Tại sao ‘lằn ranh đỏ’ là một ẩn dụ tồi trong việc đối phó với Nga?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Nigel Gould-Davies, “Putin Has No Red Lines,” New York Times, 01/01/2023

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

“Lằn ranh đỏ của Putin nằm ở đâu?”

Câu hỏi này,  được đặt ra với mức độ cấp bách ngày càng tăng khi quân Nga dù đang thua cuộc chiến ở Ukraine vẫn không ngừng gây hấn, nhằm mục đích tìm ra một phân tích rõ ràng và góp phần định hướng chính sách. Tuy nhiên, trên thực tế, đó là một câu hỏi sai, bởi vì “lằn ranh đỏ” là một phép ẩn dụ tồi và dễ gây phân tâm. Có nhiều cách tốt hơn để suy nghĩ về chiến lược.

“Lằn ranh đỏ” ngụ ý rằng có những giới hạn xác định đối với các hành động mà một quốc gia – mà trong trường hợp này là Nga – có thể chấp nhận từ các quốc gia khác. Nếu phương Tây vi phạm những giới hạn này, Nga sẽ đáp trả theo những cách mới và nguy hiểm hơn. Một lằn ranh đỏ là một ngưỡng dẫn tới leo thang. Ngoại giao phương Tây phải cố gắng hiểu và “tôn trọng” các lằn ranh đỏ của Nga bằng cách tránh các hành động đi quá giới hạn. Theo đó, các lằn ranh đỏ của Nga đặt ra giới hạn cho các hành động của phương Tây.

Có ba sai sót trong lập luận này. Đầu tiên, nó giả định rằng các lằn ranh đỏ là những đặc điểm cố định trong chính sách đối ngoại của một quốc gia. Điều này hầu như không bao giờ đúng. Những gì các quốc gia nói, và thậm chí tin, rằng họ không thể chấp nhận có thể thay đổi triệt để và nhanh chóng. Năm 2012, Tổng thống Barack Obama nói rằng việc Syria sử dụng vũ khí hóa học là “lằn ranh đỏ” sẽ dẫn đến “hậu quả khủng khiếp.” Tuy nhiên, khi Syria giết hàng trăm thường dân bằng chất độc thần kinh Sarin một năm sau đó, như rất nhiều nhóm theo dõi đã báo cáo, người Mỹ đã chọn cách im lặng. Việc Taliban quay trở lại Kabul vào tháng 8/2021 – điều mà phương Tây đã dành hai thập niên và hàng nghìn tỷ đô la để ngăn chặn – từng là lằn ranh đỏ rõ ràng nhất, cho đến khi các ưu tiên thay đổi và một quan điểm khác về chi phí và lợi ích xuất hiện, khiến nó đột nhiên không còn là lằn ranh đỏ nữa.

Đó không phải là trường hợp ngoại lệ. Trên thực tế, các lằn ranh đỏ luôn rất mong manh, dễ thay đổi, và có tính ngẫu nhiên – chúng không được “khắc” trên tảng đá địa chính trị. Trong khi lợi ích quốc gia là vĩnh cửu, như Henry Temple đã nói, thì cách chúng biểu hiện dưới dạng các cam kết cụ thể lại phản ánh các hoàn cảnh tạm thời, nhiều biến động – như quyền lực tương đối, nhận thức về mối đe dọa, các tính toán trong nước, và các xu hướng toàn cầu rộng lớn hơn. Do đó, ngoại giao không nên tìm cách né tránh lằn ranh đỏ của đối phương, mà phải thay đổi chúng.

Một chiến lược sáng tạo và quyết đoán sẽ không tự hạn chế mình bằng nỗi sợ hãi về những điều mà bên còn lại có thể cho là không thể chấp nhận được. Thay vào đó, nó phối hợp tất cả các yếu tố trong một tình huống để khiến đối thủ chấp nhận các mục tiêu mà nó đặt ra.

Lỗ hổng thứ hai của lằn ranh đỏ là khi tập trung vào phản ứng leo thang của một quốc gia, nó chỉ xem xét những rủi ro và tình thế lưỡng nan mà lằn ranh đó đặt ra cho kẻ thù, chứ không phải những rủi ro mà chính quốc gia đang leo thang phải đối mặt. Leo thang có nghĩa là hành động theo cách nguy hiểm hơn cho mọi người, và hành động đó đã từng được đánh giá là quá rủi ro. Một quyết định leo thang phải tính đến các chi phí cũng như lợi ích tiềm tàng. Leo thang là một lựa chọn, không phải là một điều chắc chắn – điều mà đối thủ có thể ngăn chặn bằng cách truyền đạt một cách đáng tin cậy cái giá đi kèm với hành động leo thang.

Lỗ hổng thứ ba là việc bận tâm đến các lằn ranh đỏ có thể dẫn đến hành vi đánh lừa. Một quốc gia sẽ tìm cách thao túng mong muốn tự kiềm chế của đối thủ bằng cách mở rộng phạm vi lợi ích mà họ tuyên bố là “cơ bản” và các hành động mà họ coi là “không thể chấp nhận được.” Do đó, chính nỗi sợ leo thang sẽ khuyến khích leo thang những lời hù dọa.

Việc chỉ ra những thiếu sót này có thể giúp soạn thảo chính sách tốt hơn. Những lo ngại về “lằn ranh đỏ” của Nga chủ yếu xuất phát từ nỗi sợ rằng nước này có thể viện đến leo thang hạt nhân. Phương Tây nên ngăn chặn điều đó bằng cách răn đe Nga chứ không phải tự kiềm chế – hoặc gây áp lực buộc Ukraine phải kiềm chế – vì sợ sẽ “khiêu khích” Nga. Họ có thể làm như vậy bằng cách truyền đạt rằng Nga chắc chắn sẽ lãnh những hậu quả nghiêm trọng nếu nước này sử dụng vũ khí hạt nhân. Nga đã cố gắng và thất bại trong việc áp đặt lằn ranh đỏ bằng đe dọa hạt nhân nhiều lần kể từ khi chiến tranh bắt đầu – gần đây nhất là vào tháng 11, khi lực lượng Ukraine giải phóng Kherson chỉ sáu tuần sau khi Vladimir Putin tuyên bố đây là một phần lãnh thổ của Nga. Ukraine và phương Tây đã đúng khi bác bỏ trò dọa suông này và nên tiếp tục làm như vậy.

Khái niệm lằn ranh đỏ thực ra cũng có công dụng riêng. Nó bắt nguồn từ các cuộc đàm phán, trong đó người ta phải xác định các điều kiện tối thiểu để một quốc gia chấp nhận một thỏa thuận. Nếu những điều kiện này không được đáp ứng, quốc gia đó sẽ rời bàn đàm phán. Trong trường hợp này, các lằn ranh đỏ là cố định và sẽ hữu ích nếu các bên đàm phán khác biết được chúng là gì – chẳng hạn như những gì người Mỹ đã hiểu được sau khi giải mã lập trường đàm phán của Nhật trước các cuộc đàm phán dẫn đến Hiệp ước Hải quân Washington năm 1922.

Nhưng áp dụng trường hợp đàm phán đặc biệt này – với ít tham số và ít kết quả – vào một cuộc cạnh tranh địa chính trị phức tạp, linh hoạt, và rộng lớn hơn nhiều là một lỗi về mặt phạm trù. Dù nguy cơ leo thang hạt nhân của Nga có thể tăng lên và cần được nghiên cứu cẩn trọng, nhưng không có loại hành động đặc biệt, riêng rẽ nào mà phương Tây hoặc Ukraine có thể thực hiện sẽ tự động kích hoạt leo thang hạt nhân. Nga không có lằn ranh đỏ: Tại mỗi thời điểm, nước này chỉ có một tập hợp các lựa chọn và nhận thức về những rủi ro và lợi ích tương đối của mình. Thông qua ngoại giao, phương Tây nên liên tục hướng tới mục tiêu định hình những nhận thức này để Nga lựa chọn các phương án mà phương Tây mong muốn.

Mỹ đã từng làm điều này trước đây. Trong Khủng hoảng Tên lửa Cuba, cuộc đối đầu hạt nhân nguy hiểm nhất cho đến nay, quan điểm của Liên Xô đã thay đổi chỉ trong vài ngày, cuối cùng họ chấp nhận một kết quả có lợi cho phương Tây. Nếu tư duy “lằn ranh đỏ” thống trị vào thời điểm đó, Mỹ có thể đã chấp nhận một thỏa thuận kém hơn, làm suy yếu an ninh và uy tín của mình.

Dù lợi ích của Nga trong việc khiến Ukraine chịu khuất phục lớn hơn so với khi họ triển khai tên lửa tới Cuba, logic là như nhau. Năm 1962, Mỹ đã thuyết phục nhà lãnh đạo Liên Xô, Nikita Khrushchev, rằng dù có khó chịu đến đâu, loại bỏ vũ khí hạt nhân khỏi Cuba vẫn là lựa chọn tốt hơn triển khai vũ khí. Tương tự, phương Tây giờ đây nên hướng đến mục tiêu thuyết phục Putin rằng việc rút quân khỏi Ukraine ít nguy hiểm hơn là tiếp tục chiến đấu. Tổng thống Nga có thể rút quân nếu ông hiểu rằng một cuộc chiến trường kỳ sẽ đe dọa chế độ của ông – một chế độ mà sự bảo tồn nó dường như là điều duy nhất ông quan tâm hơn việc sáp nhập Ukraine – bằng cách làm suy yếu nghiêm trọng sự gắn kết trong nước hoặc leo thang mất kiểm soát.

Nước Mỹ nên tập trung vào ba điều. Đầu tiên, họ không nên tuyên bố rằng có những biện pháp họ sẽ không thực hiện, hoặc có những hệ thống vũ khí họ sẽ không cung cấp để hỗ trợ Ukraine. Đơn phương tự kiềm chế đồng nghĩa với việc nhượng bộ không cần thiết. Tệ hơn, việc đó sẽ khuyến khích Nga thăm dò và cố gắng áp đặt thêm các giới hạn đối với hành động của Mỹ – khiến cuộc chiến ngày càng rủi ro hơn.

Thứ hai, Mỹ, cùng với các đối tác của mình, phải nói rõ rằng thời gian đang chống lại Nga, chứ không có lợi cho nước này, như Putin vẫn tin. Phương Tây nên thể hiện mình sẵn sàng huy động, và huy động một cách nhanh chóng, ưu thế kinh tế để giúp Ukraine đánh bại Nga và áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn nữa. Chi phí quân sự và kinh tế sẽ làm cạn kiệt các nguồn lực vốn đã hạn chế hơn rất nhiều của Nga, và gây căng thẳng lớn hơn cho chế độ.

Thứ ba, phương Tây nên nói rõ với người dân Nga rằng họ có thể an toàn kết thúc chiến tranh bằng cách rời khỏi Ukraine. Một cuộc rút quân có trật tự khó có thể dẫn đến thay đổi chế độ, chứ chưa nói đến sự tan rã của nước Nga. Cả hai kết quả này (tức thay đổi chế độ và làm Nga tan rã – NBT) đều không phải là mục tiêu chính thức của chính sách phương Tây, và việc nhắc đến chúng là vô ích, thậm chí phản tác dụng. Một số người ở phương Tây sẽ phản đối ý tưởng trấn an Nga kiểu như vậy. Nhưng nếu giới tinh hoa Nga kết luận rằng việc Nga rời khỏi Ukraine cũng nguy hiểm như khi ở lại, thì họ không có động cơ nào để kêu gọi chấm dứt chiến tranh. Trấn an không có nghĩa là thỏa hiệp.

Nếu được thực hiện một cách chắc chắn và kiên định, “các chiến dịch ngoại giao định hình mục tiêu” hỗ trợ cho chiến dịch quân sự của Ukraine có thể đảm bảo rằng lựa chọn ít tệ nhất của Nga phù hợp với những gì mà phương Tây mong muốn. Một chiến lược như vậy đi ngược lại với việc chấp nhận các lằn ranh đỏ. Rõ ràng, “lằn ranh đỏ” là phép ẩn dụ ngược với phép ẩn dụ được sử dụng khi chiến tranh mới nổ ra. Khi nước Nga vẫn còn có vẻ mạnh, nhiều người đã đề xuất cho Putin “lối ra” để thuyết phục ông ngừng chiến đấu. Giờ người Nga đã yếu hơn, người ta lại kêu gọi phương Tây kiềm chế để thuyết phục Putin không liều lĩnh hơn nữa.

Cả hai cách tiếp cận đều tưởng thưởng cho hành động xâm lược của Nga bằng cách điều chỉnh chính sách của phương Tây cho phù hợp với mong muốn của Nga. Trước đây, Putin đã không được chọn “lối ra,” và lúc này, ông cũng không nên được phép xác định giới hạn của chính sách phương Tây. Hoạch định chiến lược cần những suy nghĩ thấu đáo, chứ không phải những phép ẩn dụ lười biếng.

Nigel Gould-Davies là nghiên cứu viên cấp cao về Nga và Á – Âu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS). Ông là Đại sứ Anh tại Belarus từ năm 2007 đến 2009 và từng là trưởng bộ phận kinh tế tại Đại sứ quán Anh ở Moscow.