Thế giới hôm nay: 20/02/2023

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói nước ông “rất lo ngại” về khả năng Trung Quốc cung cấp vũ khí cho Nga ở Ukraine. Ông Blinken cho biết ông đã cảnh báo Vương Nghị, người đồng cấp Trung Quốc, rằng bất kỳ sự hỗ trợ nào sẽ gây ra “hậu quả nghiêm trọng.” Hai lãnh đạo vừa gặp nhau tại Hội nghị An ninh Munich. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa các quan chức cấp cao của cả hai nước kể từ khi Mỹ bắn hạ khinh khí cầu do thám của Trung Quốc hồi đầu tháng. Trước đó, ông Vương đã mô tả phản ứng của Mỹ là “cuồng loạn và vô lý.”

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khép lại các hoạt động cứu hộ vào Chủ nhật, gần hai tuần sau trận động đất kinh hoàng xảy ra ở các tỉnh đông nam nước này và Syria. Số người chết đã vượt quá 46.000, bên cạnh nhiều người còn mất tích. WHO nói có khoảng 26 triệu người cần được cứu trợ. Riêng ở Thổ Nhĩ Kỳ có khoảng 345.000 căn hộ bị phá hủy.

Mỹ tổ chức tập trận chung với Hàn QuốcNhật Bản sau khi Triều Tiên bất ngờ bắn tên lửa đạn đạo ra biển Nhật Bản. Triều Tiên coi “cuộc thử nghiệm bất ngờ” này là bằng chứng cho thấy họ phải có “khả năng răn đe hạt nhân”. Các quan chức Triều Tiên cáo buộc Mỹ và Hàn Quốc “phá hoại ổn định khu vực.” Hàn Quốc cho biết cuộc tập trận có sự tham gia của các máy bay ném bom chiến lược thể hiện “cam kết sắt đá” của Mỹ trong việc bảo vệ bán đảo Triều Tiên.

Ramzan Kadyrov, nhà lãnh đạo thân Điện Kremlin của Cộng hòa Chechnya, tuyên bố có kế hoạch thành lập quân đội riêng của mình. Cho đến nay tập đoàn lính đánh thuê Wagner đã trở thành động lực cho cuộc xâm lược Ukraine của Nga, nhưng cũng khiến các quan chức Moscow nổi giận vì công khai chỉ trích các lãnh đạo quân sự. Ông Kadyrov ca ngợi “kết quả ấn tượng” của Wagner trên chiến trường và nói ông hy vọng một ngày nào đó sẽ cạnh tranh “nghiêm túc” với ông chủ công ty, Yevgeny Prigozhin.

Giới chức Syria cho biết ít nhất 5 người đã thiệt mạng do trúng rocket của Israel ở trung tâm thủ đô Damascus. Đây là vụ không kích đầu tiên kể từ trận động đất chết người ở tây bắc Syria hai tuần trước. Israel thường bắn tên lửa vào các mục tiêu có liên quan đến các chiến binh trung thành với Iran và Hizbullah (một đảng chính trị kiêm dân quân do Iran hậu thuẫn), nhưng không thường ở các khu dân cư. Israel vẫn chưa bình luận.

Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador ký sắc lệnh bắt đầu quốc hữu hóa trữ lượng lithium của đất nước. Ông Obrador tin rằng việc quốc hữu hóa sẽ ngăn người nước ngoài vào khai thác. Mexico có khoảng 1,7 triệu tấn khoáng sản này, vốn được dùng trong sản xuất pin xe điện. Khoảng một chục công ty nước ngoài được cấp phép để khai thác các mỏ lithium, nhưng tất cả các hợp đồng như vậy sẽ được xem xét lại.

Con số trong ngày: 48 tỷ đô la, là tổng giá trị vũ khí và viện trợ mà Mỹ đã gửi cho Ukraine dưới thời tổng thống Joe Biden.

TIÊU ĐIỂM

Tổng thống Joe Biden thăm Ba Lan

Khi ngày kỷ niệm một năm Nga xâm lược Ukraine đến gần, Joe Biden sẽ lên đường tới Ba Lan vào thứ Hai. Từ thủ đô Warsaw, cách biên giới Ukraine một khoảng cách an toàn, ông sẽ cam kết tiếp tục gửi hỗ trợ. Không rõ liệu ông có đến gần hơn nữa hay không — khác với nhiều nhà lãnh đạo phương Tây (và vợ ông), ông chưa đến thăm Ukraine. Cũng chưa biết liệu tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky, có gặp ông ở Ba Lan hay không.

Dù gì thì lịch trình chuyến thăm hai ngày của ông cũng rất bận rộn, đặc biệt là cuộc gặp người đồng cấp Ba Lan Andrzej Duda và các nhà lãnh đạo của tám thành viên phía đông của NATO. Trong khi từ chối cung cấp máy bay phản lực do Mỹ sản xuất, ông Biden sẽ khuyến khích họ tiếp tục gửi vũ khí cho Ukraine. Đổi lại, họ sẽ thúc đẩy sự hiện diện ngày càng tăng của Mỹ trong khu vực. Năm ngoái, Mỹ đã thành lập căn cứ quân sự đầu tiên ở sườn phía đông của NATO tại Ba Lan. Nhưng khi cuộc chiến bước sang năm thứ hai và mối đe dọa từ Nga ngày càng rõ rệt, các nước tiền tuyến của NATO sẽ muốn nghe nhiều cam kết hơn.

Kinh tế Nga ổn định đáng ngạc nhiên

Khi Nga xâm lược Ukraine một năm trước, nhiều người đã dự đoán nền kinh tế nước này sẽ gặp thảm họa. Phương Tây áp trừng phạt, và đồng rúp sụp đổ. Nhưng rồi kinh tế Nga tỏ ra dẻo dai một cách đáng kinh ngạc. GDP chỉ giảm 2,2% trong năm 2022, dù dự đoán ban đầu là giảm 10%. IMF hiện dự báo Nga tăng trưởng 0,3% trong năm 2023.

Ngân hàng trung ương Nga tiếp tục tỏ ra bình tĩnh, và sẽ công bố báo cáo chính sách tiền tệ mới nhất vào thứ Hai. Ngay sau khi chiến tranh bùng nổ, ngân hàng đã tăng lãi suất từ 9,5% lên 20%, cho thấy họ rất nghiêm túc trong việc giải quyết lạm phát và ngăn tình trạng rút tiền. Họ sau đó dần hạ lãi suất và giữ nó ở mức 7,5% kể từ tháng 9, cho biết lạm phát cao nhưng còn có thể kiểm soát.

Các biện pháp trừng phạt gần đây của phương Tây đối với dầu mỏ Nga lại không mấy hiệu quả, dù quyết định cấm luôn các sản phẩm tinh chế như dầu diesel ban hành trong tháng này sẽ khó tránh hơn. Nhưng bao nhiêu thiệt hại cũng sẽ không thể thuyết phục Nga ngừng chiến tranh.

Người tiêu dùng Châu Âu vẫn lạc quan

Vào thứ Hai, các số liệu niềm tin tiêu dùng mới sẽ xác nhận sự lạc quan ở khu vực đồng euro kể từ tháng 1. Giá năng lượng giảm nhờ mùa đông ấm áp và lượng khí dự trữ dồi dào, trong khi gói kích thích từ quỹ phục hồi hậu đại dịch của EU giúp thúc đẩy nền kinh tế của các nước thành viên.

Khu vực đồng euro hy vọng tránh được suy thoái trong năm nay. Tăng trưởng GDP năm ngoái dự kiến đạt 3,5%, thay vì mức 3,2% ước tính của vài tháng trước. Ủy ban châu Âu cũng đã nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2023 lên 0,9% từ mức 0,3% trong dự báo tháng 11. Tất cả các nước EU ngoại trừ Thụy Điển được dự đoán có tăng trưởng.

Nhưng còn khó khăn phía trước. Dù có giảm, lạm phát vẫn ở mức cao. Cuộc chiến ở Ukraine không có dấu hiệu sẽ sớm kết thúc. Và giá năng lượng vào mùa đông tới có thể tăng trở lại khi Trung Quốc nhanh chóng phục hồi sau zero covid, làm tăng nhu cầu khí đốt.

Air India muốn tìm lại hào quang quá khứ

Air India bắt đầu năm nay trong bê bối. Nhiều người Ấn Độ tỏ ra phẫn nộ khi có tin cho thấy một người đàn ông say rượu đã tiểu tiện lên một hành khách hạng thương gia đi cùng khoang. Đối với một số người, vụ scandal này cho thấy sự suy tàn của hãng hàng không quốc gia từng là nguồn tự hào dân tộc. Tata, tập đoàn đã mua lại Air India từ chính phủ vào năm ngoái, đang hy vọng đưa công ty trở lại vinh quang trước đây. Họ muốn đặt cược vào việc đầu tư mở rộng. Tuần trước Tata đã đặt một đơn đặt hàng kỷ lục: 470 máy bay từ Boeing và Airbus với tổng giá trị 70-80 tỷ đô la.

Vẫn còn nhiều đất cho tăng trưởng. Thị trường hàng không Ấn Độ gần phục hồi hoàn toàn sau đại dịch và dự kiến trở thành thị trường lớn thứ ba thế giới trong thập niên tới, sau Mỹ và Trung Quốc. Nhưng cạnh tranh là khốc liệt. Air India là hãng hàng không lớn thứ ba của Ấn Độ với thị phần dưới 10% trong năm 2022 và đang thua lỗ. SpiceJet, một hãng hàng không lớn khác, cũng báo cáo kết quả trong tuần này. Trong khi đó IndiGo, gã khổng lồ chiếm hơn một nửa thị trường nội địa, có lãi và đang chờ giao thêm 500 máy bay.