Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Nga tiến hành một cuộc không kích ban ngày hiếm hoi vào thủ đô Kyiv của Ukraine, ngay sau hai đêm không kích dữ dội bằng máy bay không người lái. Ukraine thông báo bắn hạ toàn bộ tên lửa; còn Nga cho biết đã bắn trúng mục tiêu. Không có thương vong nào được báo cáo, mặc dù loạt không kích nhắm vào trung tâm thành phố. Tất cả 16 cuộc tấn công vào Kyiv trong tháng này đều diễn ra vào ban đêm và chủ yếu nhằm vào các cơ sở hạ tầng và hệ thống phòng không ở ngoại ô thủ đô.
Tổng thống Uganda ban hành một trong những luật chống đồng tính khắc nghiệt nhất thế giới. Bất kỳ ai bị phát hiện có quan hệ tình dục đồng tính – vốn đã bất hợp pháp – sẽ đối mặt án tù chung thân. Những người quan hệ tình dục đồng tính với người dưới 18 tuổi hoặc người nhiễm HIV có thể bị tử hình. Các nhóm nhân quyền nói luật này sẽ gây cản trở việc điều trị bệnh HIV. Tổng thống Mỹ Joe Biden đe dọa trừng phạt nếu Uganda không bãi bỏ luật.
Chính quyền Biden và các lãnh đạo Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ đang nỗ lực kêu gọi các nhà lập pháp thông qua thỏa thuận trần nợ của họ trong tuần này và ngăn vỡ nợ công. Tối đa 60 hạ nghị sĩ Cộng hòa có thể bỏ phiếu chống, trong khi hầu hết 213 thành viên Dân chủ của Hạ viện 435 ghế sẽ ủng hộ nó. Sau đó đến lượt Thượng viện.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda phê chuẩn đạo luật thành lập ủy ban điều tra ảnh hưởng của Nga lên các chính trị gia Ba Lan từ năm 2007 đến năm 2022, điều có thể cấm họ giữ chức vụ công trong mười năm. Luật mới này đang gây náo động: phe đối lập tố cáo ủy ban là công cụ đàn áp đối lập — đặc biệt là Donald Tusk, cựu thủ tướng và là đối thủ chính của chính phủ — trước cuộc bầu cử khó khăn năm nay.
Pedro Sánchez, thủ tướng Tây Ban Nha kể từ năm 2018, đã kêu gọi tổng tuyển cử vào ngày 23 tháng 7. Cuộc bỏ phiếu ban đầu được lên kế hoạch cho cuối năm nay, nhưng nhà lãnh đạo theo khuynh hướng xã hội cho biết kết quả của cuộc bầu cử địa phương hôm Chủ nhật — trong đó Đảng Công nhân Xã hội Chủ nghĩa Tây Ban Nha của ông và đồng minh Podemos chịu thất bại trước các đối thủ bảo thủ — khiến ông phải đẩy nhanh lịch trình bầu cử.
Nhật Bản đặt hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo trong tình trạng báo động sau khi Triều Tiên tuyên bố có kế hoạch phóng một vệ tinh trong vòng hai tuần tới. Chính phủ Nhật Bản cảnh báo sẽ “thực hiện các biện pháp phá huỷ” đối với bất kỳ vật thể nào đe dọa lãnh thổ đất nước. Tháng trước, nhà độc tài Kim Jong Un cho biết Triều Tiên đã chế tạo được vệ tinh do thám đầu tiên.
Trung Quốc sẽ đưa phi hành gia dân sự đầu tiên lên vũ trụ vào thứ Ba, theo lời giới chức. Cho đến nay, tất cả các phi hành gia Trung Quốc đều là quân nhân. Sứ mệnh hôm thứ Ba sẽ tới trạm vũ trụ Thiên Cung và là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm bắt kịp Mỹ. Được biết Bắc Kinh đang nhắm đến việc đưa phi hành gia lên mặt trăng vào năm 2030 và thiết lập một căn cứ tại đây.
Con số trong ngày: 1,4 triệu, là dự kiến số người di cư ròng đến Mỹ trong năm nay, nhiều hơn một phần ba so với trước đại dịch.
TIÊU ĐIỂM
Các nỗ lực tạo ra định chế quản lý cho AI
Các quan chức G7 sẽ gặp nhau vào thứ Ba để lần đầu tiên thảo luận về chính sách quản lý các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) như ChatGPT. Cuộc họp này một lần nữa cho thấy cả chính phủ và các công ty công nghệ lớn đều đồng ý là cần phải làm gì đó để AI không phát triển quá nhanh đến mức mất kiểm soát. Chẳng hạn, hôm 22 tháng 5, OpenAI, công ty khởi nghiệp tạo ra ChatGPT, đã kêu gọi thành lập một cơ quan quản lý quốc tế như Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế.
Nhưng để vạch ra các bước cụ thể không hề đơn giản. Ngay cả một định nghĩa chung về AI cũng chưa có, trong khi lợi ích của các bên rất khác nhau. OpenAI, một tổ chức dù tuyên bố phi lợi nhuận nhưng đang ngày càng chạy theo lợi nhuận, muốn các quy định được áp dụng nhẹ nhàng, trong khi EU thúc đẩy kiểm soát chặt chẽ. Khi mà EU đã có “Đạo luật AI” đang được soạn thảo, họ có thể một lần nữa đặt ra các quy tắc cho thế giới — như họ từng làm về quyền riêng tư với Quy định Bảo vệ Dữ liệu Chung GDPR.
Giá nhà ở Mỹ hồi sinh
Dù lãi suất có thể còn tăng ở Mỹ, giá nhà đang tăng trở lại. Vào tháng 2, giá nhà đã tăng gần 0,2%, chấm dứt chuỗi bảy tháng giảm giá. Giới phân tích sẽ xem xét kĩ lưỡng khi chỉ số S&P CoreLogic Case-Shiller, thước đo giá nhà ở Mỹ, được công bố vào thứ Ba.
Hai yếu tố có thể duy trì đà phục hồi của giá nhà, ngay cả khi lãi suất thế chấp tiếp tục tăng. Đầu tiên là nguồn cung. Sau hơn một thập niên ngành xây dựng hoạt động dưới sức, nước Mỹ đang đối mặt tình trạng thiếu nhà ở, khiến giá nhà bị đẩy lên cao. Bên cạnh đó là sự phổ biến của “còng tay vàng” — các khoản thế chấp có lãi suất cố định thấp khiến hàng triệu chủ nhà bị ràng buộc với những ngôi nhà mà họ có thể muốn rời đi.
Yếu tố thứ hai là thị trường lao động nóng của Mỹ. Tỷ lệ thất nghiệp thấp, cùng với khoản tiết kiệm dư thừa sau đại dịch, làm tăng nhu cầu nhà mới. Và với rất nhiều người mua tiềm năng đang chờ đợi, giá có thể vẫn chưa chạm trần.
Tổng thống Lula muốn xây dựng lại hình ảnh Brazil lãnh đạo Nam Mỹ
Vào thứ Ba, tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva đã tổ chức cuộc họp khu vực cấp cao đầu tiên trong gần một thập niên qua với mười người đồng cấp Nam Mỹ khác. Ông hy vọng sự kiện sẽ giúp hàn gắn một số rạn nứt về ý thức hệ giữa các nhà lãnh đạo trong khu vực.
Trong nhiệm kỳ tổng thống trước đây của mình từ năm 2003 đến 2010, Lula đã mở rộng ảnh hưởng toàn cầu của Brazil bằng cách thay mặt cho các quốc gia bất hòa ở Mỹ Latinh trên trường quốc tế. Sau khi nhậm chức vào tháng 1, ông muốn lặp lại thành tích này. Nhưng cơ chế hợp tác của ông, Liên minh Nam Mỹ (UNASUR) do Venezuela khởi xướng vào năm 2004, đang bị suy giảm số lượng thành viên. Và hầu hết các tổng thống đều bận giải quyết các vấn đề ở quê nhà — ví dụ, Peru sẽ cử thủ tướng đến dự sau khi Pedro Castillo bị lật đổ khỏi vị trí tổng thống vào tháng 12. Khi gặp các đồng nghiệp, Lula có thể nhận ra bao nhiêu điều đã thay đổi sau mười năm.
Scandal đại dịch của Boris Johnson vẫn chưa chấm dứt
Thứ Ba này là hạn chót để chính phủ Anh bàn giao một loạt các tài liệu nhạy cảm cho cuộc điều tra chính thức về đại dịch. Đối với những người muốn hiểu điều gì đã sai (hoặc đúng) trong phản ứng của chính phủ Anh trước đại dịch Covid, lô tài liệu này là một mỏ vàng.
Các giấy tờ được yêu cầu bao gồm nhật ký chưa được chỉnh sửa từ đầu năm 2020 đến đầu năm 2022, được viết bởi Boris Johnson, người khi đó là thủ tướng, cũng như 24 cuốn sổ ghi chép của ông vào thời điểm đó. Cuộc điều tra cũng yêu cầu tin nhắn WhatsApp giữa ông Johnson và ít nhất 40 quan chức cấp cao nhất của ông. Các bộ trưởng bảo thủ nói việc tiết lộ tin nhắn sẽ tạo tiền lệ có hại. Khả năng sẽ có một cuộc chiến pháp lý.
Cuộc điều tra sẽ đánh giá một cách cẩn thận các cáo buộc ông Johnson vi phạm các quy tắc Covid nghiêm ngặt của chính mình (trước đó ông đã bị phạt vì tham dự một bữa tiệc ở Phố Downing trong thời gian phong tỏa). Các phiên điều trần miệng, bắt đầu vào mùa hè này, hứa hẹn tiếp tục chiếm trang nhất các báo.
Bế mạc cuộc họp thường niên của WHO
Vào thứ Ba, Đại hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 76 sẽ bế mạc. Trong hơn một tuần qua, các bộ trưởng y tế, bác sĩ và các nhà vận động đã đến Geneva để vạch ra các ưu tiên y tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một cơ quan được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn vừa bước sang tuổi 75. Chúng bao gồm các nghị quyết tăng cường thực phẩm thiết yếu, chẳng hạn như gạo, với vitamin và khoáng chất; tăng cường tiếp cận toàn cầu với các dịch vụ phục hồi chức năng, chẳng hạn như vật lý trị liệu; và để giảm số ca tử vong do đuối nước.
Nhưng các vấn đề chính trị – cả quốc tế và nội bộ – đã làm lu mờ phần lớn hội nghị. Đài Loan bị cấm tham gia; họ đáp lại bằng cáo buộc WHO thiên vị Trung Quốc. Nga đã cố gắng (và thất bại) làm hỏng chiếc vé bầu Ukraine vào ban điều hành của WHO. Và Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc của WHO, thừa nhận tổ chức này đã làm quá ít trước nạn lạm dụng và quấy rối tình dục trong nội bộ nhân viên suốt nhiều năm qua. Một cuộc điều tra sẽ khép lại trong vòng 200 ngày tới. Trước khi giúp ích cho thế giới, WHO cần tự chữa bệnh cho chính mình.