17/09/2011: Phong trào Chiếm Phố Wall bắt đầu

Nguồn: Occupy Wall Street begins, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 2011, hàng trăm nhà hoạt động đã tập trung xung quanh Công viên Zuccotti ở khu Hạ Manhattan trong ngày đầu tiên của Phong trào Chiếm Phố Wall – cuộc biểu tình kéo dài nhiều tuần tại Khu Tài chính của Thành phố New York, nhằm phản đối tình trạng bất bình đẳng thu nhập và nạn tham nhũng tập đoàn. Dù phong trào đã không thể biến bất kỳ mục tiêu hoặc đề xuất chính sách nào của mình thành hiện thực, nhưng nhiều năm sau, Chiếm Phố Wall vẫn được coi là cẩm nang cho hoạt động vận động chính trị phi tập trung.

Cuộc biểu tình được tổ chức bởi các thành viên của Adbusters, một tạp chí chống chủ nghĩa tiêu dùng của Canada, bao gồm cả nhà sáng lập Kalle Lasn và biên tập viên Micah White. Nhân viên của tòa soạn đã giúp điều phối thời gian, địa điểm, và chiến dịch quảng bá. White đã đăng dòng tweet chứa hashtag #OccupyWallStreet (Chiếm Phố Wall) đầu tiên, nhận được sự chú ý của hàng nghìn người theo dõi trực tuyến của phong trào. Hashtag này là nguyên nhân chính giúp phong trào trở nên nổi tiếng, và trở thành một trong những nỗ lực lớn nhất của các nhà hoạt động để lan truyền thông tin trên mạng xã hội và khắp thế giới.

Ban đầu, nhóm tổ chức phong trào dự định gặp nhau tại Bức tượng Bò đực của Phố Wall và Trung tâm thương mại One Chase, nhưng cảnh sát đã dựng rào chắn tại cả hai công viên thuộc sở hữu của thành phố, trước khi sự kiện ngày 17/09 diễn ra. Công viên Zuccotti gần đó không bị dựng rào, nên trong vòng hai tháng sau đó, hàng nghìn người đã đến đóng ở nó. Ngày 15/11/2011, các thành viên của Sở Cảnh sát New York đã buộc những người biểu tình phải rời đi và bắt giữ khoảng 200 người. Những nỗ lực tái chiếm công viên sau đó đã bị cảnh sát ngăn chặn.

Các thuật ngữ Nhóm 99% và nhóm 1% (99 and 1 percenter) – do câu lạc bộ mô tô Hells Angeles đặt ra lần đầu tiên – đã được phong trào Chiếm Phố Wall giúp phổ biến. Nhóm thứ nhất đề cập đến phần lớn những người dân thường đang sống ở Mỹ, và nhóm thứ hai đại diện cho Phố Wall và bộ phận dân cư giàu có nhất của đất nước. Hai thuật ngữ này – và chiến lược truyền thông xã hội của Chiếm Phố Wall – sau này sẽ được mô phỏng bởi các phong trào như #MeToo và #BlackLivesMatter.