Thế giới hôm nay: 11/10/2022

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga tiến hành không kích lớn nhất kể từ đầu cuộc chiến vào Ukraine để trả đũa vụ đánh bom cầu Kerch ở bán đảo Crimea. Ukraine chưa nhận trách nhiệm vụ đánh bom. Ông Putin đe dọa sẽ có “phản ứng gay gắt” hơn nữa đối với các cuộc tấn công như vậy. Hôm thứ Hai, tên lửa Nga đã dội xuống trung tâm Kyiv; trong khi các vụ nổ cũng được ghi nhận ở Dnipro, Lviv và Ternopil. Ít nhất 11 người thiệt mạng và 64 người bị thương.

Các lực lượng an ninh Iran đã tăng cường trấn áp biểu tình chống chính phủ bằng bạo lực. Kể từ giữa tháng 9 đến nay đã có ít nhất 185 người thiệt mạng. Đụng độ dữ dội giữa người biểu tình và cảnh sát chống bạo động đã được ghi nhận tại các thành phố người Kurd vào thứ Hai.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã ra lệnh triển khai quân đội nước ông bên cạnh lực lượng Nga ở biên giới với Ukraine. Nhà độc tài này, vốn là đồng minh thân cận với tổng thống Nga Vladimir Putin, tuyên bố Ukraine đang lên kế hoạch tấn công tên lửa vào Belarus, dù không có bằng chứng. Ông bắt đầu triển khai quân đội sau vụ nổ bom cầu Crimea hôm thứ Bảy.

​Cổ phiếu của hãng sản xuất xe tải điện Rivian giảm khoảng 9% sau khi công ty thu hồi gần như toàn bộ 13.000 xe đang lưu thông vì lỗi tiềm ẩn. Công ty khởi nghiệp này từng có thương vụ IPO lớn nhất năm 2021 và có gần 100.000 khách đã đặt hàng. Nhưng những rắc rối trong chuỗi cung ứng khiến sản xuất chậm lại; trong khi việc thu hồi xe sẽ càng khiến mọi thứ khó khăn hơn.

Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob kêu gọi tổ chức bầu cử sớm nhằm củng cố liên minh cầm quyền thiếu vững chắc của ông. Bầu cử đáng lẽ sẽ được tổ chức ​​vào tháng 9 năm 2023 nhưng giờ đây phải diễn ra trong vòng 60 ngày kể từ ngày quốc hội bị giải tán vào thứ Hai. Phe đối lập phản đối vì cuộc bầu cử có thể trùng với thời gian gió mùa, làm giảm lượng cử tri đi bầu.

Ủy ban Nobel đã trao giải thưởng Ngân hàng Trung ương Thụy Điển về khoa học kinh tế cho ba nhà kinh tế vì các nghiên cứu về vai trò của ngân hàng trong nền kinh tế, và liệu sự sụp đổ của chúng sẽ làm trầm trọng khủng hoảng tài chính ra sao. Các chủ nhân giải bao gồm Ben Bernanke, cựu chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ hiện đang làm việc tại Viện Brookings, Douglas Diamond thuộc Đại học Chicago và Philip Dybvig thuộc Đại học Washington.

Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên cho biết việc nước này thử nghiệm 12 tên lửa đạn đạo trong tuần qua, trong đó có một tên lửa bay qua Nhật Bản, là nhằm mô phỏng một cuộc tấn công hạt nhân “xóa sổ” các mục tiêu ở Hàn Quốc. Đây là phản ứng của Triều Tiên trước các cuộc tập trận gần đây của hải quân Mỹ và Hàn Quốc xung quanh bán đảo.

Con số trong ngày: 13%, là mức giảm trung bình thu nhập trên mỗi cổ phiếu trong các giai đoạn suy thoái kể từ sau Thế chiến II, theo Goldman Sachs.

TIÊU ĐIỂM

G7 họp khẩn sau khi Nga bắn tên lửa vào hậu phương Ukraine

G7, nhóm tập hợp các nền dân chủ giàu có, sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn vào thứ Ba với tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Phiên họp được triệu tập gấp rút để đáp trả cuộc tấn công tên lửa của Nga vào cơ sở hạ tầng dân sự và các thành phố Ukraine hôm thứ Hai, vốn làm ít nhất 11 người thiệt mạng và khoảng 60 người bị thương. Liên minh châu Âu cho rằng các cuộc tấn công như vậy cấu thành tội ác chiến tranh. G7 sẽ xem xét những áp lực nào có thể được áp dụng cho Nga để ngăn chặn họ tiếp tục tấn công.

Loạt tên lửa hôm thứ Hai là đòn trả đũa cho vụ gài bom cây cầu nối Crimea với Nga. Nhưng nhiều người lo ngại vụ tấn công tên lửa báo trước một giai đoạn tàn khốc phía trước của cuộc chiến. Nó dường như là một lời tuyên bố của tổng thống Vladimir Putin và Sergei Surovikin, vị tướng vừa được bổ nhiệm hôm thứ Bảy làm tổng chỉ huy quân Nga ở Ukraine. Tướng Surovikin nổi tiếng tàn bạo. Một quan chức Ukraine nói ông đã nghiên cứu quá trình chỉ huy của vị tướng này ở Afghanistan, hai cuộc chiến tranh Chechnya và cuộc không chiến của Nga ở Syria, để đi đến kết luận: “Ông ta xứng đáng mang danh đồ tể.”

Nhật Bản chính thức mở cửa cho du khách

Hơn hai năm cách ly đại dịch đã kết thúc ở Nhật Bản. Từ thứ Ba, du khách từ hàng chục quốc gia sẽ có thể nhập cảnh mà không cần thị thực và di chuyển không cần hướng dẫn viên của chính phủ.

Chính phủ Nhật Bản kỳ vọng khách du lịch sẽ giúp vực dậy nền kinh tế đang chậm lại. Khoảng 32 triệu người nước ngoài đã đến thăm Nhật Bản trong năm 2019; chi tiêu cho du lịch trong nước khi ấy lên tới gần 5 nghìn tỷ yên (34 tỷ đô la theo giá hiện tại). Kế hoạch ban đầu của Nhật là đón 40 triệu lượt khách vào năm 2020 với Olympic Tokyo. Song chỉ có 4 triệu khách đến thăm; năm ngoái, con số này thậm chí giảm xuống dưới 250.000.

Việc đồng yên xuống mức yếu nhất so với đồng đô la trong gần 25 năm qua có thể giúp thu hút du khách. Các hãng hàng không đang tăng cường các chuyến bay đến Nhật Bản. Nhưng có một nhóm lớn chưa thể quay lại: khách Trung Quốc. Năm 2019, khách du lịch Trung Quốc chiếm tới 28% lượng khách đến và 37% chi tiêu khách du lịch. Nhưng Bắc Kinh vẫn đang hạn chế việc đi du lịch nước ngoài. Nếu không có họ, ngành du lịch Nhật Bản có thể mất nhiều năm để phục hồi.

Triển lãm vể metaverse của Meta

Gần một năm đã trôi qua kể từ khi Facebook đổi tên thành Meta. Việc đổi tên thương hiệu là nhằm cho thấy định hướng của công ty về “metaverse,” một thuật ngữ nói chung về internet thực tế ảo, sống động. Các khoản đầu tư khổng lồ vào metaverse, cùng với doanh thu yếu đi của các mạng xã hội cốt lõi, bao gồm Instagram, WhatsApp, và Facebook, đã khiến lợi nhuận và cổ phiếu sụt giảm.

Liệu công ty đã có gì để chứng minh cho các khoản đầu tư của mình chưa? Các nhà đầu tư và người tiêu dùng sẽ được biết vào thứ Ba tại Meta Connect, một triển lãm nơi các tiến bộ về công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường của Meta sẽ được tiết lộ. Chúng có thể bao gồm phiên bản nâng cấp và đắt tiền hơn của tai nghe thực tế ảo Quest. Meta cũng dự kiến ​​ tiết lộ các cải tiến cho Horizon, một mạng xã hội thực tế ảo được phát hành vào năm ngoái cho người dùng Quest. Ảnh chụp màn hình từ Horizon của một phiên bản hoạt hình có chất lượng xấu của Mark Zuckerberg, nhà sáng lập công ty, từng trở thành một đề tài chế giễu trong mùa hè.