Tác giả: Hồ Bạch Thảo
Trong cuộc xâm lăng nước ta dưới thời nhà Hồ, Liễu Thăng chiếm công đầu; đến năm Tuyên Đức thứ 2 [1427], lại được giao chức Tổng binh, cứu viện Vương Thông. Ỷ binh hùng, tướng mạnh, có thể chiến thắng một cách dễ dàng, nên thái độ y đầy kiêu ngạo. Biết rõ tâm lý, Bình Định Vương Lê Lợi sai sứ nghênh đón tận quan ải, mong bãi binh, và dâng thư xin qui phụ. Theo tư liệu sưu tầm đựợc, có 2 thư gửi cho Liễu Thăng; một bản do Trần Cảo đứng tên, nhan đề “Thư Gửi Liễu Thăng”, xuất xứ từ Quân Trung Từ Mệnh Tập, b 6, đã đăng tại phần trên; một bản đứng tên Lê Lợi, xuất xứ từ Minh Thực Lục, đăng dưới đây. Với thái độ ngạo mạn, y không thèm xem qua thư, cho chuyển thẳng về triều, rồi điều quân tiến gấp:
“Ngày 28 tháng 10 năm Tuyên Đức thứ 2 [16/11/1427]. Hồng lô tự tâu trình Thiên tử bức thư của Lê Lợi gửi qua quan Tổng binh An viễn hầu Liễu Thăng. Thư như sau:
“Kẻ hèn này được nghe thầy Mạnh Tử dạy: Duy bậc nhân mới có thể dùng đức người trên vỗ về kẻ dưới; kẻ trí lấy lễ người dưới để thờ người trên. Lấy đức người trên vỗ về kẻ dưới là vui với đạo trời, lấy lễ kẻ dưới thờ người trên là sợ trời.
Trước đây khi Thái tổ Hoàng đế mới lên ngôi báu, tiên Quốc vương nước An Nam là nước đầu tiên đến triều cống; được đặc biệt khen thưởng và ban tước Vương, đời đời giữ đất, triều cống không khuyết. Từ khi Lê Quí Ly làm điều thoán nghịch, lật cả một dòng họ, trên thì lừa dối triều đình, dưới hành hạ dân khổ. Thái tông Hoàng đế hưng sư thảo phạt, một lần ra quân đều bình định, ban chiếu tìm con cháu nhà Trần để phụng thừa tổ miếu. Bấy giờ vì lâm vào cảnh độc hại của Quí Ly, con cháu họ Trần đều phiêu dạt trốn tránh nơi xa xôi, nên nhất thời không tìm ra được.
Nay con cháu họ Trần có người tên Cảo, trốn tránh tại Lão Qua đã 20 năm. Người trong nước không quên ân trạch của Tiên vương, tìm Cảo tại chốn ky lữ, muốn được Cảo kế thừa tổ tiên. Trăm vạn tấm lòng không hẹn cùng đồng lòng, do vậy bọn Lợi không dám mạo phạm uy trời với lời ngông dại, chỉ mong được ơn Thiên tử thể theo chiếu thư của Thái tông Hoàng đế với lời ghi rõ “kế tuyệt” khiến họ Trần đã diệt lại được phục hồi, thì chẳng riêng Cảo được hưởng đại ân, mà mọi người trong nước đều được đội ơn Thiên tử vô cùng vậy.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 177)
Với việc dâng thư, nhún nhường xin bãi binh, làm tăng lòng kiêu căng của Liễu Thăng, khiến y không chút chần chừ, không chịu tuần thám nhìn ngó sau trước, coi như chỗ không người, mang quân tiến thẳng. Hậu quả không chỉ di luỵ riêng y, bị chết vì phục kích; mà cả một đạo quân hùng mạnh, chỉ còn một mình viên Chủ sự Phan Hậu chạy thoát trở về:
“Ngày 10 tháng 9 năm Tuyên Đức thứ 2 [1/10/ 1427]… Đến eo núi Đảo Mã, cùng với hơn trăm quân kỵ qua cầu; nửa chừng cầu bị sập, quân đằng sau không tiến được. Thăng rơi xuống vũng lầy, phục binh giặc nổi lên bốn phía, Thăng bị đâm chết bằng giáo; đám quân theo Thăng cũng bị giết sạch. Lúc này Hữu Tham tướng Đô đốc Thôi Tụ thu thập quan quân, chỉnh đốn đội ngũ. Cũng ngày hôm đó Lương Minh bệnh chết, lại ngày hôm sau Lý Khánh cũng chết. Rồi đến ngày hôm sau nữa, Thôi Tụ điều quan quân tiến; đến Xương Giang gặp giặc, quan quân ít giặc thì đông, cố gắng đánh nhưng giặc xua voi vào trợ chiến, nên quân loạn, Thôi Tụ bị bắt sống. Giặc hô lớn:
– “Kẻ hàng không bị giết.”
Quan quân hoặc tử trận, hoặc chạy về biên giới, không một ai hàng. Lang trung Sử An, Chủ sự Trần Dung, Lý Tông Phương đều chết vào ngày hôm đó; duy một mình Chủ sự Phan Hậu thoát trở về được.” ( Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 171)
Vua Tuyên Tông nhận được tin, đau lòng than thở, rồi cũng chẳng cứu vãn được tình hình:
“Ngày 7 tháng 11 năm Tuyên Đức thứ 2 [25/11/1427]. Dịch trạm báo rằng An viễn hầu Liễu Thăng chết vào tay giặc. Thiên tử phán rằng:
“Trẫm nghĩ rằng Thăng trước đây từng ở tại Giao Chỉ, biết rõ địa thế và lòng người, nên dùng vào việc. Nhưng lại lo rằng tính tự thị sức mạnh và kiêu, nên dặn kỹ phải cẩn thận. Còn giặc thì cũng chẳng có mưu mô gì khác lạ, chỉ đặt phục binh và trá hàng để dụ địch. Việc này ắt Thăng không nghe lời Trẫm, nên đến nỗi thất bại; đó là Thăng đã phụ lòng của Trẫm.” Thiên tử than van mãi!” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 183)
Sau khi biết tin viện binh của Liễu Thăng hoàn toàn thảm bại, không còn cơ hội nào khác; Vua Tuyên Tông đành thể theo bức thư của Vua Lê Lợi, dùng Trần Cảo để phục hồi lại nhà Trần, nhắm chấm dứt chiến tranh. Bèn sai hai viên tướng hiệu mang sắc ra lệnh bọn Thành Sơn hầu Vương Thông suất lãnh quan quân cùng mọi người trở về nước:
“Ngày 1 tháng 11 năm Tuyên Đức thứ 2 [19/11/1427]. Sai Đô Chỉ huy Trương Khải, Chỉ huy Thiêm sự Điền Khoan mang sắc dụ bọn quan Tổng binh Thành sơn hầu Vương Thông, Hữu Tham tướng Đô đốc Mã Ánh rằng:
“Nhân quan Tổng binh An viễn hầu Liễu Thăng tiến đến An Nam, nên nhận được thư của bọn Đầu mục Lê Lợi, cùng cháu đích tôn của Vương An Nam trước là Trần Cảo khẩn khoản xin phục hồi họ Trần để nối dõi, lời thiết tha hợp với lòng Trẫm. Trẫm là chúa thiên hạ, đều muốn cho dân trong bốn biển vạn nước được an cư lạc nghiệp, há nỡ để cho Giao Chỉ riêng chịu cảnh tệ hại. Gần đây dân nước này không yên, cũng do quan lại cai trị sai, ngược đãi; xét về bản tâm cũng có chỗ đáng thương. Nay đều chấp nhận theo lời xin, đặc biệt ban chiếu xá tội cùng canh tân. Sắc đến, bọn ngươi hãy suất lãnh quan quân cùng mọi người trở về!” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 183)
Nhưng Vương Thông lâm vào tình thế sợ địch hơn sợ Vua; bị áp lực quân ta, nên không đợi sắc chỉ của triều đình đến nơi, tự tiện mang quân về:
“Ngày 17 tháng 12 năm Tuyên Đức thứ 2 [3/1/1428]. Bọn quan Tổng binh Giao Chỉ Thành sơn hầu Vương Thông đã thề ước với Lê Lợi, cùng nghe lời Lợi đem tờ biểu của Trần Cảo tâu lên. Ngày hôm nay Thông không đợi mệnh của triều đình mang quân ra khỏi Giao Chỉ đi đường bộ về Quảng Tây; bọn Thái giám Sơn Thọ cùng Trần Trí theo đường thủy về châu Khâm. Phàm các quan viên văn võ thuộc tam Ty Giao Chỉ, quân dưới cờ, lại, thừa sai cùng gia thuộc trở về gồm 86.640 người. Cũng còn một số bị Lợi lưu lại chưa cho đi.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 184)
Sau khi trở về đến Quảng Tây, Vương Thông cố đem lời trần tình rằng trong thành quân ít, lòng người kinh sợ, chí không vững; các đường thủy bộ quan trọng đều bị địch chiếm; nếu thành mất, không khỏi phải hưng binh một lần nữa. Nhưng Vua Tuyên Tông không tha, kết tội Thông tự tiện liên lạc với giặc, không đợi mệnh lệnh của triều đình mang quân trở về, không còn theo lễ bề tôi nữa:
“Ngày 8 tháng 2 năm Tuyên Đức thứ 3 [22/2/1428]. Bọn quan Tổng binh Giao Chỉ Thành sơn hầu Vương Thông sai người đến tâu rằng:
‘Năm ngoái Lê Lợi tấn công và vây thành Giao Chỉ, Thần mang quân đánh, mấy lần thắng, chém bọn Tư đồ ngụy Lê Trĩ [Lê Triện], bắt sống bọn Tư không ngụy Đinh Lễ, cùng đuổi hàng vạn giặc đến sông Phú Lương, chết trôi nhiều không kể xiết, giặc sợ không dám đánh tiếp. Gần đây Lê Lợi tập trung dân bản xứ, tự phong ngụy Vương để làm vững lòng dân chúng, bất ngờ mang đại quân vượt sông xâm lược. Bọn thần mong đại quân đến tăng viện gấp, lại nghe An viễn hầu Liễu Thăng đến quan ải Trấn Di tử trận, Bảo định bá Lương Minh, Thượng thư Lý Khánh đều bị bệnh chết, Đô đốc Thôi Tụ mang quân tới Xương Giang thì bị giặc tập kích, Kiềm quốc công, Tân ninh bá đến châu Qui Hóa bị giặc ngăn trở không tiến được.
Thần đôn đốc ngày đêm công kích, Lê Lợi sợ triều đình lại mang đại quân đến đánh bắt, bèn sai người đưa thư xin hàng, lại đem đầu mục lớn nhỏ đến cửa quân chịu tội, cùng ngụy Vương Trần Cảo sai người dâng biểu trần tình tạ tội, cống người vàng, người bạc thay thân. Lại tiễn Đô đốc Thái Phúc, Đô Chỉ huy Lỗ Tăng đưa 13.391 người cùng 1.200 lừa ngựa về kinh trước, xin toàn bộ ban sư; kế tiếp lại sai con cháu đến cửa quân nạp lễ xin qui thuận triều đình.
Thần trộm nghĩ phụng mệnh diệt giặc, đáng dốc lòng trung thành liều chết để đợi viện binh, nhưng trong thành quân ít, lòng người kinh sợ, chí không vững; bọn giặc lại điên cuồng giảo hoạt hơn trước, các đường thủy bộ quan trọng đều bị chúng chiếm, cho dù có viện binh cũng khó đến ngay được. Nếu thành trì bị hãm, không khỏi phải hưng binh một lần nữa; vì một góc đất mà mệt nhọc nhiều người trong thiên hạ, khiến đấng quân phụ phải lo, không hợp với lòng trung thành của kẻ thần tử. Thần và chúng quan bàn rằng nhân cơ hội này, chỉnh đốn quân lữ, vượt trở về đất sống rồi tái mưu đồ hậu sự. Thần đã đốc suất các nha lại trực thuộc Giao Chỉ cùng quan quân trở về Nam Ninh, Quảng Tây để phục mệnh, và trông đợi Hoàng thượng xét Trần Cảo có đúng danh nghĩa con cháu nhà Trần không; sai sứ qua lại xem xét, nếu có sự giả mạo, xin lượng cho thêm quân mã thủy bộ chia đường cùng tiến thảo; nếu còn một lần nữa không có hiệu quả, bọn thần xin chịu tru lục. Kính cẩn phủ phục đợi mệnh.’
Thiên tử xem tờ tấu, nói với thị thần rằng:
“Quan Tổng binh ở ngoài tự tiện liên lạc với giặc, không đợi mệnh lệnh của triều đình mang quân trở về, không còn theo lễ của bề tôi nữa!” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 184)
Bấy giờ bọn Sứ thần Lý Kỳ trên đường sang nước Đại Việt, gặp Vương Thông tại Quảng Tây; cũng tâu về triều việc Vương Thông tự tiện bỏ thành mang quân trở về:
“Ngày 10 tháng 2 năm Tuyên Đức thứ 3 [24/2/1428]. Thị lang bộ Lễ Lý Kỳ, Thị lang bộ Công La Nhữ Kính tâu rằng:
‘Thành sơn hầu Vương Thông không đợi mệnh triều đình, tự tiện bỏ thành mang quân trở về. Bọn thần gặp tại Nam Ninh, Thông can bọn thần đừng đi, đợi để tâu về triều. Thần không dám nghe lời, bèn đến Long Châu để đợi người Giao Chỉ nghênh tiếp.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 187)
Nhận được lời tấu của bọn Vương Thông, Vua Tuyên Tông trách mắng nặng nề; lệnh chuyển các quân trở về đơn vị cũ, riêng bọn Thông phải về triều trình diện:
“Ngày 11 tháng 2 năm Tuyên Đức thứ 3 [25/2/1428 ]. Sắc dụ Thành sơn hầu Vương Thông, Đô đốc Mã Ánh. Nhận tờ tấu của các ngươi, được biết quan quân đã về tới Nam Ninh, Quảng Tây. Trước đây nghe tin An viễn hầu Liễu Thăng, Đô đốc Thôi Tụ bị bại; Trẫm cho rằng các ngươi sẽ đem hết dạ trung thành, tiếp tục chiến đấu không ngừng. Nghĩ rằng sinh linh có tội tình gì mà gan óc phải phơi bày nơi đất cát, nên muốn tìm kế vẹn toàn, vốn là ý nguyện của trẫm.
Mới đây nhận tờ biểu của Trần Cảo, cùng thư của Lê Lợi gửi quan Tổng binh xin lập hậu duệ họ Trần, lời lẽ phù hợp lòng Trẫm, nên sai bọn Thị lang bộ Lễ Lý Kỳ mang chiếu xá tội quân dân quan viên Giao Chỉ, lệnh con cháu nhà Trần đến trình bày sự thực để sai sứ sắc phong; lại sắc dụ các ngươi suất lãnh quan quân, cùng Trấn thủ, Nội quan, quan lại thuộc tam ty[1] trở về. Làm việc này chứng tỏ rằng không phải vì bọn giặc cường ngạnh đại binh không tiêu diệt được, mà chỉ vì không nỡ để con đỏ bị lầm than quá lâu.
Các ngươi đáng nên giữ vững thành trì để đợi mệnh lệnh của Trẫm, cớ sao thông đồng với giặc, bỏ thành trở về nước. Các ngươi lo gấp kế bảo toàn cho bản thân, còn về quốc thể thì sao; lại thất lễ vua tôi, há không bị bọn man di chê cười hay sao! Khi sắc tới, phải đưa quân lính mang về, cùng quân rã ngũ bị Lê Lợi tống về, cho trở về nguyên vệ, sở. Số quân các ngươi lãnh tại kinh đô cho trở về, những người Trần Cảo và Lê Lợi sai đến cũng được tới kinh. Lại sắc bọn Nội quan Sơn Thọ, Mã Kỳ, cùng Thông tới kinh.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 187)
Sau khi bọn Vương Thông trở về kinh đô, nhà Vua cho họp các quan đại thần tại 5 phủ, 6 bộ, cùng Đô sát viện để truy tội:
“Ngày 27 tháng 4 nhuần năm Tuyên Đức thứ 3 [9/6/1428]. Bọn quan Tổng binh Giao Chỉ Thành sơn hầu Vương Thông về đến kinh đô. Văn võ quần thần hặc tấu Thông, cùng Đô đốc Mã Ánh; bọn Sự quan Trần Trí, Lý An, Phương Chính, Bố chính sứ Dặc Khiêm; bọn Nội quan Sơn Thọ, Mã Kỳ, về tội trái mệnh tự tiện hòa với giặc, bỏ thành mang quân trở về. Thiên tử mệnh Công, Hầu; hành tại 5 phủ, 6 bộ, các nha môn Đô sát viện cùng truy tội.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 196)
Sau 3 ngày họp, quần thần đàn hạch bọn Thông phạm tội trọng, xin giam tại ngục Cẩm Y Vệ và tịch thu tài sản; nhà Vua chấp thuận:
“Ngày 29 tháng 4 nhuần năm Tuyên Đức thứ 3 [11/6/1428 ]. Công, Hầu, Bá, 5 phủ, 6 bộ, các nha môn Đô sát viện tâu rằng Vương Thông, Trần Trí, Mã Ánh, Phương Chính, Dặc Khiêm trên trái với mệnh của triều đình, tự tiện hòa với giặc, bỏ thành trở về; Sơn Thọ che chở bọn phản tặc, Mã Kỳ gây biến một phương, đều đáng chịu tội đặt vào trọng điển. Mệnh tất cả đều bỏ vào ngục Cẩm Y vệ.[2] Pháp ty lại tâu bọn Thông theo luật đáng tịch thu gia sản; Thiên tử chấp thuận.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 196)
Cũng trong một cuộc họp khác, các đại thần Công, Hầu, Bá, cùng 5 phủ 6 bộ, Đô sát viện, Đại lý tự, Cẩm y vệ hặc tấu bọn Kiềm quốc công Mộc Thạnh không hăng hái phấn đấu tiếp viện; lại dẫn binh rút lui, để cho giặc thừa cơ chém giết quan quân, bỏ cả khí giới y giáp, thành trì thất thủ. Nhà Vua tạm khoan thứ cho Thạnh; riêng đòi bọn phụ tá Thạnh như Từ Hanh, Đàm Trung về kinh đô xét hỏi:
“Ngày 16 tháng 5 năm Tuyên Đức thứ 3 [28/6/1428]. Công, Hầu, Bá, cùng 5 phủ 6 bộ, Đô sát viện, Đại lý tự, Cẩm y vệ hặc tấu Thái truyền Kiềm quốc công Mộc Thạnh, Hưng an bá Từ Hanh, Tân ninh bá Đàm Trung. Mới đây bọn ác nghiệt còn lại tại Giao Chỉ chưa yên, mệnh bọn Thạnh tổng binh cùng An viễn hầu Liễu Thăng chia đường cùng tiến, mưu tiêu diệt. Hoàng thượng đã ban sắc lưu ý họp nhau lại để làm thế ỷ dốc, giặc có thể bắt được.
Bọn Thạnh đã không tuân mệnh của Thiên tử, chần chừ rụt rè mãi đến trên 3 tháng mới đến lãnh thổ giặc, lại không tiếp xúc được với Liễu Thăng; đến nỗi giặc tự tiện dồn sức chống cự Vương sư. Khi nghe tin Thăng bi hãm, Thạnh không hăng hái phấn đấu tiếp viện, lại dẫn binh rút lui, để cho giặc thừa cơ chém giết quan quân, bỏ cả khí giới y giáp; bọn giặc tranh hoành, thành trì thất thủ. Bọn Thạnh đã làm trái với quân mệnh, nhục nước, chôn vùi quân đội; đáng làm rõ tội, để làm sáng tỏ ý thay trời thảo phạt
Thiên tử phán:
“Mộc Thạnh để đó không hỏi đến; Đô sát viện thảo văn thư cho biết như vậy. Còn Hanh, Trung thì chờ về đến đây sẽ tính.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 197)
Ngoài ra các đại thần đã nghiêm khắc đàn hặc 6 tướng hiệu gồm: Đô đốc Thái Phúc, 3 Đô chỉ huy Chu Quảng, Tiết Tụ, Vu Tán; Chỉ huy Lỗ Quý, Thiên hộ Lý Trung. Sau đó nhà Vua kết tội tử hình phơi thây ngoài chợ và tịch thu tài sản những tướng hiệu này:
“Ngày 30 tháng 5 năm Tuyên Đức thứ 3 [12/7/1428]. Thái Phúc, Chu Quảng, Tiết Tụ, Vu Tán, Lỗ Quý, Lý Trung bị xử tử. Phúc là Đô đốc; Quảng, Tụ, Tán đều giữ chức Đô Chỉ huy, Quý là Chỉ huy, Trung là Thiên hộ. Bọn Phúc trước đây tại Giao Chỉ trấn thủ Nghệ An, bị giặc vây, Phúc không đánh, lại đem bọn Quảng hàng giặc, lại chỉ cho giặc tạo chiến cụ để đánh thành Đông Quan. Lúc bấy giờ hơn 9.000 quân định đốt trại giặc, bọn Phúc lệnh Bách hộ Mưu Anh tố cáo giặc; giặc giết sạch 9.500 người, rồi đánh các thành như Xương Giang. Phúc đi thuyết dụ những người trong các thành ra hàng; đến Thanh Hóa phi ngựa đến dưới thành, kêu to rằng:
‘Thủ thành lợi dụng cơ hội đầu hàng có thể bảo tồn mạng sống, không nghe thì gan não phơi mặt đất.’
Bị bọn Tri châu La Thông chửi mắng nên bỏ đi. Nay bọn Lợi đưa bọn Phúc đến kinh sư. Mệnh Công, Hầu, Bá, 5 phủ, 6 bộ, Đô sát viện, cùng các quan 3 bốn lần hặc tội. Đều phúc tấu tội trạng, mệnh hành quyết phơi thây ngoài chợ và tịch thu gia sản.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 203)
Lại còn trường hợp trốn tránh chiến trận, như viên Đô chỉ huy thiêm sự Trương Quí bị điều sang nước Đại Việt tham chiến, bèn đào ngũ trở về quê; bị đày làm lính tại Quảng Tây:
“Ngày 5 tháng 10 năm Tuyên Đức thứ 2 [24/10/1427]. Bãi chức Hồ Quảng Đô ty Đô chỉ huy Thiêm sự Trương Quý, đày làm lính. Quý đi đánh Giao Chỉ, đào ngũ trở về, sự việc phát giác, Đô sát viện tâu rằng chiếu theo pháp luật đáng xử tội chết. Thiên tử khoan hồng tha chết, giáng làm lính.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 174)
Riêng quan quân cấp thấp, đào ngũ nhiều không kể xiết; nhà Vua đành ra lệnh chung, hẹn trong vòng 2 tháng phải trình diện tại đơn vị cũ; nếu không tuân bị xử theo quân pháp:
“Ngày 4 tháng 2 năm Tuyên Đức thứ 3 [18/2/1428]. Sắc Hồ Quảng Đô ty, Bố chánh ty, Án sát ty cùng Tuần Án Giám sát Ngự sử. Phàm quan quân đi đánh Giao Chỉ đào ngũ đều được tha tội; hạn trong vòng 2 tháng phải trở về vệ, sở cũ. Nếu vẫn tiếp tục đào ngũ không ra trình diện, bắt được chiếu theo quân pháp xử trị.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 185)
Có trường hợp trầm trọng hơn xảy ra tại tỉnh Tứ Xuyên; vệ Tùng Phan, một đơn vị tương đương với lữ đoàn ngày nay, bị điều đi tham chiến tại nước Đại Việt. Viên Thiên hộ Tiền Hoằng và quân lính không muốn đi, bèn lập mưu kích động dân tộc thiểu số Dung Nhi Kết tại vùng này làm loạn; để được ở lại dẹp loạn. Việc phát giác, viên Thiên hộ bị xử chém:
“Ngày 27 tháng 2 năm Tuyên Đức thứ 3 [12/3/1428]. Xử chém Tiền Hoằng Thiên hộ vệ Tùng Phan, biếm trích Đô Chỉ huy Cao Long làm Sự quan, bắt Hàn Chính, Đặng Giám sung quân tại Quảng Tây.
Khởi đầu Hoằng khích động Phiên man Dung Nhi Kết làm loạn. Thiên tử mệnh Chỉ huy Cẩm Y vệ Nhiệm Khải, Giám sát Ngự sử Lý Ngọc tra vấn sự thực, đến nay bọn Khải tâu rằng Phiên man làm loạn thực do Thiên hộ Tiền Hoằng khích động. Nguyên do vệ Tùng Phan mang quân đánh Giao Chỉ, quân lính sợ không muốn đi bèn mưu với Hoằng. Hoằng nói chỉ có cách là tung tin người man làm phản, Đô ty phải báo về triều, tất phải sai vệ Tùng Phan đánh dẹp và đình chỉ việc đi đánh tại Giao Chỉ. Rồi vu cáo Phiên man Dung Nhi Kết làm phản, vệ lập tức báo lên Đô ty, quả nhiên cho đình chỉ việc đi đánh Giao Chỉ và sai Chỉ huy Trần Kiệt mang binh đánh bắt. Nhưng Dung Nhi Kết thực không làm loạn, nên Tiền Hoằng thấy quan quân Đô ty đến, bèn cho người bí mật vào trại man uy hiếp và nói rằng:
– Triều đình bảo các ngươi làm loạn nên mang quân đến đánh; đưa trâu, ngựa, tài vật; bọn ta có thể giúp đình chỉ việc này.
Man Dung Nhi Kết bèn mang trâu, ngựa cho bọn chúng; nhưng khi thấy quân triều đình đến ngay biên cảnh bèn chạy vạy kết giao với các sinh Phiên[3] vùng Hắc Thủy làm loạn, chém giết quân dân; bọn Trần Kiệt đều bị giặc giết. Quân Phiên quấy nhiễu lớn, bọn Hàn Chỉnh, Cao Long dừng quân không dám tiến, chỉ miệt mài tham dâm làm dân biên giới khổ sở, nên thế giặc hoành hành, cướp phá càng lớn, để lại nhiều tàn phá.
Thiên tử phán dân Man làm loạn Trẫm vốn nghi là bị khích động, bọn Hàn Chỉnh tham dâm dưỡng giặc, ăn hối lộ tội không chối vào đâu được, bèn sắc dụ Khải chém Hoằng tại Tùng Phan, bêu đầu thị chúng, tịch thu gia sản; 20 người tòng phạm được xá tội chết để sung quân; bọn Chỉnh bị phát vãng làm lính tại Quảng Tây.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 189)
———————
[1] Tam ty: gồm Đô Chỉ huy Sứ ty, Bố chánh ty, Án sát ty.
[2] Cẩm y vệ: Là cơ quan đặc vụ thiết lập dưới thời Minh; công tác chuyên về an ninh, tình báo, bắt bớ, giam cầm.
[3] Sinh phiên: Người Trung Quốc đối với các dân tộc thiểu số cho là kém khai hóa nên gọi là Phiên. Dân Phiên ở trên núi gọi là sinh Phiên, ở miền đồng bằng gọi là thục Phiên.