Nguồn: “Gordon Moore, a chip pioneer who set the stage for Google, Apple”, Nikkei Asia, 26/3/2023
Biên dịch: Phạm Quốc Hào
Dự đoán của người đồng sáng lập Intel về tốc độ nâng cấp chip đã dẫn đường cho Thung lũng Silicon.
Sáu thập niên trước, Gordon Moore đã dự đoán chính xác về tốc độ tiến bộ của chip máy tính, điều vốn sẽ biến đổi cuộc sống hiện đại.
Bằng cách đó, người đồng sáng lập và cựu chủ tịch của Intel, người vừa qua đời hôm thứ Sáu (24/3/2023) ở tuổi 94, đã tạo tiền đề cho sự trỗi dậy của các công ty công nghệ lớn (Big Tech).
Trong cái mà ngày nay được gọi là “Định luật Moore”, ông lập luận rằng số lượng bóng bán dẫn có thể được gắn trên mỗi con chip silicon sẽ tăng gấp đôi trong những khoảng thời gian đều đặn trong tương lai gần. Điều này đã trở thành kim chỉ nam cho sự đổi mới của Thung lũng Silicon.
Quy tắc ban đầu của ông dự đoán số bóng bán dẫn nhân đôi mỗi năm có thể được biểu diễn trong phương trình sau: 2 lũy thừa của n.
Đó là một tuyên bố mạnh mẽ cho thấy sức mạnh xử lý dữ liệu của máy tính sẽ tăng theo cấp số nhân như thế nào khi n trở nên lớn hơn.
Sau đó, ông đã sửa đổi quy tắc để nói rằng việc nhân đôi sẽ xảy ra hai năm một lần. Lý thuyết cho rằng sức mạnh xử lý sẽ tăng gấp 30 lần sau 10 năm và 1.024 lần sau 20 năm.
Lý thuyết của ông được công bố vào năm 1965 trong một bài viết cho số kỷ niệm 35 năm của một tạp chí thương mại. Đây là lúc Intel chưa ra đời, và dự đoán của ông còn khiêm tốn. “Không có lý do gì để tin rằng nó sẽ không duy trì gần như không đổi trong ít nhất 10 năm,” Moore viết. Tuy nhiên, 58 năm sau, quy tắc này vẫn đúng.
Ví dụ, điện thoại thông minh hiện tại có sức mạnh tính toán gấp 10 triệu lần so với Apollo 17 ra mắt năm 1972, phù hợp với Định luật Moore.
Định luật Moore có thể được mô tả như một quy tắc định hướng chính xác được xây dựng dựa trên kinh nghiệm hoặc mục tiêu của ngành. Nhưng nó chắc chắn cũng đã thúc đẩy các nhà đổi mới công nghệ cao, những người tự tin rằng những nỗ lực của họ sẽ giúp giảm giá thiết bị điện tử, thúc đẩy quá trình số hóa.
Các công ty Big Tech ngày nay, bao gồm Google, Apple, Facebook và Amazon, đã xây dựng mô hình kinh doanh của họ dựa trên nguyên tắc chỉ đạo của Moore rằng khi sức mạnh tính toán tiếp tục tăng, giá của các thiết bị và dịch vụ kỹ thuật số sẽ tiếp tục giảm theo tỷ lệ nghịch.
Sự tiến bộ nhanh chóng về sức mạnh tính toán đã cho phép các công ty Big Tech tăng lượng khách hàng và doanh số bán hàng theo cấp số nhân.
Thật không may, ngành công nghiệp Nhật Bản đã không có tầm nhìn xa để nhìn thấy sự ra đời của kỷ nguyên số, và do đó không thể vượt ra khỏi mô hình kinh doanh truyền thống.
Nếu một chiếc xe hơi bốn chỗ của Nhật Bản ra mắt năm 1972 tiếp tục tăng gấp đôi hiệu suất nhiên liệu sau mỗi hai năm, thì giờ đây chiếc xe đó đã có thể đi vòng quanh trái đất 20 lần chỉ với một lít nhiên liệu. Nhưng điều đó không bao giờ xảy ra.
Mối quan hệ của Moore với Nhật Bản thường được đánh dấu bằng xích mích, bao gồm cả cuộc chiến tại tòa án về quyền sở hữu trí tuệ và cuộc chiến chip giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản. Khi hai bên công kích lẫn nhau, Moore vẫn giữ vững lập trường mà không bao giờ mất bình tĩnh.
Intel đã từ bỏ ngành chip nhớ dưới thời Andrew Grove, người kế nhiệm Moore, và tập trung nguồn lực vào bộ vi xử lý, một quyết định đã đưa Intel lên vị trí hàng đầu trong ngành chip thế giới. Sự phát triển của Intel đã củng cố lợi thế của Hoa Kỳ so với Nhật Bản trong lĩnh vực này.
Sau khi trở thành chủ tịch danh dự của Intel vào năm 1997, Moore đã thành lập Quỹ Gordon và Betty Moore để theo đuổi hoạt động từ thiện. Cùng với Bill Gates, người đã thành lập một tổ chức tương tự tập trung vào phòng chống dịch bệnh, ông là tấm gương cho các tỷ phú khác mong muốn tham gia vào công việc từ thiện.
Khi Nhật Bản cố gắng khôi phục ngành bán dẫn, lĩnh vực điện tử của nước này và chính phủ đang cùng lên kế hoạch đầu tư 10 nghìn tỷ yên (76 tỷ USD) trong 10 năm tới. Đã đến lúc Nhật Bản thực hiện những tiến bộ nhanh chóng được nêu ra trong Định luật Moore.