Nguồn gốc hành vi sai trái của Nga (P1)

Nguồn: Boris Bondarev, “The Sources of Russian Misconduct,” Foreign Affairs, tháng 11-12/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Dưới đây là câu chuyện của một nhà ngoại giao đào tẩu khỏi điện Kremlin.

Trong vòng ba năm, mọi ngày làm việc của tôi đều bắt đầu theo cùng một cách. 7h30 sáng, tôi thức dậy, đọc báo, rồi lái xe đến Văn phòng Phái đoàn Nga tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva. Lịch trình luôn dễ dàng và có thể đoán trước, đó là hai trong số những đặc điểm nổi bật trong cuộc đời của một nhà ngoại giao Nga.

Nhưng ngày 24/02 thì khác. Khi kiểm tra điện thoại của mình, tôi đã thấy một bản tin đột ngột và đau đớn: Không quân Nga đang ném bom Ukraine. Kharkiv, Kyiv, và Odessa đang bị tấn công. Quân đội Nga đang tràn ra khỏi Crimea và tiến về phía nam thành phố Kherson. Tên lửa của Nga đã biến các tòa nhà thành đống đổ nát và buộc người dân phải chạy trốn. Tôi đã xem video về các vụ đánh bom, lắng nghe tiếng còi báo động không kích, và chứng kiến người dân chạy tán loạn.

Là một người sinh ra ở Liên Xô, cuộc tấn công vào Ukraine đối với tôi là điều gần như không thể tưởng tượng được, dù tôi đã nghe truyền thông phương Tây báo cáo rằng một cuộc xâm lược sắp xảy ra. Người Ukraine đáng ra phải là bạn thân của chúng tôi. Hai nước có nhiều điểm chung, bao gồm cả lịch sử cùng chiến đấu chống quân Đức khi còn là thành viên của cùng một liên bang. Tôi nghĩ về ca từ của một bài hát yêu nước nổi tiếng trong Thế chiến II, một bài hát mà nhiều cư dân của Liên Xô cũ vẫn thuộc lòng, “Vào ngày 22 tháng 6, chính xác vào lúc 4 giờ sáng, Kyiv bị ném bom, và chúng tôi được bảo rằng chiến tranh đã bắt đầu.” Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mô tả cuộc xâm lược Ukraine là một “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm “phi phát xít hóa” nước láng giềng của Nga. Nhưng ở Ukraine, chính Nga mới là bọn phát xít.

“Đó là khởi đầu của một kết thúc,” tôi nói với vợ mình. Chúng tôi quyết định rằng tôi phải nghỉ việc.

Từ chức đồng nghĩa với việc vứt bỏ sự nghiệp 20 năm làm nhà ngoại giao Nga, và theo đó cũng mất đi nhiều bạn bè thân thiết. Nhưng đó là điều mà tôi đã suy nghĩ từ lâu. Khi tôi gia nhập Bộ Ngoại giao Nga vào năm 2002, tình hình còn tương đối cởi mở, các nhà ngoại giao có thể trao đổi thân thiện với những người đồng cấp đến từ nước khác. Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu tiên, tôi đã thấy rõ rằng Bộ Ngoại giao Nga vẫn còn cực kỳ nhiều vấn đề. Lúc đó, Bộ không hề khuyến khích tư duy phản biện, và trong suốt thời gian tôi làm việc, Bộ ngày càng trở nên hiếu chiến. Dù sao thì tôi vẫn tiếp tục, kiềm chế sự bất hòa trong nhận thức bằng cách hy vọng rằng tôi có thể sử dụng bất cứ quyền lực nào mà tôi có để điều chỉnh hành vi quốc tế của đất nước mình. Thế nhưng, có những sự kiện có thể khiến một người chấp nhận làm những điều mà trước đây họ không dám làm.

Cuộc xâm lược Ukraine khiến người ta không thể phủ nhận rằng nước Nga đã trở nên hung bạo và đàn áp. Đó là một hành động tàn ác không thể diễn tả thành lời, được thiết kế để khiến nước láng giềng phải khuất phục và xóa bỏ bản sắc dân tộc của họ. Nó tạo cho Moscow một cái cớ để thủ tiêu phe đối lập trong nước. Giờ đây, chính phủ Nga đang cử hàng nghìn lính nhập ngũ đi giết hại người Ukraine. Cuộc chiến cho thấy Nga đã không còn độc tài và hiếu chiến, mà trở thành một nhà nước phát xít.

Nhưng đối với tôi, một trong những bài học quan trọng từ cuộc xâm lược này có liên quan đến điều mà tôi đã chứng kiến trong hai thập niên trước đó: điều gì sẽ xảy ra khi một chính phủ dần trở nên hoang tưởng bởi sự tuyên truyền của chính họ? Suốt nhiều năm, các nhà ngoại giao Nga đã được đào tạo để đối đầu với Washington và bao biện cho hành động can thiệp của nước mình ở nước ngoài bằng những lời nói dối và những lập luận không nhất quán. Chúng tôi đã được dạy phải thường xuyên dùng những lời lẽ khoa trương và lặp lại cho nước khác nghe những điều mà Điện Kremlin đã nói với chúng tôi. Nhưng sau cùng thì, đối tượng của chiến dịch tuyên truyền này không chỉ là nước ngoài, mà còn là ban lãnh đạo của chính chúng tôi. Trong các bức điện và tuyên bố, chúng tôi được yêu cầu phải nói với Điện Kremlin rằng chúng tôi đã nói cho thế giới biết về sự vĩ đại của nước Nga và đập tan các lập luận của phương Tây. Chúng tôi đã phải giấu đi mọi lời chỉ trích về các kế hoạch nguy hiểm của tổng thống. Hoạt động này diễn ra ngay cả ở cấp cao nhất của Bộ. Các đồng nghiệp của tôi ở Điện Kremlin nhiều lần nói với tôi rằng Putin thích Ngoại trưởng Sergey Lavrov vì ông ấy là người “thoải mái” khi làm việc cùng, luôn đồng ý với tổng thống và chỉ nói những gì mà tổng thống muốn nghe. Cũng không ngạc nhiên khi Putin nghĩ rằng mình sẽ không gặp khó khăn gì nếu muốn đánh bại Kyiv.

Cuộc chiến ở Ukraine là một minh chứng rõ ràng rằng các quyết định được đưa ra trong buồng kín có thể phản tác dụng như thế nào. Putin đã thất bại trong nỗ lực chinh phục Ukraine, một nhiệm vụ mà ông có thể biết là bất khả thi, nếu chính phủ của ông được thiết kế để đưa ra những đánh giá trung thực. Đối với những người làm việc trong lĩnh vực quân sự, rõ ràng là lực lượng vũ trang Nga không hùng mạnh đến mức như phương Tây lo sợ – một phần là vì những trừng phạt kinh tế mà phương Tây thực hiện sau khi Nga chiếm Crimea năm 2014 đã phát huy hiệu quả hơn mức mà các nhà hoạch định chính sách nhận ra.

Cuộc xâm lược của Điện Kremlin đã củng cố NATO, một thực thể mà nó được thiết kế để làm bẽ mặt, và dẫn đến các lệnh trừng phạt đủ mạnh để khiến nền kinh tế Nga phải thu hẹp. Nhưng các chế độ phát xít thường chính danh hoá bằng cách thực thi quyền lực, hơn là bằng cách mang lại lợi ích kinh tế. Putin quá hung hăng và xa rời thực tế đến mức suy thoái cũng khó mà ngăn cản ông ta. Để biện minh cho sự cai trị của mình, Putin muốn giành được chiến thắng vĩ đại mà ông đã hứa, và tin rằng mình có thể đạt được điều đó. Nếu ông đồng ý ngừng bắn, đó chỉ là để cho quân đội Nga nghỉ ngơi trước khi tiếp tục chiến đấu. Nếu ông giành chiến thắng ở Ukraine, Putin có thể sẽ chuyển sang tấn công một quốc gia hậu Xô Viết khác, chẳng hạn như Moldova, nơi Moscow đã chống lưng cho một khu vực ly khai.

Vì thế, chỉ có một cách để ngăn chặn nhà độc tài Nga, và đó là thực hiện điều mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã đề xuất vào tháng 4: làm Nga “suy yếu đến mức họ không thể làm những điều mà họ đã làm khi xâm lược Ukraine.” Nghe như một mục tiêu xa vời. Tuy nhiên, quân đội Nga về cơ bản đã bị suy yếu và nước này đã mất rất nhiều binh sĩ giỏi nhất của mình. Với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ NATO, Ukraine có khả năng đánh bại Nga ở phía đông và phía nam, giống như cách họ đã làm ở phía bắc.

Nếu bị đánh bại, Putin sẽ đối mặt với tình thế nguy hiểm ở quê nhà. Ông sẽ phải giải thích cho giới tinh hoa và quần chúng lý do tại sao ông lại phản bội kỳ vọng của họ. Ông sẽ phải giải thích cho gia đình của những người lính đã chết vì sao họ lại bỏ mạng mà không mang về được gì. Và do áp lực gia tăng từ các lệnh trừng phạt, ông sẽ phải làm tất cả những việc đó vào thời điểm mà hoàn cảnh của người Nga thậm chí còn tồi tệ hơn hiện tại. Ông có thể thất bại trong nhiệm vụ này, bị chống đối trên diện rộng và bị gạt sang bên lề. Ông có thể tìm kiếm một kẻ làm vật tế thần cho mình, hoặc bị lật đổ bởi các cố vấn và cấp phó mà ông đe dọa sẽ thanh trừng. Dù bằng cách nào, nếu Putin phải ra đi, nước Nga sẽ có cơ hội tái thiết thực sự — và cuối cùng từ bỏ ảo tưởng về sự vĩ đại.

NHỮNG GIẤC MƠ HÃO HUYỀN

Tôi sinh năm 1980 trong một gia đình thuộc tầng lớp trung lưu của giới trí thức Liên Xô. Cha tôi là một nhà kinh tế tại Bộ Ngoại thương, và mẹ tôi dạy tiếng Anh tại Học viện Nhà nước Moscow về Quan hệ Đối ngoại. Bà là con gái của một vị tướng chỉ huy một sư đoàn súng trường trong Thế chiến II và đã được công nhận là “Anh hùng Liên Xô.”

Chúng tôi sống trong một căn hộ lớn ở Moscow mà nhà nước tặng cho ông tôi sau chiến tranh, và chúng tôi có những cơ hội mà phần lớn cư dân Liên Xô không có. Cha tôi được bổ nhiệm một vị trí tại một công ty liên doanh Liên Xô-Thụy Sĩ, nhờ thế mà cả nhà tôi đã sống ở Thụy Sĩ vào năm 1984-1985. Đối với cha mẹ tôi, giai đoạn đó là một bước ngoặt. Họ đã trải nghiệm cảm giác sống ở một đất nước giàu có, với đủ loại tiện nghi – hàng tạp hóa, dịch vụ nha khoa chất lượng tốt – mà Liên Xô không có.

Là một nhà kinh tế học, cha tôi đã nhận thức được các vấn đề về cơ cấu của Liên Xô. Nhưng việc sống ở Tây Âu khiến ông và mẹ tôi đặt ra câu hỏi sâu hơn về hệ thống của nước mình, và họ đã rất phấn khích khi Mikhail Gorbachev phát động perestroika vào năm 1985. Hầu hết người dân Liên Xô có lẽ cũng thấy vậy. Người ta không cần phải sống ở Tây Âu thì mới nhận ra rằng các cửa hàng ở Liên Xô chỉ cung cấp một số lượng hạn chế các sản phẩm chất lượng thấp, chẳng hạn như những đôi giày khi xỏ chân vào sẽ rất đau. Người dân Liên Xô biết chính phủ đang nói dối khi họ tuyên bố dẫn đầu “nhân loại tiến bộ”.

Nhiều công dân Liên Xô tin rằng phương Tây sẽ giúp đỡ đất nước mình khi họ chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Nhưng đó chỉ là thứ hy vọng ngây thơ. Phương Tây đã không cung cấp cho Liên Xô số lượng viện trợ mà nhiều cư dân của nước này – và một số nhà kinh tế Mỹ nổi tiếng – cho là cần thiết để giải quyết những thách thức kinh tế to lớn của đất nước. Thay vào đó, phương Tây khuyến khích Điện Kremlin nhanh chóng dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát giá cả, và nhanh chóng tư nhân hóa các nguồn lực của nhà nước. Một nhóm nhỏ đã trở nên cực kỳ giàu có trong quá trình này bằng cách chiếm đoạt tài sản công. Nhưng đối với hầu hết người Nga, cái gọi là liệu pháp sốc đã dẫn đến tình trạng bần cùng hóa. Siêu lạm phát xảy ra và tuổi thọ trung bình giảm xuống. Đất nước đúng là đã trải qua một thời kỳ dân chủ hóa, nhưng phần lớn công chúng đã đánh đồng các quyền tự do mới với cảnh khốn cùng. Kết quả là địa vị của phương Tây ở Nga bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Hình ảnh của phương Tây tiếp tục sứt mẻ sau chiến dịch nhắm vào Serbia của NATO năm 1999. Đối với Nga, các vụ không kích này không phải là hoạt động để bảo vệ người thiểu số Albania, mà là hành động gây hấn của một cường quốc đối với một nạn nhân nhỏ bé. Tôi còn nhớ rất rõ cảnh mình đi ngang qua Đại sứ quán Mỹ ở Moscow một ngày sau khi một đám đông tấn công toà nhà, và nhìn thấy sơn đã bị tạt lên tường.

Là con của những bậc cha mẹ thuộc tầng lớp trung lưu — cha tôi rời công chức vào năm 1991 và bắt đầu một công việc kinh doanh nhỏ thành công — tôi đã trải qua thập niên hỗn loạn đó chỉ một cách gián tiếp. Thời niên thiếu của tôi rất bình yên, và tương lai của tôi có lẽ cũng dễ đoán. Tôi trở thành sinh viên tại trường đại học nơi mẹ tôi giảng dạy, và đặt mục tiêu làm việc trong lĩnh vực quốc tế như cha tôi. Tôi được hưởng lợi khi đến trường vào thời điểm mà người Nga còn cởi mở. Các giáo sư khuyến khích chúng tôi đọc từ nhiều nguồn khác nhau, kể cả một số nguồn trước đây đã bị cấm. Chúng tôi đã tổ chức các cuộc tranh luận trong lớp. Vào mùa hè năm 2000, tôi hào hứng đến Bộ Ngoại giao để thực tập, sẵn sàng bắt tay vào công việc mà tôi hy vọng sẽ dạy cho tôi biết về thế giới.

Một người đàn ông cùng con gái rời khỏi địa điểm xảy ra vụ tấn công bằng tên lửa của NATO ở Pristina, Kosovo, tháng 4/1999 © Goran Tomasevic / Reuters

Thực tế đã đi ngược lại những gì tôi mong đợi. Thay vì làm việc với những bậc tinh hoa trong những bộ vest kiểu cách — hình mẫu của nhà ngoại giao trong các bộ phim Liên Xô — tôi đã được hướng dẫn bởi một tập hợp những ông chú trung niên mệt mỏi, những người luôn làm các nhiệm vụ không hào hứng một cách lề mề, chẳng hạn như soạn thảo bài phát biểu cho các quan chức cấp cao hơn. Trong phần lớn thời gian, họ còn chẳng buồn làm việc. Họ chỉ ngồi hút thuốc, đọc báo, và nói về kế hoạch cuối tuần của mình. Nhiệm vụ thực tập của tôi chủ yếu là đi nhận báo và mua đồ ăn nhẹ cho họ.

Nhưng tôi vẫn quyết tham gia vào Bộ. Tôi háo hức tự mình kiếm tiền, và tôi vẫn hy vọng có thể tìm hiểu thêm về những nơi khác bằng cách đi xa khỏi Moscow. Khi được nhận vào năm 2002 để làm Trợ lý Tùy viên tại Đại sứ quán Nga ở Campuchia, tôi đã rất vui. Tôi sẽ có cơ hội sử dụng kỹ năng tiếng Khmer và kiến thức về Đông Nam Á của mình.

Vì Campuchia nằm ở vùng ngoại vi về lợi ích của Nga nên tôi có rất ít việc phải làm. Dù vậy, sinh sống ở nước ngoài vẫn là một sự nâng cấp so với sống ở Moscow. Các nhà ngoại giao làm việc bên ngoài nước Nga kiếm được nhiều tiền hơn so với những người sống trong nước. Nhân vật số hai của Đại sứ quán, Viacheslav Loukianov, đánh giá cao những cuộc thảo luận cởi mở và khuyến khích tôi bảo vệ ý kiến của mình. Thái độ của chúng tôi đối với phương Tây cũng khá giống nhau. Bộ Ngoại giao Nga luôn có khuynh hướng chống Mỹ – một đặc điểm kế thừa từ thời Liên Xô – nhưng khuynh hướng này không quá áp đảo. Các đồng nghiệp và tôi không nghĩ nhiều về NATO, và nếu có nghĩ về họ, chúng tôi thường coi tổ chức này như một đối tác. Một buổi tối nọ, tôi đi uống bia cùng một nhân viên đại sứ quán tại một quán bar dưới tầng hầm. Ở đó, chúng tôi tình cờ gặp một quan chức Mỹ, người đã mời chúng tôi uống rượu với anh ta. Ngày nay, một cuộc gặp gỡ như vậy sẽ cực kỳ căng thẳng, nhưng vào thời điểm đó, đó là cơ hội để xây dựng tình bạn.

Tuy nhiên, ngay cả khi đó, rõ ràng là văn hóa trong chính phủ Nga không hề khuyến khích tư duy độc lập — dù Loukianov đã làm điều ngược lại. Một ngày nọ, tôi được gọi đến gặp viên chức số ba của đại sứ quán, một nhà ngoại giao trung niên, trầm tính, từng tham gia Bộ Ngoại giao thời Liên Xô. Ông đưa cho tôi tin nhắn trong một bức điện từ Moscow, và yêu cầu đưa nội dung đó vào một tài liệu mà chúng tôi sẽ trao cho chính quyền Campuchia. Khi nhìn thấy vài lỗi đánh máy, tôi nói với ông rằng mình sẽ sửa chúng. “Đừng làm vậy!” ông gắt lên. “Chúng ta đã nhận điện này trực tiếp từ Moscow. Họ biết rõ hơn. Dù có sai sót thì cũng không đến lượt chúng ta sửa.” Sự việc đó là biểu tượng cho điều sẽ trở thành xu hướng ngày càng tăng trong Bộ Ngoại giao Nga: sự phục tùng không nghi ngờ đối với các nhà lãnh đạo.

NHỮNG KẺ CHỈ BIẾT VÂNG LỜI

Ở Nga, thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 là một thập niên tràn trề hy vọng. Mức thu nhập bình quân đầu người và mức sống của người dân ngày càng tăng. Putin, người đảm nhận chức vụ tổng thống vào đầu thiên niên kỷ mới, đã hứa hẹn sẽ chấm dứt sự hỗn loạn của những năm 1990.

Tuy nhiên, nhiều người Nga dần cảm thấy mệt mỏi với Putin ngay từ những năm 2000-2009. Hầu hết các trí thức coi hình ảnh lãnh đạo cứng rắn của ông là một hình ảnh từ quá khứ không được hoan nghênh, và đã có rất nhiều trường hợp tham nhũng trong nhóm quan chức cấp cao của chính phủ. Putin phản ứng với cuộc điều tra về chính quyền của mình bằng cách ngăn chặn quyền tự do ngôn luận. Vào cuối nhiệm kỳ đầu tiên, ông đã nắm quyền kiểm soát cả ba đài truyền hình chính của Nga.

Tuy nhiên, trong Bộ Ngoại giao, những động thái ban đầu của Putin lại không gây bất đồng. Ông đã bổ nhiệm Lavrov làm Ngoại trưởng vào năm 2004, một quyết định mà chúng tôi hoan nghênh. Lavrov được biết đến là người rất thông minh và có kinh nghiệm ngoại giao dày dạn, với thành tích xây dựng mối quan hệ lâu dài với các quan chức nước ngoài. Cả Putin và Lavrov ngày càng trở nên đối đầu với NATO, nhưng những thay đổi trong hành vi của họ là rất nhỏ. Nhiều nhà ngoại giao đã không để ý đến điều đó, kể cả tôi.

Tuy nhiên, khi nhìn lại, rõ ràng là Moscow khi đó đã bắt đầu đặt nền móng cho dự án đế quốc của Putin – đặc biệt là ở Ukraine. Điện Kremlin ngày càng trở nên ám ảnh với nước láng giềng kể từ sau Cách mạng Cam năm 2004-2005, khi hàng trăm nghìn người biểu tình ngăn cản ứng viên thân Nga trở thành tổng thống sau cuộc bầu cử mà nhiều người cho là gian lận. Nỗi ám ảnh này đã được phản ánh trong các chương trình truyền hình chính trị lớn của Nga, khi họ bắt đầu dành khung giờ vàng để đưa tin về Ukraine, bình luận về những nhà chức trách ‘bài Nga’ ở Ukraine. Trong 16 năm tiếp theo, ngay trước thời điểm xảy ra xâm lược, người Nga đã nghe các đài truyền hình mô tả Ukraine là một quốc gia xấu xa, bị Mỹ kiểm soát, chuyên áp bức khối dân nói tiếng Nga. (Putin dường như không thể tin rằng các quốc gia có thể thực sự hợp tác với nhau, và ông cho rằng hầu hết các đối tác thân cận nhất của Washington thực ra chỉ là những con rối của họ — bao gồm cả các thành viên còn lại của NATO).

Trong khi đó, Putin tiếp tục tìm cách củng cố quyền lực ở quê nhà. Hiến pháp Nga giới hạn tổng thống chỉ được nắm quyền hai nhiệm kỳ liên tiếp, nhưng vào năm 2008, Putin đã lập ra một kế hoạch để duy trì quyền kiểm soát của mình: ông sẽ ủng hộ đồng minh là Dmitry Medvedev tranh cử tổng thống, nếu Medvedev hứa cho Putin làm thủ tướng. Cả hai người đàn ông đã làm đúng thỏa thuận này. Suốt vài tuần đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của Medvedev, những thành viên của Bộ Ngoại giao chúng tôi thậm chí còn không biết mình nên gửi báo cáo cho ai trong số hai người này. Trên cương vị tổng thống, Medvedev được giao trọng trách chỉ đạo chính sách đối ngoại theo hiến pháp, nhưng mọi người đều hiểu rằng Putin mới là người nắm quyền lực đằng sau ngai vàng.

Cuối cùng, chúng tôi đã báo cáo cho Medvedev. Quyết định này là một trong số những diễn biến khiến tôi nghĩ rằng vị tổng thống mới của Nga có lẽ không phải là nhân vật ‘thế thân’ đơn thuần. Medvedev đã thiết lập quan hệ nồng ấm với Tổng thống Mỹ Barack Obama, gặp gỡ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ, và hợp tác với phương Tây ngay cả khi hành động đó dường như mâu thuẫn với lợi ích của Nga. Ví dụ, khi phiến quân cố gắng lật đổ chế độ Muammar al-Qaddafi ở Libya, Quân đội và Bộ Ngoại giao Nga đã phản đối nỗ lực của NATO nhằm thiết lập một vùng cấm bay tại Lybia. Qaddafi vốn dĩ có quan hệ tốt với Moscow, và đất nước chúng tôi có các khoản đầu tư vào lĩnh vực dầu mỏ của Libya, vì vậy Bộ Ngoại giao Nga không muốn phe nổi dậy giành chiến thắng. Tuy nhiên, khi Pháp, Lebanon và Vương quốc Anh – được Mỹ hậu thuẫn – trình kiến nghị trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhằm cho phép thiết lập vùng cấm bay, Medvedev đã yêu cầu chúng tôi bỏ phiếu trắng thay vì phủ quyết. (Có bằng chứng cho thấy Putin dường như không đồng ý với quyết định này.)

Công nhân gắn áp phích bầu cử có hình Putin và Medvedev lên một tòa nhà văn phòng ở Krasnodar, Nga, tháng 11/2011 © Eduard Korniyenko / Reuters

Sang năm 2011, Putin chính thức công bố kế hoạch tái tranh cử tổng thống. Medvedev – miễn cưỡng – bước sang một bên và nhận chức Thủ tướng. Những người theo chủ nghĩa tự do đã phẫn nộ. Nhiều người kêu gọi cử tri Nga hãy tẩy chay bầu cử hoặc cố tình làm hỏng lá phiếu của họ. Nhóm phản đối này chỉ chiếm một phần nhỏ dân số Nga, nên những quan điểm bất đồng của họ đã không đe dọa nghiêm trọng đến kế hoạch của Putin. Nhưng sự đối lập dù được thể hiện một cách hạn chế cũng khiến Moscow lo lắng. Do đó, Putin đã nỗ lực thúc đẩy cử tri đi bầu trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2011, để làm cho kết quả bầu cử trông có vẻ hợp pháp hơn – đây là một trong những nỗ lực nhằm thu hẹp không gian chính trị ngăn cách người dân với chính quyền của ông. Nỗ lực này đã được mở rộng sang Bộ Ngoại giao. Điện Kremlin đã giao cho đại sứ quán của tôi, và tất cả các đại sứ quán khác, nhiệm vụ kêu gọi người Nga ở nước ngoài bỏ phiếu.

Lúc đó, tôi đang làm việc ở Mông Cổ. Khi cuộc bầu cử diễn ra, tôi đã bỏ phiếu cho một đảng không phải của Putin, lo lắng rằng nếu tôi không bỏ phiếu, lá phiếu của tôi sẽ được người khác bỏ nhân danh tôi, cho Đảng Nước Nga Thống nhất của Putin. Nhưng vợ tôi, người làm việc tại đại sứ quán với tư cách là chánh văn phòng, đã tẩy chay bầu cử. Cô ấy là một trong ba nhân viên đại sứ quán không tham gia bỏ phiếu.

Vài ngày sau, lãnh đạo đại sứ quán xem qua danh sách các nhân viên bỏ phiếu trong cuộc bầu cử. Khi được nêu tên, hai người không bỏ phiếu còn lại nói rằng họ không biết rằng mình cần phải bỏ phiếu, và hứa sẽ làm như vậy trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Tuy nhiên, vợ tôi nói rằng cô ấy không muốn bỏ phiếu, và nhấn mạnh đó là quyền hiến định của cô ấy. Đáp lại, viên chức số hai của đại sứ quán đã tổ chức một chiến dịch chống lại cô. Ông ta hét vào mặt vợ tôi, buộc tội cô ấy vi phạm kỷ luật, và nói rằng cô ấy sẽ bị gắn mác “không đáng tin cậy về mặt chính trị.” Ông ta mô tả vợ tôi là “đồng phạm” của Alexei Navalny, một nhà lãnh đạo đối lập nổi tiếng. Sau khi vợ tôi tiếp tục không bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống, đại sứ đã không nói chuyện với cô ấy suốt một tuần. Còn cấp phó của ông ấy đã không nói chuyện với vợ tôi trong hơn một tháng.

(Còn tiếp một phần)

Nguồn gốc hành vi sai trái của Nga (P2)