Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Trung Quốc sẽ chấm dứt cách ly bắt buộc đối với người nhập cảnh từ ngày 8 tháng 1, trong bối cảnh chính phủ nước này hạ cấp phản ứng truớc Covid-19. Chủ tịch Tập Cận Bình trước đó đã nói cần có các “chiến dịch y tế yêu nước” có đối tượng chọn lọn hơn trong giai đoạn mới. Bệnh viện trên khắp đất nước được cho là đang quá tải sau khi các hạn chế covid đột ngột được dỡ bỏ.
Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết Trung Quốc đã điều 71 máy bay chiến đấu và 7 tàu hải quân tham gia “tập trận tấn công” — tức diễn tập cho xung đột — trong vùng nhận diện phòng không của hòn đảo vào Chủ nhật. Trung Quốc đã lên án một dự luật chi tiêu được Mỹ thông qua nhằm hỗ trợ quân sự cho Đài Loan, và cáo buộc hai nước này leo thang “các âm mưu thông đồng và khiêu khích.” Căng thẳng lên cao kể từ khi chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến thăm hòn đảo hồi tháng 8.
Máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công một căn cứ không quân nằm sâu trong lãnh thổ Nga, khiến 3 người thiệt mạng. Dù bị bắn hạ, chiếc drone này vẫn gây ra thiệt hại lớn. Căn cứ Engels nằm cách biên giới Nga-Ukraine 500km và được dùng làm nơi phóng tên lửa. Trong khi đó, điện Kremlin tiếp tục bắn 40 quả rocket vào các thành phố Ukraine vào ngày Giáng sinh, dù tổng thống Nga Vladimir Putin nói ông sẵn sàng đàm phán hòa bình.
Có ít nhất 55 người đã thiệt mạng sau khi vùng bờ biển phía đông nước Mỹ trải qua một trong những trận bão tuyết tồi tệ nhất nhiều thập niên qua. Hơn 17.000 chuyến bay đã bị hủy kể từ thứ Tư, gây ra thiệt hại lớn cho ngành hàng không. Trong khi đó, Bloomberg đưa tin sản xuất khí đốt tự nhiên sẽ giảm khoảng 10% so với mức trung bình vì giếng và đường ống bị đóng băng.
Hàn Quốc đã điều máy bay chiến đấu bắn cảnh cáo sau khi máy bay không người lái Triều Tiên “xâm phạm” không phận nước này. Hàn Quốc phát hiện các phương tiện trên bay vượt qua “đường giới tuyến quân sự” giữa hai nước vào sáng thứ Hai. Lần cuối cùng một máy bay không người lái của Triều Tiên được phát hiện ở Hàn Quốc là vào năm 2017, nhưng 2022 là năm kỷ lục Triều Tiên thử tên lửa.
Binyamin Netanyahu, người có liên minh cánh hữu vừa thắng đa số trong cuộc bầu cử Israel vào tháng trước, đã kêu gọi một cuộc bỏ phiếu quốc hội về chính phủ mới của ông vào thứ Năm, 29 tháng 12. Cuộc bỏ phiếu sẽ chấm dứt nhiều tuần tranh cãi chính trị trong nội bộ liên minh của ông. Nếu thành công khối này sẽ là chính phủ hữu khuynh nhất trong lịch sử đất nước và có thể làm gia tăng căng thẳng ở Bờ Tây.
Toyota xuất xưởng 833.104 xe trong tháng 11, một kỷ lục tháng, với sản lượng toàn cầu cũng cao hơn 1,5% so với tháng 11 năm ngoái. Mặc dù cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng phụ tùng ô tô do đại dịch gây ra đã phần nào giảm bớt, nhưng chi phí nguyên vật liệu cao, covid-19 ở Trung Quốc, và tình trạng thiếu chất bán dẫn vẫn đang kìm hãm sản xuất nói chung.
Con số trong ngày: 3 nghìn tỷ đô la, là tổng giá trị thị trường mất đi của năm gã khổng lồ công nghệ Mỹ trong năm 2022.
TIÊU ĐIỂM
2023: Năm chạy đà cho bầu cử tổng thống Mỹ
Nước Mỹ sẽ bước vào một kỷ nguyên chính trị mới hay một trận tái đấu đầy tẻ nhạt? Câu trả lời phụ thuộc vào những gì sẽ xảy ra với Donald Trump. Liệu ông có vượt qua được các đối thủ Cộng hòa để gặp lại Joe Biden trong trận tái đấu năm 2024? Hay các đối thủ trẻ hơn sẽ đánh bại một hoặc cả hai tổng thống để giành đề cử của đảng mình?
Chứng ái kỷ của ông Trump vẫn đang phủ bóng lên nền chính trị Mỹ, nhưng Ron DeSantis, thống đốc Florida, đã nổi lên như một nhân vật quyền lực mới của Đảng Cộng hòa. Người đồng cấp của ông ở Virginia, Glenn Youngkin, và cựu phó tổng thống Mike Pence cũng đang thu hút sự chú ý. Trong khi đó, ông Biden có thể sẽ tuyên bố tái tranh cử, bất chấp tuổi tác và tỷ lệ ủng hộ thấp. Các thống đốc Dân chủ như Gavin Newsom của California và Gretchen Whitmer của Michigan vẫn có thể thách thức, và nếu ông Biden đủ khôn ngoan để lùi bước, các quan chức chính quyền hiện tại như Kamala Harris và Pete Buttigieg sẽ bước vào cuộc đua.
Người Mỹ lo lắng cho nền dân chủ của họ, nhưng nếu hai đảng có thể đưa ra một thế hệ lãnh đạo mới, họ sẽ được nhìn thấy sức sống trong mô hình quản trị của nước mình.
Triển vọng kinh tế Mỹ trong năm tới
Nước Mỹ đang bước vào một cuộc suy thoái. Trong nửa thế kỷ qua, bất cứ khi nào lạm phát đạt tỷ lệ năm hơn 5%, thì một cuộc suy thoái sẽ xảy ra để ngăn chặn nó.
Nhưng tỷ lệ thất nghiệp hiện tại đặc biệt thấp, đồng nghĩa cuộc suy thoái sắp tới sẽ tương đối nhẹ. Và bức tranh kinh tế sẽ còn thay đổi nhiều trong năm. Áp lực lạm phát rồi cũng sẽ thuyên giảm. Đến cuối năm 2023 nhiều khả năng người ta sẽ nói về việc Cục Dự trữ Liên bang bắt đầu giảm lãi suất.
Trong khi đó, chính phủ sẽ dốc toàn lực thực hiện các chương trình đầu tư khổng lồ đã được ký thành luật trong những tháng gần đây — chất bán dẫn, xe điện, năng lượng tái tạo, v.v. Đây là một bước tiến táo bạo trong chính sách công nghiệp. Tuy nhiên chính quyền Biden đang gặp rắc rối khi các đồng minh từ Âu đến Á chỉ trích họ theo chủ nghĩa bảo hộ. Và sẽ còn nhiều thách thức trong chi tiêu để không lãng phí hàng tỷ đô la.
Vấn đề ma tuý tiếp tục phủ bóng lên Mỹ Latinh
Mối quan hệ giữa Mỹ Latinh và siêu cường phía bắc chưa bao giờ dễ dàng. Trong năm 2023, khi các nhà lãnh đạo cánh tả được bầu gần đây bắt đầu thực hiện các chính sách của họ, căng thẳng có thể gia tăng xoay quanh các câu hỏi muôn thuở về an ninh và di cư, đặc biệt là về “cuộc chiến chống ma túy” do tổng thống Richard Nixon phát động từ năm 1971.
Ý tưởng tự do hóa cocaine đang thu hút sự chú ý ở Colombia. Tổng thống cánh tả đầu tiên của đất nước, Gustavo Petro, đã ủng hộ việc đàm phán với các băng đảng, bảo vệ những người nông dân nghèo trồng cây coca, và quản lý tiêu thụ cocain cho mục đích y tế. Ngay cả một thử nghiệm nhỏ trong việc hợp pháp hóa sản xuất ma túy ở nước này đó cũng sẽ có ý nghĩa rất lớn lên “mô hình cấm” của Mỹ. Colombia sản xuất tới 60% nguồn cung cocaine trên thế giới và Bắc Mỹ là nơi tiêu thụ lớn nhất. Trong khi đó, chính phủ Mexico lại gây khó khăn cho hoạt động của Cục Chống Ma túy Hoa Kỳ, theo một cựu quan chức Mỹ. Năm mươi năm sau khi Nixon phát động cuộc chiến, Mỹ Latinh đang ít lắng nghe Mỹ hơn bao giờ hết.
Năm đầu nhiệm kỳ của tân tổng thống Brazil
Sau bốn năm thảm họa của Jair Bolsonaro, Brazil sẽ có tổng thống mới vào năm 2023: Luiz Inácio Lula da Silva, nhân vật cánh tả từng giữ chức vụ này từ năm 2003 đến 2010. Lula muốn chống biến đổi khí hậu, khôi phục tính chính danh cho các thể chế của Brazil và theo đuổi các chương trình kinh tế xã hội cánh tả.
Nhưng trước mắt ông là một đất nước chia rẽ và một nền kinh tế khó khăn. Chủ nghĩa Bolsonaro vẫn là một thế lực hùng mạnh, với tầm ảnh hưởng còn vươn xa hơn cả 2023. Để thực hiện kế hoạch giúp đỡ người nghèo, Lula sẽ muốn có ủng hộ của Quốc hội, đồng nghĩa phải phân phát quyền lợi và hứa hẹn. Đồng thời, ông phải đảm bảo với thị trường là sẽ không chi tiêu phung phí. Nếu không, lãi suất sẽ tăng và đồng tiền sẽ bị ảnh hưởng. Để giảm tỷ lệ phá rừng, ông cũng cần khôi phục các cơ quan liên bang đã bị ông Bolsonaro làm cho suy yếu. Cuối cùng, Lula phải thu hút nhiều đầu tư hơn từ các nhà tài trợ quốc tế để biến “kinh tế xanh” của Brazil từ một giấc mơ thành hiện thực.