Chuyển động Quốc Phòng (19/5 – 25/5/2023)

Thực hiện: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Chiến tranh Nga – Ukraine:

Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương:

Châu Âu – Trung Đông – Châu Phi – Mỹ-Latinh:

Chuyên mục Phân tích:

Chiến tranh Nga – Ukraine:

Nga tiến hành không kích vào Dnipro của Ukraine

Ukraine hôm thứ hai cho biết ít nhất 8 người bị thương và nhiều tòa nhà bị hư hại trong cuộc không kích của Nga vào khu vực Dnipropetrovsk trong đêm. Lực lượng Không quân Ukraine cho biết Nga sử dụng 16 loại tên lửa khác nhau và 20 drone Shahed-136/131 trong cuộc không kích. Sau đó, lực lượng phòng không Ukraine cũng cho biết đã hạ gục 20 drone và 4 tên lửa hành trình của Nga.

Xem thêm tại: Reuters, Russia launches air attack on Ukraine’s Dnipro, eight hurt – governor. Truy cập ngày 23/5/2023

Nga duy trì ‘hoạt động chống khủng bố’ ở Belgorod

Moscow hôm thứ ba cho biết đã đẩy lui và tiêu diệt rất nhiều “người Ukraine theo chủ nghĩa dân tộc” vượt biên từ Ukraine vào Nga sau hai ngày giao tranh. Hai nhóm nhận trách nhiệm về cuộc đột kích bao gồm Quân đoàn Tự do Nga và Quân đoàn Tình nguyện Nga (RVC), cả hai đều nói rằng họ đang tìm cách lật đổ tổng thống Vladimir Putin. Thêm vào đó, cả hai quân đoàn cho biết họ được Ukraine công nhận và các thành viên đều đang chiến đấu chống lại các lực lượng Nga tại khu vực.

Xem thêm tại: Reuters, Russia maintains ‘counter-terrorism operation’ in Belgorod – governor. Truy cập ngày 24/5/2023

Tàu chiến Nga bảo vệ ống dẫn khí đốt Biển Đen bị tàu không người lái Ukraine tấn công

Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ tư cho biết tàu chiến Ivan Hurs của Nga đã bị ba tàu không người lái của Ukraine tấn công bất thành ở Biển Đen khi đang trên đường tiếp cận eo biển Bosphorus. Bộ QP Nga cho biết thêm rằng tàu Ivan Hurs đang bảo vệ các đường ống dẫn khí đốt TurkStream và Blue Stream – vốn vận chuyển khí đốt từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ, một phần đi qua Biển Đen – và đang tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ của mình. Vào tháng chín năm ngoái, các vụ nổ đã làm hư hại đường ống Nord Stream 1 và 2 đưa khí đốt từ Nga dưới biển Baltic đến Đức.

Xem thêm tại: Jerusalem Post, Warship guarding Black Sea pipelines attacked by unmanned Ukraine craft. Truy cập ngày 25/5/2023

Ukraine tiến hành bao vây Bakhmut khi Nga tuyên bố chiếm được thành phố

Ukraine cho biết các lực lượng của họ vẫn đang được triển khai nhằm bao vây Bakhmut sau khi tổng thống Putin chúc mừng lực lượng Wagner và quân đội Nga đã chiếm được thành phố này. Cùng lúc đó, Oleksandr Syrskyi, chỉ huy lực lượng mặt đất của Ukraine đã đến thăm các vị trí tiền tuyến gần Bakhmut và cảm ơn quân đội đã bảo vệ khu vực này cũng như khẳng định rằng lực lượng Ukraine đang tiếp tục tiến công dọc theo sườn thành phố. Quân đội Ukraine vẫn đang bảo vệ các cơ sở hạ tầng và công nghiệp, đồng thời đã chiếm được một phần của các vị trí cao hướng ra biển.

Xem thêm tại: Jerusalem Post, Ukraine aims to encircle Bakhmut as Russia says it captures city. Truy cập ngày 22/5/2023

Rheinmetall tìm cách ký thỏa thuận xe bọc thép với Ukraine

Tập đoàn quốc phòng Đức Rheinmetall chuẩn bị ký hợp đồng mới với Ukraine nhằm sản xuất xe bọc thép chở quân Fuchs. Rheinmetall cũng cho biết thêm rằng Ukraine cũng quan tâm đến xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại Panther và xe chiến đấu bộ binh Lynx. Trong thời gian gần đây, Rheinmetall đã thành lập một liên doanh với tập đoàn quốc phòng hàng đầu Ukraine UkrOboronProm để sửa chữa và sản xuất các phương tiện chiến đấu.

Xem thêm tại: Defence Blog, Rheinmetall looks to sign armored vehicle deal with Ukraine. Truy cập ngày 22/5/2023

Chính quyền Biden công bố gói hỗ trợ an ninh thứ 38 cho quân đội Ukraine

Bộ Quốc phòng Mỹ hôm Chủ nhật đã công bố gói hỗ trợ an ninh thứ 38 để đáp ứng các nhu cầu an ninh và quốc phòng quan trọng của Ukraine. Gói viện trợ quân sự mới này cho Ukraine bao gồm đạn dược bổ sung cho HIMARS, đạn pháo, vũ khí chống thiết giáp và các thiết bị hỗ trợ quan trọng trị giá tới 375 triệu USD. Tính đến nay, Mỹ đã đã viện trợ an ninh cho Ukraine tổng cộng 38 tỷ USD, trong đó bao gồm hơn 1,600 hệ thống phòng không Stinger, 10,000 hệ thống chống tăng Javelin, 60,000 hệ thống vũ khí và đạn dược chống tăng, cùng hàng ngàn các loại đạn dược và vũ khí khác.

Xem thêm tại: Army Recog, Biden Administration announces 38th security assistance package for Ukraine army. Truy cập ngày 23/5/2023

Nga nói việc viện trợ F-16 cho Ukraine đặt ra nghi vấn về sự can dự của NATO

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho biết việc viện trợ máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine sẽ đặt ra nghi vấn về sự can dự của NATO vào cuộc chiến. Trước đó, tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ sáu đã phê duyệt các chương trình đào tạo phi công Ukraine trên máy bay chiến đấu F-16. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy sau đó cam kết với tổng thống Biden rằng máy bay F-16 sẽ không được sử dụng để tấn công vào lãnh thổ Nga. Đại sứ Anatoly Antonov nói thêm rằng bất kỳ cuộc tấn công nào của Ukraine vào Crimea sẽ được coi là một cuộc tấn công vào Nga và “điều quan trọng là Mỹ phải nhận thức đầy đủ về phản ứng của Nga”.

Xem thêm tại: Reuters, Russia says F-16 transfer to Ukraine would raise questions of NATO’s involvement. Truy cập ngày 23/5/2023

Đức gửi drone trinh sát tới Ukraine

Đức cho biết một lô hàng gồm 54 máy bay không vũ trang Vector đã được gửi tới Ukraine. Kiev đã đặt hàng 33 chiếc vào đầu tháng 8 năm ngoái và đã đặt thêm 105 chiếc sau lô hàng đầu tiên. Vector là drone cất cánh thẳng đứng chạy bằng điện (eVTOL UAV), cánh quạt của nó có chiều dài 1,63 mét, sải cánh 2,8 mét, được sử dụng để trinh sát trên không. Drone trinh sát Vector có thời gian bay 120 phút và có thể truyền tải các đoạn video và dữ liệu từ khoảng cách lên tới 30 km, tương tự với phạm vi hoạt động của nhiều loại pháo.

Xem thêm tại: Defence Blog, Germany sends reconnaissance drones to Ukraine. Truy cập ngày 25/5/2023

Tổng thống Hàn Quốc cam kết mở rộng viện trợ phi sát thương cho Ukraine

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tuyên bố sẽ mở rộng viện trợ không sát thương, bao gồm các thiết bị phát hiện và gỡ mìn và phương tiện cứu thương cho Kiev nhân chuyến thăm của đệ nhất phu nhân Ukraine Olena Zelenska đến Seoul hôm thứ ba vừa qua. Ngoài ra, Tổng thống Yoon Suk-yeol cũng lên án cuộc xâm lược của Nga, rằng “những thiệt hại khủng khiếp về sinh mạng vô tội, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, là không thể chấp nhận được trong bất kỳ trường hợp nào”. Phía Ukraine cũng không có bất kỳ yêu cầu nào về việc viện trợ vũ khí từ Hàn Quốc.

Xem thêm tại: Diplomat, South Korea’s President Vows to Expand Non-lethal Aid to Ukraine. Truy cập ngày 18/5/2023

 

Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương:

Microsoft cáo buộc hacker do Trung Quốc hậu thuẫn tấn công cơ sở hạ tầng đảo Guam

Microsoft hôm thứ tư cho biết đã phát hiện ra một hoạt động độc hại tên Volt Typhoon từ một hacker được Trung Quốc bảo trợ nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng ở đảo Guam và Mỹ. Theo đó, chiến dịch Volt Typhoon “đang phát triển các khả năng có thể làm gián đoạn cơ sở hạ tầng liên lạc quan trọng giữa Mỹ và khu vực châu Á trong các cuộc khủng hoảng trong tương lai”. Đảo Guam là nơi đặt các cơ sở quân sự lớn của Mỹ, bao gồm cả Căn cứ Không quân Andersen, nơi sẽ là chìa khóa để đối phó với bất kỳ cuộc xung đột nào ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Xem thêm tại: Nikkei Asia, China-backed hacker targets infrastructure in U.S., Guam: Microsoft. Truy cập ngày 25/5/2023

Tên lửa siêu thanh Trung Quốc ‘có thể tiêu diệt tàu sân bay mới nhất của Mỹ’

Một nhóm nhà khoa học cho biết vũ khí siêu thanh của Trung Quốc có thể tiêu diệt tàu sân bay mới nhất của Hải quân Mỹ trong một cuộc tập trận gần đây. Theo đó, các mô phỏng do một nhóm nghiên cứu thực hiện trên nền tảng phần mềm giả lập chiến tranh được quân đội Trung Quốc sử dụng cho thấy lực lượng Trung Quốc đã đánh chìm hạm đội tàu sân bay USS Gerald R Ford bằng một loạt 24 tên lửa chống hạm siêu thanh. Trước đó, một tài liệu mật bị rò rỉ cho biết Trung Quốc đã thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh DF-27, vốn có khả năng tránh được hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ và được thiết kế để tăng cường khả năng của Bắc Kinh trong việc tấn công các khu vực rộng lớn ở Thái Bình Dương, bao gồm cả đảo Guam.

Xem thêm tại: Telegraph, Chinese hypersonic missiles ‘can destroy newest US aircraft carrier’. Truy cập ngày 25/5/2023

Chiếc ô hạt nhân của Mỹ sẽ củng cố an ninh của Đài Loan

Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Su Tzu-yun nói rằng Đài Loan sẽ nâng cao được khả năng phòng thủ hạt nhân nếu được đưa vào chiếc ô hạt nhân của Mỹ. Ông Su nhấn mạnh rằng răn đe có thể được phân loại thành răn đe hạt nhân và răn đe thông thường, trong đó Đài Loan hoạt động theo khuôn khổ răn đe thông thường, vốn dựa vào các lực lượng và vũ khí truyền thống như mìn, tên lửa và rocket. Phó giáo sư chính trị quốc tế Lu Hsin-chi nói rằng để xác định được lợi ích của khả năng răn đe hạt nhân thì cần phải xem xét hai yếu tố trong nước và quốc tế. Theo đó, kết quả cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan vào năm tới sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng vì nó phản ánh nguyện vọng của người Đài Loan và tác động trực tiếp đến đánh giá của cộng đồng quốc tế về tình hình eo biển Đài Loan. Ở cấp độ quốc tế, nếu Mỹ cam kết bảo vệ hạt nhân cho Đài Loan, vốn là lằn ranh cuối cùng của Trung Quốc, sẽ khiến Bắc Kinh có phản ứng mạnh mẽ hơn.

Xem thêm tại: Taiwan News, US nuclear umbrella would bolster Taiwan’s security. Truy cập ngày 24/5/2023

Đài Loan tập trận bắn đạn thật ở quần đảo Bành Hồ

Bộ Tư lệnh Bành Hồ đã tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn thật ven biển vào sáng sớm thứ năm nhằm kiểm tra khả năng phòng thủ của quần đảo. Cuộc tập trận mở đầu bằng màn bắn đạn cối 120mm, sau đó là bắn máy bay bằng súng máy, và bắn đạn thật trên xe tăng M60A. Quân đội Đài Loan sau đó đã tiến hành một cuộc tập trận phản công để bảo vệ bờ biển. Trước đó, vào thứ tư, Đài Loan đã bắt đầu cuộc tập trận chống đổ bộ kéo dài hai ngày dọc theo bờ biển Yilan, mô phỏng một cuộc xâm lược tiềm năng của Trung Quốc.

Xem thêm tại: Taiwan News, Taiwan conducts live-fire drill on Penghu. Truy cập ngày 25/5/2023

Đài Loan khẳng định việc bàn giao máy bay phản lực F-16V sẽ hoàn tất vào cuối năm 2026

Đài Loan cho biết tất cả 66 máy bay chiến đấu F-16V đặt hàng từ Mỹ sẽ được chuyển giao vào cuối năm 2026 bất chấp các báo cáo về “những thách thức phát triển phức tạp”. Theo đó, Lực lượng Không quân Mỹ hôm thứ tư cho biết rằng các vấn đề kỹ thuật nghiêm trọng là nguyên nhân dẫn đến việc vận chuyển chậm trễ này. Việc hoãn vận chuyển vũ khí đã khiến các chính trị gia Mỹ lo ngại trong bối cảnh hành vi hung hăng của Trung Quốc, bao gồm các cuộc xâm nhập gần như hàng ngày của máy bay quân sự Trung Quốc vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan.

Xem thêm tại: Taiwan News, Taiwan insists F-16V jet deliveries to be completed by end of 2026. Truy cập ngày 25/5/2023

Chỉ hơn một nửa người dân Trung Quốc ủng hộ cuộc chiến toàn diện để giành quyền kiểm soát Đài Loan

Theo một cuộc khảo sát mới đây về vấn đề tái thống nhất Đài Loan với sự tham gia của 1,824 người Trung Quốc, 55% nói rằng họ ủng hộ việc “phát động một cuộc chiến tranh thống nhất để giành lại hoàn toàn Đài Loan”, 1/3 phản đối và số còn lại nói rằng họ không chắc chắn. Ngoài 55% ủng hộ một cuộc chiến toàn diện, chỉ 1% ủng hộ lựa chọn cực đoan nhất là không thử các lựa chọn khác trước. Các lựa chọn khác được thiết kế để ép buộc Đài Loan đồng ý thống nhất cũng giành được sự ủng hộ của đa số, bao gồm “bắt đầu các chiến dịch quân sự hạn chế ở ngoại vi Đài Loan” (58%), “sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế” (57%) và “duy trì hiện trạng để tăng sức mạnh kinh tế và quân sự” cho đến khi thống nhất (55%).

Xem thêm tại: SCMP, Just over half of mainland Chinese people back full-scale war to take control of Taiwan, poll finds. Truy cập ngày

Việt Nam chỉ trích Trung Quốc, Philippines về hành vi ở Biển Đông

Việt Nam hôm thứ năm đã chỉ trích hành vi gần đây của một tàu nghiên cứu Trung Quốc và lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines ở Biển Đông, cáo buộc Manila và Bắc Kinh có những hành động đơn phương vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam. Trước đó, các tàu Trung Quốc và Việt Nam đã nhiều lần đối đầu nhau trong những ngày gần đây khi một tàu nghiên cứu của Trung Quốc di chuyển trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Hà Nội. Philippines cũng bị khiển trách vì đã đặt các phao định hướng ở 5 khu vực tại EEZ của nước này để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa đang tranh chấp, nơi Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền.

Xem thêm tại: Reuters, Vietnam rebukes China, Philippines over South China Sea conduct. Truy cập ngày 19/5/2023

Trung Quốc triển khai ba đèn hiệu ‘dẫn đường’ ở Trường Sa

Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc hôm thứ tư cho biết Trung tâm An ninh Hàng hải Biển Đông đã đặt ba đèn hiệu gần Mỏm đá Irving (mỏm đá Balagtas), Whitsun (Julian Felipe) và Ga Ven (Burgos) thuộc quần đảo Trường Sa, bao gồm nhiều đảo nhỏ, bãi đá ngầm và bãi cạn. Đầu tháng này, Manila cũng đã đặt các phao định hướng mang cờ quốc gia trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, bao gồm cả tại mỏm đá Balagtas và Julian Felipe, nơi hàng trăm tàu ​​Trung Quốc neo đậu vào năm 2021 và năm 2022.

Xem thêm tại: GMA, China deploys three ‘navigation’ beacons in Spratlys. Truy cập ngày 24/5/2023

Mỹ gửi hàng không mẫu hạm thứ hai đến Nhật Bản cho G-7

Hải quân Mỹ thông báo tàu sân bay USS Nimitz và các đơn vị từ nhóm tàu ​​sân bay tấn công của đã đến Sasebo, Nhật Bản cho một chuyến thăm cảng theo lịch trình. Việc bổ sung tàu Nimitz, đồng nghĩa với việc có hai hàng không mẫu hạm cập cảng Nhật Bản khi các nhà lãnh đạo G7 tập trung tại Hiroshima để dự hội nghị thượng đỉnh. Vào năm ngoái, Trung Quốc và Nga đã thực hiện các chuyến bay chung trên Biển Nhật Bản và Biển Hoa Đông ngay sau khi các nhà lãnh đạo của Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc gặp nhau tại Nhật Bản tại hội nghị thượng đỉnh bộ Tứ. Do đó, Hải quân Mỹ dường như đang chuẩn bị cho một phản ứng tương tự, đặc biệt là khi G-7 đề cập đến “Trung Quốc” 20 lần trong thông cáo đưa ra hôm thứ bảy.

Xem thêm tại: Nikkei Asia, U.S. sends second aircraft carrier to Japan for G-7. Truy cập ngày 21/5/2023

Mỹ chuyển hướng sang xưởng đóng tàu tư nhân Nhật Bản để sửa chữa tàu chiến nhanh hơn

Hải quân Mỹ đang nghiên cứu việc sử dụng các xưởng đóng tàu tư nhân của Nhật Bản để bảo trì, sửa chữa và đại tu các tàu chiến của mình nhằm giảm bớt các công việc bảo dưỡng tồn đọng ở quê nhà – một ý tưởng có khả năng mở rộng sang Hàn Quốc, Singapore và Philippines. Trong quá khứ, Hải quân Mỹ đã sử dụng các xưởng đóng tàu ở Nhật Bản, Ấn Độ và Philippines để sửa chữa các tàu hậu cần, chẳng hạn như tàu phụ trợ và tàu tiếp dầu. Nhưng việc mở rộng này sẽ bao gồm các tàu chiến, chẳng hạn như tàu khu trục, tàu tuần dương và tàu đổ bộ được triển khai tới Nhật Bản.

Xem thêm tại: Nikkei Asia, U.S. turns to private Japan shipyards for faster warship repairs. Truy cập ngày 25/5/2023

Anh gửi tàu sân bay đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào năm 2025

Thủ tướng Anh Rishi Sunak hôm thứ năm tuyên bố Hải quân Hoàng gia Anh sẽ triển khai một nhóm tấn công tàu sân bay tới Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm tăng cường quan hệ quốc phòng với Nhật Bản và các quốc gia khác tại khu vực. Hiện chưa có thông tin chi tiết về việc triển khai tàu sân bay mới ngoài việc Anh cho biết rằng nhóm tàu tấn công sẽ bao gồm các tàu hộ tống hải quân và máy bay chiến đấu F-35 hoạt động cùng với Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và các lực lượng hải quân khác trong khu vực. Chuyến thăm của thủ tướng Rishi Sunak cho thấy Anh xác nhận họ sẽ tăng số lượng binh sĩ tham gia cuộc tập trận quân sự Vigilant Isles được lên kế hoạch cho Nhật Bản vào cuối năm nay.

Xem thêm tại: Defense News, Britain to send an aircraft carrier to the Indo-Pacific in 2025. Truy cập ngày 19/5/2023

Thủ tướng Kishida cân nhắc tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7

Thủ tướng Fumio Kishida đang thu xếp để tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO dự kiến ​​vào tháng bảy tới. Bên lề hội nghị thượng đỉnh tại Lithuania, thủ tướng Kishida dự kiến ​​sẽ có cuộc hội đàm song phương với tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg để thảo luận về kế hoạch mở văn phòng liên lạc của liên minh này tại Tokyo. Năm 2022, thủ tướng Kishida trở thành thủ tướng Nhật Bản đầu tiên tham gia hội nghị thượng đỉnh NATO, trong bối cảnh môi trường an ninh trở nên phức tạp hơn trước cuộc xâm lược Ukraine của Nga cũng như sức mạnh quân sự ngày càng tăng và sự quyết đoán của Trung Quốc ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Xem thêm tại: Japan Times, Kishida considering attending NATO summit in July, government sources say. Truy cập ngày 25/5/2023

Hàn Quốc, Đức ký hiệp ước tình báo nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng

Hàn Quốc và Đức sẽ sớm ký một thỏa thuận nhằm bảo vệ bí mật quân sự để tăng cường hợp tác quốc phòng khi tổng thống Yoon Suk-yeol gặp thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Seoul. Thỏa thuận thông tin quân sự sẽ giúp “chuỗi cung ứng công nghiệp quốc phòng vận hành trơn tru”, trong bối cảnh bất ổn kinh tế và chính trị toàn cầu. Tổng thống Yoon Suk-yeol và thủ tướng Olaf Scholz cũng thảo luận về việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn và các lĩnh vực khác.

Xem thêm tại: Reuters, South Korea, Germany to sign information pact to boost defence cooperation. Truy cập ngày 22/5/2023

Công ty Hàn Quốc kết hợp AI với hình ảnh để phát hiện tên lửa đạn đạo

Một công ty Hàn Quốc chuyên phân tích hình ảnh vệ tinh đang phát triển các kỹ thuật mới để xác định tên lửa, bệ phóng và cơ sở hạ tầng hỗ trợ ở Triều Tiên với các ứng dụng tiềm năng vượt xa Bình Nhưỡng. Dự án mới nhất hợp nhất dữ liệu quan sát trái đất từ ​​nhiều nhà khai thác vệ tinh thương mại với phân tích hình ảnh tăng cường bằng trí tuệ nhân tạo để phát hiện và phân loại các điểm bất thường – ví dụ như hoạt động tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.

Xem thêm tại: Defense News, South Korea company fuses AI with imagery to detect ballistic missiles. Truy cập ngày 25/5/2023

Papua New Guinea sẽ không là bàn đạp cho ‘các hoạt động quân sự tấn công’

Papua New Guinea (PNG) sẽ không được sử dụng làm căn cứ để “tiến hành chiến tranh” và một thỏa thuận quốc phòng với Mỹ nghiêm cấm “các hoạt động quân sự mang tính tấn công” tại quốc đảo này. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm thứ hai cho biết một thỏa thuận hợp tác quốc phòng được ký với PNG sẽ mở rộng khả năng của PNG và giúp quân đội Mỹ huấn luyện các lực lượng của mình dễ dàng hơn. Thỏa thuận này đã làm dấy lên các cuộc biểu tình của sinh viên trong bối cảnh lo ngại rằng nó có thể lôi kéo PNG vào cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc.

Xem thêm tại: Nikkei Asia, PNG won’t be used for ‘offensive military operations’. Truy cập ngày 24/5/2023

Lầu Năm Góc từ chối lời đề nghị mua F-35 của Thái Lan

Bộ Quốc phòng Mỹ ngụ ý rằng họ sẽ từ chối lời đề nghị mua máy bay chiến đấu F-35 của Thái Lan. Đại sứ Mỹ Robert F Gordec cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng lực lượng không quân Thái Lan (RTAF) chưa có cơ sở hạ tầng sẵn sàng cho F-35, đặc biệt là an ninh căn cứ không quân, sân bay, bảo trì, phi công và các nguồn nhân lực liên quan khác. Tuy nhiên, Mỹ không từ chối thẳng thừng yêu cầu mua F-35 của Thái Lan và sẽ cân nhắc lại khi RTAF sẵn sàng, có thể trong vòng 5 đến 10 năm tới. Thay vào đó, họ đề nghị bán máy bay chiến đấu F-16 Block 70 và F-15 Eagle cho Thái Lan.

Xem thêm tại: Bangkok Post, US Pentagon set to rebuff Thailand’s bid for F-35s. Truy cập ngày 25/5/2023

 

Châu Âu – Trung Đông – Châu Phi – Mỹ-Latinh:

Các thiết kế phòng thủ mới của EU nhằm mục đích chuẩn bị cho các xung đột cường độ cao

EU đã công bố 11 chương trình quốc phòng hợp tác mới để bổ sung vào danh sách các dự án hợp tác cấu trúc thường trực về an ninh quốc phòng (PESCO) của mình và Đan Mạch đã đăng ký làm thành viên thứ 26 của chương trình. Chương trình quốc phòng mới sẽ bao gồm huấn luyện, đạn dược, pháo phản công, tên lửa phóng từ trên không và máy bay trực thăng cỡ trung bình, các dự án mới bổ sung vào 57 dự án đã được thiết lập bởi PESCO, phù hợp để chia sẻ tài chính giữa các thành viên EU và phát triển các khả năng phòng thủ mới.

Xem thêm tại: Defense News, New EU defense designs aim to prep members for high-intensity conflict. Truy cập ngày 25/5/2023

Ba Lan muốn mua máy bay cảnh báo sớm của Thụy Điển

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Błaszczak cho biết Warsaw đang đàm phán với Thụy Điển để mua một số lượng máy bay cảnh báo sớm cho Lực lượng Không quân Ba Lan. Bộ trưởng Błaszczak không tiết lộ thiết kế của chiếc máy bay sẽ được mua, mặc dù các nhà quan sát ngành công nghiệp địa phương cho biết chính phủ Ba Lan muốn có máy bay GlobalEye của Saab. Stockholm đã đặt mua hai chiếc máy bay với giá khoảng 689 triệu USD, với tùy chọn mua thêm hai chiếc nữa. Máy bay sẽ được trang bị radar Erieye Extended Range có tầm hoạt động hơn 550 km.

Xem thêm tại: Defense News, Poland looks to buy early-warning aircraft from Sweden. Truy cập ngày 24/5/2023

Estonia và Lithuania tìm mua hệ thống phòng không tầm trung của Đức

Estonia và Lithuania sẽ bắt đầu đàm phán với Diehl Defense của Đức để mua một hệ thống phòng không tầm trung. Chi phí của hệ thống phòng không Iris-T SLM và các cấu phần bổ sung như cơ sở hạ tầng, nhân sự, huấn luyện, thiết bị sẽ được xác định tại các cuộc đàm phán. Tháng 10 năm ngoái, Estonia và Lithuania nằm trong số 14 đối tác NATO tại châu Âu ký một ý định thư cùng mua các hệ thống phòng không khi cuộc chiến của Nga ở Ukraine cho thấy sự thiếu hụt về hệ thống vũ khí này.

Xem thêm tại: Reuters, Estonia and Latvia look to purchase mid-range air defence from Germany. Truy cập ngày 22/5/2023

Ba người Palestine thiệt mạng trong cuộc đột kích ở Bờ Tây của Israel

Lực lượng an ninh Israel đã giết chết ba người Palestine trong một cuộc đột kích ở Bờ Tây bị chiếm đóng vào đầu ngày thứ Hai. Hàng trăm binh sĩ đã tham gia cuộc đột kích trước bình minh và ba người Palestine thiệt mạng là những tay súng đã đọ súng với lực lượng. Không có nhóm vũ trang nào lên tiếng xác nhận danh tính những người đàn ông bị giết trong trại tị nạn Balata ở thành phố Nablus ở phía bắc Bờ Tây, khu vực mà các lực lượng Israel đã tiến hành các cuộc đột kích thường xuyên trong năm qua.

Xem thêm tại: Reuters, Three Palestinians killed in Israeli West Bank raid – ministry. Truy cập ngày 23/5/2023

Hezbollah tổ chức tập trận gần biên giới Lebanon với Israel

Hezbollah đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự gần biên giới phía nam của nước này với Israel nhằm phô trương sức mạnh quân sự. Theo đó, khoảng 200 chiến binh Hezbollah đã sử dụng đạn thật và drone tấn công để tham gia cuộc tập trận hôm chủ nhật tại Aaramta, cách biên giới Israel 20km về phía bắc. Cuộc tập trận diễn ra trước ngày kỷ niệm Israel rút quân khỏi miền nam Lebanon vào ngày 25 tháng 5 năm 2000.

Xem thêm tại: Al Jazeera, Hezbollah conducts wargames near Lebanon’s border with Israel. Truy cập ngày 23/5/2023

Israel cáo buộc Iran sử dụng tàu dân sự làm ‘căn cứ khủng bố trên biển’

Israel cáo buộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) hôm thứ Hai biến các tàu thương mại thành bệ phóng tên lửa, máy bay không người lái và biệt kích, nói rằng mục tiêu là mở rộng ảnh hưởng hải quân bí mật của Tehran ra ngoài vùng Vịnh. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant nói tại diễn đàn an ninh Hội nghị Herzliya rằng đây là “căn cứ khủng bố nổi” và một chiếc gần đây đã đi về phía Vịnh Aden. Phía Iran không có bất kỳ bình luận nào về vụ việc.

Xem thêm tại: Reuters, Israel accuses Iran of using civilian ships as ‘floating terror bases’. Truy cập ngày 23/5/2023

Người biểu tình ở Tigray của Ethiopia yêu cầu các lực lượng bên ngoài rút quân

Hàng nghìn người đã biểu tình hôm thứ Ba ở khu vực Tigray phía bắc Ethiopia để yêu cầu những người dân phải sơ tán sau cuộc chiến kéo dài hai năm được trở về nhà và yêu cầu các lực lượng bên ngoài còn sót lại kể từ khi cuộc xung đột kết thúc phải rút lui. Cuộc chiến giữa một bên là quân đội chính phủ và các đồng minh của họ từ nước láng giềng Eritrea và khu vực Amhara và bên kia là lực lượng Tigrayan đã kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn vào tháng 11 năm ngoái. Sau đó, lực lượng Tigray đã bắt đầu giải giáp, một chính phủ lâm thời đã được thành lập và nhiều dịch vụ cơ bản đã được khôi phục. Nhưng chính quyền Tigrayan đã phàn nàn về sự hiện diện liên tục của các lực lượng quân sự bên ngoài.

Xem thêm tại: Reuters, Protesters in Ethiopia’s Tigray demand withdrawal of outside forces. Truy cập ngày 24/5/2023

 

Chiến sự tại Sudan: Một số sự kiện chính

các phe phái tham chiến ở Sudan đã đồng ý ngừng bắn trong 7 ngày sau các cuộc đàm phán tại thành phố Jeddah của Ả Rập Saudi. Thỏa thuận ngừng bắn sẽ có hiệu lực sau 48 giờ, lúc 9:45 tối giờ địa phương (19:45 GMT) vào thứ hai. Vào thứ tư, các cuộc không kích và đụng độ xuyên đêm ở Khartoum đã làm giảm hy vọng về thỏa thuận ngừng bắn trước đó. Các cuộc đọ súng cũng diễn ra ở Khartoum Bắc và Omdurman. Tính đến nay, it nhất 1.000 người đã thiệt mạng và hàng trăm nghìn người buộc phải rời bỏ Sudan để tị nạn tại các nước xung quanh.

Xem thêm tại: Al Jazeera, Sudan’s army, Rapid Support Forces sign 7-day ceasefire; Air raids, clashes at start of one-week truce in Sudan. Truy cập ngày 25/5/2023

 

Chuyên mục Phân tích:

Ukraine chỉ toàn thắng khi đánh bại được Nga?

Mỹ đã có những mục tiêu mờ nhạt trong cuộc chiến tại Ukraine khi những lời hô hào như “hãy giúp Ukraine tự bảo vệ mình” hay thậm chí tệ hơn “hãy giúp Ukraine đạt được vị trí đàm phán tốt nhất có thể” đều trở nên vô nghĩa. Thay vào đó, Ukraine tự định nghĩa được chiến thắng của mình ra sao? Đó là biên giới trước năm 2014 đã sạch bóng quân xâm lược, những người lưu vong và tị nạn hồi hương, xã hội và kinh tế được xây dựng lại, đạt được tư cách thành viên của EU và NATO, và đảm bảo rằng những kẻ phạm tội tác chiến tranh sẽ đối mặt với công lý. Do đó, phương Tây nên thuận theo chiến thắng mà Ukraine mong muốn. Nhưng để làm được điều này, phương Tây không những cần viện trợ cho Ukraine để đánh bại Nga mà còn phải thuyết phục Moscow rằng bản thân đã thất bại.

Một nước Nga bại trận sẽ đặt Bắc Kinh vào thế phòng thủ, cũng như củng cố liên minh phương Tây, và giúp duy trì một số chuẩn mực thiết yếu của hành vi đúng đắn ở những nơi quan trọng nhất trên thế giới đối với Mỹ và đồng minh. Trên hết, thất bại của Nga cũng sẽ ngăn chặn vĩnh viễn giấc mộng đế chế Nga vì nếu không có Ukraine, Moscow không thể trở thành một đế chế. Nhưng để đánh bại Nga, phương Tây không cần phải đánh tới Moscow, và cũng không cần thiết phải khiến Nga không còn khả năng tự vệ hay kiệt quệ. Thay vào đó, chiến thắng có thể đạt được từ giới lãnh đạo và người dân Nga. Mặt khác, Ukraine không chỉ phải đạt được chiến thắng trên chiến trường mà còn phải đảm bảo rằng Nga sẽ thất bại thảm hại với hàng ngàn quân tháo chạy, đào ngũ, hay chĩa súng vào chỉ huy của mình.

Hơn hết, phải làm cho Nga thừa nhận quan điểm trước đây về Ukraine sẽ không còn nữa bằng cách thúc đẩy quá trình gia nhập NATO và EU của Kyiv. Kế đến, phương Tây cũng cần có một chiến dịch thông tin quyết liệu về sự thất bại của Nga. Theo đó, phương Tây cần nhắc nhở Moscow rằng quy mô kinh tế Nga chi bằng 1/10 của EU, số lượng máy bay chiến đấu mạnh nhất là Su-57 cũng sẹ bị áp đảo bởi F-35s, các tướng lĩnh của Nga hoàn toàn yếu kém và quá cổ lỗ, cùng với hậu cần đang bị đục khoét bởi hối lộ và tham nhũng. Cuối cùng, Nga cũng phải bị cô lập cả về chính trị lẫn tâm lý, do đó lợi dụng sự mâu thuẫn trong lịch sử của nước này về phương Tây, được thể hiện ở hai thủ đô của nước này: St. Petersburg, vốn hướng về châu Âu và Moscow, vốn hướng về châu Á.

Xem thêm tại: The Atlantic, It’s Not Enough for Ukraine to Win. Russia Has to Lose. Truy cập ngày 20/5/2023

Tầm quan trọng của các cấp lãnh đạo chính phủ và quân sự Ukraine trong cuộc phản công sắp tới là gì?

Có hai khía cạnh về sức mạnh chiến đấu rất quan trọng đối với tình hình quốc phòng của Ukraine: đó là các yếu tố về đạo đức và trí tuệ tạo nên sức mạnh chiến đấu của người Ukraine. Yếu tố trí tuệ sẽ cung cấp kiến thức về chiến tranh, chiến lược và khả năng nhận thức, trong khi yếu tố đạo đức củng cố văn hóa, giá trị và tính chính danh, và là nền tảng cho ý chí chiến đấu, vốn thuộc về phương diện con người mà cụ thể hơn là lãnh đạo.

Trước nhất là về vai trò của tổng thống Zelensky trong cuộc chiến. Tổng thống Zelensky đã quy người dân về một mối, và lèo lái đất nước vượt qua cuộc xâm lược của Nga. Một nhà lãnh đạo giỏi là một người biết lắng nghe cấp dưới của mình và cung cấp cho họ mục tiêu, nguồn lực và phương hướng rõ ràng, cho phép cấp dưới của mình làm những gì họ cần. Ngoài Tổng thống Zelensky, Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov, người đã đem lại cho Kyiv nguồn viện trợ quân sự khổng lồ tư phương Tây, và tổng tư lệnh Valerri Zaluzhnyi, người đã giám sát chiến lược phòng thủ trong khi lên kế hoạch cho cuộc phản công sắp tới, cũng đóng vai trò chủ chốt trong cuộc chiến. Cả hai được miêu tả là “cầu nối không thể so sánh” giữa giới lãnh đạo quân sự và dân sự. Nhưng tổng tư lệnh Zaluzhny đảm trách việc chỉ huy một lớp các lãnh đạo khác là các vị tướng cấp cao, những người dẫn dắt quân đội, hải quân, và không quân cũng như các lực lượng tình báo, hậu cần hiệp đồng khác. Những vị tướng này là người đưa các phương hướng chiến lược vào kế hoạch, lực lượng chiến đấu, hỗ trợ hậu cần, phòng không, tấn công tầm xa, thu thập thông tin tình báo và nhiều chức năng quân sự quan trọng khác phải được đồng bộ hóa để Ukraine giành chiến thắng.

Ngoài ra, còn một lớp lãnh đạo nữa rất quan trọng đó là những chỉ huy các cấp từ phân khu, sư đoàn, trung đoàn, đến lữ đoàn vốn tập trung vào việc diễn tập, chuẩn bị và đánh sáp lá cà với quân Nga. Đối mặt với mối đe dọa hiện hữu từ Nga, thế hệ chỉ huy tác chiến mới đã học hỏi cách đánh mới: đó là khai thác drone và mạng chỉ huy kỹ thuật số để kết nối tốt hơn các lực lượng trinh sát với pháo binh, đồng thời cải thiện và kết nối các hoạt động vũ khí kết hợp. Cũng chính thế hệ chỉ huy mới này đã học các cách tiếp cận của phương Tây đối với các chỉ huy nhiệm vụ và phát triển phương thức chiến tranh của riêng Ukraine. Khác với các lãnh đạo khác, những chỉ huy tác chiến được giao trọng trách lãnh đạo đơn vị của mình tiêu diệt kẻ thù trên chiến trường, vốn là sự thúc ép kinh khủng nhất của ý chí con người.

Xem thêm tại: Twitter, Mick Ryan. Truy cập ngày 23/5/2023

Nguyên nhân nào khiến Anh và Mỹ bất đồng về cuộc chiến tại Ukraine?

Tuy Mỹ và Anh là đồng minh thân cận, nhưng bất đồng quan điểm về vấn đề Ukraine giữa Washington và London đang ngày càng gay gắt. Trong khi người Anh muốn người Mỹ phải quyết liệt hơn, thì người Mỹ lại muốn người Anh cẩn trọng hơn. Trước nhất, sự bất đồng chủ yếu xoay quanh việc viện trợ vũ khí.

Vào tuần trước, Anh đã tuyên bố sẽ viện trợ cho Ukraine tên lửa hành trình Bão Ảnh cùng các thiết bị chiến tranh điện từ cũng như hỗ trợ tình báo. Dù gói viện trợ của Anh vẫn chưa thể so với Mỹ, London lại cho thấy một nỗ lực lâu dài trong việc viện trợ vũ khí tốt nhất của mình cho Ukraine. Thêm vào đó, Anh cũng đã điều lực lượng đặc nhiệm SAS và trung đoàn SRR cũng như các đơn vị hải quân SBS đang hoạt động rất gần với tiền tuyến, để thực hiện nhiệm vụ cố vấn cho quân đội Ukraine. Tuy vậy, sự hỗ trợ này là không tưởng ở giai đoạn từ năm 2006 đến 2022, khoảng thời gian mà chính sách đối ngoại Anh hoàn toàn đặt mối đe dọa từ các nhóm khủng bố Hồi giáo làm trọng tâm. Cho đến khi cuộc xâm lược của Nga diễn ra vào năm 2022, thủ tướng Anh lúc bấy giờ là Boris Johnson, vốn là một người thân Nga, cũng thay đổi thái độ đối với Moscow khi ông điều lực lượng đặc nhiệm đến Ukraine cùng với lượng lớn các loại vũ khí khác nhau và khả năng tình báo khác. Sau thành công của những nỗ lực nhằm bảo vệ Ukraine của thủ tướng Boris Johnson, thủ tướng Anh đương nhiệm Rishi Sunak, người vốn được coi là chú trọng vào Trung Quốc nhiều hơn, cũng đã tăng gấp đôi viện trợ cho Ukraine.

Nhưng không chỉ Anh, các quốc gia Baltic và Ba Lan cũng đã than thở về sự thờ ơ của chính quyền Biden khi không viện trợ cho Ukraine vũ khí tân tiến mà Kyiv yêu cầu. Ngoài ra, sự cẩn trọng của Mỹ còn thể hiện ở những khu vực khác, ví dụ như khi một chiến đâu cơ của Nga bắn rơi drone của Mỹ tại Biển Đen hồi tháng ba, chính quyền Biden đã ra lệnh cho các chuyến bay tiếp theo sẽ phải tránh xa khu vực chiến trường.

Xem thêm tại: WSJ, The U.S. and U.K. Are Split on the Ukraine War. Truy cập ngày 20/5/2023

Tại sao Mỹ phải ưu tiên Đài Loan hơn Ukraine?

Có quan điểm cho rằng Mỹ không cần phải chọn lựa giữa viện trợ cho Ukraine hay ngăn chặn Trung Quốc xâm lược Đài Loan. Tuy nhiên, đây là một quan điểm sai lầm. Để có thể thực hiện hai nhiệm vụ trên cùng lúc, Mỹ cần phải tập trung nguồn lực để củng cố khả năng phòng thủ của Đài Loan trong khi chủ yếu dựa vào các đồng minh ở châu Âu để chống lại một nước Nga suy yếu. Nhưng vấn đề là cả Ukraine và Đài Loan đều cùng sử dụng một số loại vũ khí trong khi Mỹ chỉ có thể cung cấp một số lượng hạn chế. Vậy Mỹ có thể làm gì để đảm bảo vừa có thể bảo vệ Đài Loan vừa duy trì lợi ích của mình tại Châu Âu?

Trước nhất, Mỹ cần phải tăng tốc độ vận chuyển vũ khí quan trọng cho Đài Loan, bao gồm các vũ khí tấn công như HIMARS, ATACMS, GMLRS và drones, cũng như vũ khí phòng thủ NASAMS, Patriots, Harpoons, Stingers và Javelins. Để có thể thực hiện điều này, chính quyền Biden nên sử dùng thẩm quyền rút vốn của tổng thống để nhanh chóng vận chuyển vũ khí lấy từ kho đạn của Mỹ, với ưu tiên dành cho Đài Loan hơn là Ukraine đối với bất kỳ vũ khí nào mà cả hai đều cần. Ngoài ra, Washington cũng cần phải nhanh chóng đặt Đài Loan lên hàng đầu đối với việc bán vũ khí cho nước ngoài trên cả Ukraine và các đối tác ở Trung Đông. Cùng với đó, Mỹ cũng cần gia tăng hỗ trợ an ninh cho Đài Loan nhưng với điều kiện nghiêm ngặt rằng hòn đảo phải tăng ngân sách quốc phòng và theo đuổi chiến lược phòng thủ bất đối xứng. Tiếp đến, Mỹ cần phải mở rộng quy mô sản xuất vũ khí bằng cách phục hồi nền công nghiệp quốc phòng đang thoi thóp thật nhanh. Thêm vào đó, khi việc đánh đổi với các nơi khác phát sinh do thiếu vốn, nguồn cung, nhân công, thì Đài Loan phải được ưu tiên. Cuối cùng, chính quyền Biden cần phải xem việc phòng thủ Đài Loan nghiêm túc hơn nữa, bao gồm việc đảm bảo lực lượng của Mỹ tại châu Á nhận nguồn lực tình báo cần thiết đồng thời tập trung vào việc gia tăng vành đai phòng thủ ở khu vực. Song việc ưu tiên Đài Loan không có nghĩa là Mỹ phải bỏ rơi châu Âu. Thay vào đó, Mỹ nên để cho các đồng minh đảm đương trách nhiệm chính cho việc phòng thủ châu Âu, chủ yếu dựa vào Mỹ để có khả năng răn đe hạt nhân mở rộng và lựa chọn các năng lực thông thường không làm giảm khả năng ngăn chặn Trung Quốc của chúng ta.

Xem thêm tại:  Washington Post, To avert war with China, the U.S. must prioritize Taiwan over Ukraine. Truy cập ngày 19/5/2023

Lý do Mỹ nên ngưng các căn cứ quân sự ở nước ngoài là gì?

Bất chấp các bước tiến lớn về công nghệ quân sự trong thời gian qua, Mỹ không thể hoàn toàn chiến đấu ở khoảng cách xa. Do đó, sự hiện diện của Mỹ gần các khu vực xung đột tiềm tàng vẫn còn có giá trị không chỉ trong việc báo hiệu khả năng mà còn thể hiện ý chí chính trị để tham chiến theo cách mà các hệ thống tầm xa không thể thực hiện. Nhưng thay vì răn đe kẻ thù, các căn cứ quân sự của Mỹ ở nước ngoài đôi khi có thể chọc giận đối phương. Lấy ví dụ như hồi tháng ba vừa qua, Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích để trả đũa cuộc tấn công vào căn cứ không quân của liên quân do các nhóm phiến quân do Iran hậu thuẫn tại Syria thực hiện, vốn chỉ dẫn đến nhiều cuộc tấn công vào các cơ sở của Mỹ nhiều hơn.

Tiếp đến, các căn cứ ở nước ngoài tuy có thể trấn an đồng minh, nhưng trong một số trường hợp chiến lược này quá hiệu quả sẽ dẫn đến nguy cơ các đồng minh quá tự mãn đối với thế bố trí phòng thủ của họ. Mặt khác, thay vì trấn an, sự hiện diện của quân đội Mỹ có thể khiến người dân địa phương phẫn nộ đối với lãnh đạo của họ do các vi phạm về luật lao động và các hành vi phạm pháp của lính Mỹ, khiến các đồng minh không còn tin rằng các căn cứ này là nhằm mục đích trấn an. Kế đến, các căn cứ ở nước ngoài có thể đem lại cho Mỹ lợi thế phản ứng đối với một cuộc khủng hoảng nhanh chóng, nhưng đây không hẳn là một điều tốt. Theo đó, các căn cứ ở nước ngoài khiến cho việc tham chiến quá dễ dàng dẫn đến việc quân đội Mỹ dễ sa vào việc can thiệp bất hợp pháp, từ đó khiến cho một số bên kêu gọi hoàn toàn bãi bỏ các căn cứ này. Cuối cùng, chi phí duy trì các căn cứ ở nước ngoài, cụ thể hơn là tại vùng Vịnh Ba Tư, tiêu tốn khoảng 5 tỷ đến 50 tỷ USD là không đáng khi rủi ro bị kẻ thù xâm chiếm rất thấp và việc Mỹ tiếp tục hiện diện tại khu vực sẽ tạo ra phản kháng chính trị từ người dân của các nước sở tại. Dù vậy, việc đóng cửa các căn cứ ở nước ngoài sẽ rất khó khi chúng tạo ra một chi phí chìm đáng kể, và sẽ rất khó để có thể có được ý chí chính trị và quan liêu để giải thích cho khoản chi phí thất thoát này.

Xem thêm tại: Foreign Policy, Why the U.S. Should Close Its Overseas Military Bases. Truy cập ngày 17/5/2023

Tại sao Nhật Bản không thể tiếp tục né tránh xung đột?

Đứng trước tham vọng bành trướng ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc, Nhật Bản không thể tiếp tục dựa dẫm vào sự bảo vệ của Mỹ, vốn khiến cho ngân sách quốc phòng của Tokyo rất thấp. Sau khi bại trận trong CTTG II, hiến pháp của Nhật Bản cấm duy trì các lực lượng trên bộ, trên biển, và trên không, vốn phù hợp với những nhà lãnh đạo muốn né tránh tranh luận chính trị gây chia rẽ về vấn đề ngân sách quốc phòng (ở mức 1% GDP). Hiến pháp hậu chiến cũng trấn an các nước Đông Nam Á rằng Nhật Bản sẽ không còn xâm lược nước ngoài nữa. Tuy nhiên, sau khi Mỹ nhận ra giá trị của Nhật Bản với tư cách là một đồng minh thời Chiến tranh Lạnh, Washington đã thúc đẩy Tokyo trở nên chủ động hơn. Nhưng bất chấp lời kêu gọi của Mỹ, Nhật vẫn từ chối can dự vào cuộc chiến tại Việt Nam và Vịnh Ba Tư vì lo sợ rằng bản thân sẽ bị kéo vào một cuộc chiến giữa các siêu cường.

Song Trung Quốc, Triều Tiên và Nga hiện tại đã khiến cho Nhật phải đánh giá lại tình hình. Trong những năm qua, chính phủ Nhật Bản đã tái diễn giải bản hiến pháp theo chủ nghĩa ôn hòa nhằm gia tăng khả năng quân sự và vai trò của mình trong liên minh với Mỹ. Vào tháng mười hai năm ngoái, Nhật Bản đã quyết định tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng lên 2% GDP trong vòng năm năm tới, quyết định sẽ khiến Tokyo sẽ là nước thứ ba có chi tiêu quốc phòng lớn nhất thế giới sau Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, ngay cả khi đã có kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng, thì cũng không có gì đảm bảo rằng Tokyo sẽ hiện thực hóa nó. Khác với Liên Xô, Bắc Kinh là một đối thủ đáng gờm hơn nhiều khi hải quân Trung Quốc sở hữu lượng tàu chiến và có lực lượng bảo vệ bờ biển lớn nhất, cũng như đang ngày càng gia tăng lực lượng tên lửa nhanh chóng. Mặt khác, dù nhiều lần cam kết sẽ “xoay trục” sang châu Á, nhưng Mỹ hiện tại đang bị phân tâm bởi cuộc chiến ủy nhiệm tại châu Âu và nỗi lo về một cuộc chiến với Iran nếu Tehran có được vũ khí hạt nhân. Giờ đây, Nhật Bản có hai lựa chọn, hoặc là tiếp tục đổ hết mọi trách nhiệm lên Mỹ với hy vọng rằng Washington sẽ gánh vác nó, hoặc là chấm dứt quan hệ liên minh để theo đuổi trung lập hay hòa hoãn với Trung Quốc. Nếu giới lãnh đạo Nhật Bản chọn phản kháng lại bá quyền Trung Quốc đối với châu Á, thì Tokyo sẽ trở nên giống với Tây Đức trước đây: bị đe dọa nặng nề, ở trung tâm của cuộc cạnh tranh địa chính trị và phải tự bảo vệ chính mình. Tuy nhiên, ngân sách quốc phòng mới của Nhật vẫn rất khiêm tốn, 2% GDP vẫn chưa đủ để có thể răn đe một siêu cường như Trung Quốc. Cuối cùng, một số ý kiến cho rằng quân đội Nhật mạnh lên có thể gây ra nỗi lo trong khu vực do những hành vi bạo lực trong chiến tranh trước đây. Song ngoài Trung Quốc và Triều Tiên, nhiều nước trong khu vực và xa hơn hoàn toàn không e ngại việc Nhật đóng vai trò an ninh lớn hơn, điển hình như các đối tác an ninh như Ấn Độ và Úc còn khuyến khích Tokyo đảm nhiệm vai trò này.

Xem thêm tại: NY Times, Japan Can’t Pass the Buck Anymore. Truy cập ngày 19/5/2023

Phiến quân Myanmar có được vũ khí hạng nhẹ từ đâu?

Trong thời gian qua, lực lượng phòng vệ nhân dân Myanmar (PDF) đã nhận được rất nhiều vũ khí hạng nhẹ, với hàng ngàn khẩu súng trường được sử dụng không chỉ ở vùng biên giới mà còn ở phần lớn các vùng của người Bamar như Sagaing, Magwe và Bago ở trung tâm của đất nước. Hầu hết số vũ khí này là súng trường Type-56, bản nhái AK-47, và Type-81 do Trung Quốc sản xuất. Thêm vào đó, nhiều loại súng xài đạn 5,56mm hiện đại và nhỏ hơn cũng đang được PDF sử dụng bao gồm M-4 carbine và M-16 của Mỹ, cùng với súng trường HK-33 phiên bản Đức từng được cấp phép sản xuất tại Thái Lan. Song song với súng trường, PDF cũng có được ngày càng nhiều vũ khí bộ binh có khả năng vừa bắn vừa chạy (hit-and-run), bao gồm súng máy hạng nhẹ, súng phóng lựu cầm tay 40mm, Type-69 RPG, vốn là phiên bản Trung Quốc nhái từ RPG-7 do Liên Xô sản xuất. Mặt khác, sự phổ biến của vũ khí cầm tay và hạng nhẹ đang tái định hình cuộc chiến tại Myanmar đến từ ba nguồn chính. Nguồn thứ nhất đến từ quân đội giải phóng quốc gia Karen (KNLA) ở biên giới phía đông với Thái Lan, Quân đội Karenni (KA) ở bang Kayah ở phía bắc và Quân đội Quốc gia Chin (CNA) ở biên giới với Ấn Độ. Thêm vào đó, quân đội độc lập Kachin (KIA) ở cực bắc và quân đội bang Wa thống nhất (UWSA), vốn trung lập nay đã nghiêng về phía PDF, ở phía đông bắc đều sản xuất hàng nhái của Type-81 nhiều hơn bất kỳ loại súng trường nào khác đã cung cấp cho các đơn vị PDF mới. Nguồn chủ chốt kế tiếp đến từ đường dây buôn người xuyên biên giới từ Thái Lan. Do tham nhũng có hệ thống, vũ khí quân sự đã bị rò rỉ từ các kho vũ khí của lực lượng an ninh Thái Lan trong khi hoạt động buôn bán súng được mua và nhập khẩu hợp pháp phát triển mạnh, sau đó được tuồn ra thị trường chợ đen đã cung cấp nhiều loại súng khác nhau bao gồm súng bán tự động AR-15 do Mỹ sản xuất, súng tự động FN-FAL của Bỉ, súng máy hạng nhẹ Ultimax của Singapore, súng ngắn bán tự động Derya hoàn toàn mới của Thổ Nhĩ Kỳ. Nguồn cuối cùng đến từ khả năng tự sản xuất súng của PDF. Ngoài nguồn nhập vũ khí từ nước ngoài, bộ quốc phòng NUG cũng đã thiết lập và trang bị các cơ sở sản xuất được điều hành bởi các quân nhân đào ngũ.  Ngay từ những ngày vận hành đầu tiên vào cuối năm 2021, việc phát triển drone trên toàn quốc đã là một yếu tố đổi mới đáng chú ý cùng với súng cối và tên lửa thô. Tuy nhiên, việc tự sản xuất đã không còn là nguồn chủ chốt do các loại vũ khí thu được từ quân đội và cảnh sát Myanmar bao gồm súng trường tấn công tiêu chuẩn 5,56 mm MA-1 và MA-3 sản xuất trong nước, cộng với súng trường MA-11 lỗi thời.

Xem thêm tại: Asia Times, Myanmar PDFs getting the guns to turn the war. Truy cập ngày 20/5/2023