08/04/1904: Anh và Pháp ký Hiệp ước Thân mật

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Britain and France sign Entente Cordiale, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1904, khi Thế chiến I chỉ còn 10 năm nữa là sẽ nổ ra ở châu Âu, Anh và Pháp đã ký một thỏa thuận, sau này được gọi là Hiệp ước Thân mật (Entente Cordiale), giải quyết các tranh chấp thuộc địa có từ lâu đời ở Bắc Phi và thiết lập một sự hiểu biết ngoại giao giữa hai nước.

Với tên gọi chính thức là Tuyên bố giữa Anh và Pháp về vấn đề Ai Cập và Morocco (Declaration between the United Kingdom and France Respecting Egypt and Morocco), Hiệp ước Thân mật là biểu tượng quan trọng nhất đối với tình hữu nghị giữa hai cường quốc châu Âu. Theo các điều khoản của thỏa thuận, Pháp hứa sẽ không thách thức quyền kiểm soát của Anh tại Ai Cập; về phần mình, Anh công nhận quyền của Pháp, với tư cách là một Cường quốc có thuộc địa nằm gần với biên giới Morocco, được hành động ở quốc gia này để duy trì trật tự và cung cấp hỗ trợ cho bất kỳ cải cách nào trong chính phủ, nền kinh tế, hoặc quân sự mà Pháp cho là cần thiết.

Thông qua Hiệp ước Thân mật, Anh và Pháp đã thiết lập nền tảng cho một liên minh, và trong phần kết luận của thỏa thuận, hai bên hứa hẹn sẽ dành cho nhau sự hỗ trợ ngoại giao, để đảm bảo thực thi các điều khoản của Tuyên bố về Ai Cập và Morocco. Tuy nhiên, thỏa thuận đã không đề cập đến việc hai quốc gia sẽ cung cấp hỗ trợ quân sự cho nhau; khía cạnh quân sự của liên minh sẽ được hình thành sau này.

Một trong những yếu tố thúc đẩy Hiệp ước Thân mật là mong muốn của Pháp nhằm bảo vệ mình trước cuộc xâm lược tiềm tàng từ đối thủ cũ của họ, Đức, quốc gia đã ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn kể từ sau chiến thắng trong Chiến tranh Pháp-Phổ (1870-1871) và khi đó đã sở hữu lực lượng bộ binh hùng mạnh nhất thế giới. Người Anh cũng mong muốn kiểm soát người Đức, đặc biệt là trong bối cảnh Đức tái khởi động chương trình hải quân đầy tham vọng, mà nếu thành công sẽ thách thức sự thống trị trên biển của Anh.

Chính phủ Đức, lo lắng về thỏa thuận này, đã quyết định thăm dò tình hình, khi Hoàng đế Wilhelm II đến Morocco vào tháng 3/1905 để tuyên bố ủng hộ nhà vua nước này – một hành động rõ ràng là thách thức ảnh hưởng của Pháp, và sẽ bị trừng phạt theo Hiệp ước Thân mật. Nỗ lực nhằm làm lung lay liên minh Anh-Pháp đã thất bại, bởi người Anh chọn đứng về phía Pháp; một hội nghị quốc tế được triệu tập tại Algeciras, Tây Ban Nha vào năm sau cũng công nhận các yêu sách của Pháp trong khu vực.

Xung đột giữa Đức và liên minh Anh-Pháp được gọi là Khủng hoảng Morocco lần thứ nhất, cuộc khủng hoảng thứ hai xảy ra vào mùa hè năm 1911, khi cả Pháp và Đức đều gửi lực lượng tới Morocco, và dẫn đến việc thắt chặt và củng cố Hiệp ước Thân mật, khi Anh và Pháp, nhằm đối đầu với sự hung hăng của người Đức, đã chuyển từ tình bạn đơn thuần sang một liên minh quân sự không chính thức, và sau đó là các cuộc đàm phán và ký kết thỏa thuận với đồng minh của Pháp, Nga. Tính đến năm 1912, hai khối hùng mạnh và thù địch nhau đã được hình thành ở châu Âu, giữa một bên là Pháp, Anh, và Nga, và một bên là nước Đức ngày càng bị cô lập – với sự hỗ trợ tương đối hờ hững từ Áo-Hung và Ý. Hai năm sau, tình hình bất ổn này đã dẫn đến Thế chiến I.