Nguồn: Beethoven’s Fifth Symphony given world premiere in Vienna, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Ban đầu, người ta đã không công nhận bản giao hưởng này là một trong những bản nhạc hay nhất từng được viết. Tuy nhiên, cũng cần nhớ rằng nó đã được trình diễn lần đầu tiên trong điều kiện vô cùng bất lợi. Địa điểm tổ chức buổi hòa nhạc là một nơi lạnh cóng. Phải mất hơn hai giờ trong một buổi diễn dài tổng cộng bốn giờ trước khi bản nhạc này được chơi. Và dàn nhạc ngày hôm đó đã chơi tệ đến mức nhà soạn nhạc Beethoven, người gần như bị điếc – khi đó còn giữ vai trò nhạc trưởng và nghệ sĩ piano – phải dừng buổi hòa nhạc giữa chừng và bắt đầu lại từ đầu. Nhìn chung, đó là một khởi đầu không mấy tốt đẹp cho tác phẩm sẽ sớm trở thành bản nhạc cổ điển nổi tiếng nhất thế giới: Bản Giao hưởng Số 5 cung Đô thứ, Op. 67 – thường gọi là “Bản Giao hưởng số 5”.
Cũng được công diễn vào ngày 22/12/1808 tại Theater an der Wien ở Vienna là Bản Piano Concerto Số 4 cung Sol trưởng, Op. 58 và Bản Giao hưởng Số 6 cung Fa trưởng, Op. 68 – hay “Bản Giao hưởng Đồng quê.” Dù buổi ra mắt diễn ra không mấy suôn sẻ, Bản Giao hưởng Số 5 cuối cùng vẫn được công nhận là tác phẩm tuyệt vời nhất của Beethoven cho đến thời điểm đó trong sự nghiệp của ông. Vào năm 1810, nhà phê bình E.T.A. Hoffman ca ngợi Beethoven đã vượt xa Haydn và Mozart vĩ đại với một bản nhạc “mở ra cho chúng ta một thế giới rộng lớn mênh mông…gợi lên nỗi kinh hoàng, sợ hãi, rùng rợn, và đau đớn, đồng thời đánh thức niềm khao khát vô tận vốn là bản chất của chủ nghĩa lãng mạn.”
Lời nhận xét đó cho đến nay vẫn đúng, và Bản Giao hưởng Số 5 sẽ nhanh chóng trở thành tâm điểm trong các màn trình diễn nhạc cổ điển của các dàn nhạc trên khắp thế giới. Ngoài việc là một bản nhạc kinh điển mang tính cách mạng, Bản Giao hưởng Số 5 còn được chứng minh là một tác phẩm có ảnh hưởng bền bỉ trong văn hóa đại chúng, chủ yếu nhờ mô-típ mở đầu bằng bốn nốt – ba nốt Sol ngắn, theo sau là một nốt Mi giáng dài. Nó đã được sử dụng ở Anh thời Thế chiến II, để mở đầu các chương trình phát sóng của BBC, vì nghe giống như mã Morse của chữ V, tức Victory (Chiến thắng). Còn tại Mỹ, trong thập niên disco, Walter Murphy đã sử dụng bản giao hưởng này làm nền cho bản nhạc pop đứng đầu bảng xếp hạng của ông, “A Fifth Of Beethoven.” Các nốt mở đầu của Bản giao hưởng số 5 của Beethoven đã trở thành một dấu hiệu dễ nhận biết ngay từ lần đầu tiên chúng được trình diễn trước công chúng.