Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
OPEC và các đồng minh quyết định không thay đổi mục tiêu sản lượng để chờ xem tác động của giá trần do phương Tây áp lên dầu thô Nga. Hôm thứ Sáu, các nhà ngoại giao EU, G7 và Úc đã đồng ý áp trần giá dầu Nga ở mức 60 đô la một thùng. Nga cho biết “sẽ không chấp nhận” giá trần, song cũng nói đã chuẩn bị cho điều đó. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói chính sách này “yếu ớt” và rằng nó sẽ không gây thiệt hại “nghiêm trọng” cho Nga.
Truyền thông địa phương đưa tin Iran sẽ xóa bỏ lực lượng cảnh sát đạo đức, một dấu hiệu cho thấy chính phủ có thể đang nhượng bộ người biểu tình. Bất ổn bắt đầu từ tháng 9 sau khi Mahsa Amini, một phụ nữ 22 tuổi bị bắt vì vi phạm quy định trang phục, thiệt mạng trong tù. Hôm thứ Bảy, tổng chưởng lý Iran Mohammad Jafar Montazeri nói quốc hội đang xem xét lại luật yêu cầu phụ nữ đội khăn trùm đầu.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa sẽ không từ chức, người phát ngôn của ông cho biết, dù một ủy ban độc lập cáo buộc ông vi phạm luật chống tham nhũng khi che đậy vụ trộm khoảng 4 triệu đô la từ trang trại của mình. Ông Ramaphosa phủ nhận hành vi sai trái và người phát ngôn của ông tố báo cáo này “thiếu sót.” Các nghị sĩ quốc hội sẽ xem xét liệu có nên tiến hành thủ tục luận tội tổng thống hay không.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu nói EU phải “điều chỉnh” các quy tắc viện trợ nhà nước để đối phó với luật khí hậu của Mỹ. Các nhà lãnh đạo châu Âu lo ngại Đạo luật Giảm Lạm phát của Mỹ, trong đó trợ cấp gần 400 tỷ đô la cho các ngành công nghiệp xanh, sẽ hút đầu tư ra khỏi EU. Trong chuyến thăm Mỹ của Emmanuel Macron vào tuần trước, Joe Biden đã nói có thể có “điều chỉnh” luật để xoa dịu châu Âu.
Người biểu tình Syria đã tấn công và phóng hỏa văn phòng thống đốc ở thành phố Sweida, miền nam nước này. Báo cáo cho thấy có tiếng súng hạng nặng. Trước đó, hàng trăm người đã tập trung bên ngoài văn phòng để phản đối giá cả leo thang, nạn đói và khó khăn kinh tế, đồng thời yêu cầu tổng thống Bashar al-Assad từ chức. Cuộc nội chiến Syria đã gây ra suy thoái kinh tế nghiêm trọng ở nước này.
Urumqi, thủ phủ của khu vực Tân Cương ở tây bắc Trung Quốc, tuyên bố dỡ bỏ các hạn chế covid sau khi đối mặt với biểu tình chưa từng thấy. Là nơi khởi nguồn của làn sóng biểu tình, Urumqi sẽ mở lại các trung tâm thương mại, nhà hàng, chợ và một số địa điểm khác từ thứ Hai. Gần đây các thành phố khác ở Trung Quốc cũng đã nới lỏng hạn chế để xoa dịu người biểu tình.
Con số trong ngày: 670 tấn, là lượng vàng mà các ngân hàng trung ương đã mua vào từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay.
TIÊU ĐIỂM
Lệnh cấm nhập dầu Nga bằng đường biển của châu Âu bắt đầu có hiệu lực
Lệnh cấm của EU đối với dầu thô đi bằng đường biển của Nga sẽ có hiệu lực từ thứ Hai tuần này. Đồng thời, một kế hoạch phức tạp khác nhằm điều chỉnh thị trường năng lượng đã được thống nhất, với mục tiêu cắt triệt để dòng đô la dầu mỏ đang tài trợ cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine, trong khi vẫn tránh được cú sốc giá dầu toàn cầu.
Các nhà cung cấp tàu chở dầu và bảo hiểm ở châu Âu (bao gồm cả Anh) sẽ bị cấm hợp tác với mọi tàu chở dầu thô từ Nga đến các nước ngoài EU. Để đảm bảo lệnh cấm không làm giảm xuất khẩu của Nga và gây ra cú sốc giá dầu, Mỹ đề xuất rằng các dịch vụ trên vẫn có thể được cung cấp cho những nước ngoài EU miễn là họ mua dầu đi bằng đường biển của Nga dưới mức giá trần đã thỏa thuận. Sau nhiều tháng tranh cãi, hôm thứ Sáu, G7, Australia và EU đã đồng ý áp giá trần 60 USD/thùng. Nhưng với việc Nga từ chối tuân thủ, còn quá sớm để phương Tây tuyên bố chiến thắng.
EU-Mỹ tranh luận về đạo luật kinh tế xanh
Châu Âu từ lâu đã thúc giục Mỹ làm nhiều hơn nữa trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Dù Mỹ đã có những tiến bộ gần đây, EU vẫn chưa hài lòng. Khối này lo ngại tổng thống Joe Biden đang theo cách tiếp cận “Nước Mỹ trên hết” thay vì ưu tiên khí hậu. Đạo luật Giảm Lạm phát, chính sách nổi bật bậc nhất của ông Biden, đưa ra các ưu đãi xanh trị giá 400 tỷ đô la, nhưng cũng bao gồm trợ cấp bảo hộ cho các sản phẩm chính như ô tô điện. Cuộc họp vào thứ Hai ở Washington giữa EU và chính quyền Biden sẽ cho thấy những chỉ dấu ban đầu về cách hai bên giải quyết tranh chấp.
Luật này quy định ngoại lệ chỉ có thể được áp dụng cho các quốc gia mà Mỹ có hiệp định thương mại tự do, trong đó không bao gồm EU. Vào Chủ nhật, chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã cảnh báo EU phải “điều chỉnh” các quy tắc viện trợ nhà nước để đối phó các khoản trợ cấp xanh của Mỹ. Rõ ràng không phải là dấu hiệu tốt để mở đầu cuộc họp.
Trung Quốc giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc để kích thích kinh tế
Vào thứ Hai, ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ giải phóng 500 tỷ nhân dân tệ (72 tỷ đô la) nguồn tiền cho vay bằng cách giảm 25 điểm cơ bản đối với tỉ lệ dự trữ bắt buộc. Trong những năm gần đây, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thường xuyên cắt giảm dự trữ bắt buộc để khuyến khích cho vay nhiều hơn. Câu hỏi khó hơn là nhu cầu sẽ đến từ đâu trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc giảm tốc. Các hạn chế covid đã gây ra bất an lớn cho các công ty. Nhiều khoản đầu tư nhà máy hoặc cửa hàng mới đã bị cắt khỏi kế hoạch. Hồi tháng 10, tổng vay mới thậm chỉ giảm còn 615 tỷ nhân dân tệ, thấp hơn 211 tỷ nhân dân tệ so với năm ngoái.
Đây là điều đáng lo ngại đối với chính phủ, nhất là vì họ muốn thấy các công ty mở rộng hoạt động và xây dựng nhà máy. Cho đến khi Trung Quốc khắc phục được vấn đề covid của mình, giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc sẽ không có nhiều tác dụng.
Tòa Tối cao Mỹ xử vụ kiện về quyền đồng tính
Bốn năm sau khi bỏ qua mấu chốt của vụ kiện giữa một cặp đồng tính nam và một người thợ làm bánh theo đạo Kitô, người đã từ chối làm bánh cưới cho họ, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đang xem xét một vụ kiện khác cũng về chủ đề này. Vào thứ Hai, các thẩm phán sẽ xem xét vụ 303 Creative kiện Elenis. Câu hỏi đặt ra là: Tu Chính án thứ Nhất có cho phép một nhà thiết kế web từ chối tạo trang web cho đám cưới đồng tính nam vì lý do niềm tin của cô không cho phép hay không?
Lorie Smith, nhà thiết kế trên, cho biết “quyền tự do thiêng liêng trong suy nghĩ và tâm trí” không cho phép bang Colorado được buộc cô phải tạo ra những thông điệp mâu thuẫn với niềm tin của mình. Đáp lại, đại diện bang phản bác rằng luật chỉ yêu cầu bà Smith cung cấp dịch vụ tương tự cho khách hàng đồng tính như mọi khách hàng khác. Trong phần tranh luận, cô có thể khẳng định chỉ bán những trang web có chứa “các đoạn Kinh thánh nói rằng hôn nhân là sự kết hợp một nam một nữ” miễn là cô bán chúng “cho tất cả mọi người.” Câu hỏi hóc búa trong cuộc chiến văn hóa của Mỹ lại được đem ra: nếu một doanh nghiệp được quyền từ chối phục vụ đám cưới đồng tính, thì tại sao họ lại không thể từ chối phục vụ đám cưới khác chủng tộc.