Đối diện dân số suy giảm, Trung Quốc có thể học được gì từ Nhật Bản?

Nguồn: Howard W. French, “What China Can Learn From Japan – and Alexander the Great,” Foreign Policy, 26/01/2023

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Đã đến lúc Bắc Kinh xem xét lại mục tiêu lâu dài của mình.

Tháng 1 vừa qua, chính phủ Trung Quốc xác nhận rằng dân số nước này đã giảm lần đầu tiên kể từ cuối những năm 1950 – khi hàng triệu người chết đói trong chiến dịch Đại Nhảy vọt thảm khốc nhằm đẩy nhanh công nghiệp hóa của cựu lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông. Tuyên bố này dẫn đến một loạt các bản tin phân tích những tác động nghiêm trọng lên nước này.

Đã có lúc, chỉ riêng tờ New York Times đã có không dưới bốn bài viết về chủ đề này trên trang chủ. Tiêu đề phụ cho một bài viết về sự đảo ngược vận mệnh “không thể phủ nhận” của Trung Quốc là “Hãy quên chuyện Trung Quốc đang trỗi dậy đi. Hiểm nguy sẽ đến từ sự suy tàn của nó.”

Các thông tin xác nhận sự suy giảm dân số sắp tới của Trung Quốc và dự đoán về hậu quả của nó thường được trích dẫn trong các bài báo bao gồm việc Ấn Độ sẽ sớm vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, và sự suy giảm nhân khẩu học của Trung Quốc đồng nghĩa với việc nước này sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc vượt qua Mỹ về quy mô kinh tế nói chung, thậm chí không thể đạt được mục tiêu đó.

Bất chấp những bản tin ồn ào, và trong một số trường hợp còn cho thấy sự đắc thắng, tất cả những diễn biến và dự đoán này đã được lường trước từ lâu bởi những người theo sát xu hướng dân số toàn cầu. Tuy nhiên, đối với những người khác, cần vượt qua cơn sốc khi chứng kiến sự thay đổi bảng xếp hạng dân số toàn cầu, và suy nghĩ về những tác động của nó đối với cuộc sống hàng ngày.

Trung Quốc đã không đạt được mục tiêu (mà họ hiếm khi tuyên bố, nhưng chắc chắn đã đặt ra) là trở thành quốc gia giàu có nhất – và theo đó, được ngầm hiểu là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới. Nhưng đây là thời điểm để Bắc Kinh xem xét lại mục tiêu lâu dài của mình, và suy nghĩ một cách sáng tạo hơn bao giờ hết về những gì họ nên theo đuổi tiếp theo. Nếu làm như vậy, họ vẫn có thể tạo ra được tin tốt từ điều mà rất nhiều người đồng ý là tin xấu.

Nếu lịch sử quả thực được lặp lại, thì ví dụ hay nhất mà tôi tìm thấy cho tình hình hiện tại của Trung Quốc bắt nguồn từ thời điểm ngay trước khi New York Times giao cho tôi nhiệm vụ đưa tin về Nhật Bản, khoảng cuối thập niên 1990. Khi đọc về nước Nhật, tôi đã rất ngạc nhiên khi biết rằng, suốt nhiều năm, một trong những sự kiện chính trị và kinh tế quan trọng là khi thủ tướng Nhật Bản đương nhiệm chào đón năm mới bằng thông báo về chỉ số tăng trưởng GDP hàng năm. Thúc đẩy tăng trưởng đã trở thành một “cơn sốt quốc gia” ở Nhật Bản vào cuối những năm 1950 và trong suốt những năm 1960, và mục tiêu của Nhật Bản khi đó, giống như Trung Quốc trong những năm gần đây, là vượt qua Mỹ về tài sản quốc gia.

Tài sản bình quân đầu người của Nhật Bản đã nhanh chóng tiệm cận với Mỹ vào cuối những năm 1970, sau đó vượt qua Mỹ trong một vài năm, đạt đỉnh tương đối vào đầu thập niên 1990, trước khi giảm mạnh so với Mỹ vào nửa sau của thập niên này và không bao giờ có thể quay lại vị trí dẫn đầu hay thậm chí ngang hàng với Mỹ. Nhật Bản có lẽ không bao giờ có khả năng vượt qua Mỹ về tổng GDP, vì cả diện tích lẫn dân số của nước này đều nhỏ hơn rất nhiều.

Kể từ khi kinh tế Trung Quốc bắt đầu trỗi dậy thực sự vào những năm 1980, những người không phải là chuyên gia dường như không biết rằng nước này cũng khó có thể vượt qua Mỹ về tài sản tính theo đầu người, hệt như trường hợp Nhật Bản và tổng GDP. Nguyên nhân không chỉ đến từ thực tế rằng GDP bình quân đầu người của Trung Quốc trong suốt thế kỷ 20 thấp hơn rất nhiều so với Mỹ, mà còn vì quy mô dân số khổng lồ của họ – ở thời kỳ đỉnh cao nhân khẩu học, dân số Trung Quốc gấp hơn bốn lần so với đối thủ toàn cầu của họ. Để giúp số người này đạt đến mức tài sản bình quân của người Mỹ đòi hỏi phải tạo ra một nền kinh tế Trung Quốc lớn gấp nhiều lần so với nền kinh tế Mỹ.

Sau khi Nhật Bản đạt đến đỉnh cao và suy yếu dần trong cuộc đua mà họ tự lựa chọn với Mỹ, nước này đã rơi vào thời kỳ khủng hoảng. Suốt một thời gian dài, người Nhật đã không đặt câu hỏi về mục đích thực sự của tăng trưởng, ngoài việc trở thành kẻ đứng đầu thế giới. Họ luôn cho rằng thành tích này, tự nó, đã đủ để trở thành phần thưởng – một sự khẳng định bản sắc và văn hóa dân tộc Nhật được khao khát trong một thế giới bị phương Tây thống trị từ lâu.

Vào khoảng thời gian tôi đến Nhật, năm 1998, nước này đã có một thay đổi lớn về mục tiêu quốc gia và ý thức dân tộc, dần dần từ bỏ sự gắn bó với các thước đo vật chất về địa vị và phúc lợi như GDP, chuyển sang theo đuổi các mục tiêu khác, lành mạnh hơn nhiều. Chúng bao gồm bảo vệ môi trường, sức khỏe và tuổi thọ, bảo tồn văn hóa, phát triển kinh tế bền vững, tập trung nhiều hơn vào sự thỏa mãn tinh thần thông qua giải trí, và các vấn đề liên quan chặt chẽ đến cải thiện địa vị của phụ nữ và cải cách văn hoá nơi làm việc – dù chúng đã quá hạn từ lâu và chỉ mới được tiến hành.

Với thực tế nhân khẩu học hiện tại, Trung Quốc sẽ sớm phải bắt đầu một cuộc đại tu sâu sắc tương tự đối với các mục tiêu và giả định quốc gia của mình. Tuy nhiên, những kẻ đang đắc thắng ở Mỹ hoặc các nơi khác ở phương Tây – những người nghĩ rằng có thể chặn đứng cuộc cạnh tranh với Trung Quốc chỉ nhờ vào sự suy giảm dân số nhanh chóng của nước này trong phần còn lại của thế kỷ 21 – có thể đã sai lầm. Một quốc gia có quy mô kinh tế nhỏ hơn so với nền kinh tế Mỹ vẫn có thể tạo ra sự cạnh tranh cực kỳ khốc liệt. Hãy thử nghĩ về Nga, nền kinh tế thường được so sánh với Ý, và rõ ràng nhỏ hơn nền kinh tế của California, Texas, hoặc thậm chí New York.

Theo cùng một logic, Trung Quốc càng sớm chấp nhận sự thật rằng đối đầu giữa các cường quốc theo kiểu cũ – chi tiêu mạnh tay, liên tục cho vũ khí và sức mạnh cứng, như nước này đã làm trong những năm gần đây – sẽ khiến mức sống của phần lớn dân số Trung Quốc thấp hơn hẳn mức sống của các nước phát triển, thì sẽ càng tốt cho người dân nước này. Tất nhiên, điều đó cũng tốt hơn cho phần còn lại của thế giới, bao gồm cả Mỹ, nơi dù giàu có về tổng thể, nhưng vẫn có nhiều bộ phận dân số đang chịu cảnh thiếu thốn.

Thật vậy, Trung Quốc càng sớm tạo ra con đường riêng theo khuôn mẫu của Nhật Bản càng tốt. Thất bại trong việc đưa ra các mục tiêu quốc gia mới để thay thế mục tiêu của vài thập niên qua (xây dựng nền kinh tế lớn nhất thế giới) có nghĩa là Trung Quốc có thể lựa chọn các hướng đi khác ít hòa bình hơn để tìm kiếm tính chính danh cho đảng và cho dân tộc, mà nỗ lực chiếm Đài Loan bằng vũ lực là con đường rõ ràng nhất.

Nhưng một đường lối quốc gia mới sẽ trông như thế nào, và làm sao để đạt được nó? Bất chấp thái độ thay đổi đột ngột đối với chính sách zero-covid của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, có rất ít lý do để kỳ vọng rằng sự chuyển hướng sẽ đến từ ông, người đã sửa đổi các quy tắc của đảng để cho phép bản thân duy trì quyền lực vô thời hạn. Vì thế, tầng lớp trung lưu Trung Quốc, những người được kỳ vọng lên nắm quyền từ lâu, trở thành tác nhân thay đổi khả thi duy nhất.

Các cuộc biểu tình gần đây nhằm chống lại việc xét nghiệm COVID-19 hàng loạt, phong tỏa trên diện rộng, và hạn chế di chuyển của chính phủ, khiến hàng nghìn cư dân thuộc tầng lớp trung lưu của các thành phố Trung Quốc xuống đường, đã cho thấy rằng hành động phản kháng của tầng lớp trung lưu đang trở nên khả thi hơn bao giờ hết. Phụ nữ cũng ngày càng công khai từ chối lời kêu gọi của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ): sinh thêm con vì nghĩa vụ đối với quốc gia.

Người ta cũng có thể hình dung sự phẫn nộ của tầng lớp trung lưu – những người đang phải đối mặt với khủng hoảng trên thị trường bất động sản, nơi chứa phần lớn tài sản của họ – sẽ buộc nhà nước phải từ bỏ một số quyền kiểm soát đối với tiền tiết kiệm và thu nhập của họ, vốn đang được chính phủ chuyển vào đầu tư cho các doanh nghiệp nhà nước và các khu vực tăng trưởng tương đối thấp của nền kinh tế. Và dù chỉ gián tiếp, người ta cũng có thể hình dung khu vực tư nhân đang tìm cách giảm bớt kiểm soát và can thiệp của nhà nước. Một số doanh nhân đã làm như vậy, bằng cách di cư khỏi Trung Quốc, mang theo ý tưởng và vốn của họ.

Tập Cận Bình có thể chưa nhận ra điều đó, nhưng đảng và nhà nước mà ông lãnh đạo đang đối đầu với những lực lượng rất mạnh, những lực lượng sẽ yêu cầu Trung Quốc phải thay đổi các giả định của mình và thậm chí cải tổ mô hình kinh tế. Người ta có thể gọi những hành động này là “diễn biến hòa bình”, một thuật ngữ mà ĐCSTQ từ lâu đã sử dụng để mô tả những gì Bắc Kinh nghĩ (hoặc giả vờ nghĩ) là thành tố trong một âm mưu phức tạp của phương Tây nhằm khiến nước này đi chệch khỏi mục tiêu lịch sử chính nghĩa của riêng mình. Trên thực tế, nếu Trung Quốc muốn tiếp tục giàu có hơn, thì các yêu cầu thay đổi sẽ tiếp tục nảy sinh từ bên trong.

Vào cuối kỷ nguyên GDP-là-trên-hết tại Nhật Bản, chính phủ nước này đã duy trì tăng trưởng kinh tế theo những cách rất “nhân tạo,” bao gồm cả việc thúc đẩy ngành xây dựng – một hình thức kích thích tài khóa hoàn toàn không giúp cải thiện năng suất hoặc đảm bảo tăng trưởng trong tương lai, mà chỉ giúp làm giàu và dẫn đến sự tha hóa của các doanh nghiệp phát triển phụ thuộc vào nhà nước. Nhật Bản sau cùng đã đạt đến giai đoạn mà phần lớn bờ biển của họ chứa đầy những khối bê tông bốn chân khổng lồ “để chống sạt lở.” Vì nước này vốn dĩ đã xây xong nhiều hệ thống đường sắt và đường cao tốc hiện đại kết nối các thành phố lớn, có những con đường đẳng cấp thế giới chạy qua vùng nông thôn và nhiều cây cầu ngoạn mục không có điểm dừng, nên dường như họ chẳng còn gì nữa để làm.

Quá nhiều hoạt động kinh tế gần đây của Trung Quốc cũng diễn ra theo cách tương tự. Lý do là vì, khi đặt tăng trưởng GDP làm mục tiêu cố định và là nguồn cung cấp tính chính danh cho đảng và nhà nước, mọi sự sụt giảm trong tăng trưởng đều phải được bù đắp bằng các khoản chi tiêu bằng mọi giá dành cho đường cao tốc, đường sắt cao tốc, sân bay, và cầu mới. Một ý tưởng mang tính cách mạng đã dần hiện ra, dù Tập có nắm bắt được nó hay không, là thay vào đó, hãy bắt đầu chi tiêu cho con người.

Howard W. French là chuyên gia bình luận của Foreign Policy, giáo sư tại Trường Báo chí Sau Đại học thuộc Đại học Columbia, và là phóng viên nước ngoài lâu năm. Cuốn sách mới nhất của ông là “Born in Blackness: Africa, Africans and the Making of the Modern World, 1471 to the Second World War.”