“Kế hoạch Ukraine” của Trung Quốc hoàn toàn rỗng tuếch

Nguồn: Giacomo Bruni và Ilaria Carrozza, “China’s Plan for Ukraine Is No Plan at All,” The Diplomat, 01/03/2023

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Tuyên bố lập trường của Trung Quốc sẽ không đóng góp gì cho hòa bình ở Ukraine, nhưng nó cung cấp những hiểu biết hữu ích về quan điểm của Bắc Kinh đối với vai trò toàn cầu của họ.

Ngày 24/02/2023, một năm sau khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraine, Trung Quốc đã công bố tài liệu “Lập trường của Trung Quốc về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine.” Theo phong cách thường thấy của Bắc Kinh, tài liệu giải thích lập trường chính thức của nước này thành 12 điểm. Những điểm này lặp lại quan điểm trước đây của Trung Quốc đối với cuộc xung đột, và vì thế, nó không đưa ra bất cứ điều gì mới về luận điệu và “sự trung lập” của Bắc Kinh. Tuy nhiên, nó vẫn mang lại một số hiểu biết hữu ích về nhận thức của chính Trung Quốc về vai trò của nước này trên trường quốc tế, cũng như vị trí của nước này đối với các động lực quyền lực toàn cầu.

Một mặt, tài liệu công khai lên án việc sử dụng vũ khí hạt nhân, kêu gọi xuống thang quân sự, và tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng một vai trò mang tính xây dựng trong những khía cạnh này. Mặt khác, tài liệu vẫn còn mơ hồ về một số vấn đề chính, củng cố nhận thức rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục không tham gia trực tiếp vào việc giải quyết xung đột.

Hơn nữa, vẫn có nhiều nghi ngờ về việc Trung Quốc trở thành trung gian hòa giải trên thực tế, nghi ngờ cả về khả năng đảm nhận vị trí trung gian hòa giải lẫn tính chính danh quốc tế của họ. Bài viết nói rằng Trung Quốc là bên thứ ba trong cuộc xung đột, nhưng chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko trong tuần qua, cũng như những suy đoán về việc Trung Quốc đang cung cấp vũ khí cho Nga, đã củng cố nghi ngờ rằng Trung Quốc không thể được coi là một trung gian hòa giải đáng tin cậy.

Tài liệu cũng tái khẳng định sự phản đối của Trung Quốc đối với các hạn chế kinh tế đơn phương, công khai kêu gọi chấm dứt các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Nhìn chung, tài liệu này một lần nữa không lên án cuộc xâm lược của Nga, mà thay vào đó, ngầm đưa ra một số dấu hiệu cho thấy kết quả sẽ tốt hơn cho Trung Quốc nếu Nga giành chiến thắng trong cuộc xung đột này.

Tiêu đề của tài liệu đã cho chúng ta biết rất nhiều về lập trường của Trung Quốc. Việc gọi cuộc xung đột là “cuộc khủng hoảng Ukraine” dự đoán rằng nó sẽ không lên án cuộc xâm lược của Nga. Tương tự, việc đề cập đến một “giải pháp chính trị” cho chúng ta biết về phạm vi thực sự của tài liệu: giải quyết xung đột bằng các thuật ngữ chính trị hơn là bằng con đường quân sự hoặc ngoại giao. Thật vậy, tài liệu này nhắc lại một số lập trường mà Trung Quốc từ lâu đã thể hiện trên trường quốc tế. Ví dụ, điểm 1 – “Tôn trọng chủ quyền của tất cả các quốc gia” – bắt nguồn từ mối quan tâm truyền thống của Trung Quốc đối với sự toàn vẹn lãnh thổ. Vấn đề này cấu thành một yếu tố chính trong bản sắc dân tộc của Trung Quốc và gắn liền với các trụ cột ý thức hệ của Đảng Cộng sản Trung Quốc, bao gồm cả “thế kỷ ô nhục.”

Đồng thời, lập luận rằng “tất cả các quốc gia, lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, giàu hay nghèo, đều là thành viên bình đẳng của cộng đồng quốc tế” nhấn mạnh nỗ lực của Trung Quốc nhằm định vị mình là nhà lãnh đạo và tiếng nói chính của các nước phương Nam, chống lại các nước bá quyền. Luận điệu chống Mỹ càng được thể hiện rõ trong việc bác bỏ các tiêu chuẩn kép, ngầm nhắc đến những hành vi bá quyền của Washington. Dù Trung Quốc tuyên bố bác bỏ “tâm lý Chiến tranh Lạnh” và việc thành lập các khối quân sự đối đầu nhau, thì bản thân Bắc Kinh lại mô tả cuộc xung đột dưới dạng một trận chiến ý thức hệ giữa Nga và NATO. Thật vậy, tài liệu xác nhận rằng Trung Quốc sát cánh với Nga trong cuộc đối đầu ý thức hệ này.

Sau đó, tài liệu đề cập đến nhu cầu nối lại các cuộc đàm phán hòa bình và thúc đẩy một giải pháp chính trị cho vấn đề này. Điểm 4 kết luận bằng cách nói rằng Trung Quốc “sẽ tiếp tục đóng một vai trò mang tính xây dựng trong vấn đề này.” Tương tự, Điểm 12 kết thúc tài liệu bằng cách khẳng định rằng Trung Quốc “ủng hộ tái thiết hậu xung đột ở các khu vực xảy ra xung đột”. Tuy nhiên, do “tình bạn không giới hạn” với Nga, Trung Quốc không phải là trung gian hòa giải thực tế giữa các bên liên quan trong cuộc xung đột này.

Điểm 3 tiếp tục củng cố lập luận xuyên suốt của tài liệu, bằng cách nói rằng “cộng đồng quốc tế nên cam kết đi theo cách tiếp cận đúng đắn nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình.” Điểm 1 nhắc đến “mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc”, còn ở Điểm 5, Trung Quốc nhấn mạnh sự cần thiết phải điều phối các nỗ lực nhân đạo thông qua Liên Hiệp Quốc. Năm điểm đầu tiên của tài liệu kết thúc với tuyên bố Trung Quốc ủng hộ việc bảo vệ dân thường và tôn trọng các quyền cơ bản của tù nhân chiến tranh. Tuy nhiên, tài liệu không cung cấp thông tin chi tiết về cách giải quyết các vấn đề quan trọng này trong thực tế.

Sáu điểm cuối cùng của tài liệu chuyển trọng tâm từ cuộc xung đột sang các động lực rộng lớn hơn nảy sinh từ đó, với trọng tâm là các vấn đề kinh tế và an ninh. Ví dụ, Trung Quốc khẳng định họ phản đối các cuộc tấn công vũ trang nhằm vào các nhà máy hạt nhân, và một lần nữa kêu gọi Liên Hiệp Quốc cùng với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế hãy đóng vai trò trung tâm. Lập trường chống lại việc sử dụng vũ khí hạt nhân được củng cố thêm ở Điểm 8, rằng “Mối đe dọa hoặc việc sử dụng vũ khí hạt nhân nên bị phản đối. Phổ biến hạt nhân phải được ngăn chặn và tránh để xảy ra khủng hoảng hạt nhân.”

Dù những điểm này xác nhận ưu tiên của Trung Quốc dành cho các giải pháp do Liên Hiệp Quốc làm trung gian, nhưng chúng đưa ra rất ít hoặc không đưa ra hướng dẫn thực tế nào về cách thực hiện các biện pháp đó. Trên giấy tờ, lập trường chính thức của Trung Quốc có thể được hiểu là một thông điệp gửi tới giới lãnh đạo Nga. Đồng thời, nó tương phản rõ ràng với những nỗ lực gần đây của chính Trung Quốc nhằm hiện đại hóa năng lực hạt nhân của chính họ, củng cố những nghi ngờ về cam kết thực sự của nước này đối với việc không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Các điểm ở phần cuối của tài liệu tiết lộ mối quan tâm của Trung Quốc đối với tác động kinh tế của cuộc xung đột. Ngoài việc kêu gọi thực hiện Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen được ký kết bởi Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, và Liên Hiệp Quốc, các điểm này còn liên quan tới tham vọng rộng hơn của Trung Quốc trong việc dẫn dắt một liên minh các quốc gia hướng tới sáng kiến an ninh lương thực toàn cầu của nước này.

Tài liệu một lần nữa lập luận rằng Trung Quốc lên án việc sử dụng các biện pháp trừng phạt đơn phương. Không ngạc nhiên, điều này cho thấy sự ủng hộ ngầm đối với các biện pháp trừng phạt do Liên Hiệp Quốc dẫn dắt, vốn không thực tế vì phía Nga sẽ phủ quyết chúng. Đồng thời, việc Trung Quốc ủng hộ duy trì các chuỗi cung ứng toàn cầu hiện tại có liên quan đến những lo ngại lớn hơn về khả năng bị loại khỏi các thị trường trọng yếu, như trường hợp kiểm soát xuất khẩu đối với chất bán dẫn mà Mỹ và các quốc gia khác đang thực hiện. Như đã nói rõ trong tài liệu, Bắc Kinh phản đối việc “sử dụng nền kinh tế thế giới như một công cụ hoặc vũ khí cho các mục đích chính trị”.

Chắc chắn, trong bối cảnh thị trường nội địa Trung Quốc bị thu hẹp, việc nước này phải đối mặt với các hạn chế kinh tế ngày một lớn trên thị trường quốc tế đang trở thành một vấn đề đáng lo ngại đối với ban lãnh đạo nước này. Nhưng bản thân Trung Quốc đã nhiều lần sử dụng các công cụ kinh tế cho các mục đích chính trị, gần đây nhất là các biện pháp trả đũa của nước này đối với Đài Loan. Do đó, quan ngại của nước này đối với việc thực thi các biện pháp trừng phạt đơn phương chống lại Nga dường như xuất phát từ lý do chính trị hơn là kinh tế.

Cuối cùng, có thể dự đoán rằng tài liệu khẳng định lập trường này không đưa ra lập luận gì mới. Trung Quốc vẫn đang cẩn trọng cân bằng giữa việc ủng hộ Nga và nỗ lực không làm xấu đi mối quan hệ vốn đã căng thẳng với các nước phương Tây. Tài liệu này chỉ lặp đi lặp lại những lập luận mà Bắc Kinh luôn thể hiện trên bình diện quốc tế, bao gồm tôn trọng chủ quyền quốc gia và luật pháp quốc tế, và quan trọng nhất, nó không đưa ra bất kỳ giải pháp cụ thể hay thiết thực nào cho cuộc xung đột. Mục tiêu chính của nó dường như là xoa dịu phương Tây và ngăn chặn những lời chỉ trích về việc Trung Quốc không chịu hành động và vẫn tiếp tục ủng hộ Putin.

Giacomo Bruni là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo (PRIO).

Ilaria Carrozza là nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo (PRIO).