28/03/1814: Tang lễ người phát minh máy chém

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Funeral held for the man behind the guillotine, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1814, tang lễ của Bác sĩ Joseph-Ignace Guillotin, cha đẻ của máy chém (guillotine) khét tiếng, đã diễn ra bên ngoài Paris, Pháp. Theo Guillotin, động cơ khiến ông phát minh ra cỗ máy là cực kỳ trong sáng và ông đã vô cùng đau khổ khi chứng kiến danh tiếng của mình bị hoen ố. Guillotin tạo ra cỗ máy cho người Pháp như một “cử chỉ nhân đạo” trong cuộc cải cách tư pháp hình sự diễn ra vào năm 1789. Cỗ máy nhằm thể hiện sự tiến bộ về tri thức và xã hội của Cách mạng Pháp; bằng cách xử tử quý tộc cũng như dân thường theo cùng một cách, theo đó đảm bảo sự bình đẳng lúc bị tử hình.

Lần đầu tiên máy chém được sử dụng là vào ngày 25/4/1792, khi Nicolas Pelletier bị xử tử vì tội cướp và tấn công có vũ trang ở Place de Greve. Các tờ báo đưa tin rằng máy chém không thực sự được chú ý ngay từ đầu. Thậm chí, đám đông còn muốn quay lại sử dụng giá treo cổ. Tuy nhiên, máy chém nhanh chóng thu hút sự chú ý của công chúng và nhiều người cho rằng nó mang lại “phẩm giá” cho đao phủ.

Tuy nhiên, máy chém đã nhanh chóng không còn được ưa thích, do nó thường xuyên được sử dụng trong Thời kỳ Khủng bố sau Cách mạng Pháp. Nó trở thành tâm điểm của các vụ hành quyết chính trị khủng khiếp và có liên hệ chặt chẽ với những vụ lạm quyền vào thời đó, đến nỗi nó bị cho là phải chịu trách nhiệm một phần cho chính những hành vi thái quá ấy. Tuy nhiên, máy chém vẫn thỉnh thoảng được sử dụng ở Pháp vào thế kỷ 20.