28/01/1917: “Bạo loạn Nhà tắm” nổ ra tại Mỹ

Nguồn: The 1917 Bath Riots, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Rạng sáng ngày này năm 1917, một cô giúp việc người Mexico tên là Carmelita Torres đã quyết định phản kháng trước sự sỉ nhục mà cô phải chịu đựng mỗi sáng kể từ khi bắt đầu làm việc ở khu vực biên giới với Mỹ. Hành động phản kháng của Torres chống lại việc sử dụng hóa chất độc hại để “khử trùng” những người Mexico băng qua biên giới phía Bắc đã dẫn đến sự kiện gọi là Bạo loạn Nhà tắm (Bath Riots), một sự kiện thường bị bỏ qua trong lịch sử người Mỹ gốc Mexico (người Chicano).

Lo sợ rằng đợt bùng phát sốt phát ban vừa xảy ra tại Mexico có thể lan sang Mỹ, Cơ quan Dịch vụ Y tế Công cộng Mỹ đã tiến hành khử trùng bắt buộc đối với tất cả người Mexico vào nước này. Quá trình này vừa mang tính sỉ nhục vừa nguy hiểm –đàn ông và phụ nữ sẽ được chuyển đến các cơ sở riêng biệt, nơi họ được yêu cầu cởi bỏ quần áo (chúng sẽ được đem hấp). Trong khi đó, các nhân viên người Mỹ sẽ tiến hành kiểm tra những người vượt biên đang trong tình trạng khỏa thân và thường xuyên đổ lên người họ các hóa chất độc hại như dầu hỏa (kerosene), một phương pháp đã dẫn đến cái chết của 27 tù nhân trong Nhà tù El Paso hồi năm 1916.

Sau khi nghe nói rằng các nhân viên thường xuyên chụp ảnh những phụ nữ khỏa thân trong quá trình kiểm tra, Torres, 17 tuổi, đã từ chối rời khỏi xe khi nó dừng lại ở cơ sở biên giới Cầu Santa Fe. Torres và những người bạn của cô, hầu hết đều là nữ giúp việc trẻ tuổi, đã nhanh chóng chiếm được bốn chiếc xe đẩy, ném bất cứ thứ gì họ có thể tìm thấy vào những nhân viên người Mỹ. Một số cư dân Juárez khác đã tham gia cùng họ và bạo loạn kéo dài đến tận hôm sau, dù không có ai bị thương nặng và chỉ có một vài người bị bắt giữ.

Bất chấp vụ bạo loạn, các quan chức Mỹ vẫn tiếp tục khử trùng bằng hóa chất độc hại đến tận những năm 1950. Bên cạnh sự phẫn nộ, một hệ quả khác của quyết định này là nó vô tình truyền cảm hứng cho các phòng hơi ngạt – một thuật ngữ mà người Mỹ dùng để gọi Nhà tù El Paso vào thời điểm đó – được Đức Quốc Xã sử dụng trong Thảm sát Holocaust. Năm 1938, một tạp chí khoa học của Đức đã nghiên cứu và ca ngợi các phương pháp được sử dụng tại El Paso, bao gồm cả việc sử dụng Zyklon B. Các hóa chất và phòng hơi ngạt tương tự sẽ trở thành thành phần chính của các trại tử thần của Đức Quốc Xã.