Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
EU phạt Meta, công ty sở hữu Facebook và Instagram, 1,2 tỷ euro (1,3 tỷ USD) vì không tuân thủ các quy tắc quyền riêng tư, đồng thời ra lệnh cho công ty ngừng chuyển dữ liệu người dùng sang Mỹ. Đây là khoản tiền phạt lớn nhất từng được khối áp dụng cho một công ty công nghệ lớn. Ủy ban bảo vệ dữ liệu của Ireland, một trong những cơ quan giám sát quyền riêng tư của EU, cho biết Facebook đã không bảo vệ dữ liệu của người dùng châu Âu trước các chương trình giám sát của Mỹ.
Vyacheslav Gladkov, thống đốc vùng Belgorod của Nga, giáp Ukraine, nói một “nhóm phá hoại” Ukraine đã xâm nhập lãnh thổ nước này. Trong một tuyên bố, ông Gladkov nói các lực lượng Nga đang nỗ lực đẩy lùi các đòn xâm nhập. Mykhailo Podolyak, cố vấn cấp cao của tổng thống Volodymyr Zelensky, nói Ukraine “không liên quan gì” đến các sự kiện ở Belgorod.
Chính quyền Biden đạt được thỏa thuận với ba bang của Mỹ để bảo vệ nguồn cung cấp nước từ sông Colorado. Arizona, California và Nevada đã đồng ý giảm khoảng 13% lượng nước lấy từ con sông đang bị hạn hán; đổi lại, chính phủ liên bang sẽ bồi thường cho họ khoảng 1,2 tỷ đô la. Con sông này rất quan trọng với miền tây nam nước Mỹ, cung cấp nước và thủy điện cho 40 triệu người.
Sinan Ogan, ứng viên về thứ ba trong cuộc bầu cử tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, tuyên bố ủng hộ tổng thống Recep Tayyip Erdogan trong cuộc bầu cử tổng thống vòng hai vào ngày 28/5 tới đây. Ông Erdogan thắng 49,5% trong vòng đầu và không đạt được đa số, còn ông Ogan thắng 5,2%. Thông báo của ông càng thu hẹp cơ hội giành chiến thắng lịch sử của ứng viên đối lập Kemal Kilcdargolu.
Tim Scott, một thượng nghị sĩ Cộng hòa từ Nam Carolina, đã tuyên bố ra tranh cử tổng thống Mỹ. Người đàn ông 57 tuổi này là thượng nghị sĩ người Mỹ gốc Phi đầu tiên đại diện cho một bang miền Nam kể từ năm 1881 và được đảng của mình tôn trọng. Đến nay ông đã tích lũy được gần 22 triệu đô la tiền gây quỹ. Các đảng viên Cộng hòa khác có thể sớm tham gia đường đua. Ron DeSantis, thống đốc bang Florida, dự kiến sẽ tuyên bố trong tuần này.
Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc cho rằng Nhật Bản và G7 thông đồng để “bôi nhọ và tấn công Trung Quốc,” đồng thời triệu tập đại sứ Nhật Bản tại Bắc Kinh để phản đối việc “thổi phồng các vấn đề liên quan đến Trung Quốc”. Tờ Thời báo Hoàn cầu đã gọi hội nghị thượng đỉnh G7 do Nhật Bản tổ chức là một “hội nghị chống Trung Quốc.” Hôm thứ Bảy, G7 đã lên án “hành vi cưỡng chế kinh tế” và “các hoạt động quân sự hóa” của Trung Quốc ở Biển Đông.
Belarus ân xá cho Roman Protasevich, một nhà báo và nhà hoạt động người Belarus, theo truyền thông nhà nước. Hồi tháng 5 năm 2021, tổng thống Alexander Lukashenko đã buộc một chiếc máy bay chở khách của Ryanair phải dừng đột xuất ở thủ đô Belarus để bắt giữ ông Protasevich. Ông sau đó bị kết án tám năm tù. Trong một đoạn video, người đàn ông 28 tuổi nói “vô cùng biết ơn” tổng thống vì đã ân xá cho mình.
TIÊU ĐIỂM
Ukraine bổ sung kho vũ khí để chuẩn bị phản công
Vào thứ Ba, các bộ trưởng quốc phòng EU sẽ họp tại Brussels để thảo luận về hỗ trợ của khối dành cho Ukraine. Trong những tuần gần đây, Pháp, Đức và Ý đều hứa tăng hỗ trợ quân sự, bao gồm các hệ thống phòng không, pháo tự hành và máy bay không người lái. Trong khi đó, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã giành được nhiều cam kết viện trợ vũ khí hơn tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản vào Chủ nhật, bao gồm gói vũ khí mới của Mỹ trị giá 375 triệu đô la. Mỹ cũng cho biết sẽ giúp đào tạo phi công Ukraine lái máy bay chiến đấu F-16, một bước quan trọng để Ukraine nhận dòng máy bay chiến đấu này.
Một loạt các cam kết được đưa ra khi Ukraine chuẩn bị cho cuộc phản công được chờ đợi từ lâu. Tuy nhiên, các nhà phân tích tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại London, nói thành công của Ukraine có thể sẽ dựa nhiều vào chiến thuật hợp lý hơn là vũ khí mới. Họ lưu ý rằng chiến thuật của Nga đã phát triển đáng kể, đặc biệt là trong việc triển khai bộ binh. Các lực lượng Ukraine sẽ phải năng động để giành thế chủ động, xuyên thủng hàng phòng ngự của Nga và khai thác các khoảng trống.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thăm Úc
Sau hội đàm với các nhà lãnh đạo G7 và các quốc đảo Thái Bình Dương, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tiếp tục chiến dịch ngoại giao của ông vào thứ Ba với chuyến thăm Úc. Mối quan hệ giữa hai nước luôn mờ nhạt. Nhưng điều kiện hiện nay thuận lợi hơn, đặc biệt là mối quan ngại chung về Trung Quốc. Cả hai nước đều cảm thấy khó chịu với chủ nghĩa bành trướng của Bắc Kinh — kể cả cưỡng chế kinh tế và xung đột lãnh thổ. Hai nước tạo thành một nửa của Quad, một nhóm chiến lược bao gồm Mỹ và Nhật Bản. Họ đã tăng cường huấn luyện quân sự với các đối tác Quad khác.
Thương mại hai chiều tăng gần gấp đôi kể từ năm 2020, và hai nước đã ký một hiệp định thương mại tự do vào năm ngoái. Nhưng sức mạnh đoàn kết lớn nhất có lẽ là văn hóa. Người Ấn Độ di cư đến Úc đã tăng vọt, tạo thành cộng đồng hải ngoại lớn thứ hai sau người Anh. Ông Modi sẽ phát biểu tại một sân vận động ở Sydney, nơi hàng ngàn người Úc gốc Ấn sẽ có mặt để cổ vũ ông.
Tổng thống Cộng hòa Srpska thăm Nga
Milorad Dodik, tổng thống của Cộng hòa Srpska, một thực thể của người Serbia ở Bosnia-Hercegovina, sẽ đến Moscow vào thứ Ba. Ông sẽ tham dự một cuộc họp của Liên minh Kinh tế Á-Âu, một khối nhỏ của các quốc gia Liên Xô cũ do Nga thống trị, và dự kiến sẽ gặp Vladimir Putin.
Ông Dodik ủng hộ quan hệ với Nga hơn là với EU. Cho đến nay, ông đã ngăn Bosnia ban hành các biện pháp trừng phạt Nga. Nhưng hành động này phải trả giá bằng bạn bè ở phương Tây. Bản thân ông Dodik đang chịu lệnh trừng phạt của Anh và Mỹ vì cáo buộc tham nhũng và đe dọa ổn định trong khu vực (điều mà ông phủ nhận).
Song vấn đề trên không gây nguy hiểm cho đơn gia nhập EU của Bosnia, vì ông Dodik hiện đang bị cô lập. Ông đến Moscow để chứng tỏ mình vẫn còn một người bạn quan trọng. Ông Dodik và ông Putin có thể thảo luận về việc xây dựng một đường ống dẫn khí đốt riêng từ Nga tới Cộng hòa Srpska qua Serbia. Điều này sẽ giúp mang lại độc lập năng lượng cho Srpska, giúp cho tham vọng ly khai của ông Dodik dễ đạt được hơn.
Shell họp đại hội cổ đông
Vào thứ ba, gã khổng lồ dầu mỏ châu Âu Shell sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên tại London. Các giám đốc điều hành và bộ phận an ninh của họ sẽ chịu nhiều áp lực nhất. Đại hội cổ đông năm ngoái đã phải gián đoạn vì bị người biểu tình xông vào. Gần một phần năm cổ đông của Shell đã bỏ phiếu phản đối chiến lược giảm phát thải khí nhà kính của hội đồng quản trị, cho rằng nó chưa đủ.
Cuộc họp năm nay có thể còn gay gắt hơn. Giá năng lượng cao đã mang về cho các công ty dầu mỏ một lượng tiền mặt dồi dào. Hồi tháng 2, Shell công bố lợi nhuận ròng cho năm 2022 đạt 42 tỷ đô la, cao gấp đôi số tiền kiếm được trong năm 2021. Điều này làm hài lòng một số nhà đầu tư. Nhưng những người khác quyết tâm buộc công ty phải làm nhiều hơn để giảm bớt thiệt hại môi trường. Follow This, một nhóm nhà đầu tư chủ động, đã đệ trình một nghị quyết yêu cầu Shell tăng mức giảm lượng khí thải nhà kính trên toàn bộ chuỗi cung ứng cho tới năm 2030.