04/12/1928: “Bố già Ireland” bị ám sát bằng bom xe

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: “Irish Godfather” killed by car bomb in St. Paul, MN, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1928, “Dapper Dan” Hogan, một chủ quán rượu ở St. Paul, Minnesota, đồng thời là một trùm băng đảng khét tiếng, đã bị giết hại khi kẻ nào đó gài một quả bom xe dưới sàn chiếc Paige coupe mới của ông ta. Các bác sĩ đã làm việc cật lực để cứu ông trùm – theo tờ Morning Tribune, “những tay bảo kê, cảnh sát, và doanh nhân” xếp hàng dài tại bệnh viện để hiến máu cho người bạn xấu số của họ – nhưng Hogan đã hôn mê và qua đời vào khoảng 9 giờ tối. Đến tận hôm nay, vụ án này vẫn chưa được phá.

Hogan là trụ cột của thế giới ngầm ở Twin Cities, Minnesota. Quán rượu ở trung tâm thành phố của ông ta, Green Lantern, chuyên phục vụ (và rửa tiền cho) những tên cướp ngân hàng, những kẻ buôn lậu, những kẻ phá két, và đủ loại côn đồ. Hogan là một chuyên gia dàn xếp những tranh cãi vụn vặt, giữ cho thù hằn không vượt quá tầm kiểm soát, và theo Morning Tribune là, “kẻ giữ lửa xa khỏi thị trấn,” điều này khiến ông ta trở thành bạn của nhiều kẻ phạm pháp và là đối tác quý đối với một số người (ví dụ như vị cảnh sát trưởng mưu mô nhưng vì mục đích tốt), những người đang cố gắng giữ cho Minneapolis và St. Paul không trở thành vùng đất đẫm máu và nguy hiểm như Chicago.

Hogan và phía cảnh sát đảm bảo rằng bọn côn đồ sẽ được an toàn ở Twin Cities, miễn là những tội ác nghiêm trọng của chúng xảy ra bên ngoài ranh giới của thành phố. Dù vị trí này khiến Hogan có nhiều bạn bè hơn là kẻ thù – “lời nói của ông ‘đáng giá như một trái phiếu vàng,’” tờ báo viết, và “đối với nhiều người, ông giống như Robin Hood” – thì cũng có nhiều thành viên băng đảng phẫn nộ trước việc ông ta kìm kẹp hoạt động phi pháp ở thành phố. Cảnh sát suy đoán rằng một vài tay chân của Hogan có thể phải chịu trách nhiệm cho vụ ám sát của ông.

Như tờ báo đã đưa tin một ngày sau khi Hogan qua đời, bom xe là “hình thức giết người bằng bom mới nhất,” một ‘công nghệ giết người’ được hoàn thiện bởi bọn xã hội đen và buôn lậu ở New York. Thực ra, Hogan chính là một trong những người đầu tiên chết vì bom xe. Cuộc điều tra của cảnh sát tiết lộ rằng đã có hai người đàn ông bước vào garage của Dapper Dan lúc sáng sớm ngày 4/12, đặt một quả bom nitroglycerine vào gầm xe và nối nó vào bộ khởi động. Khi Hogan nhấn chân vào bàn đạp, quả bom phát nổ, gần như cắt lìa chân phải của ông. Ông đã chết vì mất máu.

Quả bom xe đầu tiên – nói đúng hơn là quả bom xe ngựa – phát nổ vào ngày 16/09/1920 bên ngoài văn phòng của Công ty J.P. Morgan ở khu tài chính của Thành phố New York. Mario Buda, một người Ý theo chủ nghĩa vô chính phủ, đã đặt quả bom ở đó, với hy vọng sẽ giết chết Morgan. Khi vụ nổ xảy ra, ông trùm tư bản đã ra khỏi thành phố, nhưng 40 người khác đã chết (và khoảng 200 người bị thương) trong vụ nổ. Sau đó, các vụ nổ bom xe chỉ thỉnh thoảng xảy ra – đáng chú ý nhất là ở Sài Gòn năm 1952, Algiers năm 1962, và Palermo năm 1963 – nhưng bom xe vẫn tương đối phổ biến cho đến những năm 1970 và 1980, khi chúng trở thành “thương hiệu” đáng sợ của các nhóm như Quân đội Cộng hòa Ireland và Hezbollah. Năm 1995, hai kẻ khủng bố Timothy McVeigh và Terry Nichols đã sử dụng một quả bom giấu trong xe tải Ryder để làm nổ tung Tòa nhà Liên bang Alfred P. Murrah ở Thành phố Oklahoma.