26/03/1953: Tiến sĩ Jonas Salk công bố vaccine bại liệt

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Dr. Jonas Salk announces polio vaccine, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1953, nhà nghiên cứu y học người Mỹ, Tiến sĩ Jonas Salk, thông báo trên một chương trình phát thanh quốc gia rằng ông đã thử nghiệm thành công một loại vaccine chống lại virus bại liệt (poliomyelitis). Năm 1952, năm mà dịch bệnh bại liệt hoành hành tại Mỹ – đã có 58.000 trường hợp nhiễm mới được báo cáo và hơn 3.000 người chết vì căn bệnh này. Nhờ công trình giúp tiêu diệt căn bệnh được gọi là “bệnh liệt ở trẻ sơ sinh” (vì nó chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em), Tiến sĩ Salk đã được tôn vinh là bác sĩ vĩ đại vào thời của ông.

Bệnh bại liệt, một căn bệnh đã nhiều lần ảnh hưởng đến loài người trong suốt lịch sử, tấn công vào hệ thần kinh và có thể gây tê liệt ở các mức độ khác nhau. Do virus rất dễ lây truyền nên dịch bệnh này cực kỳ phổ biến trong những thập niên đầu tiên của thế kỷ 20. Đại dịch bại liệt đầu tiên ở Mỹ xảy ra ở Vermont vào mùa hè năm 1894, và đến đầu thế kỷ 20, đã có hàng nghìn người bị ảnh hưởng mỗi năm. Trong những thập niên đầu tiên của thế kỷ 20, các phương pháp điều trị chỉ giới hạn ở việc cách ly và sử dụng “lá phổi sắt” khét tiếng, một cỗ máy giống như quan tài làm bằng kim loại, giúp hỗ trợ quá trình hô hấp. Dù trẻ em, và đặc biệt là trẻ sơ sinh, là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, người lớn cũng thường bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này, bao gồm cả tổng thống tương lai Franklin D. Roosevelt, người vào năm 1921 đã mắc bệnh bại liệt ở tuổi 39 và bị liệt một phần cơ thể. Roosevelt sau đó đã biến khu đất của mình ở Warm Springs, Georgia thành một cơ sở phục hồi cho các bệnh nhân bại liệt, đồng thời tích cực hoạt động gây quỹ cho các nghiên cứu liên quan đến bệnh bại liệt và điều trị cho bệnh nhân bại liệt.

Chào đời ở Thành phố New York vào năm 1914, Salk lần đầu tiên tiến hành các nghiên cứu virus vào những năm 1930 khi ông còn là sinh viên y khoa tại Đại học New York. Trong Thế chiến II, ông đã giúp phát triển vaccine cúm. Năm 1947, ông trở thành người đứng đầu phòng thí nghiệm nghiên cứu tại Đại học Pittsburgh và năm 1948 được trao một khoản trợ cấp để nghiên cứu virus bại liệt và phát triển một loại vaccine khả thi. Đến năm 1950, ông đã có phiên bản đầu tiên của vaccine bại liệt.

Từng được nhà virus học Maurice Brodie thử nghiệm thất bại vào những năm 1930, quy trình tạo ra vaccine của Salk bao gồm việc tiêu diệt một số virus, sau đó tiêm những virus bất hoạt này vào máu của một người khỏe mạnh. Hệ thống miễn dịch của người nhận sẽ tạo ra các kháng thể được thiết kế để chống lại việc tiếp xúc với virus bại liệt trong tương lai. Những thử nghiệm trên người đầu tiên của Salk gồm thử nghiệm trên các bệnh nhân bại liệt trước đây, cũng như trên bản thân và gia đình ông, và đến năm 1953, vị tiến sĩ đã sẵn sàng công bố những phát hiện của mình. Sự kiện diễn ra trên sóng phát thanh quốc gia CBS vào tối ngày 25/3, và hai ngày sau, nó được lặp lại trong một bài báo đăng trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ. Tiến sĩ Salk ngay lập tức trở thành người nổi tiếng.

Năm 1954, các thử nghiệm lâm sàng sử dụng vaccine Salk và giả dược đã được tiến hành trên 1,3 triệu học sinh Mỹ. Tháng 4/1955, người ta chính thức tuyên bố vaccine này có hiệu quả và an toàn, và một chiến dịch tiêm chủng đã bắt đầu trên toàn quốc. Ngay sau đó, bi kịch xảy ra ở miền Tây và miền Trung Tây nước Mỹ, khi hơn 200.000 người bị tiêm một lô vaccine lỗi, được sản xuất tại Phòng thí nghiệm Cutter ở Berkeley, California. Đã có hàng ngàn trường hợp bại liệt được báo cáo, trong đó có 200 trẻ em bị liệt và 10 trẻ khác tử vong.

Vụ việc đã làm trì hoãn việc sản xuất vaccine Salk, nhưng các ca mắc bệnh bại liệt mới đã giảm xuống dưới 6.000 vào năm 1957, năm đầu tiên sau khi vaccine được phổ biến rộng rãi. Năm 1962, một loại vaccine uống, được phát triển bởi nhà nghiên cứu người Mỹ gốc Ba Lan Albert Sabin đã được công bố, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân phối vaccine bại liệt. Ngày nay, đã không còn đợt lây nhiễm bại liệt hàng năm nào được ghi nhận tại Mỹ. Trong khi đó, Jonas Salk đã được trao tặng Huân chương Tự do của Tổng thống Mỹ vào năm 1977. Ông qua đời ở La Jolla, California vào năm 1995.