Những điều ít biết về Lawrence Wong, Thủ tướng tương lai của Singapore

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Dewey Sim và Kok Xinghui, “ Singapore’s PM-in-waiting: what to know about Lawrence Wong, from his humble beginnings to his China ties,” South China Morning Post, 15/04/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vậy là cuối cùng cũng có một cái tên. Sau nhiều tháng suy đoán và xem ‘bói trà’ chính trị, vào hôm thứ Năm (14/04), người dân Singapore đã được thông báo rằng Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong (Hoàng Tuần Tài) đã sẵn sàng kế nhiệm Lý Hiển Long làm thủ tướng tiếp theo của đất nước.

Trong một tuyên bố, Thủ tướng Lý cho biết nhóm Thế hệ Thứ tư (4G) gồm các nhà lãnh đạo trẻ tuổi đã ủng hộ ông Wong, 49 tuổi, và Nội các hiện tại – toàn bộ 83 người thuộc Đảng Hành động Nhân dân (PAP) – cũng ủng hộ quyết định này.

Ông Lý dự kiến sẽ sớm đưa Wong trở thành phó thủ tướng, và vị thế của Wong trong đảng cũng có thể được nâng cao trong cuộc họp thường niên vào cuối năm nay.

Đối với các nhà phân tích chính trị, việc Wong được bổ nhiệm làm thủ tướng chờ kế nhiệm đã kết thúc một chương chưa từng có tiền lệ của PAP, đảng mà cho đến gần đây vẫn điều hành Singapore mà không có chút kịch tính nào khi chuyển đổi lãnh đạo.

Mọi chuyện thay đổi vào năm ngoái, sau khi người kế nhiệm được chỉ định của ông Lý là Heng Swee Keat (Vương Thụy Kiệt), 61 tuổi, khiến cả nước phải sửng sốt khi quyết định rút lui, với lý do rằng đất nước cần một nhà lãnh đạo trẻ tuổi hơn sau khi dịch Covid-19 thuyên giảm. Vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy thời điểm cụ thể mà quá trình chuyển đổi quyền lực sẽ diễn ra.

Dưới đây là bốn điều bạn cần biết về người sẽ lãnh đạo Singapore trong thời kỳ hậu đại dịch.

Xuất thân khiêm tốn

Giống như nhiều đồng nghiệp cấp bộ trưởng của mình, Wong đã từng nhận học bổng đại học của chính phủ.

Nhưng không giống như các đồng nghiệp, những người được đào tạo tại các trường đại học hàng đầu của Anh như Oxford hoặc Cambridge, Wong quyết định theo học ngành kinh tế tại Đại học Wisconsin-Madison ở Mỹ. Tờ nhật báo quốc gia The Straits Times cho biết ông “chọn Mỹ vì đây là quê hương của các nhạc sĩ yêu thích của ông.”

Cũng không giống như các đồng nghiệp xuất thân từ các trường trung học danh giá, Wong đã theo học tại các “trường làng” gần khu nhà công Marine Parade, nơi ông lớn lên. Ông nói rằng việc tiếp tục đi học ở gần nhà, nơi có tất cả bạn bè của ông, là điều “rất tự nhiên.”

Trong hai tuyên bố riêng vào thứ Năm, Thủ tướng Lý và Wong đều nhấn mạnh rằng “quyền lãnh đạo không phải là quyền được thừa kế.” Thật vậy, Wong, người sẽ bước sang tuổi 50 vào tháng 12 này, không xuất thân từ một gia đình chính trị – vốn là nền tảng cần thiết cho vai trò lãnh đạo ở phần lớn các nước Đông Nam Á.

Cha Wong sinh ra ở Hải Nam (Trung Quốc), chuyển đến Malaysia từ khi còn là một cậu bé, sau đó đến Singapore để làm công việc bán hàng. Mẹ ông sinh ra ở Singapore và là giáo viên tại trường tiểu học mà Wong và anh trai – hiện đang là một kỹ sư hàng không vũ trụ – theo học.

Đối với những ai đã xem đoạn video quay cảnh thủ tướng mới gảy đàn guitar điện, đệm theo bài hát Phúc Kiến kinh điển Wa Meng Ti, xuất hiện gần đây trên TikTok, cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi biết rằng Wong đã chơi guitar từ khi mới 8 tuổi.

Ông đã tận dụng rất tốt kỹ năng âm nhạc của mình trong những năm đại học, khi đi hát rong với anh bạn cùng phòng người Mỹ. Sau này, ông kể lại với The Straits Times rằng mình yêu nhạc rock, blues và soul.

Ngoài những điều trên, có rất ít thông tin công khai về đời tư của ông. Wong đã tái hôn sau khi ly hôn “thân thiện” và không có con. Là một công chức dân sự trước khi bước chân vào chính trường, ông từng đảm nhiệm một số công việc quan trọng nhất trong bộ máy hành chính của đất nước – bao gồm cả chức Thư ký riêng trưởng của Thủ tướng Lý Hiển Long, từ năm 2005 đến năm 2008.

Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong (phải) đóng vai trò nổi bật trong tư cách một trong các đồng chủ tịch ủy ban liên ngành chống Covid-19 (Nguồn: EPA-EFE/MCI)

Wong là nhân tố vững chắc trong chính quyền của ông Lý từ thập niên 2010, giữ chức Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Cộng đồng, và Thanh niên, tiếp đến là chức Bộ trưởng Bộ Phát triển Quốc gia trong giai đoạn 2012-2020. Sau cuộc bầu cử năm 2020, được tổ chức trong bối cảnh đại dịch, ông Lý đã bổ nhiệm Wong làm Bộ trưởng Giáo dục.

Sau đó, khi Heng quyết định từ chức vào năm ngoái, vị trí Bộ trưởng Tài chính của Heng đã được trao cho Wong. Lý Hiển Long và người tiền nhiệm Goh Chok Tong (Ngô Tác Đống) đều từng là bộ trưởng tài chính trước khi đảm nhận vị trí thủ tướng.

Các nhà quan sát cho rằng Wong đã thực sự thành công với vai trò là một đồng chủ tịch của lực lượng đặc nhiệm Covid-19 của Singapore.

Theo giới quan sát, khi đối mặt với làn sóng chỉ trích vì chính phủ đã thắt chặt rồi lại nới lỏng các hạn chế– nhằm đối phó với những đợt tăng lây nhiễm – nhưng lại không thông báo sớm, thái độ bình tĩnh đã giúp Wong giành được sự ủng hộ, ngay cả trong số những người trước đây từng đánh giá ông thấp hơn các ứng viên khác cho chức thủ tướng.

Elvin Ong, giáo sư trợ lý tại khoa khoa học chính trị của Đại học Quốc gia Singapore (NUS), cho biết Wong cũng đã đề cập với người dân Singapore về các vấn đề gây tranh cãi như chủng tộc và “nhìn chung đã làm rất tốt.”

Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung (Vương Ất Khang) trong lời chúc mừng tới Wong đã nói rằng: “Ông ấy đặt trọn trái tim và tâm trí của mình vào những việc ông làm, và không bao giờ tìm kiếm danh vọng hay phô trương.”

Sẽ không có ‘thay đổi lớn’ nào về chính sách đối ngoại

Các nhà phân tích tin rằng Wong có lẽ sẽ không “gây sóng gió” và không đi chệch hướng nhiều so với các nhà lãnh đạo trong quá khứ – và đánh giá tương tự cũng được áp dụng đối với mặt trận ngoại giao.

Felix Tan, một nhà phân tích chính trị từ Đại học Công nghệ Nanyang, nhận định sẽ không có bất kỳ “thay đổi lớn” nào, lưu ý rằng các chính sách đối ngoại của Singapore luôn được xác định bởi tính trung lập và lợi ích quốc gia của nước này.

Trong quá khứ, Bộ trưởng Tài chính đã thường xuyên làm việc với các quan chức hàng đầu ở Trung Quốc và Mỹ. Ông cũng từng là người phụ trách Thành phố Sinh thái Thiên Tân Trung Quốc-Singapore, một trong ba dự án quan trọng giữa hai chính phủ, nhằm gắn kết quan hệ giữa hai nước.

Với tư cách đó, ông đã có nhiều cuộc trao đổi với các nhà lãnh đạo Trung Quốc ở Bắc Kinh và Thiên Tân. Wong hiện còn là đồng chủ tịch Hội đồng Hợp tác Toàn diện Singapore-Thượng Hải.

Eugene Tan, một nhà quan sát chính trị và giảng viên ngành luật lâu năm tại Đại học Quản lý Singapore, cho biết: các nhà lãnh đạo Singapore sẽ tiếp tục can dự chặt chẽ với Trung Quốc, ngay cả khi nước này ngày càng trở nên quyết đoán hơn trong việc bảo vệ lợi ích của mình trong những năm gần đây. Hiện trạng này khó có thể thay đổi dù quá trình chuyển giao quyền lực sắp diễn ra, ông nói.

Ông dự kiến Wong sẽ đến thăm Trung Quốc khi đại lục mở cửa trở lại, và sẽ có các chuyến đi hàng năm khi ông chính thức đảm nhận vai trò thủ tướng, một thông lệ được bắt đầu bởi những người tiền nhiệm của ông.

“Theo tôi, Trung Quốc không phân biệt các nhà lãnh đạo 4G theo kiểu họ muốn ai lên kế nhiệm Thủ tướng Lý hơn,” Tan chia sẻ và nói thêm rằng “sự nhất quán” luôn được coi là một “đặc tính” trong chính sách đối ngoại của Singapore xuyên suốt nhiệm kỳ của ba vị thủ tướng kể từ khi đất nước giành độc lập.

Nhưng Chong Ja Ian, một giáo sư khoa học chính trị tại NUS, tin rằng vẫn còn phải chờ xem liệu Wong có khả năng đưa đất nước vượt qua thời kỳ hỗn loạn hay không.

“Nếu thế giới đang ở vào thời điểm nhiều căng thẳng và dễ thay đổi, thì câu hỏi còn bỏ ngỏ là liệu ai sẽ có đường đi nước bước tốt hơn, hay ai sẽ có thể phản ứng nhanh và nắm bắt các cơ hội,” ông nói.

Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung là ứng viên hàng đầu cho vị trí Phó Thủ tướng trong chính phủ Lawrence Wong (Nguồn: Facebook)

Xây dựng đội hình hạng A

Elvin Ong của NUS cho rằng Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung và Bộ trưởng Giáo dục Chan Chun Sing (Trần Chấn Thanh) – những người từng được coi là các ứng viên hàng đầu cho chiếc ghế thủ tướng – nhiều khả năng sẽ là những ứng viên nặng ký trong đội hình nội các của Wong.

Ông cũng nhận định thủ tướng mới sẽ không loại trừ khả năng bổ nhiệm ‘ngựa ô’ từ nhóm các chính trị gia trẻ tuổi, “đó có thể là một phụ nữ hoặc một nhân vật xuất thân từ nhóm dân tộc thiểu số.”

Eugene Tan cũng kỳ vọng Ong và Chan sẽ nằm trong số các bộ trưởng hàng đầu của Wong, nói rằng động thái này sẽ duy trì sự gắn kết và thống nhất trong nội các, đảng, và nhóm 4G.

Hôm thứ Năm, Thủ tướng Lý đã nói rằng Wong có sự ủng hộ “áp đảo” từ nhóm 4G, điều mà Felix Tan cho là quan trọng. Ông nói, Wong cần phải xây dựng một đội ngũ tôn trọng các quyết định và ủng hộ các chính sách của ông, một đội ngũ bao gồm các bộ trưởng có khả năng củng cố vị trí nhà lãnh đạo quốc gia của ông.

Cả Ong và Chan, cùng các nhà lập pháp PAP khác, đã gửi lời chúc mừng đến Wong. Đặc biệt, Ong đã mô tả bước tiến này là một “kết quả tốt đẹp” và nói sẽ “nỗ lực hết mình để hỗ trợ ông ấy”.

Cải tổ nội các, sau đó là bầu cử?

Bước đi tiếp theo sẽ là một cuộc cải tổ Nội các. Giảng viên luật Eugene Tan đánh giá “gần như chắc chắn” Wong sẽ được bổ nhiệm làm phó thủ tướng, tiếp quản vị trí của Heng Swee Keat.

Cuối năm nay, PAP cũng sẽ tổ chức một cuộc bầu cử Ban Chấp hành Trung ương, trong đó các thành viên chủ chốt của đảng sẽ được các cán bộ bầu vào “vòng trong”.

Trong kỳ bầu cử gần nhất, Heng đã được nâng lên vị trí Phó Tổng Bí thư Thứ nhất, còn Chan Chun Sing trở thành Phó Tổng Bí thư Thứ hai. Các vị trí được trao cho Wong và những người đồng cấp trong năm nay sẽ tiết lộ ai có khả năng trở thành cấp phó của Wong khi ông đảm nhận chức thủ tướng.

Cuộc tổng tuyển cử tiếp theo sẽ không diễn ra cho đến năm 2025, và các nhà phân tích cho biết họ không mong đợi sẽ diễn ra một cuộc bầu cử sớm. Hiện tại, điều cấp thiết là phải biến Wong trở thành “tâm điểm” để tập hợp người dân Singapore, Tan nói.

“Thời gian là điều cốt yếu để biến Wong trở thành bộ mặt của đảng và của chính phủ, và để ông thoát khỏi cái bóng của [Thủ tướng] Lý.”

Felix Tan nhận xét, trước mắt Wong sẽ phải đối mặt với một số thách thức trong việc tăng cường sự ủng hộ của các công dân trẻ tuổi. PAP đã nắm đa số trong quốc hội kể từ cuối những năm 1960.

Tỷ lệ ủng hộ trên toàn quốc giảm xuống còn 61,2% tổng số phiếu bầu trong cuộc bầu cử năm 2020 được coi là một trong những thành tích kém cỏi của PAP. Đảng Công nhân đối lập đã tiến xa hơn trong cuộc bầu cử đó, dù gần đây họ đang bị bủa vây bởi một vụ bê bối nội bộ.

Trong tương lai, Wong sẽ cần phải xây dựng thương hiệu lãnh đạo của riêng mình và “tìm ra một điểm thu hút độc đáo mà người Singapore có thể thoải mái chấp nhận và ủng hộ,” Felix Tan nói.

Dewey Sim là phóng viên mục Châu Á, đưa tin về chính trị, kinh tế, ngoại giao Singapore cũng như quan hệ Trung Quốc-Singapore.

Kok Xinghui là một phóng viên mục Châu Á hiện đang sinh sống tại Singapore. Cô phụ trách các vấn đề chính trị, kinh tế vĩ mô, kinh doanh, sức khỏe, và xã hội ở Châu Á và Singapore cho SCMP.

#179 – Lý Quang Diệu viết về chính trị Singapore