Đại Việt dưới thời vua Lê Nhân Tông (P2)

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Hồ Bạch Thảo

Tháng 2 năm Thái Hòa thứ 6 [3/1448], Đèo Mạnh Vượng, tri châu Phục Lễ vùng Lai Châu có tội. Triều đình bắt Mạnh Vượng tự tử, rồi trao chức Chiêu thảo sứ cho em Vượng:

Tháng 2, Tư không châu Phục Lễ Đèo Mạnh Vượng có tội, cho tự tử. Sai nhập nội tư mã Lê Ê đem 5.000 quân hộ tống người em thứ của Mạnh Vượng, cho làm chiêu thảo sứ tri châu Phục Lễ, thay trông coi dân chúng của Mạnh Vượng và tịch thu gia sản của Mạnh Vượng.

Mạnh Vượng vốn tính hung bạo, lòng người không theo, lại ngầm sai người đánh thuốc độc giết hại bộ đảng của mình, bộ đảng ai cũng thù oán. Đến đây, nghe quan quân đến, họ tranh nhau giết hai đứa con của hắn, bắt giam cả vợ cả, vợ lẽ, nô tì, lấy hết vàng bạc của cải của hắn đem nộp tại cửa quân. Nhưng Lê Ê khéo biết an ủi vỗ về, không mảy may chạm đến, tình hình lại yên ổn như cũ, người trong châu rất vui lòng.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 63a.

Triều đình nghe tin đồn không chính xác rằng nhà Minh sẽ sai quan hội khám vùng biên giới châu Khâm, bèn cử một phái đoàn hùng hậu đến biên giới, nhưng không gặp ai. Sau đó sửa sai bằng cách yêu cầu thẳng nhà Minh cử người đến hội khám, được Vua Anh Tông chấp nhận:

Biên giới miền đông ngoa truyền rằng nhà Minh sai sứ sang hội khám biên giới. Vua sai Đông đạo tham tri Trình Dục đi dò xét hư thực trở về tâu báo. Dục đến biên giới không hề điều tra, chỉ tin nghe lời người đi đường đã về tâu ngay là có quan hai ty khâm sai của phương Bắc và quan Tổng binh trấn thủ Quảng Đông đem binh mã tới rất đông. Vua sai Tư khâu Lê Khắc Phục, Tả hữu nạp ngôn Nguyễn Mộng Tuân, Nguyễn Văn Phú, hữu ty thị lang Đào Công Soạn, Trung thừa Hà Lật cùng bọn Tây đạo tham tri, Đồng tri Nguyễn Thúc Huệ, Nguyễn Lan, Bùi Cầm Hổ, Trình Dục, Thẩm hình viện phó sứ Trịnh Mân, Nội mật viện tham tri Lê Văn đi hội khám. Lại sai hạ Nam Sách phủ đồng tri Lê Thiệt đem hơn 1 vạn 2 nghìn quân hợp đồng với các quan của trấn An Bang đề phòng biên giới. Ban tiền cho từng người theo thứ bậc khác nhau; lại bắt các quan lộ, trấn, huyện và dân phu thuộc Đông đạo phải đóng góp đầy đủ tiền gạo, trâu dê, gà vịt ngan ngỗng, rượu thịt các thứ để đợi khao quân phương Bắc. Cả miền đông do vậy đều xao động. Đến lúc tới biên giới, ở lại cả tuần, cả tháng, dò xét tin tức thì im ắng như tờ. Bọn họ liền đem tiền của mua hàng phương Bắc chở nặng mang về, nói thác là quan khâm sai nhà Minh lại có việc khác không đến. Đài quan[1] là bọn Hà Lật thì vào cánh với nhau không nói một câu. Triều đình cũng không có ai hỏi đến tội đó. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 63b.

Ngày 15 tháng 5 năm Chính Thống thứ 13 [ 15/6/1448]. Dụ Quốc vương nước An Nam Lê Tuấn rằng:

…Lại tâu xin triều đình sai mệnh quan đến thực địa khám tình hình đất đai tại châu Khâm, Quảng Đông. Chấp thuận lời tâu của Vưong, đã ra lệnh Tuần án, Ngự sử, cùng Tam ty Quảng Đông cử người đến thực địa khám. Vương nên sai Đại Đầu mục đến biên giới, để hai bên phối hợp cộng đồng xử trí, nhắm hai bên đều tiện lợi, chấm dứt phân tranh. Vương hãy tuân theo.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 47)

Nhà Vua cùng Thái hậu đến Lam Kinh bái yết lăng miếu, dân chúng theo tục quê ca múa đón tiếp. Vào đầu tháng 3, tại hành dinh Lam Kinh, ban yến tiệc cùng tiền bạc cho các quan tùy tòng và quan địa phương:

Ngày Giáp Tuất [22/3/1448], vua ngự về Lam Kinh, Thái hậu và các vương đều đi theo.

 Sai Đại tư đồ Lê Thận và Đô áp nha Lê Bí ở lại giữ Kinh sư.

 Dân Thanh Hóa thấy xa giá đến, trai gái đem nhau đến hát rí ren[2] ở hành tại.Tục hát rí ren này, một bên con trai, một bên con gái dắt tay nhau ca hát, có lúc tréo chân tréo cổ nhau gọi là cắm hoa, kết hoa, trông rất là xấu. Đài quan Đồng Hanh Phát bẩm với Thái úy Khả rằng:

‘Đấy là thói dâm tục xấu, không để nhảm nhí trước xa giá’.

 Khả lập tức sai cấm hẳn. Ngày Nhâm Ngọ [30/3/1448], vua tới Lam Kinh, bái yết lăng miếu.”

Tháng 3, ngày mồng 1 [3/4/1448] ban yến cho các quan ở hành tại bên sông. Ban bạc cho các quan theo hầu từ nhị phẩm trở lên theo thứ bậc khác nhau. Còn các quan từ tam phẩm trở xuống và các quan ở Lam Kinh cùng các loại quân sĩ đi hộ giá thì ban tiền theo thứ bậc khác nhau. Bấy giờ, vua mới ngự đi lần đầu cho nên có việc ban tiền bạc đó.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 64a.

Bấy giờ tại biên giới Lạng Sơn và trấn Tư Minh dân chúng thường vụng trộm qua lại buôn bán, viên Tham nghị Quảng Tây xin nghiêm khắc cấm đoán; Vua nhà Minh chấp nhận cho bàn bạc thi hành:

“Ngày 4 tháng 2 năm Chính Thống thứ 13 [ 8/3/1448].Tả Tham nghị Quảng Tây Chân Hoàn tâu:

‘Châu An Long thuộc trấn Tư Minh,[3] tiếp giáp với Giao Chỉ. Tuy có lính canh giữ nhưng từ lâu không có quan đôn đốc, nên không khỏi sinh ra lười biếng. Thổ dân ham lợi vặt, bí mật theo đường nhỏ qua lại buôn bán; thực có thể gây ra mối lo nơi biên giới.

Xin cử một viên chỉ huy trí dõng công chính, xét thăng chức, mệnh đôn đốc cấm đoán để cửa ải nơi biên giới được đề phòng nghiêm cẩn, địa phương được an ninh.’

Thiên tử mệnh bộ Binh bàn để thi hành.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 46)

Vào tháng 3 [4/1448], bộ tộc Bồn Man[4] nước Ai Lao mang vàng, bạc, voi sang cống, được tặng quà đáp lễ:

Bồn Man cho người sang cống sừng tê, vàng bạc và con voi ba ngà. Khi đi qua Nghệ An, được lệnh để con voi ấy ở lại quân phủ.[5] Ban cho sứ thần Bồn Man một bộ áo dài bằng đoạn màu hồng, 10 tấm lụa, 5 sọt đồ sứ rồi cho về.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 64b.

Ngự sử đàn hạch việc 125 vụ án tồn đọng trong vòng 15 năm [1432-1447], đại thần bàn bạc các cơ quan chia nhau giải quyết, trừng phạt những kẻ cố tình chậm trễ:

Đài quan [Ngự sử] là bọn Hà Lật, Đồng Hanh Phát hặc tâu rằng:

‘Án kiện ứ đọng nhiều, việc này ở các quan có trách nhiệm, bọn thần không biết được’.

Bọn Thẩm hình lang trung phu Trình Mân, Nguyễn Văn Kiệt, Lê Bá Viễn đều cúi đầu tạ tội. Riêng Giám sát ngũ hình Trình Duy Nhất kiếm lời bào chữa mãi không thôi.Vua không trả lời. Sai bọn Hà Lật đến Ngũ hành viện điều tra, thì từ năm Nhâm Tý [1432] đến năm Đinh Mão [1447] còn đọng tới 125 án.

Các đại thần bàn nhau đem chia những án kiện đọng lại ấy cho quan năm đạo, đài quan và ngũ hình cấp tốc xét xử, không được để ứ đọng lâu ngày có hại cho dân. Hơn nữa, việc hình ngục quá nhiều, hình quan sức không làm xuể, xin xét giảm tội cho họ. Biếm Lang trung Nguyễn văn Kiệt, Đại phu Lê Bá Viễn mỗi người đều 1 tư, mỗi người phải phạt 50 roi.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 65a.

Vào tháng 4 [5/1448], ra lệnh quân dân không được chiếm đất công. Cựu Đô đốc Lê Xí năm Thái Hòa thứ 3 [1445] bị cách chức, nay được làm Thiếu bảo:

Mùa hạ, tháng 4, cấm viên quan và quân dân không được chiếm ruộng công để đào ao, làm vườn tược nhà cửa

 Lấy cựu Đô đốc Lê Xí làm Thiếu bảo tri quân dân sự, Đồng tri Lê Lư làm Tuyên úy đại sứ châu Phục lễ.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 65b.

Sứ thần Chiêm Thành đến cống, bèn mở yến tiệc khoản đãi. Cho Vua cũ Chiêm Thành Ma Ha Bí Cai hiện bị giam tại nước ta được tham dự và ban cho áo mũ y phục. Riêng Vua Anh Tông nhà Minh khuyên Vua nước ta nên làm ơn bỏ oán, tha cho Bí Cai trở về nước; nhưng không thấy văn thư phía ta đáp ứng:

Bọn Nguyễn Hữa Quang từ Chiêm Thành trở về. Sứ thần Chiêm Thành là bọn Bân Đối Thêm, Chiêm Thấp mang quốc thư và lễ vật cống cùng đi theo bọn Hữu Quang sang ta.

Ban yến ở Sứ quán, sai Tư khấu Lê Khắc Phục chủ trì. Ban mũ đai, y phục cho chúa cũ của Chiêm Thành là Bí Cai và cho y dự yến. Đến khi sứ Chiêm về, ban cho chánh sứ, phó sứ mỗi người một chiếc áo, 3 tấm lụa, thông sự và hành nhân mỗi người 2 tấm lụa:19 người đi theo cho chung 19 tấm luạ, nhân tiện sai mang luôn thư vua ban về nước.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 66a.

Ngày 15 tháng 5 năm Chính Thống thứ 13 [ 15/6/1448].

…. Lúc này An Nam và Chiêm Thành đánh phá lẫn nhau, Tuấn thường sai tướng xâm lược đất đai Chiêm Thành đến cửa Châu [Cựu?] Cảng, giết dân, bắt Quốc vương Ma Ha Bí Cai đem về nước. Thiên tử đã sai sứ sang lập cháu Vương cũ là Ma Ha Quí Lai làm Vương để trông coi việc nước. Nên đã dụ Tuấn rằng nên làm ơn bỏ oán, sai người đưa Ma Ha Bí Cai trở về. Đừng kết oán khiến di hại đến sinh linh.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 47)

Ra lệnh giảm biên chế quân Ngự tiền bảo vệ hoàng cung; vì thiên tai, dân nghèo, cung cấp không đủ. Ra chỉ dụ cho các quan văn võ trong triều và các địa phương, phải giữ liêm khiết, chăm lo việc công; để dân chúng được yên ổn:

Ra lệnh chỉ cho Quản lĩnh ngự tiền vũ đội rằng:

 ‘Bọn các ngươi từ thời Thái Tổ đến nay giữ phận túc trực đã lâu, không được ngó tới cửa nhà. Nay thiên hạ vô sự, nên chia thành ba phiên thay nhau túc trực để được về viếng thăm cha mẹ’.

 Vì các đại thần xét thấy liền mấy năm hạn hán, sâu lúa, quan thì túng, dân thì nghèo, mà số vệ sĩ tăng nhiều, lương cấp không đủ, nên có lệnh này.

Ra lệnh chỉ cho các quan văn võ trong ngoài rằng:

‘Nhà nước đã có quy định lương bổng để giữ liêm khiết, lại có ban bố phép tắc để theo đó mà làm. Nay bọn các ngươi không chịu giữ phép, khi làm việc công thì mượn tiếng việc công để lo chạy việc tư, khi xét kiện tụng thì lo nhận hối lộ mà bẻ cong phép nước, khiến những người đi đường ai cũng than oán. Xé mối hệ hại này hẳn không phải là việc nhỏ. Nay các ngươi phải gột rửa lòng mình, giữ thân liêm khiết, gắng gỏi việc công, yêu thương quân nhân, khiến chúng dần dần được yên nghiệp, thì các ngươi cũng được yên nghiệp. Nếu vẫn mê muội không chừa, bị người cáo giác, hoặc dò xét được thực trạng sẽ bị trị nặng hơn luật thường 2 bậc. Quan trên và đồng liêu không biết khuyên răn, thì khi việc bị phát giác, cũng bị trị tội theo luật và cắt phần lương bổng“. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 66a.

Thời Vua Lê Thái Tông năm Thiệu Bình thứ 5 [1438] xãy ra việc tranh chấp đất đai giữa châu An Bình thuộc Long Châu, Quảng Tây và châu Tư Lang, Lạng Sơn. Phái đoàn hai nước qua lại tranh luận mấy lần nhưng chưa giải quyết xong; đến tháng 5 năm nay có được giải pháp cuối cùng, phía ta đem thôn Cung cùng 11 thôn trả lại cho Long Châu; phía Trung Quốc đem thôn Bôn cùng 6 thôn trả cho Hạ Tư Lang. Ngoài ra triều đình ta còn đòi đất bị mất tại châu Quảng Nguyên, Cao Bằng; Vua nhà Minh hứa cho điều tra và giải quyết công bằng:

Ngày 15 tháng 5 năm Chính Thống thứ 13 [ 15/6/1448]. Dụ Quốc vương nước An Nam Lê Tuấn rằng:

“Nhận được tờ tâu xưng rằng đã sai Đầu mục Lê Khắc Phục ước hẹn hội họp với Tam ty[6] Quảng Tây; bắt con trai các Thổ quan Triệu Nam Tuấn, Nùng Kính đến các nơi tranh chấp để xác minh lời cung; đem thôn Cung cùng 11 thôn trả lại cho Long Châu; đem thôn Bôn cùng 6 thôn trả cho Hạ Tư Lang; lại giới hạn số người phòng thủ tại biên giới. Nhân đó có thể thấy tấm lòng tôn kính triều đình của Vương; nhưng chỉ lo những người dưới canh giữ biên giới, đã lâu ngày tháng quen thói lộng hành, chỉ vụ lợi riêng, không biết đến đại thể, gây sự xâm nhiễu. Vương nên nghiêm sức các Đầu mục từ nay phải cẩn trọng giữ pháp độ, nếu xâm vượt sẽ chịu tội nặng, lại liên lụy đến đức tốt của Vương.

Vương xưng các động thôn thuộc châu Quảng Nguyên cùng Thạch Áo, Yêm Bố; tuy đã được Tam ty xác minh, nhưng chưa giao hoàn trở lại. Bộ sở quan đã tra xét, nhưng chưa nhận được lời tâu của tỉnh Quảng Tây. Đã gửi văn thư cho tra khám lại rồi tâu lên; Trẫm sẽ phân xử hết sức công bình….(Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 47)

Tháng 6 [7/1448], hạn hán lâu, xuống chiếu cho các quan trai giới cầu mưa tại chùa Báo Ân trong cung. Lại rước tượng Phật từ chùa Pháp Vân[7] đưa đến chùa tại kinh thành để cầu đảo; hạ lệnh các quan tâu bày duyên do hạn hán:

 “Xuống chiếu cho các quan văn võ phải trai giới đến chùa Báo Ân ở cung Cảnh Linh làm lễ Cầu mưa. Vua đích thân tới vái xin.

Sai Thái úy Lê Khả đến xã Cổ Châu rước tượng Phật Pháp Vân về chùa Báo Thiên ở kinh thành. Xuống chiếu cho các nhà sư tụng kinh cầu đảo. Vua và hoàng thái hậu cùng đến làm lễ. Ban cho các nhà sư 10 tấm lĩnh và vóc, 20 quan tiền mới.

Ngày hôm ấy, tha 24 tù nhân tội còn ngờ.

Xuống chiếu cho các quan kinh diên, tham nghị, đài quan, hàn lâm, trung thư tâu bày về duyên do dẫn tới hạn hán.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 68a.

Tháng 7 [8/1448], miền tây bắc nhiều núi rừng gặp hạn hán lâu, nên bị đói to; bèn mở kho thóc cho vay:

“Mùa thu, tháng 7, ba trấn Tuyên Quang, Quy Hóa [Yên Bái, Lào Cai], Gia Hưng [Phú Thọ], các lộ Đà Giang đói to. Tri Tây đạo Nguyễn Phú tâu rằng:

 ‘Các trấn lộ Tuyên Quang, Quy Hóa, Gia Hưng ở miền núi rừng hẻo lánh, ruộng đất sỏi đá xơ xác, lại thêm liền năm bị hạn hán, sâu bọ, dân chúng rất đói. Xin lấy thóc kho công cho dân vay, may ra dân được hồi sinh’.

Bèn xuống chiếu phát thóc các kho trong xứ cho dân vay, đợi khi được mùa thì trả lại cho nhà nước.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 69a.

Châu Qui Hợp, Ai Lao, tại phía tây huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, cống voi; bèn ban cho đồ sứ, y phục:

 “Châu Quy Hợp dâng 2 con voi. Ban cho y phục, lụa tấm, đồ sứ… Trước kia, Quy Hợp vốn gọi là Tồn Bồn Man, phụ thuộc Ai Lao. Từ khi Thái Tổ dựng nước mới sang tiến cống. Đến đây, lại dâng voi, xuống chiếu đổi thành châu Quy Hợp.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 69b.

Tháng 8 [9/1448], mở kỳ thi Hội:

Tổ chức thi hội cho sĩ nhân trong nước, lấy đỗ 8 người.

Đến khi thi đình, vua thân ra đề văn sách, hỏi về lễ nhạc, hình, chính. Cho Nguyễn Nghiêu Tư đỗ trạng nguyên, Trịnh Thiết Trường đỗ bảng nhãn, Chu Thiêm Uy đỗ thám hoa lang, bọn Nguyễn Mậu 12 người đỗ tiến sĩ, bọn Đoàn Nhân Công 13 người phụ bảng.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 72b.

Theo lời tâu của quan Tư khấu Lê Khắc Phục bắt các khảo quan uống máu tuyên thệ, nhưng tệ trạng tham ô vẫn không chấm dứt:

Bấy giờ, Tư khấu Lê Khắc Phục muốn cấm các khảo quan tư túi, tâu xin bắt họ phải uống máu ăn thề. Các khảo quan phải thề bắt đầu từ đó. Nhưng thói tư túi vẫn không thể nào hết được.”

Tháng 9 [10/1448] cho xây miếu điện tại Lam Kinh, Thanh Hóa. Các đại thần nhận thấy khai quốc công thần Đô đốc Lê Ngân bị tội chết oan dưới thời Vua Lê Thái Tông, nên xin cho con là Lê Tông Nho làm Đại đội trưởng Báo ứng quân:

“Tháng 9, xuống chiếu sai Thái úy Lê Khả đốc suất các cục Bách tác xây dựng miếu điện ở Lam Kinh.

Lấy Lê Nho Tông, con Lê Ngân, làm Đại đội trưởng Bảo ứng quân. Ngân vì có công to khai quốc, chết không đáng tội, con là Lê Tông Nho bị vùi dập trong quân ngũ đã lâu, các đại thần thương xót, cho nên có lệnh này.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 73a.

Tháng 10 [11/1448], nội bộ Chiêm Thành tranh chấp, khiến một số người xin tị nạn tại nước ta:

“Người Chiêm Thành là Phan Mỗ dẫn hơn 340 đàn ông đàn bà sang hàng, xuống chiếu chia cho ở các đạo.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 74a.

Tháng 11 [12/1448], vài bộ tộc thiểu số tại vùng Tuyên Quang, Cao Bằng chống mệnh không chịu nạp thuế; bị quan Tổng quản trấn sở tại đánh dẹp:

Bọn Nông Thế Ôn ở châu Bảo Lạc [Cao Bằng], Dương Thắng Kim ở sách Thám Già, Nguyễn Châu Quốc ở mường An Phú thuộc trấn Tuyên Quang có tội bị giết. Trước đó, bọn Ôn, Kim cậy đất hiểm, không chịu nộp phú dịch. Đến đây lại ngầm cùng với bọn Châu Quốc đem quân chống mệnh. Phụ đạo mường An Phú là Nguyễn Doãn Tô cáo giác chuyện đó. Sai Tổng quản Lê Luân đem quân bản trấn đánh bắt bọn chúng, bắt được bọn Ôn, Kim giải về chém bêu đầu ngoài chợ kinh đô.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 74b.

Quan Nhập nội đô đốc Lê Chích, công đầu trong việc giúp Vua Lê Lợi đánh Trà Lân, lược định Nghệ An, rồi trẩy ra Tây đô; lại giúp các Vua sau trấn thủ Hóa Châu, đánh Chiêm Thành; đến nay mất đặt tên thụy là Trinh Vũ:

Tháng 12 [1/1449] Nhập nội Đô đốc đình thượng hầu là Lê Chích chết. Hồi mới khởi nghĩa, Lê Chích dâng sách lược bàn đánh lấy Trà Long [Trà Lân, Nghệ An] trước. Lê Thái Tổ nghe theo. Do đó, hạ được Trà Long, hàng được Ngọc Ma,[8] vây được thành Nghệ An, lược định được Tân Bình và Thuận Hóa, thu nạp được vài vạn quân, quay cờ trẩy ra Tây Đô, chia quân đi lấy các đất đai khác. Người ta đều phục Lê Chích là người nhìn xa được sự việc và bày mưu được đúng sát. Khoảng niên hiệu Thiệu Bình (1434-1439), Lê Chích, vào trấn thủ Hóa Châu, Chiêm Thành hai lần vào lấn cướp, ông đánh phá được. Oai danh của ông lừng lẫy cả cõi nam. Về sau, vì có công đi đánh Chiêm Thành, ông được thăng Nhập nội đô đốc. Đến đây, ông mất, tặng phong là Nhập nội tư không Bình chương sự, đặt tên thụy là Trinh Vũ.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 18.

Tháng Giêng năm Thái Hòa thứ 7 [24/1-22/2/1449] cho múa nhạc Bình Ngô Phá Trận, diễn tả chiến thắng quân Minh đầy anh dũng hào hùng, khiến khán giả cảm động phát khóc:

Kỷ Tỵ, Thái Hòa năm thứ 7, (Minh Chính Thống năm thứ 14). Mùa xuân, tháng Giêng, ban yến cho các quan. Múa nhạc “Bình Ngô phá trận”.

Trước kia, Thái Tổ dùng võ công bình định thiên hạ. Thái Tông tưởng nhớ công lao tiền bối, sáng tác điệu vũ “Bình Ngô”. Đến đây, vua nghĩ tới công sáng nghiệp gian lao, không quên công đức tổ tiên, cho nên lại cho múa điệu ấy, công hầu có người xúc động phát khóc.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 76a.

Tháng 2 [23/2-23/3/1449], miếu điện tại Lam Kinh, Thanh Hóa làm xong. Cho đào lại sông Bình Lỗ, tức sông Cà Lồ, Hà Nội:

Tháng 2, miếu điện ở Lam Kinh làm xong. Sai Hàn lâm thị độc Hoàng Thanh thay Nguyễn Lãm làm lễ tấu cáo. Vì Lãm trước đó có tội với Thái Tổ.

Sai Tư khấu Lê Khắc Phục đem người các cục Bách tác, quân vệ Thiên Quan, Tứ sương và quân dân trấn Thái Nguyên đào lại sông Bình Lỗ từ Lãnh Canh [Đáp Cầu, Bắc Ninh] , đến cầu Phù Lỗ [huyện Sóc Sơn, Hà Nội] dài 2.500 trượng thông với Bình Than để tiện việc đi lại trong trấn Thái Nguyên.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 76b.

Tháng 3 [24/3-21/4/1449], em Vua Chiêm Thành là Ma Ha Quý Do, bỏ tù anh rồi tự lên ngôi. Sau đó sai sứ sang Đại Việt dâng biểu cống, bị khước từ:

Tháng 3, người Chiêm Thành là Quý Do bỏ tù chúa nó là Quý Lai, tự lập làm vua, sai bề tôi là bọn Giáo Nhĩ Mỗ, Bàn Thoa sang dâng cống vật. Vua xem tờ biểu, khước từ nói:

‘Tôi giết vua, em giết anh là tội đại ác xưa nay, trẫm không nhận đồ dâng’

 Sai trả hết cả. Rồi sai Đồng tri hữu tri sự Nguyễn Hữu Quang, Điện trung thị ngự sử Trình Ngự mang thư sang dụ rằng:

‘Sự thực của các ngươi như thế nào thì phải sang trình bày cho rõ“. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 77a.

Tháng 4 [5/1449], khai quốc công thần Lê Lễ, người giúp Vua Lê Lợi thoát hiểm thời khởi nghĩa Lam Sơn mất, thọ 82 tuổi. Tháng này hạn hán lớn , Vua xuống chiếu tự trách mình:

Mùa hạ, tháng 4, khôi phục tước Tự Hiệu hầu và chức. Nhập nội thị trung cho Thái tử thiếu bảo Lê Lễ.

Hôm ấy, Lễ chết. Lễ suốt đời làm gia thần cho Thái Tổ, rất được tin dùng, sớm tối hầu chầu, không lúc nào rời bên cạnh, dốc lòng trung trinh, có sức hơn người. Khi Thái Tổ khởi nghĩa, vợ cả vợ lẽ bị hoạn nạn mà vua phá vòng vây, thoát khỏi nguy hiểm, phần nhiều là công của Lễ. Thái Tổ thường khen ông và từng nói:

‘Nếu dồn mọi công lao lại thì ngôi tể tướng chẳng ngươi còn ai? Trẫm có tiếc gì với ngươi, chỉ vì tài của ngươi không xứng mà thôi’.

 Đến khi sắp băng, khóc bảo Lễ rằng:

‘Nếu trẫm không còn thì còn ai biết khanh nữa, sợ từ đây về sau bị giáng truất mà thôi!’

 Sau bị Nguyễn Thị Lộ gièm, phải giáng làm Thái tử thiếu bảo, đúng như Thái Tổ đã nói. Đến đây, ốm nặng, được khôi phục chức cũ. Ngày mồng 4 [25/4/1449] thì chết, thọ 82 tuổi. Được truy tặng Hương hầu, tên thụy là Trung Tiết.”

“Tháng ấy bị hạn. Vua thân đến cung Cảnh Linh làm lễ cầu mưa. Sai Tham tri Bùi Cầm Hổ, Lễ bộ lang trung Nguyễn Cảnh đi cầu đảo ở núi Tản Viên và Tam Đảo đều không ứng nghiệm. Ngày Quý Mùi, vua xuống chiếu tự trách mình. Tờ chiếu viết:

‘Trẫm gặp phải gia biến, bên trong thì mẫu hậu coi chầu, bên ngoài thì đại thần giúp việc, mà liền năm đại hạn, lúa má mất mùa, dân chúng buồn than. Nghĩ kỹ tội ấy, hẳn có nguyên do. Có phải do trẫm không biết dốc niềm thành kính để được hưởng lòng trời, không biết lo tròn đạo hiếu để thờ phụng tông miếu, không ban ân huệ cho khắp muôn dân nên đến nỗi thế chăng? Có phải trẫm không biết sử dụng nhân tài, những kẻ được dùng đều là loại hèn kém mà đến nỗi thế chăng? Có phải do nạn hối lộ công khai, tệ phi tần lộng hành mà đến nỗi thế chăng? Hay là do trẫm không dè dặt tiêu dùng, thường lạm tiêu bừa, để hại của dân mà đến nỗi thế chăng? Hay là các đại thần giúp việc chưa trọn đạo điều hòa âm dương mà đến nỗi thế chăng? Hay là các tướng soái phiên thần không biết yêu thương quân dân, quen thói đục khoét mà đến nỗi thế chăng? Có phải vì các thú lệnh không biết vỗ nuôi nhân dân, chỉ lo bòn vét mà đến nỗi thế chăng? Hay là quan coi hình ngục không giữ công bằng, chỉ lo xử nặng, kẻ nào đút lót thì tha, để oán khí bốc lên mà đến nỗi thế chăng? Có phải các quan thừa hành chỉ chuộng hư văn, để ân trạch của vua bị tắc lại ở trên, tình của kẻ dưới không thấu lên trên được mà đến nỗi thế chăng? Hay là các nhà quyền quý cậy thế ra oai để dân mọn bị hại mà đến nỗi thế chăng? Có phải vì chọn lựa người hiền, cất nhắc người sót chưa được thi hành, để thói cầu cạnh chạy chọt ngày một tệ hại mà đến nỗi thế chăng? Hay là do chủ tướng đảo lộn quân công, lấy không làm có, làm hại đạo công mà đến nỗi thế chăng? Có phải vì chưa thi hành đầy đủ nhân chính, để dân chúng vẫn còn nhiều người thất nghiệp mà đến nỗi thế chăng? Hay là do đầm cá hoang khô, ngạch thuế chưa giảm, dân phải nộp nhiều mà đến nỗi thế chăng? Có phải vì con cháu các bậc công thần cố cựu chưa được bổ dùng hết để đền đáp công lao họ mà đến nỗi thế chăng? Tất cả tội lỗi trên chồng chất lại, đã làm tổn thương hòa khí, nếu không xét lời dạy sửa lỗi lầm, làm tròn đạo tu dưỡng mình thì làm sao trên có thể lay chuyển được lòng trời, dưới có thể cứu vớt được nạn dân?”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 77b.

Tháng 7 [8/1449], sứ thần Chiêm Thành đến, triều đình sai quan hạch hỏi việc nước này thường thay đổi ngôi Vua. Sứ thần trả lời không được, bèn sai bọn Thượng thư Trình Dục mang thư sang quở trách Chiêm Thành:

“Sứ thần Chiêm Thành là bọn Bô Sa Phá Tham Tốt cùng đi với Nguyễn Hữu Quang sang ta. Vua sai Tư khấu Lê Khắc Phục, Nạp ngôn Nguyễn Mộng Tuân vặn hỏi sứ Chiêm Thành về tội giết vua. Sứ Chiêm Thành không trả lời được, chỉ lạy tạ mà thôi. Sai Thượng thư Trình Dục, Hàn lâm trực học sĩ Trịnh Kiên đi sứ Chiêm Thành, mang thư sang dụ và đòi lại người nước ta trước ở Chiêm Thành. Bức thư đại ý là:

‘Đã có nước là có vua tôi. Đó là đạo cương thường. Người Chiêm Thành các ngươi cớ sao lại vi phạm luân thường đến như thế? trước kia, Vương Đề chết, các ngươi đã không chịu lập con của Đề ma lập Bí Cai làm vua, rồi bọn ngươi lại không biết dẫn dắt vua mình đi theo chính đạo, kính thờ nước lớn, để đến nỗi bại vong. Các ngươi đã xin lập Qúy Lai làm vua, chưa quay xong gót đã lại phế đi và lập Qúy Do. Các ngươi là bọn phản phúc bất trung, xem vua như con cờ, thế là đạo gì vậy?”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 83a.

Tháng 8 [9/1449], Hoàng thái hậu ra chỉ dụ các quan đại thần họp bàn những việc nên làm hiện nay, để không còn những tệ xấu:

“Tháng 8, Hoàng thái hậu viết chỉ dụ bọn đại thần rằng:

‘Từ khi quả nhân coi chính sự đến nay, thấy rõ lòng trung quân ái quốc của các đại thần đã hết sức phò tá giúp rập. Bên trong sửa sang trị nước, bên ngoài đánh dẹp di địch, để giữ yên thiên hạ. Quả nhân sớm khuya suy nghĩ có cách nào báo đền công lao ấy. Nhưng vì tài hèn đức bạc, thẹn mình không được giỏi bằng các Thái hậu họ Mã, họ Đặng và bà Tuyên Nhân[9] ngày xưa, để làm trọn đạo ưu đãi đại thần. Nay sẽ sai triều sĩ hợp bàn những việc nên làm hiện nay, để thành khuôn phép hay của một đời, cho không còn những tệ xấu nữa.

Các khanh hãy cùng nhau thể theo ý ấy để trọn đạo làm tôi, bảo toàn tiết tháo sau trước, đừng để chỉ riêng các ông Cao, Quỳ, Tắc, Tiết, Y, Phó, Chu, Thiệu[10] đời xưa được ca ngợi mà thôi. Như thế, chẳng tốt đẹp biết bao!”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 83b.

Vào tháng này Vua Anh Tông nhà Minh mang quân đi đánh Mông Cổ, bị bắt tại đồn Thổ Mộc, huyện Hoài Lai, Hà Bắc; sau đó người em lên ngôi, niên hiệu là Cảnh Thái:

“Vua Anh Tông nhà Minh căm giận giặc phương Bắc là Dã Tiên [tên quan Thái sư Mông Cổ] vào cướp, theo lời bàn của Vương Chấn, một bề tôi của vua, thân hành đi đánh. Ngày 17 tháng 7 [5/8/1449], ngự giá đi đến Đại Đồng [phủ Đại Đồng, Sơn Tây] rồi đem quân về. Ngày 16 tháng 8 [2/9/1449], ngự giá đi đến Thổ Mộc [Huyện Hoài Lai, Hà Bắc] bị giặc phương Bắc bắt được. Ngày 17, tin Anh Tông đi tuần phương Bắc bị giặc bắt được báo về, kinh sư rất kinh hãi. Ngày 18, Hoàng thái hậu sai em Anh Tông là Thành Vương Kỳ Ngục quyền nắm việc nước. Ngày 20 [6/9/1449], Hoàng thái hậu bàn lập Hoàng trưởng tử Kiến Nhu làm hoàng thái tử, bấy giờ mới 2 tuổi, vẫn sai Thành Vương phụ chính. Tháng 9, ngày mồng 6 [22/9/1449], Thành Vương nhà Minh lên ngôi, tôn Anh Tông làm Thái thượng hoàng ở xa, đổi niên hiệu năm sau thành Cảnh Thái năm thứ 1.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 84b.

Tháng 11 [12/1449], con trai Đô đốc Lê Khuyển chỉ huy cấm binh có tội. Thái hậu cho rằng cấm binh là chỗ dựa của Vua, bèn tha cho người con; việc làm tỏ ra trái pháp luật, khiến dân không hài lòng:

Lê Quán Chi, con trai Đại đô đốc Lê Khuyển đang đêm tụ tập đánh giết người ở giữa chợ. Việc bị phát giác, Quán Chi phải hạ ngục, cung xưng dây dưa tới hơn 10 người là con cái nội quan và các quan chức khác. Án sắp xong, Thái hậu thấy Khuyển là bậc đại thần, chỉ huy cấm binh, là chỗ dựa của vua. Nếu giết con Khuyển, sợ Khuyển đau lòng, liền làm trái luật pháp, tha cho hắn, chỉ lấy tiền bồi thường trả cho người chết thôi. Gián quan Lê Lâm ngậm miệng không dám nói, để đến nỗi trẻ con ở chợ nắm tay mà nói:

‘Tiếc ta không được làm quan đài thôi!”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 85b.

Ban hành bổ sung luật ruộng đất, công nhận quyền sở hữu của tư nhân:

Bổ sung chương điền sản gồm 14 điều vào bộ hình luật. Trước kia, Thái Tổ định thực hiện phép quân điền, cho nên lược bỏ chương điền sản. Đến đây lại bổ sung vào.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 86a.

Theo “Hình luật chí” trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú, thì khoảng năm Thái Hòa (1443-1453) có bổ sung thêm chương “Điền sản” gồm mười bốn điều:

Điều thứ 1 – Khi chồng chết, mà vợ trước có con, vợ sau không con thì điền sản của nhà chồng chia làm ba phần: con người vợ trước được hai phần; bản thân người vợ sau được một phần để ăn gầy [ăn dưỡng lão]. Người vợ sau nếu chết đi hay cải giá thì điền sản lại phải truy hoàn. Kẻ nào vi phạm sẽ phải phạt 50 roi.

 Điều thứ 2 – Người con có vợ rồi, khi chết mà vô tự [không con nối dõi] thì điền sản của người con đó trừ khi cha mẹ hãy còn, sẽ để cha mẹ quản lý, bằng không sẽ chia đều làm hai phần: một phần để lại ở bản tông [họ nội] dùng vào việc hương hỏa thờ cúng; một phần chia cho người vợ để ăn gầy đến trọn đời. Nếu người vợ đi cải giá thì phải truy hoàn. Kẻ nào vi phạm, sẽ phải phạt 50 roi.

 Điều thứ 3 – Người vợ chết đi mà không có con, thì điền sản của bản thân người vợ ấy chia làm ba phần: một phần trả về gia đình nhà người vợ ấy nhận lấy mà quản lý; hai phần để cho người chồng ăn gầy đến trọn đời. Khi người chồng chết đi thì hai phần điền sản ấy lại phải truy hoàn cho bà con bên họ người vợ. Kẻ nào vi phạm sẽ bị phạt 50 roi.

 Điều thứ 4 – Chồng đã chết, con còn bé, người mẹ đi cải giá mà lén lút bán điền sản của con thì phạt 50 roi; truy lại số tiền đã bán ấy trả lại cho chủ mua, còn ruộng trả về cho người con. Nếu người chồng sau đứng tên con của người chồng trước mà lén lút bán tài sản ấy thì phạt 60 trượng. Kẻ tri tình [biết rõ sự tình] mà còn cứ mua thì phạt 80 trượng, và mất cả số tiền đã mua.

 Điều thứ 5 – Khi cha mẹ hãy còn, mà con trai con gái bán vụng trộm điền sản thì con trai phải phạt 60 trượng, con gái 50 roi. Truy số tiền đã bán trả lại chủ mua, còn điền sản hoàn lại cha mẹ.

 Điều thứ 6 – Ông bà, cha mẹ đều chết cả, con cháu hãy còn nhỏ bé, thế mà người họ đồng tông tự tiện đem bán điền sản của các người con cháu ấy thì phải phạt 60 trượng.

 Điều thứ 7 – Dưỡng tử có đủ giấy tờ làm con nuôi hẳn hoi và trong giấy tờ nói rõ là sẽ chia cho điền sản, thì khi chia điền sản, được phép chiếu theo đầu con mà quân phân, nhưng phải kém một phần để tỏ ra có khác với con đẻ. Kẻ nào vi phạm sẽ phạt 50 roi.

Điều thứ 8 – Kẻ đã làm con nuôi họ khác, khi thấy có số ruộng tuyệt tự của người họ mình mà lại cầu xin chia cho suất mình thì phải chịu kém người họ đồng tông một nửa phần. Kẻ nào vi phạm sẽ phạt 60 trượng.

 Điều thứ 9 – Bán vụng trộm điền thổ của người khác, từ 10 mẫu trở lên phải khép vào tội đồ. Kẻ tri tình mà vẫn cứ mua thì phải phạt 80 trượng.

Điều thứ 10 – Ruộng đất đã cầm đợ rồi, sau không xin chuộc lại theo số tiền đã đợ ấy mà lại đem bán đợ hay bán đứt cho người khác thì phạt 50 roi, truy lấy số tiền trả lại cho chủ mua đợ.

Điều thứ 11 – Bán đợ ruộng đất, muốn chuộc mà không cho chuộc mà ngược lại, không muốn chuộc mà cưỡng ép bắt chuộc, đều phạt 80 trượng. Nếu để quá kỳ hạn rồi, chủ bán mới cưỡng ép đòi chuộc thì cũng phải tội như thế (kỳ hạn, nghĩa là ruộng mùa, lấy tháng 3 làm kỳ hạn; ruộng chiêm, lấy tháng 9 làm kỳ hạn).

Điều thứ 12 – Kẻ nào tranh chiếm ruộng đất của người ta rồi bán chạy cho người khác thì phạt 50 roi.

Điều thứ 13 – Nô tì bán vụng trộm ruộng đất của người gia trưởng thì phạt 90 trượng, thích chữ vào mặt, đày đi châu gần. Ruộng đất, hoàn lại người chủ. Kẻ tri tình mà cứ mua thì phạt 50 roi, truy lại số tiền đã mua bán ấy nộp vào quan.

 Điều thứ 14 – Con trai đã từ 16 tuổi và con gái đã từ 20 tuổi trở lên, ruộng đất của phần mình bị người trong họ hay người ngoài cày cấy hoặc cư trú đã quá kỳ hạn rồi mới tranh nhận (kỳ hạn nghĩa là người trong họ thì 30 năm, người ngoài thì 20 năm) thì phạt 80 trượng và mất hẳn ruộng đất ấy. Nếu vì cớ gặp cơn binh lửa hoặc phiêu bạt rồi sau mới về thì không câu nệ theo lệ luật này.”

————————–

[1] Đài quan: các quan ở Ngự sử đài chuyên việc xét lỗi lầm của các quan lại.

[2] Rí ren: nguyên văn là chữ Nôm cũng có thể đọc là “lí len” là một hình thức múa hát dân gian ở vùng Thanh Hóa thời đó.

[3] Tư Minh: phủ trị Tư Minh xưa, tại huyện Ninh Minh hiện nay, vị trí cách ải Nam Quan khoảng 30km.

[4] Bồn Man: Theo Đào Duy Anh, Đ.N.V.N.Q.C.Đ. trang 157; Bồn Man thuộc Ai Lao, tại thượng nguồn sông Phố, sông Sâu, Hà Tĩnh.

[5] Quân phủ: trị sở của quân đội một phủ. Phủ ở đây có nghĩa như “doanh”.

[6] Tam Ty gồm Đô ty, ty Bố chánh, ty Án sát.

[7] Pháp Vân: tên chùa, tức chùa Dâu ở huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh.

[8] Ngọc Ma: thuộc phủ Trấn Định trấn Nghệ An; nay là đất Cam Môn, Cam Cớt, thuộc Ai Lao.

[9] Thái hậu họ Mã: là hoàng hậu của Hán Minh Đế, tính cần kiệm, hay đọc sách, bàn luận chính sự rất sáng suốt. Thượng Đế lên ngôi phong làm Hoàng thái hậu.

Thái hậu họ Đặng là hoàng hậu của Hán Hòa Đế, Thượng Đế còn bé lên ngôi, buông rèm coi chính sự. Thượng Đế chết, lập An Đế, vẫn trông coi chính sự, chọn dùng người giỏi.

Bà Tuyên Nhân: bà hoàng hậu của Tống Anh Tông. Triết Tông còn bé lên ngôi, bà buông rèm coi chính sự 9 năm, được coi là Nghiêu Thuấn trong giới phụ nữ.

[10] Cao: là Cao Dao, danh thần của Ngu Thuấn.

Quỳ: là quan coi nhạc của Ngu Thuấn.

Tắc: quan coi việc làm ruộng của Thuấn.

Tiết: hiền thần của vua Thuấn, thủy tổ nhà Thương.

Y: tức Y Doãn.

Phó: tức Phó Duyệt.

Chu: tức Chu Công Đán.

Thiệu: tức Thiệu Công Thích.