Thế giới hôm nay: 28/12/2022

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Trung Quốc sẽ chấm dứt cách ly bắt buộc đối với người nhập cảnh từ ngày 8 tháng 1, trong bối cảnh chính phủ nước này hạ cấp phản ứng truớc Covid-19. Chủ tịch Tập Cận Bình trước đó đã nói cần có các “chiến dịch y tế yêu nước” có đối tượng chọn lọc hơn trong giai đoạn mới. Bệnh viện trên khắp đất nước được cho là đang quá tải sau khi các hạn chế covid đột ngột được dỡ bỏ. Trong khi đó, Nhật Bản thông báo rằng từ ngày 30 tháng 12 sẽ bắt buộc xét nghiệm covid âm tính đối với tất cả người nhập cảnh từ Trung Quốc đại lục.

Đài Loan thông báo kéo dài nghĩa vụ quân sự bắt buộc từ bốn tháng lên một năm khi mối đe dọa từ Trung Quốc gia tăng. Lính nghĩa vụ cũng sẽ được huấn luyện nâng cao hơn. Tổng thống Thái Anh Văn nói các quy định quân sự hiện tại là không đủ để răn đe Trung Quốc. Kế hoạch mới sẽ có hiệu lực từ tháng 1 năm 2024.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov yêu cầu Ukraine tuân theo yêu cầu của Điện Kremlin nếu không “vấn đề sẽ được quân đội Nga quyết định.” Ông Lavrov nói Ukraine phải từ bỏ các phần lãnh thổ đang bị Nga chiếm đóng. Tối hậu thư của ông được đưa ra một ngày sau khi tổng thống Vladimir Putin nói sẵn sàng đàm phán hòa bình. Trước đó, máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công một căn cứ không quân nằm sâu trong lãnh thổ Nga, làm 3 người thiệt mạng.

Dữ liệu mới cho thấy giá nhà ở Mỹ đã giảm 0,5% trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 10 khi cả bên mua và bán điều chỉnh theo lãi suất mới. Đây là tháng thứ tư liên tiếp chỉ số này giảm. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Mỹ mở cửa trở lại sau Giáng Sinh với tâm trạng lẫn lộn. Southwest Airlines, hãng hàng không đã phải hủy hàng nghìn chuyến bay trong những ngày gần đây, và Tesla, thuộc nhóm các mã bị giảm giá.

Quân đội Serbia cho biết đang ở “mức độ sẵn sàng chiến đấu cao nhất” khi căng thẳng leo thang với Kosovo. Hôm thứ Hai, lực lượng gìn giữ hòa bình nói họ đang điều tra một vụ nổ súng ở miền bắc Kosovo. Khu vực này nóng lên kể từ tháng 11 khi các đại diện của cộng đồng người Serb ở Kosovo rút lui khỏi các cơ quan chính phủ của đất nước. Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cho biết ông sẽ “thực hiện mọi biện pháp để bảo vệ người dân và gìn giữ Serbia.”

Tây Ban Nha công bố gói hỗ trợ thứ ba trong năm nay cho những người gặp khó khăn với chi phí thực phẩm và năng lượng. Trị giá tổng cộng 10 tỷ euro (10,7 tỷ USD), gói này bao gồm khoản thanh toán một lần 200 euro cho khoảng 4,2 triệu hộ gia đình thu nhập thấp và cắt giảm thêm thuế năng lượng, kéo dài đến nửa đầu năm sau. Thuế giá trị gia tăng đối với thực phẩm thiết yếu cũng sẽ được bãi bỏ.

Con số trong ngày: 47.496, là số lượng vị trí điều dưỡng cần tuyển dụng tại Cơ quan Y tế Quốc gia Anh (NHS), vốn đang đối mặt một cuộc đình công tồi tệ.

TIÊU ĐIỂM

Ukraine làm thay đổi tính toán của các bên ở Đài Loan

Khi cuộc nội chiến Trung Quốc kết thúc vào năm 1949, chế độ Quốc dân Đảng đã bị phe Cộng sản của Mao Trạch Đông đuổi chạy đến Đài Loan. Kể từ đó, mọi nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản đều tuyên bố sẽ thống nhất Đài Loan với đại lục, nhưng chưa ai quyết liệt như Tập Cận Bình, chủ tịch hiện tại của Trung Quốc. Một số tướng lĩnh Mỹ cho rằng Trung Quốc sẽ xâm lược trong thập niên tới, hoặc thậm chí là vài năm tới. Căng thẳng đã bùng lên trong năm 2022 khi chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến thăm hòn đảo. Tổng thống Joe Biden hứa sẽ hỗ trợ nếu Đài Loan bị tấn công. Và đến ngày 27 tháng 12 vừa qua, Đài Loan tuyên bố tăng thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc từ bốn tháng lên một năm.

Nhưng cuộc chiến ở Ukraine có thể ảnh hưởng đến tính toán của tất cả các bên. Mỹ hy vọng cuộc xung đột sẽ thuyết phục Đài Loan sẵn sàng tự trang bị. Các khó khăn của Nga ở Ukraine cũng sẽ khiến các lãnh đạo Trung Quốc phải ngần ngại. Nếu cuộc xâm lược Đài Loan biến thành một vũng lầy tương tự, nó sẽ gây ra hậu quả vô cùng tai hại cho Đảng Cộng sản.

Liệu Hàn Quốc và Đài Loan có vượt qua được các khó khăn kinh tế trước mắt?

Tại hai thủ đô của Hàn Quốc và Đài Loan, giá nhà trung bình hiện cao gấp 19 lần và 16 lần thu nhập của người dân địa phương. Các con số như vậy thậm chí còn cao hơn những nơi đắt đỏ nhất ở phương Tây. Nhưng các động lực gây ra bùng nổ nhà đất ở Đông Á – lãi suất toàn cầu thấp kỷ lục và tốc độ tăng trưởng mạnh của Trung Quốc – đang nhanh chóng qua đi. Và cũng như ở Mỹ, cả lạm phát lẫn lãi suất đều đang tăng.

Ngoài ra là các vấn đề khác. Giá năng lượng tăng cao đã loại bỏ thặng dư tài khoản vãng lai lành mạnh trước đây của Hàn Quốc và Đài Loan. Thâm hụt hiện nay khiến cho họ phụ thuộc nhiều hơn vào dòng vốn quốc tế, vốn rất khó đoán. Dòng vốn tháo chạy cũng có thể khiến giá bất động sản lao dốc.

Nhật Bản là một ví dụ đáng lo ngại. Giá bất động ở nước này bắt đầu giảm từ 1989-90. Tình trạng này khiến cả các tập đoàn lẫn người tiêu dùng Nhật thắt chặt chi tiêu, từ đó kìm hãm tăng trưởng kinh tế. Điều đáng lo ngại là các nước láng giềng của Nhật đang ghi nhận những điểm rất tương đồng.

Có phải sức mạnh của Trung Quốc đã đạt đỉnh?

Tại đại hội 5 năm một lần của Đảng Cộng sản hồi tháng 10, Tập Cận Bình đã giành được nhiệm kỳ thứ ba trên cương vị tổng bí thư. Ông cũng cảnh báo 2.300 đại biểu về “những cơn bão nguy hiểm” phía trước.

Nhưng vì ông Tập, Trung Quốc đang đối mặt nhiều vấn đề. Ví dụ, ông đã không chuẩn bị cho công chúng sống chung với covid-19 bằng cách dự trữ thuốc và mở rộng tiêm vắc-xin. Để rồi đến tháng này, ông đột ngột bỏ hầu hết các biện pháp kiểm soát covid, tạo ra một làn sóng ca nhiễm có nguy cơ làm quá tải hệ thống y tế.

Một nền kinh tế sa sút và những thách thức nhân khẩu học cũng khiến đảng này lo lắng. Trong nhiều năm qua tỷ lệ người già đã tăng lên, trong khi lực lượng lao động co lại. Một số người cho rằng tất cả những điều này cho thấy Trung Quốc sẽ bước vào giai đoạn thoái trào quyền lực. Một Trung Quốc tăng trưởng chậm đi sẽ có ít nguồn lực hơn để thách thức phương Tây. Nhưng một Trung Quốc yếu còn nguy hiểm hơn. Nếu họ vẫn muốn định hình lại thế giới — hoặc chiếm giữ Đài Loan — một số nhà quan sát lo ngại họ sẽ làm ngay khi còn có thể.

Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia đông dân nhất trong năm 2023

Trong năm 2023 (khoảng ngày 14 tháng 4, theo dự đoán của Liên Hợp Quốc) Ấn Độ sẽ soán ngôi Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Ngôi vị này không có nhiều giá trị, nhưng nó mang những tín hiệu quan trọng. Dân số Trung Quốc sắp giảm; trong khi dân số Ấn Độ tiếp tục tăng trong nhiều thập niên tới.

Gia tăng dân số trong độ tuổi lao động có thể giúp Ấn Độ thu hẹp khoảng cách kinh tế với Trung Quốc, vốn lớn hơn nền kinh tế Ấn Độ 6 lần. Nhưng để tận dụng tối đa lợi thế nhân khẩu học của mình, Ấn Độ sẽ phải tăng năng suất của những người trẻ tuổi. Chưa đến một nửa số người Ấn Độ trưởng thành tham gia lực lượng lao động, so với 2/3 ở Trung Quốc. Người Trung Quốc từ 25 tuổi trở lên có thời gian đi học trung bình nhiều hơn 1,5 năm so với người Ấn Độ cùng độ tuổi. Dĩ nhiên Trung Quốc sẽ không trở thành cường quốc hạng hai. Nhưng họ sẽ phải cạnh tranh vị thế siêu cường tiềm năng với Ấn Độ ngay trước cửa nhà mình.