Thế giới hôm nay: 29/11/2022

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Trung Quốc đã trải qua một cuối tuần biểu tình với quy mô chưa từng có, lên tới hàng chục nghìn người cùng phản đối các quy tắc chống dịch hà khắc. Biểu tình diễn ra ở ít nhất mười thành phố lớn, bao gồm cả Bắc Kinh và Thượng Hải, trong đó có một số người giơ giấy trắng để lên án việc bị tước đoạt quyền tự do ngôn luận. Đến thứ Hai mọi thứ dường như đã im ắng hơn. Trong khi đó, số ca nhiễm covid-19 mới đã lên mức kỷ lục là 40.000 ca.

Tổng thống Volodymyr Zelensky nói với người dân Ukraine là Nga sẽ tiếp tục tấn công khi thủ đô Kyiv chìm trong tuyết và nhiệt độ đóng băng. Hiện hàng triệu người ở thành phố này đang bị thiếu điện, nước và nhiệt sau khi tên lửa Nga phá hủy phần lớn cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine. Thị trưởng Vitali Klitschko nói mất điện có thể kéo dài cho đến mùa xuân, đồng thời cho biết sẽ tổ chức sơ tán tạm thời.

Đàm phán Nga-Mỹ về hiệp ước “New START” – nhằm quản lý kho tên lửa chiến lược của hai bên – đã bị hoãn chỉ một ngày trước khi bắt đầu. Mỹ cáo buộc Nga “đơn phương” hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh dự kiến ​​diễn ra tại Cairo, Ai Cập. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh tổng thống Vladimir Putin liên tục đem hạt nhân ra đe dọa phương Tây trong mấy tháng qua.

BlockFi, một công ty cho vay tiền điện tử được tỷ phú người Mỹ Peter Thiel hậu thuẫn, đã nộp đơn xin phá sản. Từng được định giá 4 tỷ đô la vào năm ngoái, công ty này không thể phục hồi sau vụ sụp đổ của FTX, sàn tiền điện tử đã phá sản hồi đầu tháng. Trong một diễn biến khác, tổng chưởng lý của Bahamas nói FTX vẫn là đối tượng của “một cuộc điều tra đang diễn ra.”

Rio Tinto đồng ý trả tiền bồi thường vì đã phá hủy các cấu trúc đá cổ của thổ dân Tây Úc khi xây một mỏ quặng sắt tại đây hồi năm 2020. Hai thành viên hội đồng quản trị của công ty khai thác mỏ này cũng từ chức. Con số bồi thường không được tiết lộ theo yêu cầu của các nhóm thổ dân Puutu Kunti, Kirrama và Pinikura, chủ nhân truyền thống của khu vực này, Juukan Gorge.

Hơn 80 người bị thương khi biểu tình phản đối công trình được coi là cảng nước sâu quốc tế đầu tiên của Ấn Độ. Được biết ngư dân đã đụng độ với cảnh sát. Tập đoàn Adani, chủ đầu tư xây dựng cảng biển từ năm 2015, là nguồn cơn sự tức giận của dân địa phương. Vấn đề càng thêm phức tạp khi các lực lượng Hindu ủng hộ Adani còn các giáo sĩ Ki tô giáo bị buộc tội là những kẻ âm mưu biểu tình.

Con số trong ngày: 7 triệu, là số người đã rời khỏi Venezuela trong thập niên qua, chiếm một phần tư dân số.

TIÊU ĐIỂM

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thăm Mỹ

Tổng thống Pháp sẽ đến Washington, DC, vào tối thứ Ba để tiến hành chuyến thăm cấp nhà nước thứ hai tới Mỹ (ông từng được Donald Trump đón vào năm 2018) và chuyến thăm cấp nhà nước đầy đủ đầu tiên do tổng thống Joe Biden chủ trì. Hai bên sẽ nói nhiều về quan hệ tốt đẹp của mình—cả Mỹ và Pháp đều muốn nhấn mạnh họ là đồng minh lâu đời nhất của nhau. Emmanuel Macron sẽ được đón tiếp với nghi lễ cao nhất, bao gồm cả tiệc chiêu đãi cấp nhà nước tại Nhà Trắng.

Cuộc chiến ở Ukraine và những thay đổi địa chính trị đồng nghĩa sẽ có những căng thẳng cần giải quyết. Lập trường của Pháp và Mỹ đối với Nga là giống nhau: cả hai đều kiên quyết ủng hộ Ukraine trong khi tránh leo thang và cuối cùng là ủng hộ một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột. Nhưng vấn đề gai góc nhất trước mắt là các khoản trợ cấp khổng lồ của Mỹ cho năng lượng sạch và chất bán dẫn. Châu Âu, và dĩ nhiên là Pháp, coi đây là hành vi vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế và lo ngại cho các ngành công nghiệp của chính họ, vốn đã bị vùi dập trong giá năng lượng chóng mặt. Các vấn đề mới sẽ thử thách ngay cả những đồng minh lâu đời nhất.

Tài nguyên nước toàn cầu đứng trước thách thức lớn

Vào thứ Ba, Tổ chức Khí tượng Thế giới sẽ lần đầu tiên công bố một đánh giá về tài nguyên nước toàn cầu. Tại COP27 ở Ai Cập hồi đầu tháng, các chính phủ đã ghi nhận nhu cầu “cấp thiết” đối với việc “bảo vệ, bảo tồn và khôi phục các hệ thống nước.” Ngày càng có nhiều minh chứng cho thấy khan hiếm nguồn nước có liên quan đến nhiệt độ toàn cầu tăng, cũng như việc phải quản lý nguồn cung nước để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các thảm họa thiên nhiên do nóng lên toàn cầu gây ra làm ảnh hưởng đến nguồn nước: hạn hán kéo dài hơn và thường xuyên hơn; trong khi bão và nước biển dâng làm ô nhiễm nước sinh hoạt. Biến đổi khí hậu cũng đang làm cạn kiệt nguồn nước ngọt dự trữ trong sông băng, tuyết và băng vĩnh cửu. Theo Liên Hợp Quốc, đến năm 2050 có 1,6 tỷ người sẽ phải sống cùng nguy cơ lũ lụt (tăng từ 1,2 tỷ người hiện nay), trong khi 3,2 tỷ người khác có thể sống ở các vùng khan hiếm nước (tăng từ 1,9 tỷ người năm 2010). Và thiếu nước cũng ảnh hưởng đến kinh tế: hạn hán ở Anh và châu Âu đang gây thiệt hại khoảng 9 tỷ đô la mỗi năm.

Quân đội Mỹ khó tuyển tân binh

Trong năm tài chính kết thúc vào tháng 9 năm 2022, quân đội Mỹ bị thiếu 15.000 người so với mục tiêu 60.000 tân binh. Vào ngày thứ Ba, các lãnh đạo quân đội — bao gồm Thiếu tướng Johnny Davis, người phụ trách việc tuyển quân — sẽ thảo luận về vấn đề này tại Heritage Foundation, một viện nghiên cứu ở Washington. Tại sao lại thiếu hụt? Thị trường việc làm thắt chặt đồng nghĩa người lao động có nhiều lựa chọn hơn. Và đại dịch đã khiến ​​​​tỷ lệ béo phì tăng trong khi kết quả học tập kém đi, qua đó thu nhỏ nhóm tân binh đủ điều kiện.

Nhưng quan trọng nhất là thanh niên không còn mặn mà với quân đội. Quân đội nói chỉ 9% các ứng viên đủ điều kiện thực sự muốn tham gia, mức thấp nhất 15 năm qua. Có thể màn rút quân hỗn loạn của Mỹ khỏi Afghanistan là một phần nguyên nhân. Ngoài ra là môi trường phân cực chính trị: nhiều người cánh tả coi quân đội Mỹ là ngột ngạt và lạc hậu; trong khi những người cánh hữu cáo buộc nó quá cấp tiến. Quân đội đang tăng cường tiếp cận các trường cấp ba và đại học, đồng thời cam kết thưởng cao hơn. Nếu tình hình không thay đổi, một số quân nhân dự bị có thể sẽ được gọi lại.

Pakistan có tham mưu trưởng lục quân mới

Quân đội Pakistan từ lâu đã có nhiều ảnh hưởng chính trị hơn các chính trị gia của đất nước. Nhưng việc bổ nhiệm Syed Asim Munir, người sẽ thay thế Qamar Javed Bajwa làm tham mưu trưởng lục quân vào thứ Ba, dường như ít nhiều là do chính trị đảng phái thúc đẩy. Nhiệm kỳ của tướng Munir trên cương vị là người đứng đầu cơ quan tình báo Pakistan đã bị cắt ngắn vào năm 2019 vì vụ bất hòa với cựu thủ tướng Imran Khan. Bản thân ông Khan đã bị Quốc hội lật đổ vào tháng 4 và kể từ đó luôn tìm cách làm suy yếu chính phủ của Shehbaz Sharif, người kế nhiệm ông.

Có lẽ Sharif bổ nhiệm Munir một phần vì coi ông này là đối trọng với Khan. Song uy tín của quân đội trong lòng cử tri đã bị tổn hại bởi lời cáo buộc của ông Khan rằng các lãnh đạo quân đội âm mưu với Mỹ để loại bỏ ông. Ngoài ra nhiều binh sĩ cấp dưới của quân đội lại là những người ủng hộ thầm lặng của cựu thủ tướng. Tân tham mưu trưởng lục quân sẽ phải rất nỗ lực để lấy lại niềm tin của binh sĩ dưới quyền và người dân Pakistan.