôi dưỡng tù binh và vợ con của họ, không để đói rét:
“Hạ lệnh cho các xứ Thiên Trường [Nam Định], Kiến Xương [Thái Bình], Lý Nhân [Hà Nam], Tân Hưng [Hải Dương] nhận nuôi hơn 6 nghìn đàn ông, đàn bà ở các thành giặc đã đầu hàng, không để họ đói rét lang thang.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 35b.
Trao chức quân sư cho Nguyễn Tử Hoan người Quảng Bình; tưởng thưởng người có công trong trận Cơ Xá tại huyện Từ Liêm; cùng ban chức tước cho các tăng nhân, đạo sĩ giúp đỡ quan quân:
“ Nguyễn Tử Hoan ở huyện Bố Chính dâng kế sách hợp ý vua, được trao chức Quân sư.”
“Thưởng công đánh trận ở Cơ Xá huyện Từ Liêm.”
“Hạ lệnh rằng, các tăng đạo phụ lão người nào đón tiếp quan quân nhiều lần thì quan ở lộ điều tra xem, nếu quả có đức hạnh, tuổi già thì cấp cho quan tước.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 35b.
Bấy giờ người Hoa tại phủ Tư Minh và dân tộc thiểu số họ Xa tại Mộc Châu, xin qui phụ. Riêng Tù trưởng Xa Khả Tham được ban quốc tính họ Lê, nên khi Tham dâng voi và vàng bạc lên, dùng tên và tước là Tư không Lê Khả Tham; sau đó Vua ban cho Tham lụa và ngựa:
“Bọn Vi Báo 12 người ở các châu Lăng, Thông thuộc phủ Tư Minh [Ninh Minh, Quảng Tây] của nhà Minh sang đầu hàng.”
“Bọn phụ đạo Mường Mộc [Mộc Châu, Sơn La], trấn Gia Hưng là Xa Khả Tham quy thuận. Trao cho Khả Tham chức Nhập nội tư không đồng bình chương sự tri Đà Giang trấn thượng ban; ban cho túi kim ngư,[7] tước Trụ quốc Quan Phục hầu. Cho Xa Lộc làm Kim ngô vệ thượng tướng quân, tước Đại Trí tự; Xa Khát, Xa Bàn, Xa Điểm[8] đều được làm Ngọc kiểm vệ đại tướng quân, tước Ninh tự, đều được ban quốc tính.”[9]
“Tư không Lê Khả Tham dâng 3 con voi, cùng vòng vàng, vòng bạc chiêng đồng.”
“Thưởng cho Lê Khả Tham 20 tấm lụa, 10 con ngựa.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 36a.
Tình hình quan quân nhà Minh bây giờ, tại tỉnh Tứ Xuyên viên chỉ huy vệ Tùng Phan là Tiền Hoằng sợ đi đánh An Nam, bèn khích động dân thiểu số nổi dậy, rồi lấy cớ mang quân đi đánh, để khỏi phải mang quân sang An Nam. Việc phát giác, Vua Tuyên Tông cho bắt điều tra:
Ngày 9 tháng 5 năm Tuyên Đức thứ 2 [3/6/1427]. Đô ty Tứ Xuyên tâu:
‘Bọn quân thuộc Thiên hộ sở Thanh Xuyên tên là Triệu Văn, Thư Nô đi đánh các trại Ha Dụng trở về báo rằng quân đến đèo Hoàng Thổ trú đóng, trèo lên điểm cao nhìn bốn phía không thấy tên giặc nào. Thực do Thiên hộ Tiền Hoằng vệ Tùng Phan khích động gây biến. Truy cứu nguyên nhân bởi triều đình điều quan quân vệ Tùng Phan đi đánh Giao Chỉ, bọn họ đều sợ hãi. Hoằng lập mưu dối trá báo rằng phiên Man cướp phá, cần mang quân đi đánh; việc này tâu lên vua, chắc được miễn việc đi đánh Giao Chỉ. Rồi Hoằng cùng bọn Thượng Thanh trước sau dẫn quân đột nhập vào Mạch Tạp và các làng khác cướp bóc bò, ngựa; người Man giận dữ, bèn xẩy ra loạn.”
Thiên tử bảo các quan hầu cận rằng:
“Trẫm vốn nghi rằng việc này do khích động xảy ra; nhưng ty Bố chánh, Án sát không thấy được sự thực; Đô ty cũng chỉ nghe người dưới báo cáo, không tìm hiểu kỹ về vấn đề tại biên giới!”
Bèn giáng sắc nghiêm khắc quở trách:
“Ngươi trước đây tâu rằng các trại Phiên tại Ha Dung làm loạn, giết bọn Chỉ huy Trần Kiệt. Mới đây lại cho biết rằng quan quân vệ Tùng Phan sợ phải đi đánh Giao Chỉ, dối trá sinh sự; những tên Thiên hộ như Tiền Hoằng, Thượng Thanh dù xử tử cũng không sạch hết tội. Riêng ngươi được chỉ định coi một vùng, có trách nhiệm nặng nề với triều đình; nghe những lời lừa dối, điều binh triều đình sai lầm, rồi tâu trình một cách mông lung, thì làm sao mà tránh tội được. Lần này Trẫm tạm khoan thứ; đợi các Đô chỉ huy Hàn Chỉnh, Cao Long điều tra kỹ vấn đề. Hãy áp giải về kinh đô những quan lại liên quan đến việc dối trá trong vệ Tùng Phan gồm bọn Tiền Hoằng, Thượng Thanh và những người sợ đi đánh Giao Chỉ. Nếu như bọn Chỉ huy Trần Kiệt bị giặc hại, thì không thể dung được, hãy tuân theo sắc mệnh trước, lệnh Hàn Chỉnh điều quan quân chinh thảo giặc.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 167)
Tháng 6 [25/6-23/7/1427] Bình Định Vương gia phong các trọng thần chức Tư đồ, Tư không, Tư mã, Thiếu úy:
“Gia phong thị trung Tư Tề làm Tư đồ; Đại tư mã Lê Nhân Chú làm Tư không; Thiếu úy Lê Vấn, Lê Sát làm Tư mã; Thượng tướng Lê Bôi làm Thiếu úy và răn họ rằng:
‘Chức tước đã cao, sớm khuya chớ có lơ là, không được thỏa mãn mà xao nhãng lập công’. Ban cho mỗi người một chiếc lọng.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 36a.
Định lệ tiền chuộc thân nhân ngụy quan làm việc cho nhà Minh; hạ lệnh tích trữ lương thực:
“Đinh lệ tiền chuộc các vợ cả, vợ lẽ và nô tỳ của ngụy quan. Vợ Bố chính ty thì 70 quan, dưới đến các hạng sinh viên, thổ quan, thừa sai, bạn đương, thì vợ là 10 quan, con trai, con gái và nô tỳ từ 10 tuổi trở xuống thì 5 quan.”
“Hạ lệnh cho các lộ tích trữ thóc công, không được khinh suất phát ra.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 36b.
Trước kia vào tháng 5 [26/5-24/6/1427] quân ta chiến thắng tại Cơ Xá, huyện Từ Liêm, rồi cho đắp thành nhỏ; tháng này bị quân Minh đến đánh phá; nhưng nhà Vua không cho cứu, muốn kẻ địch đánh giá sai rằng quân ta nhát:
“Đắp thành nhỏ ở bãi Cơ Xá, quân Minh đến đánh phá, vua ra lệnh không cho cứu, để giặc tưởng là quân ta nhát.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 36b.
Bấy giờ có 3 tên lính tại thành Xương Giang liều chết chạy về nước báo tin thành này đang bị vây gấp; Vua Tuyên Tông nhà Minh ra lệnh Liễu Thăng, Mộc Thạnh sang cứu gấp:
“Ngày 6 tháng 6 năm Tuyên Đức thứ 2 [ 1/7/1427]. Mệnh bộ Binh nơi hành tại trao cho những người lính tại Giao Chỉ gồm Lý Mậu Tiên, Nguyễn Tông Báo, Hoàng Thiêm Bảo chức Bách hộ; lại ban cho mũ, dây đai, y phục, tiền; theo ngựa trạm gặp An viễn hầu Liễu Thăng để được nghe và dùng. Lúc bấy giờ đứt liên lạc tại Giao Chỉ đã lâu không có tin báo về. Ba người này theo đường tắt về, báo rằng thành Xương Giang [thị xã Bắc Giang] bị vây rất gấp; nên ra lệnh Thăng cùng Kiềm quốc công Mộc Thạnh tiếp viện gấp cho Xương Giang.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 169)
Tháng 7 [24/7-21/8/1427], ra lệnh làm sổ hộ tịch. Theo qui chế đời Trần cứ 3 năm làm 1 lần, theo lối “kiến tại” tức người ở đâu ghi hộ tịch tại đó, không căn cứ vào sinh quán:
“Mùa thu, tháng 7, hạ lệnh cho các lộ cùng quan văn các hỏa và tướng hiệu các quân làm sổ hộ tịch. Bấy giờ vẫn theo danh hiệu cũ của nhà Trần gọi Hành khiển của Thượng thư sảnh và Môn hạ sảnh là Tả hữu hỏa.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 36b.
Trong tháng này, hai nước lân bang Chiêm Thành, Ai Lao đều đến cống:
“Người Chiêm Thành dâng lễ vật địa phương.”
“Ai Lao dâng sản vật địa phương.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 37b.
Thưởng chiến công trận Thổ Khối, vị trí đối bờ với thành Đông Quan:
“Xét thưởng chiến công trong trận Thổ Khối [Gia Lâm, Hà Nội][10] thành Đông Quan. Ban thưởng ngân bài và tiền bạc, tơ lụa.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 37b.
Bình Định Vương qui định cho thủy quân sử dụng người trên thuyền; kêu gọi tướng lãnh thuộc các binh chúng đem hết sở năng lo cho nước; ra lệnh cứu giúp thương binh, tử sĩ tại mặt trận; vận lương chứa trữ tại Xương Giang; riêng dân tộc ít người tại Mộc Châu, Sơn La đã qui thuận, nên không ngăn cản việc chuyên chở thực phẩm đến vùng này:
“Hạ lệnh cho các vệ thủy quân, mỗi chiếc thuyền chiến dùng 50 người, giữ trại 5 người, vận lương 5 người, sai phái 5 người.”
“Ra lệnh cho các tướng rằng:
‘Người cầm quân phải chăm đánh dẹp, người coi chuyên chở phải chăm tải lương. Vào núi xẻ ván, nấu cát làm muối, ngăn giữ trên bộ, dưới sông, chặn bắt những kẻ gian phi, ai nấy đều phải quên mình hết sức, cùng nhau lo việc diệt giặc. Ta là cha mẹ dân, có đâu lại không nghĩ tới nỗi gian lao mà dám gây ra việc đau khổ? Đó chỉ là do bắc đắc dĩ mà thôi“.
“Hạ lệnh rằng: các quân khi ra trận, nếu 50 người hoặc 100 người kéo nhau rút chạy mà bỏ lại 1, 2 người không cứu thì bị chém cả toán. Nếu không may có người chết tại trận mà cùng nhau góp sức khiêng xác ra ngoài thì được tha tội.”
“Hạ lệnh cho ba lộ Bắc Giang, mỗi lộ chuyển 3.000 gánh lương chứa tại thành Xương Giang. Hạ lệnh rằng hễ thấy người áo đỏ Mường Mộc chở mắm muối về thì không được ngăn cấm.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 37a.
Bình Định Vương ban dụ hiệu triệu toàn dân nổ lực phấn đấu nhắm dành chiến thắng cuối cùng; và đặc cách khen thưởng tướng hiệu, quân dân vùng Tân Bình, Thuận Hoá đánh giặc lập công nơi biên giới phía nam:
“Tháng 8, ban dụ cho cả nước rằng:
‘Giặc còn ở trong nước ta, dân chúng vẫn chưa được yên, liệu các ngươi có yên được không? Trước kia, họ Hồ vô đạo, giặc thừa dịp ấy mà cướp nước ta. Tội ác tàn bạo của chúng, các ngươi cũng đã thấy cả rồi. Vả lại, ra sức khó nhọc trong một năm mà có cơ nghiệp thái bình muôn thuở, các ngươi hãy nghĩ cho kỹ điều đó, chớ để phải hối hận về sau“.
“Ban dụ cho các tướng hiệu và quân nhân ở Tân Bình [Quảng Bình], Thuận Hóa [Quảng Trị, Thừa Thiên] rằng:
‘Trước kia, nước Chiêm Thành trái mệnh, xâm lấn bờ cõi của ta, cha ông các ngươi đã dốc chí trung thành lo báo đền nhà nước, đánh giết bọn giặc lấy lại cõi bờ, tiếng thơm, công lớn còn sáng ngời trong sử sách. Ngày nay, giặc Minh vô đạo, trái mệnh trời, hung hăng hiếu chiến, hòng mở rộng mãi đất đai, khiến cho sinh dân lầm than đã hơn hai chục năm rồi. Ngày ở kinh lộ của ta cũng chưa thấy có ai dốc lòng hết sức, lập công nêu danh mà bọn các ngươi là bề tôi ở chốn phên dậu biên cương lại biết nghĩ tới công sức của ông cha ngày trước, hết lòng với vua mà đánh giặc, lập công trước. Lòng trung thành đó, thực đáng ngợi khen. Vậy đặc biệt thăng cho các ngươi tước Á đại liêu ban, các ngươi hãy cố gắng“. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 38a.
Riêng đối với Thanh Hóa, Nghệ An; Bình Định Vương có lời ân cần biểu dương công lao và lòng trung thành của quân dân vùng này:
“Thư dụ các thành Thanh Hoá, Nghệ An.
Bảo cho các tướng hiệu quân nhân ở các thành Thanh Hóa, Nghệ An biết: Xưa nay bỏ mình báo nước là đại tiết của bề tôi; định công ban thưởng là thường điển của nhà nước. Nay bọn ngươi lấy lòng trung nghĩa, lấy khí dũng cảm, đánh kẻ vua ghét, nhiều lần rạng công. Xưa bản triều ta [chỉ triều Trần], đương buổi hưng thịnh đời tiên hoàng, Chiêm Thành trái mệnh, xâm lấn biên ấp nước ta, ông cha các ngươi đã hết lòng gắng sức lo báo nước nhà, đánh đuổi giặc Chiêm, thu về bờ cõi, tiếng thơm công lớn, sử sách lưu truyền. Nay giặc Minh bất đạo, trái với lòng trời, độc vũ cùng binh, mưu mở rộng đất, sinh dân khổ sở, hơn hai mươi năm. Song, vận trời tuần hoàn, đi rồi lại lại. Nghĩa binh nổi dậy, cuốn đất đuổi tràn, trong mấy tháng trời, khôi phục đất cũ. Duy một thành Đông Quan, tướng giặc Vương Thông, hồn đã lìa xa, còn chút hơi tàn, mà chỉ chực lại hung hăng dương cánh. Ta xem các quân ở Kinh lộ [kinh đô] cùng là các quân Dực Thánh tả hữu Thiên Trường, Thiên Cương [tên các đạo quân] ngày trước, hoặc là đứng đầu Nam ban Bắc ban, hoặc là tình thân hoàng tộc ngoại thích, song vẫn chưa thấy mấy người hết lòng gắng sức, dựng được công to. Thế mà bọn người lấy chức phận phiên thần, biết nghĩ đến công nghiệp của ông cha ngày trước, hết trung với nước, cùng lòng hợp sức, mưu rửa quốc sỉ, đánh hơn lấy được, đến đâu cũng là lập được công, trung thành như thế, thực đáng thưởng khen. Vậy sai ban thưởng để đền công lao. Các người cố đi!” (Quân Trung Từ Mệnh Tập, a 40)
Tháng trước Chiêm Thành mang lễ vật đến cống, nay Bình Định Vương cử Chánh, Phó sứ mang quà sang thông hiếu với Vua nước này:
“Lấy Viên ngoại lang Lê Khắc Hài và Bùi Tất Ứng làm chánh, phó sứ mang ngựa và đồ uống rượu bằng pha lê màu xanh trắng ban cho chúa Chiêm Thành.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 37b.
Bình Định Vương ra lệnh chế tạo xe đánh thành, cho dân các lộ tới dinh Bồ Đề dự tuyển quân nhập ngũ; cấp giấy cho dân buôn lương thực, chỉ được bán tại nơi qui định:
“Ra lệnh chế tạo xe đánh thành và tu sửa chiến khí.”
“Hạ lệnh cho nhân dân các lộ tới dinh Bồ Đề tuyển chọn người khỏe mạnh bổ sung quân ngũ.”
“Hạ lệnh cho các lộ rằng:
‘Hễ thấy dân quân chở lương đi bán thì cấp giấy và chỉ bảo cho nơi đến bán, không được đi lung tung.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 37b.
—————————–
[1] Ải Lê Hoa: Địa điểm ở ven sông Lô, tại vùng biên giới tỉnh Hà Giang và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
[2] Trương Tuần, Hứa Viễn: Thời Đường, khi An Lộc Sơn làm loạn, hai tướng của Đường là Trương Tuần, Hứa Viễn giữ thành Tuy Dương, để che đỡ cho miền Giang, Hoài. Sau vì không có viện binh, lương hết thành hãm mà bị hại.
[3] Tứ Hạo: bốn ông già ở ẩn trên núi Thượng Sơn đầu đời Hán là Đồng Viên công, Ý Quý Ly, Hạ Hoàng công và Dụng Lý tiên sinh.
[4] Tử Phòng: tức là Trương Lương, vốn là thần tử của nước Hàn, để trả thù cho vua Hàn bị Hạng Vũ giết, đã theo giúp Lưu Bang. Khi Lưu Bang đã thống nhất được Trung Quốc, Trương Lương bỏ đi ở ẩn.
[5] Gia độn: Gia là tốt, độn là lui ẩn. Chữ ở quẻ Độn Kinh dịch. Ý nói là sự thoái ẩn hợp với chính đạo.
[6] Khám hợp: Giấy chứng nhận có phần tồn căn giữ lại; lúc cần đem so lại xem có giả trá không.
[7] Túi kim ngư: túi có hình con cá bằng vàng.
[8] Xa Lộc, Xa Khát, Xa Bàn và Xa Điểm: đều là con Xa Tham.
[9] Quốc tính: là họ vua, ở đây là họ Lê.
[10] Thổ Khối: tên xã, ở tả ngạn sông Hồng, gần xã Bát Tràng, nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội.