Thế giới hôm nay: 26/10/2022

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Rishi Sunak chính thức trở thành thủ tướng Anh sau cuộc gặp với Vua Charles III. Ông cam kết “đoàn kết đất nước chúng ta không phải bằng lời nói mà bằng hành động” và sửa chữa “một số sai lầm” của Liz Truss, người tiền nhiệm của ông và thủ tướng nắm quyền ngắn nhất lịch sử Anh. Ông Sunak đã tái bổ nhiệm bộ trưởng tài chính Jeremy Hunt, người đã đảo ngược hầu hết kế hoạch ngân sách tai hại của bà Truss. Trước các diễn biến trên, đồng bảng Anh tăng giá và lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 30 năm về mức ngang với trước khi kế hoạch của bà Truss chưa làm xáo trộn thị trường.

Nga tiếp tục cảnh báo về khả năng Ukraine dùng “bom bẩn” – một loại chất nổ phát tán bức xạ – và tuyên bố sẽ đưa vấn đề ra trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào thứ Ba. Các chính phủ phương Tây nói đây chỉ là cái cớ để Nga leo thang cuộc chiến. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế của LHQ đã nói sẽ cử thanh sát viên đến xem xét hai địa điểm hạt nhân của Ukraine, theo lời mời của phía Kyiv.

Đồng nhân dân tệ ở nước ngoài, phiên bản được giao dịch tự do của đồng bản tệ Trung Quốc, đã giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng đô la. Bản thân đồng nhân dân tệ trong nước cũng giảm xuống mức thấp nhất 14 năm qua khi ngân hàng trung ương Trung Quốc hạ biên độ giao dịch. Hôm thứ Hai đã có một đợt bán tháo cổ phiếu công nghệ Trung Quốc trên toàn thế giới sau khi chủ tịch Tập Cận Bình thắt chặt quyền lực ở đại hội 20.

Một tòa án Nga giữ nguyên án tù 9 năm đối với Brittney Griner, một vận động viên bóng rổ người Mỹ bị kết tội tàng trữ và buôn lậu ma túy. Chủ nhân hai huy chương vàng Olympic này đã bị bắt giữ từ tháng 2 khi dầu cần sa được tìm thấy trong hành lý của cô, mà cô gọi là “một sai lầm trung thực.” Chính quyền Biden đã không thể yêu cầu Nga trả tự do cho Griner; cô hiện đang bị đưa đến một nhà tù hình sự xa xôi của Nga.

Chủ tịch JPMorgan Chase Jamie Dimon nói ông tin Mỹ và Saudi Arabia sẽ “vẫn là đồng minh” bất chấp những căng thẳng gần đây. Ông Dimon hiện đang ở Riyadh, thủ đô Ả Rập Saudi, để tham dự hội nghị Sáng kiến ​​Đầu tư Tương lai. Giới ngân hàng Mỹ đều có mặt ở thành phố này – được mệnh danh là “Davos trên sa mạc” –  dù các quan chức chính quyền Biden vắng mặt vì căng thẳng xoay quanh vấn đề sản lượng dầu.

HSBC bổ nhiệm Georges Elhedery làm giám đốc tài chính mới, làm rộ lên suy đoán ông sẽ thay thế giám đốc điều hành Noel Quinn. Ngân hàng lớn nhất châu Âu đã báo cáo lợi nhuận quý tăng khi lãi suất toàn cầu tăng. Thu nhập lãi ròng của hãng đã tăng 1/3 lên 8,6 tỷ đô la từ tháng 7 đến tháng 9 trong khi lợi nhuận trước thuế, 6,5 tỷ đô la, đánh bại kỳ vọng.

Các nhóm đối lập ở Myanmar nói quân đội đã giết chết ít nhất 50 thường dân khi không kích một đám đông đang dự hòa nhạc. Đây là sự kiện kỷ niệm 62 năm thành lập Tổ chức Độc lập Kachin, một nhóm ly khai có vũ trang đã ủng hộ cuộc nổi dậy chống chính quyền quân đội của Myanmar. Những người sống sót nói họ đã nhìn thấy ba máy bay chiến đấu thả bom.

Con số trong ngày: 90%, là phần trăm số sản phẩm Apple hiện được sản xuất tại Trung Quốc.

TIÊU ĐIỂM

Khai mạc “Hội nghị Davos trên sa mạc”

Sáng kiến ​​Đầu tư Tương lai, một sự kiện dành cho giới kinh doanh, nhà đầu tư và các lãnh đạo chính phủ được mệnh danh là “Davos trên sa mạc,” sẽ diễn ra cho đến thứ Năm tại Ả Rập Saudi. Với chủ đề “Đầu tư vào nhân loại: Kích hoạt một trật tự toàn cầu mới” cùng các phiên thảo luận nhỏ như “Nền kinh tế hình người,” sự kiện hứa hẹn sẽ có cùng phong cách như phiên bản Thụy Sĩ của nó. Nó chủ yếu đóng vai trò tô điểm thêm vẻ hào nhoáng cho Ả Rập Saudi và giúp giới tinh hoa của đất nước kết nối với giới chủ toàn cầu.

Mỹ đã không cử đại biểu chính phủ (với lý do không muốn, trong khi ban tổ chức nói Mỹ không được mời). Hai nước gần đây đã công khai chỉ trích nhau vì Ả Rập Saudi ủng hộ OPEC + cắt giảm sản lượng, một động thái có lợi cho Nga. Tuy nhiên, các ông chủ doanh nghiệp Mỹ như JPMorgan Chase hay Bridgewater vẫn tham dự, với mong muốn không bị lỡ cơ hội khi kinh tế Vùng Vịnh bùng nổ. Bất chấp chế độ chuyên quyền, sự giàu có của vương quốc này là không thể cưỡng lại được.

Thái Lan hợp pháp hoá phá thai trước 20 tuần tuổi

Khi một số nước thắt chặt luật phá thai, Thái Lan làm ngược lại: nới lỏng luật và trở thành một trong những quốc gia thân thiện với phá thai nhất ở Đông Nam Á. Được biết Thái Lan là một trong những quốc gia có tỷ lệ mang thai ở tuổi vị thành niên cao nhất trong số các nước thu nhập trung bình và từ lâu đã phải tìm cách đối phó với phá thai lậu. WHO ước tính rằng số ca nạo phá thai chính thức, khoảng 30.000 ca mỗi năm, chỉ bằng một phần mười con số thực.

Nhưng vào năm 2020, tòa án hiến pháp Thái Lan phán quyết rằng việc cấm phá thai vi phạm quyền bình đẳng giới tính cũng như quyền được sống và tự do. Năm ngoái, chính phủ đã tiến hành bước đầu tiên khi hợp pháp hóa phá thai trong ba tháng đầu của thai kỳ. Từ thứ Năm, phụ nữ mang thai không quá 20 tuần tuổi sẽ có thể đến khám phá thai tại 110 bệnh viện và phòng khám công trên cả nước sau khi tham khảo ý kiến bác sĩ.

Quy định pháp luật về phá thai ở Đông Nam Á

Khởi đầu nhiệm kỳ không hào nhoáng của Rishi Sunak

Rishi Sunak đã trở thành thủ tướng Anh vào thứ Ba sau cuộc gặp với Vua Charles III. Ông dường như muốn mở ra một nhiệm kỳ không quá hào nhoáng và không có các ý tưởng lớn lao như những người tiền nhiệm của ông. Trong bài phát biểu tại Phố Downing, ông Sunak nói ưu tiên của ông là khôi phục sự ổn định của nước Anh trước “một cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc.” Ông hứa sẽ “sửa chữa” những “sai lầm” của Liz Truss, người tiền nhiệm với kế hoạch ngân sách đã khiến thị trường bán tháo trái phiếu và đồng bảng Anh.

Nội các của ông đầy các cựu bộ trưởng, nhiều người được giữ lại hoặc quay về các công việc trước đây của họ, bao gồm ngoại trưởng James Cleverly và bộ trưởng nội vụ Suella Braverman. Văn phòng của ông muốn các vị trí này thể hiện sự thống nhất, kinh nghiệm và tính tiếp nối. Nhưng nó cũng cho thấy – sau khi hai người tiền nhiệm của ông liên tiếp bị phế truất – ông Sunak muốn thêm bạn bớt thù.

Giai đoạn khó khăn của Deutsche Bank

Hồi tháng 4, Deutsche Bank báo cáo lợi nhuận quý cao nhất gần một thập niên sau nhiều năm vướng vào bê bối pháp lý và phải bán phá giá tài sản không mong muốn để cắt lỗ. Nhưng chỉ trong vòng 48 giờ sau đó, cảnh sát đột kích trụ sở ngân hàng ở Frankfurt để điều tra một vụ rửa tiền khác. Thứ Tư này là ngày công bố kết quả tiếp theo của DB. Nhờ lãi suất tăng, hãng dự kiến sẽ ghi nhận quý thứ chín liên tiếp có lãi.

Nhưng bấy nhiêu là không đủ để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư (cảnh sát lại đột kích vào tháng 5, và một lần nữa vào tuần trước liên quan đến một vụ gian lận thuế). Giá cổ phiếu của ngân hàng hiện dao động thấp hơn khoảng 1/5 so với một năm trước. Ngoài ra còn có những khó khăn khác: hồi tháng 7, DB đã từ bỏ mục tiêu cắt giảm chi phí với lý do “không lường trước được” chi phí của chiến tranh Ukraine và các chi phí kiện tụng. Quý vừa qua có lẽ cũng không quá lạc quan.