Tác giả: Hồ Bạch Thảo
Vua Nhân Tông tên húy Bang Cơ, con thứ ba của Thái Tông; mẹ là Tuyên Từ hoàng thái hậu Nguyễn Thị Anh, người làng Bố Vệ, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa. Vua sinh ngày mồng 9 tháng 6 năm Tân Dậu Đại Bảo thứ 2 [27/6/1441]; ngày 16 tháng 11 [29/11/1441] lập làm Hoàng thái tử. Ngày 12 tháng 8 năm Đại Bảo thứ 3 [15/9/1442], đại thần là bọn Trịnh Khả, Nguyễn Xí, Lê Thụ nhận di mệnh cùng với bọn Lê Liệt, Lê Bôi tôn lên ngôi, lúc ấy Vua mới 2 tuổi; lấy năm sau làm Thái Hòa năm thứ 1.
Mở đầu kỷ nguyên Thái Hòa năm thứ nhất [1443], bấy giờ vua mới 3 tuổi, nên Thái hậu Nguyễn Thị Anh coi chính sự, quyết đoán việc nước. Xuống chiếu cầu lời nói thẳng, để sửa chữa những chỗ thiếu sót:
“Mùa xuân, tháng Giêng, ngày mồng 8 [7/2/1443], giờ Dậu [15-17 giờ], có sao sa ở phương nam. Bấy giờ vua mới ba tuổi, nên Thái hậu buông rèm coi chính, sự nắm quyền đoán việc nước.
Tháng 2, ngày mồng 2 [3/3/1443], xuống chiếu rằng:
‘Mới rồi trời hiện điềm tai biến như sao sa, động đất. Trẫm rất lo sợ, suy nghĩ nguyên nhân tai biến, không biết bởi đâu. Có phải vì trẫm mới cầm quyền, chưa biết giảm nhẹ lao dịch thuế khóa, có điều không lợi cho dân không? Hay là phụ quốc đại thần điều hòa trái lẽ nên khí âm dương không hài hòa mà đến thế chăng? Hay là việc ngục tụng không công bằng, hối lộ công khai, xử án còn nhiều oan uổng mà đến nỗi thế chăng? Hay là chức thú lệnh chưa được người giỏi, làm bừa trái phép, nhiễu hại dân chúng mà đến nỗi thế chăng? Hay là bọn cung nữ oán hờn chưa thả chúng ra nên hại tới hòa khí mà đến nỗi thế chăng? Có phải là bọn gièm pha âm mưu xảo quyệt, để công thần chịu oan khuất chưa được rửa oan mà đến nỗi thế chăng? Hay là vì bày việc thổ mộc, xây dựng cung điện chăng? Kẻ tiểu nhân được tiến dùng, còn người quân tử phải lui ẩn chăng? Đường nói năng bịt kín mà ơn trên bị che lấp chăng? Bọn phi tần lộng hành mà cửa sau bỏ ngỏ chăng? Lệnh cho khắp quan lại, quân dân, đều phải hết lòng bày tỏ những điều có thể xoay được lòng trời, dập hết tai biến, hãy thẳng thắn nói ra, chớ nên ẩn dấu, để giúp trẫm sửa những điều thiếu sót“. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 58a.
Vào tháng 10 năm ngoái [3/11-1/12/1442] sứ bộ Lê Truyền sang nhà Minh cống và xin sách phong. Sứ bộ đến Bắc Kinh vào tháng Giêng năm nay [31/1-1/3/1443], lưu lại trong vòng 4 tháng; đến tháng 5 [29/5-26/6/1443], Vua Anh Tông nhà Minh sai các Sứ thần Tống Kiệt, Tiết Khiêm mang sắc phong Vua Nhân Tông làm An Nam Quốc vương. Đến ngày 25 tháng 11 [16/12/1443], đến nước ta làm lễ sắc phong; rồi hôm sau, ngày 26 triều đình sai sứ bộ Trình Dục sang nhà Minh tạ ơn:
“Ngày 19 tháng giêng năm Chính Thống thứ 8 [18/2/1443]. Lê Tuấn, con Quốc vương An Nam Lê Lân, sai bọn Bồi thần Lê Truyền đến triều cống vàng, bạc, khí mãnh, sản phẩm địa phương. Ban cho các vật như lụa là, có phân biệt.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 3)
“Ngày 20 tháng 4 năm Chính Thống thứ 8 [19/5/1443]. Lê Tuấn, con dòng vợ lớn của cố Quốc vương An Nam Lê Lân, sai bọn Bồi thần Lê Truyền mang tấu biểu của người trong nước xin phong cho Tuấn cùng cống các sản phẩm địa phương. Ban yến cùng lụa là, y phục và các vật khác.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 32)
“Ngày 20 tháng 5 năm Chính Thống thứ 8 [17/6/1443]. Sai Quang lộc Tự thiếu khanh Tống Kiệt, Binh khoa Cấp sự trung Tiết Khiêm làm Chánh Phó sứ cầm phù tiết[1] sách phong Tuấn [vua Lê Nhân Tông], con cố Quốc vương Lê Lân rằng :
“Cha ngươi từ khi được sắc phong đến nay, đội ơn tiên triều, chăm lo chức cống, Trẫm đã từng khen. Mới đây nhận cáo tang, thực đáng thương tiếc. Nay đặc cách phong ngươi làm Quốc vương An Nam, để thờ phụng tổ tông, cai trị người trong nước. Ngươi cần theo điều thiện, tu đức, tin dùng những người kỳ cựu, thân cận người hiền lương, kính cẩn thờ nước lớn, dùng lòng nhân để bao bọc kẻ dưới, không kiêu mạn, để cơ đồ được bền vững, đáp ứng mệnh lớn của triều đình. Lại ban chiếu dụ người trong nuớc đồng lòng phụ giúp Tuấn bảo vệ lãnh thổ; vĩnh viễn hưởng phúc thái bình.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 33)
“Ngày 25 tháng 11 [16/12/1443], nhà Minh sai Chánh sứ Quang lộc tự thiếu khanh Tống Kiệt, Phó sứ là Binh khoa đô cấp sự trung Tiết Khiêm sang phong Vua làm An Nam Quốc vương,” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 59b.
“Ngày 26 [17/12/1443], sai Tham tri bạ tịch Trình Dục, Nội mật viện chánh chưởng Trình Thanh, Hàn lâm viện trực học sĩ Nguyễn Khắc Hiếu sang nhà Minh tạ ơn việc sách phong.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 59b.
Cũng vào dịp tháng 10 [3/11-1/12/1442] năm ngoái, phái bộ Nguyễn Thúc Huệ sang tạ ơn về việc ban cho Vua áo mũ; vào tháng 3 năm nay đến Bắc Kinh, đều được đón tiếp:
“Ngày 8 tháng 3 năm Chính Thống thứ 8 [7/4/1443]. Quốc vương An Nam sai bọn Bồi thần Nguyễn Thúc Huệ cống sản phẩm địa phương. Ban cho lụa, đoạn,[2] y phục, bạc nén, hài, vớ; có phân biệt.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 31)
Lại còn phái bộ Nguyễn Đình Lịch, cũng khởi hành tại nước ta từ tháng 10 năm ngoái [3/11-1/12/1442], sang nhà Minh cáo tang; đến tháng 3 chuẩn bị trở về nước:
“Ngày 25 tháng 3 năm Chính Thống thứ 8 24/4/1443. Bọn Sứ thần An Nam Nguyễn Ðình Lịch trở về nước. Ban cho lụa thải, đoạn, quyên và tiền giấy, có sai biệt.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 32)
Tại trong nước, vào tháng 3, ban bố tên húy của Vua và Thái hậu; tháng 6, lấy mồng 9 ngày sinh của Vua, làm ngày Hiến thiên khánh tiết:
“Tháng 3, ngày 16 [15/4/1443], ban bố hai chữ húy. Tên vua là Cơ, tên húy của Hoàng thái hậu là Anh, cùng miếu húy gồm 7 chữ.
Tháng 6, lấy ngày sinh làm Hiến Thiên thánh tiết.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 59a.
Sau khi phái bộ Nguyễn Đình Lịch cáo tang; vào tháng 11 nhà Minh sai Chánh sứ Trình Cảnh sang điếu tế Vua Thái Tông. Đến ngày 16 cùng tháng, triều đình sai bọn Ngự Sử Hà Phủ sang nhà Minh tạ ơn; vào tháng 4 năm sau đến nơi, được đãi yến và ban cấp vải vóc:
“Tháng 11, nhà Minh sai chánh sứ Hành nhân ty hành nhân Trình Cảnh sang tế.
Ngày 16 [7/12/1443], sai bọn Ngự sử trung thừa là Hà Phủ, Hàn lâm viện tri chế cáo Nguyễn Như Đổ, Ngự tiền học sinh cục trưởng Lương Như Hộc sang tạ ơn nhà Minh sang tế.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 59b.
“Ngày 29 tháng 4 năm Chính Thống thứ 9 [16/5/1444]. Quốc vương An Nam Lê Tuấn sai bọn Bồi thần Hà Phủ đến triều cống vàng, bạc, khí mãnh, phương vật. Mệnh đãi yến, cùng ban lụa là, có phân biệt.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 36)
Vào tháng giêng năm Thái Hòa thứ 2 [20/1-18/2/1444], cho tuyển thêm lính, chọn người có học bổ làm thuộc lại, lập sổ hộ tịch:
“Giáp Tý, Thái Hòa năm thứ 2 (Minh Chính Thống năm thứ 9). Mùa xuân, tháng giêng [2/1444], tuyển tráng đinh bổ vào quân ngũ.
Thi chọn sĩ nhân bổ làm thuộc lại các ty.
Làm sổ hộ tịch.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 59b.
Sứ bộ Trình Dục khởi hành từ năm trước [7/12/1443] sang nhà Minh tạ ơn sắc phong; vào tháng 5 năm nay đến kinh đô nhà Minh:
“Ngày 5 tháng 5 năm Chính Thống thứ 9 [22/5/1444]. Quốc vương An Nam Lê Tuấn sai bọn Bồi thần Trình Dục đến triều cống vàng, bạc, khí mãnh, cùng sản vật địa phương.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 36)
Cũng vào tháng 5 năm nay [18/5-15/6/1444], Vua Chiêm Thành Ma Ha Bí Cai mang quân đánh phá châu Hóa [Thừa Thiên]. Mong dành hậu thuẫn, trước đó Vua Chiêm sai sứ sang nhà Minh ngỏ ý muốn đánh An Nam để khôi phục đất đai trước kia bị xâm lấn; nhưng Vua Minh không bằng lòng, cho rằng đó không phải là điều phúc cho Chiêm Thành:
“Ngày 8 tháng 5 năm Chính Thống thứ 8 [5/6/1443]. Sắc dụ Quốc vương Chiêm Thành Ma Ha Bí Cai rằng:
“Trước đây triều đình Vương được ban tế lễ, Vương được phong tước, bèn sai cháu là Dương Lạc Thôi dâng biểu và cống những sản phẩm địa phương tạ ân; thấy được lòng thành kính cẩn, mệnh quan ban thưởng và cho trở về. Từ nay về sau Vương nên kính trời, thờ nước lớn, che chở người dưới, theo ý cùng đối đãi chung một lòng nhân của Trẫm.
Lời tấu của Vương muốn khôi phục đất đai bị An Nam xâm lấn, nhưng từ hai đời trước cha ông Vương không đòi lại, là có lý do nào đó. Nay Vương mới lên ngôi nên lấy sự hòa mục với lân bang và giữ gìn cương vực làm đầu; hai bên tranh dành không phải là điều phúc cho người trong nước. Trẫm lấy những điều ân, tín, an bình để khuyên các nước; Vương hãy suy xét, cư xử thể theo ý Trẫm.”
Mệnh Dương Lạc Thôi mang lụa là, ngựa tốt thể theo lời xin để ban cho Vương cùng Vương phi.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 32)
“Mùa hạ, tháng 5 [18/5-15/6/1444], chúa Chiêm Thành là Bí Cai vào cướp thành châu Hóa, cướp bắt nhân dân. Sai Nhập nội kiểm hiệu thái bảo Lê Bôi và Tổng quản Lê Khả đem 10 vạn quân đi đánh.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 60a.
Vào tháng 11 [10/12/1444-7/1/1445], sai sứ sang nhà Minh. Sứ bộ thứ nhất, lo nạp cống hàng năm; đến kinh đô Bắc Kinh vào ngày 23 tháng 4 [29/5/1445]. Sứ bộ thứ 2, do Tham tri Nguyễn Lan dẫn đầu, với nhiệm vụ biện bạch vùng đất tranh chấp tại biên giới tỉnh Quảng Ninh. Nguyên trước kia vào năm Chính Thống thứ 7 [18/4/1442] Vua Anh Tông gửi sắc thư đòi đất 2 đô Thiếp Lãng, Như Tích thuộc châu Khâm mà trước đó Hoàng Khoan đã giao cho nước ta. Nhưng phía ta không đáp ứng, mãi cho đến năm Gia Tĩnh thứ 20 [29/4/1541], Mạc Đăng Dung mới đem đất này nhượng cho nhà Minh:
“Tháng 11 [10/12/1444-7/1/1445], sai sứ sang nhà Minh. Tả thị lang Đào Công Soạn, Ngự tiền chấn lôi quân chỉ huy Lê Tạo nộp cống hằng năm. Đông đạo tham tri Nguyễn Lan tâu việc địa phương Khâm Châu.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 60a.
“Ngày 23 tháng 4 năm Chính Thống thứ 10 [29/5/1445]. Quốc vương An Nam Lê Tuấn sai Bồi thần là bọn Đào Công Soạn đến triều cống vàng, bạc, khí mãnh; cùng các vật như tê giác, ngà voi, trầm hương. Đãi yến, ban lụa ỷ, y phục lụa thêu vàng, có phân biệt.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 38)
Tháng Giêng năm Thái Hòa thứ 3 [7/2-8/3/1445], đốc suất quân lính đào kênh tại Thanh Hóa:
“Ất Sửu, Thái Hòa năm thứ 3, (Minh Chính Thống năm thứ 10). Mùa xuân, tháng giêng, sai các văn thần đốc suất quân lính các xứ trong nước đào kênh ở lộ Thanh Hóa.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 60a.
Tháng 4 [7/5-5/6/1445], Chiêm Thành vào cướp phá tại châu Hóa, Thừa Thiên, vào ngày 25 tháng 6 [29/7/1445] sai Lê Thận và Nguyễn Xí đi đánh. Trong tháng 6 [5/7-2/8/1445], phong Hoàng đệ Tư Thành, tức Vua Thánh Tông sau này, làm Bình nguyên vương:
“Mùa hạ, tháng 4, Chiêm Thành vào cướp thành An Dung của châu Hóa.
Tháng 6, phong hoàng đệ Tư Thành làm Bình Nguyên Vương.
Ngày 25, sai bọn nhập nội kiểm hiệu tư đồ bình chương sự Lê Thận, Nhập nội đô đốc Lê Xí đi đánh Chiêm Thành.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 60a.
Tháng 10 [31/10-28/11/1445], quan Nhập nội Đô đốc Lê Xí sắp đi đánh Chiêm Thành thì bị cách chức:
“Nhà vua còn nhỏ tuổi, hoàng thái hậu coi giữ triều chính, cất nhắc những người thân thích họ hàng lên làm việc. Vì thấy Lê Xí không ăn cánh với mình, nên ghét bỏ ông. Bấy giờ có việc đi đánh Chiêm Thành, Xí đã vâng lĩnh mạng lệnh nhưng chưa đi, bị kẻ quyền thần tố cáo, buộc vào tội chết. Triều đình cho rằng Xí là bậc kỳ cựu, có công lao, đáng nên chiếu cố theo bát nghị [8 điều đáng bàn để được ân xá] trong luật, vì vậy mới cho Xí được miễn chức, về nhà.” Cương Mục, Chính Biên quyển 17.
Tháng Chạp [29/12/1445-26/1/1446], sai quan Bình chương sự Lê Khả đi đánh Chiêm Thành:
“Tháng 12, sai Bình chương sự Lê Khả đem quân đi đánh Chiêm Thành.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 61a.
Đây là cuộc hành quân lớn, vào ngày 22 tháng Giêng năm Thái Hòa thứ 4 [17/2/1446] quân ta xuất phát 60 vạn quân, đi đánh:
“Bính Dần, Thái Hòa năm thứ 4 [1446], (Minh Chính Thống năm thứ 11). Mùa xuân, tháng giêng, đúng kỳ hội quân lớn, chọn người khoẻ mạnh đi đánh Chiêm Thành. Sai dân phu vận chuyển lương thực tới chứa ở huyện Hà Hoa.[3] Ngày 22, sai bọn nhập [61b] nội đô đốc bình chương Lê Thụ, Lê Khả, Nhập nội thiếu phó tham dự triều chính Lê Khắc Phục đem hơn 60 vạn quân đi đánh Chiêm Thành. Vua thấy chúa Chiêm Thành là Bí Cai nhiều lần dốc quân cả nước vào cướp, cho nên sai đi đánh.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 61a.
Vì hai nước Chiêm Thành và Đại Việt cùng liên lạc ngoại giao với nhà Minh; bởi vậy nhắm chuẩn bị dư luận, trước lúc đánh Chiêm Thành triều đình ta sai sứ bộ Trình Chân sang triều Minh tố cáo Chiêm Thành thường mang quân sang quấy phá. Cũng nhân dịp này, cử phái bộ Nguyễn Thúc Huệ trình bày việc tranh chấp giữa châu Tư Lang, Lạng Sơn và châu An Bình, Long Châu từ thời Vua Lê Thái Tông:
“Tháng 2, ngày mồng 8 [5/3/1446], sai sứ nhà Minh: Hải Tây đạo tham tri bạ tịch Nguyễn Thúc Huệ sang tâu việc địa phương Long Châu. Đồng tri Thẩm hình viện sự Trình Chân và Chuyển vận sứ huyện Thanh Oai Nguyễn Đình Mỹ sang tâu việc Chiêm Thành.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 61b.
Sử nhà Minh xác nhận ngày 3/7/1446 phái bộ Nguyễn Thúc Huệ đến triều đình:
“Ngày 10 tháng 6 năm Chính Thống thứ 11 [3/7/1446]. Quốc vương An Nam Lê Tuấn sai bọn Bồi thần Nguyễn Thúc Huệ đến triều đình tâu việc và cống sản vật địa phương. Ban yến cùng các vật như y phục bằng lụa có sai biệt.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 38)
Riêng về Chiêm Thành, thời cuộc biến chuyển từng ngày, vào ngày 20/3/1446 quân ta chiếm Quảng Nam, Quảng Ngãi; ngày 20/5/1446 chiếm thành Chà Bàn, bắt sống Vua Chiêm Ma Ha Bí Cai, rồi cho người cháu là Ma Ha Quý Lai lên thay. Sau khi mọi việc đã rồi, Vua Minh vẫn chưa nhận được tin Ma Ha Bí Cai bị bắt; nên phản ứng chậm chạp hơn, bèn đem việc Sứ thần Trình Chân tâu rằng Chiêm Thành khinh nhờn Vua Đại Việt nhỏ tuổi thường mang quân đánh phá, rồi khuyên Chiêm Thành không nên gây hấn. Xét ra sứ bộ Trình Chân đã thu được thắng lợi ngoại giao, vì đã gây dấu ấn trong lòng Vua Minh về thành tích bất hảo của Ma Ha Bí Cai; nên sau khi biết tin y bị quân ta bắt sống, Vua Minh cũng không lên tiếng phản đối:
“Ngày 23 [20/3/1446], các quân của bọn Lê Thụ đến các xứ Ly Giang [Quảng Nam],[4] Đa Lang,[5] Cổ Lũy [Quảng Ngãi], mở thông đường thủy, dựng đắp thành lũy để đánh nhau với giặc, phá tan giặc, thừa thắng đánh thẳng đến cửa biển Thi Nại [Qui Nhơn].[6]
Mùa hạ, tháng 4, ngày 25 [20/5/1446], các quân của bọn Lê Thụ tiến công thành Chà Bàn [Qui Nhơn][7] phá tan quân giặc, bắt được chúa nó là Bí Cai và các phi tần, bộ thuộc, ngựa voi vũ khí, cùng các hàng tướng rồi đem quân về.
Cháu thúc bá của vua Chiêm cũ Bố Đề là Ma Ha Quý Lai đã đầu hàng từ trước, nay sai bề tôi là bọn Chế Cữu, Ma Thúc, Bà Bị sang chầu, dâng biểu xưng thần, xin cho lập làm vua.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 61b.
“Ngày 27 tháng 6 năm Chính Thống thứ 11 [20/7/1446]. Sắc dụ Quốc vương Chiêm Thành Ma Ha Bí Cai rằng:
“Gần đây Lê Tuấn Quốc vương An Nam sai Bồi thần bọn Trình Chân triều cống. Khi đến kinh đô tâu rằng Vương khinh lờn [Vương nước họ] nhỏ tuổi mồ côi, nên mang quân xâm lăng 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa; nay lại đánh vây Hóa Châu mấy lần; giết cướp người, súc vật, của cải. Vương và nước An Nam đều nhận triều mệnh, được phong đất đã lâu, cương vực hai bên đều có định giới, sao lại hưng binh gây oán, trái với ý nghĩa hòa mục giữa lân bang! Người xưa nói rằng:”Người quân tử không vì lý do nuôi dưỡng người, để hại kẻ khác.” Vương từ nay hãy nghiền ngẫm ý này, giữ đúng lễ và bổn phận, nghiêm sức các Đầu mục giữ vững biên cương, nhưng không xâm nhiễu đất đai lân quốc, gây hoạn cho sinh linh rồi tự rước lấy họa. Đạo trời làm thiện gặp phước, làm ác gặp điều dữ; đó là lẽ thường, Vương tuân theo lời Trẫm.”
Lại dụ Quốc vương An Nam Lê Tuấn cũng nên cho phòng bị nghiêm hơn, nhưng chớ ôm lòng báo thù, để hai bên được yên ổn, thể hiện ý cùng đối xử chung một lòng nhân của Trẫm.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 41)
Tháng 6, đem Vua Chiêm Thành ra trước Thái Miếu làm lễ dâng tù. Tháng 9, lại sang sứ sang nhà Minh trình bày thêm việc năm ngoái Chiêm Thành vào cướp nước, nên phải mang quân đi đánh:
“Tháng 6 [24/6-23/7/1446], đem chúa Chiêm Thành Bí Cai làm lễ dâng tù cáo thắng trận ở Thái miếu. Đại xá thiên hạ. Giữ chúa Chiêm Thành Bí Cai và ba người phi tần ở kinh sư. Sai sứ đi tìm những người Chiêm ở kinh thành từ trước trao cho tả hữu của vua Chiêm và các hàng tướng nước Chiêm cho về nước.
Mùa thu, tháng 9, ngày 19 [9/10/1446], sai Hải Tây tham tri bạ tịch Nguyễn Tông Nhân và Chính sự viện Đồng tham nghị Trịnh Hoằng Nghị sang nhà Minh báo tin Chiêm Thành vào cướp năm trước.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 62a.
Năm Thái Hòa thứ 5 [1447], Sứ thần Nguyễn Tông Nhân đến triều đình nhà Minh, được đãi yến 2 lần với Sứ thần các nước Java [Indonesia] và Triều Tiên:
“Ngày 15 tháng 12 năm Chính Thống thứ 11 [1/1/1447]. Quốc vương An Nam Lê Tuấn sai Bồi thần Nguyễn Tông [Nhân], Quốc vương Trảo Oa [Java] sai Bồi thần Trần Ma Vật cống sản vật địa phương. Đãi yến, ban cho y phục bằng lụa có sai biệt.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 43)
“Ngày 20 tháng 3 năm Chính Thống thứ 12 [5/4/1447]. Quốc vương An Nam Lê Tuấn sai Bồi thần Nguyễn Tông [Nhân]; Quốc vương Triều Tiên Lý Đào sai bọn Bồi thần Lý Nhương dâng biểu; cống vàng, bạc, khí mãnh, trầm hương, ngà voi và các loại sản phẩm địa phương. Đãi yến, cùng ban cho các vật như lụa, y phục thêu vàng có phân biệt.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 44)
Tháng 7 [12/8-9/9/1447], nhà Vua xuống chiếu cho các quan, tìm cách làm những điều có lợi cho dân. Riêng Vua Chiêm Thành Ma Ha Quí Lai do nước Đại Việt lập, sai sứ tâu lên triều Minh, được Vua Anh Tông chấp nhận, phong làm Quốc vương:
“Mùa thu, tháng 7, xuống chiếu rằng:
‘Nhận lỗi trách mình, duy bậc chí thành mới có thể làm được; trừ tai cứu nạn, thực điều nhân chính phải đặt lên hàng đầu. Trẫm từ khi lên ngôi đến nay, thiên tai xảy ra luôn, dân chúng rất đói kém. Mới rồi, đã hạ lệnh cho các nha môn trình bày những điều có thể làm lợi cho quân dân để chọn lựa thi hành, nay lại thi hành, lệnh cho thải bớt các cung nữ bị giam cấm. Các đạo làm bản tâu trình bày những việc đau khổ của dân trong hạt“. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 62a.
“Ngày 9 tháng 7 năm Chính Thống thứ 12 [20/8/1447]. Cháu của cố Quốc vương Chiêm Thành Chiêm Ba Ðích Lại là Ma Ha Quí Lai sai bọn Sứ thần Bô Sa Phạ Chiêm Trì tâu rằng:
“Khi tiên Vương thần ốm bệnh, đã phong thần làm Thế tử, muốn cho nối ngôi. Lúc bấy giờ thần tuổi còn nhỏ, chưa có thể trị nước được, nên nhường cho người cậu là Ma Ha Bí Cai. Sau đó Ma ha Bí Cai mấy lần mang binh đánh nước An Nam; Quốc vương An Nam sai tướng đến các xứ Cựu Châu [Quảng Ngãi], Cổ Lũy [Quảng Ngãi] bắt giết trăm họ gần hết, Ma Ha Bí Cai cũng bị bắt. Thần dân trong nước cho rằng thần là cháu của tiên Vương, từ xưa đã có di mệnh, nên xin thần lên thay thế để coi việc nước. Thần từ chối, bị ép ba bốn lần đành phải làm việc tại phủ thần, riêng Vương vị thì không dám tự chuyên, cúi xin Thiên tử giáng chiếu rõ ràng để an ủi lòng ước vọng của kẻ xa xôi.”
Thiên tử chấp nhận lời thỉnh cầu, sai Cấp sự trung Trần Nghi làm Chánh sứ, Hành nhân Tiết Cán làm Phó sứ, mang phù tiết sách phong Ma Ha Quí Lai làm Quốc vương Chiêm Thành. Ban sắc dụ phải cẩn thận giữ tiết bề tôi, chăm lo chức cống, khéo vỗ về người trong nước, hòa mục với lân bang, ngõ hầu vĩnh viễn hưởng phúc trạch, cùng vui thái bình. Ban cho Ma Ha Quí Lai cùng Vương phi các vật như nhung dệt kim thêu hoa, gấm, trử,[8] lụa là. Lại chiếu dụ Ðầu mục lớn nhỏ, người trong nước lo phụ trợ Quốc vương.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 45)
Về việc rắc rối biên giới phía Bắc xãy ra từ mấy năm trước; tại châu Khâm, Hoàng Khoan mang 2 đô Thiếp Lãng, Như Tích sáp nhập vào nước ta; châu Quang Lang, Lạng Sơn tranh chấp với châu An Bình, Long Châu. Phía nhà Minh ra sức đòi hỏi, nhưng phía ta không nhượng bộ, nên tiếp tục sai sứ sang tranh luận:
“Tháng 9, ngày 29 [7/11/1447], sai sứ sang nhà Minh: Ngự sử trung thừa Hà Phủ làm chánh sứ, Thẩm hình viện đồng tri Đinh Lan làm phó sứ sang nộp cống hàng năm và tâu việc địa phương Khâm Châu. Điện trung thị ngự sử Trình Ngự làm phó sứ sang tâu việc địa phương Long Châu.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 62b.
——————————–
[1] Phù tiết: Ngày xưa đi sứ cầm ấn tín của vua để làm tin, gọi là phù tiết.
[2] Đoạn: một loại lụa, có thứ đoạn hoa có thứ đoạn trơn.
[3] Huyện Hà Hoa: sau đổi ra huyện Kỳ Hoa, gồm đất hai huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh hiện nay.
[4] Ly Giang: cũng gọi là Lê Giang, tên huyện thời thuộc Minh và đời Lê, đến đầu đời Nguyễn đổi thành Lễ Dương, nay là đất huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.
[5] Đa Lang: chưa rõ ở đâu.
[6] Thi Nại: tức cửa biển Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
[7] Chà Bàn: tức thành Vijaya, kinh đô nước Chiêm Thành thời xưa, nay còn dấu vết ở tỉnh Bình Định.
[8] Trử: hàng tơ gai, mặc mùa hè.