Xã hội Mỹ tập trung quá nhiều vào chủng tộc nên lơ là vấn đề giai cấp

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: “American society is so focused on race that it is blind to class”, The Economist, 2/11/2022

Biên dịch: Phạm Quốc Hào

Sự kết thúc của chính sách tuyển sinh dựa trên ý thức chủng tộc của các trường đại học có thể là cơ hội để xây dựng một hệ thống tốt hơn

Chính sách tuyển sinh dựa trên ý thức chủng tộc của các trường đại học Mỹ có thể sắp kết thúc. Vào ngày 31 tháng 10, Tối cao pháp viện đã có hai phiên điều trần, trong đó các luật sư lập luận rằng những hành động cho phép các trường đại học ưu tiên những thí sinh thuộc một số chủng tộc hơn những thí sinh khác là vi phạm luật dân sự và Hiến pháp. Nếu nhìn vào cách đặt câu hỏi mang tính hoài nghi của các thẩm phán bảo thủ, những người nhờ Donald Trump mà hiện đang duy trì được thế đa số, thì vấn đề không phải là liệu các ưu tiên như vậy sẽ bị hạn chế, mà là liệu chúng có tồn tại được nữa hay không.

Trong hơn 40 năm, tòa đã cho phép một số phân biệt đối xử theo hướng tích cực. Nhưng điều này đã được thực thi với nhiều bất đồng. Các chiến thuật như hạn ngạch dựa trên chủng tộc, hoặc cộng điểm ưu tiên dựa trên màu da thí sinh đã bị cho là quá mức. Một biện pháp thỏa hiệp là chỉ coi chủng tộc như một phần của các tiêu chí “tuyển sinh toàn diện”, khiến tầm ảnh hưởng của nó thật khó để phát hiện. Vào năm 2003, Thẩm phán Sandra Day O’Connor tuyên bố chính sách này phải có thời hạn, và kỳ vọng rằng nó sẽ không còn cần thiết sau 25 năm kể từ thời điểm đó. Nếu tòa án đưa ra phán quyết như kì vọng vào tháng 6 năm 2023, 5 năm trước kế hoạch của bà O’Connor, thì sẽ có những tiếc nuối, nhưng sẽ gặp phải ít phản ứng dữ dội hơn việc đảo ngược phán quyết về quyền phá thai trong vụ kiện Roe v Wade. Các cuộc khảo sát cho thấy đa số người Mỹ gốc Phi, người dân California, thành viên đảng Dân chủ và người gốc Tây Ban Nha đều phản đối việc sử dụng yếu tố chủng tộc trong tuyển sinh đại học (và trong các lĩnh vực khác). Sự sụp đổ của chính sách không được lòng dân này sẽ mang đến cơ hội để xây dựng một tương lai tốt hơn.

Sự đa dạng về xuất thân của thành viên trong các tổ chức ưu tú là một mục tiêu đáng mong muốn. Tuy nhiên, khi theo đuổi nó, cần phải đánh đổi bao nhiêu với các nguyên tắc tự do khác như sự công bằng, chế độ nhân tài và cách đối xử với mọi người như những cá nhân chứ không phải hình ảnh đại diện cho bản sắc nhóm của họ? Hiện tại, quy mô của chính sách ưu tiên chủng tộc là lớn và khó có thể bảo vệ. Đứa con của hai người nhập cư Nigeria có bằng đại học có thể có nhiều lợi thế trong cuộc sống hơn là đứa trẻ của một tài xế taxi châu Á hoặc một đứa trẻ da trắng sinh ra trong nghèo đói tại vùng Appalachia. Tất cả những hoàn cảnh cá nhân như vậy đều đóng góp vào sự đa dạng chung. Tuy nhiên, theo các chế độ hiện tại, trường hợp đầu tiên thường được ưu tiên hơn những trường hợp khác.

Tuy nhiên, ưu tiên chủng tộc không phải là điều đáng lo đối với giới thượng lưu Mỹ khi xin vào các trường đại học cực kỳ chọn lọc. Vụ kiện chống lại Harvard, một trong những trường đại học đang bảo vệ chính mình trước Tối cao pháp viện, đã cho thấy mức độ lợi thế phi lý dành cho những người vốn đã có đặc quyền, những người da trắng và giàu có. 43% số sinh viên da trắng được nhận vào Harvard được hưởng một số ưu tiên tuyển sinh ngoài học thuật: là một vận động viên, con của một cựu sinh viên, hoặc là ứng viên trong danh sách đặc biệt của trưởng khoa (chẳng hạn như con của những gia đình khá giả hoặc nhà tài trợ lớn).

Một người hoài nghi có thể lập luận rằng cân bằng chủng tộc hoạt động như một tín hiệu đạo đức giả tạo để che dấu một hệ thống đặc biệt bất công. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2017 cho thấy hầu hết sinh viên đại học của Harvard đều đến từ các gia đình nằm trong top 10% thu nhập. Đại học Princeton có nhiều sinh viên từ top thu nhập 1% hơn so với số sinh viên từ nhóm 60% thu nhập dưới cùng. Trong trường hợp này, có vẻ không công bằng khi các sinh viên thiểu số — không phải những người tài trợ cho các trường —bị hoài nghi về năng lực học vấn và bằng cấp. Các hiệu trưởng và ban quản trị đại học, những người luôn tự hào về tính đa dạng trên giảng đường, nên nhìn vào cách nước Anh — một đất nước của các vị vua, hoàng hậu, hiệp sĩ và lãnh chúa — đã thúc đẩy một hệ thống đại học ít phụ thuộc vào đặc quyền của gia đình và dòng họ như thế nào.

Sự bất công trong hệ thống giáo dục Mỹ sẽ không thể được khắc phục hoàn toàn bởi một phán quyết của tòa án. Nhưng nó sẽ gây sốc cho một hệ thống cần cải cách. Tuyển sinh dựa trên hoàn cảnh cá nhân nên được chấm dứt. Các trường đại học tuyên bố rằng các khoản đóng góp của cựu sinh viên sẽ cạn dần nếu không có chính sách trên nên tìm đến Caltech, MIT và Johns Hopkins — các tổ chức giáo dục hàng đầu đã từ bỏ chính sách này, và khi bài viết này được xuất bản, vẫn duy trì được uy tín và khả năng tài chính của mình. Chính sách ưu tiên chủng tộc quá mức có lẽ sẽ cần phải được thay thế sau phán quyết của Tối cao pháp viện. Và một hệ thống dựa trên thu nhập ít gây chia rẽ xã hội hơn có thể là một lựa chọn thay thế. Điều này sẽ giúp các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn một cách hiệu quả hơn. Nó vẫn sẽ có lợi hơn cho những sinh viên Mỹ không phải da trắng và không phải gốc châu Á, bởi vì họ thường nghèo hơn, nhưng chính sách này cũng sẽ trung lập về mặt chủng tộc.

Trên một số khía cạnh, câu hỏi ai được nhận vào số ít các trường đại học ưu tú khiến người ta bị phân tâm khỏi những nguyên nhân sâu xa hơn của những bất công trong thăng tiến xã hội ở Mỹ. Việc học tập ở các khu dân cư nghèo đã trở nên rất ảm đạm ngay cả trước Covid-19. Các trường học đóng cửa kéo dài theo yêu cầu của các công đoàn giáo viên đã xóa sổ hai thập niên tiến bộ về kết quả làm bài kiểm tra của trẻ em chín tuổi, trong đó trẻ em da đen và gốc Tây Ban Nha bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Những nỗ lực giúp đỡ người nghèo nên bắt đầu từ trước khi họ được sinh ra và phải được duy trì trong suốt thời thơ ấu. Không có điều gì trong phán quyết của Tối cao pháp viện về việc xem xét yếu tố chủng tộc trong tuyển sinh đại học sẽ ảnh hưởng đến một vấn đề các cơ bản khác, đó là quá ít người Mỹ đến từ các gia đình nghèo được nuôi dưỡng và dạy dỗ đủ tốt để sẵn sàng nộp đơn vào các trường đại học. Dù phán quyết của toà là gì, thì đó vẫn là một cuộc tranh luận mà nước Mỹ cần phải có.